Một số kết quả các cuộc khảo nghiệm khoa học

về Tấm Khăn Liệm thành Torino

 

Một số kết quả các cuộc khảo nghiệm khoa học về Tấm Khăn Liệm thành Torino.

Roma (Vat. 17-03-2015) - Nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật của thánh Gioan Bosco, Tấm Khăn Liệm Thánh thành Torino sẽ được trưng bầy cho tín hữu khắp nơi kính viếng từ ngày 19 tháng 4 cho tới ngày 24 tháng 6 năm 2015. Tính đến giữa tháng 2 năm 2015 đã có 600 ngàn tín hữu ghi danh kính viếng. Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ đến Torino kính viếng Khăn Liệm Thánh ngày 21 tháng 6 năm 2015. Phát biểu về Tấm Khăn Liệm Thánh thành Torino Ðức Thánh Cha đã nói: "Người của Tấm Khăn Liệm mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Ðức Giêsu thành Nagiarét... và thúc đẩy chúng ta lên Núi Calvariô để đắm chìm trong sự thinh lặng hùng hồn của tình yêu".

Trong năm 2015 có nhiều sáng kiến được đề ra để trình bầy Tấm Khăn Liệm Thánh. Trong các ngày cuối tháng giêng năm 2015 giáo sư Giuseppe Baldacchini, chuyên viên Khăn Liệm Thánh đã nói chuyện với tín hữu trong nhà thờ giáo xứ thánh Tôma thành Villanova ở Castel Gandolfo.

Lịch sử Tấm Khăn Liệm thành Torino

Tấm Khăn Liệm thành Torino hay Tấm Khăn Liệm Thánh là một khăn vải gai, được lưu giữ trong nhà thờ chính tòa Torino, trung bắc Italia, trên đó có hình của một người mang các dấu vết đối xử và tra tấn tàn tệ phù hợp với các dấu vết được miêu tả trong cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu. Truyền thống kitô đồng hóa hình người với Ðức Giêsu và tấm khăn với tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu.

Từ Sindone bắt nguồn từ tiếng Hy lạp "Sindon" có nghĩa là một tấm vải rộng như vải giường và có thể là vải gai tốt hay vải Ấn Ðộ. Vào thời xa xưa từ Sindon đã không liên quan tới việc tôn kính người chết hay việc an táng, nhưng ngày nay nó đã trở thành đồng nghĩa với tấm vải liệm xác người chết trong truyền thống Do thái.

Năm 1988 việc khảo cứu bằng carbon 14 được thực hiện một cách độc lập bởi các phòng thí nghiệm Oxford bên Anh quốc, Tucson bên Hòa Kỳ và Zurich bên Thụy Sĩ, đã xác định thời gian tấm khăn liệm giữa các năm 1260-1390, là thời gian tương ứng với khởi đầu lịch sử Tấm Khăn Liệm. Tuy nhiên tính cách xác thực của nó tiếp tục là đối tượng của các tranh luận rất mạnh mẽ. Lý do là vì các mẫu vải dùng để nghiên cứu chắc đã được lấy từ vải thêm vào sau này trong các lần tu sửa tấm khăn liệm. Các cuộc nghiên cứu khác cho biết tấm khăn liệm phát xuất từ Palestina thuộc thế kỷ thứ I và có nhiều vết phấn hoa của các loại thảo mộc mọc bên Thánh Ðịa.

Trong các thời gian qua Tấm Khăn Liệm thành Torino đã được trưng bầy cho tín hữu kính viếng vào các năm 1978, 1998, 2000, 2010 và 2013 với video sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Tấm Khăn Liệm dài 4.41 mét, rộng 1.11 mét, dầy 0.34 mm và nặng 2 ký 450 gr, được dệt bằng tay. Hình trên tấm khăn liệm là hình của một người nam trưởng thành trần truồng, có râu và tóc dài, trên trán có vết máu chảy, mũi bị đánh gẫy, thân mình đầy vết roi đánh từ trên xuống dưới chân, phía trước cũng như sau lưng, đàng sau gáy bê bết máu. Tay phải để chéo trên tay trái, cổ tay phải có dấu đinh đóng và máu, chân trái có vết đinh đóng và máu.

Khi đứng xa khoảng 2 mét có thể nhận ra hình người rất rõ với các chi tiết kể trên.

Các sử gia đều đồng ý cho rằng lịch sử Tấm Khăn Liệm đã có từ giữa thế kỷ XIV, tức với chứng tích lịch sử chính xác năm 1353. Ngày 20 tháng 6 năm 1353 hiệp sĩ Geoffroy de Charny đã cho xây một nhà nguyện trong thành phố Lirey nơi ông ở, rồi trao cho các kinh sĩ nhà nguyện một tấm khăn và nói rằng đó là Tấm Khăn Liệm xác Chúa Giêsu. Nhưng ông không giải thích tại sao ông lại có được nó. Sự kiện ông sở hữu Tấm Khăn Liệm cũng được chứng minh bởi một chiếc mề đai vớt được trong sông Senne hồi thế kỷ XX, và hiện được lưu giữ trong viện bảo tàng Cluny ở Paris, trên đó có hình Tấm Khăn Liệm trong thế chiều ngang với hình mặt phía bên trái. Trên mề đai cũng có hình các khí giới của nhà Charny và nhà Vergy của bà Jeanne vợ ông.

Có vài tin tức thời ấy liên quan tới Tấm Khăn Liệm như "Ký ức của Arcis" là một lá thư Ðức Cha Pierre d' Arcis, Giám Mục thành Troyes viết năm 1389 cho Ngụy Giáo Hoàng Clemente VII hồi đó được nước Pháp coi là Giáo Hoàng hợp pháp, để phản đối việc trưng bầy Tấm Khăn Liệm do Geoffroy II, con của Geoffroy tổ chức. Ðức Cha D' Arcis viết rằng Tấm Khăn Liệm đã được trưng bầy lần đầu tiên trước đó 34 năm, tức vào năm 1355, nhưng thật ra nhiều sử gia cho rằng vào năm 1357, tức sau khi Geoffroy qua đời trong trận đánh tại Poitiers ngày 19 tháng 9 năm 1356. Và Ðức Cha D'Arcis cho biết vị tiền nhiệm của ngài là Ðức Cha Henry de Poitiers đã mở án chống lại Kinh sĩ trưởng vì nghi ngờ tính chất xác thực của khăn liệm, do đó tấm khăn mới bị giấu đi để không bị tịch thu và nghiên cứu. Các nhà thần học được Ðức Cha Henry de Poitiers tham khảo bảo đảm là không có Tấm Khăn Liệm với hình của Chúa Giêsu, bởi nếu không thì các Phúc Âm đã nói tới. Ngoài ra, có một họa sĩ đã thú nhận ông đã vẽ tấm khăn, nhưng Ðức Cha D' Arsis không cho biết tên.

Tuy nhiên, có nhiều nghi ngờ đối với Ký ức của Ðức Cha D'Arsis. Ðã không có tài liệu nào xác định việc Ðức Cha Henry de Poitiers đã cho mở cuộc điều tra Tấm Khăn Liệm. Trong một thư viết cho Geoffroy de Charny năm 1356 ngài đã không đả động gì tới Khăn Liệm. Có vài sử gia cho rằng Ðức Giám Mục D'Arsis muốn tuyên bố Tấm Khăn Liệm là khăn giả, vì thấy nó lôi cuốn qúa nhiều tín hữu hành hương tới Lirey, và như thế gây thiệt hại cho số tiền thu vào ở nhà thờ chính tòa Troyes, vì trong chính năm 1389 mái nhà thờ đã bị sập và đang rất cần tài chánh dể tu sửa.

Công tước Geoffroy cũng gửi cho Ðức Clemente VII một bức thư phản kháng, vì thế năm 1390 Ðức Clemente VII mới đưa ra một giải pháp dung hòa. Một đàng ngài ra sắc lệnh cho phép trưng bầy Tấm Khăn Liệm, đàng khác lại bắt phải tuyên bố rằng nó là một bức vẽ và hình người trên tấm khăn liệm không phải là hình của Chúa Giêsu Kitô, nhưng là một bức vẽ hay bản vẽ bắt chước Tấm Khăn Liệm. Nhưng vài tháng sau đó có lẽ vì nhận được các tin tức khác nên Ðức Clemente VII thay đổi kiểu diễn tả và nói tấm khăn là một hình ảnh hay một diễn tả không loại trừ tính cách xác thực của nó. Ngoài ra, Ðức Giáo Hoàng cũng cấm Ðức Cha D' Arcis không được nói chống lại Tấm Khăn Liệm, nếu không sẽ bị vạ tuyệt thông.

Vài năm sau đó khoảng năm 1415 quận công Humbert de la Roche, chồng của bà Marguerite de Charny, con gái Geoffroy II, nhận Tấm Khăn Liệm và cất kỹ khi xảy ra chiến tranh giữa Bourgogne và nước Pháp. Sau đó bà Marguerite từ chối không giao Tấm Khăn Liệm cho kinh sĩ đoàn nhà nguyện Lirey nữa. Các kinh sĩ tố cáo bà, nhưng vụ kiện kéo dài nhiều năm, và bà Marguerite bắt đầu tổ chức các cuộc trưng bầy tại nhiều nơi trong Âu châu. Năm 1449 tại Chimay bên Bỉ sau một cuộc trưng bầy Tấm Khăn Liệm, Ðức Giám Mục địa phương ra lệnh điều tra và buộc bà Marguerite trình sắc chỉ của Ðức Clemente VII định nghĩa Tấm Khăn là một bức họa vì thế không được phép trưng bầy cho dân chúng kính viếng nữa, và bà Marguerite bị trục xuất khỏi thành phố. Trong các năm tiếp theo bà tiếp tục từ chối trả tấm khăn lại cho các kinh sĩ Lirey, rồi năm 1453 bà bán tấm khăn cho nhà Savoia. Vì cung cách hành xử này năm 1457 bà bị dứt phép thông công.

Nhà Savoia cất giữ Tấm Khăn Liệm tại Chambéry và năm 1502 cho xây một nhà nguyện để giữ Tấm Khăn Liệm. Năm 1506 Ðức Giáo Hoàng Giulio II cho phép tín hữu công khai tôn kính Tấm Khăn Liệm. Ðêm mùng 3 rạng ngày mùng 4 tháng 12 năm 1532 nhà nguyện Chambéry bị cháy. Một vị cố vấn của công tước và hai tu sĩ của tu viện gần đó đã cùng vài bác thợ rèn phá cổng vào nhà nguyện và vội vàng đem hòm bằng bạc đựng Tấm Khăn Liệm ra ngoài. Vài giọt bạc bị nung chảy ra rơi trên Tấm Khăn Liệm và đốt cháy nhiều chỗ. Sau đó Tấm Khăn Liệm được giao cho các nữ tu Clara Chambéry giữ. Các chị đã tu sửa Khăn Liệm bằng cách khâu vá các mảnh vải bị cháy lớn nhất và khâu Khăn Liệm vào một tấm vải khác đệm bên dưới. Trong cùng thời gian đó tin đồn Tấm Khăn Liệm đã bị cháy hay bị đánh cắp khiến người ta cho mở cuộc điều tra chính thức và thu thập chứng từ của những người đã trông thấy Tấm Khăn Liệm trước và sau cuộc hỏa hoạn. Kết qủa chứng nhận rằng đó là Tấm Khăn Liệm thật và năm 1534 nó lại được trưng bầy cho tín hữu kính viếng.

Một số kết quả các cuộc khảo nghiệm khoa học về Tấm Khăn Liệm thành Torino

Truyền thống công giáo vẫn tin rằng đây đã là tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu.

Giáo Hội Công Giáo không chính thức lên tiếng liên quan tới tính cách đích thực của tấm khăn liệm và để cho khoa học nhiệm vụ duyệt xét các chứng cớ thuận và nghịch, nhưng cho phép tôn kính như là hình ảnh cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, các Giáo Hoàng từ Ðức Pio XI tới thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bầy tỏ xác tín đó đã là tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu.

Sau đây là kết qủa của một số các cuộc khảo nghiệm khoa học liên quan tới các chi tiết của Tấm Khăn Liệm.

Năm 1978 Ðức Hồng Y Torino Ballestrero cho phép các chuyên viên của Tổ chức nghiên cứu Tấm Khăn Liệm phân tích khăn liệm. Ông Walter McCrone cho rằng Khăn Liệm là một bức vẽ dùng các sắc tố mầu đỏ của thảo mộc rất thịnh hành trong vùng Trung Ðông. Nhưng các kết luận của ông không đủ sức thuyết phục. Tổ chức chỉ định hai chuyên viên khác là John Heller và Alan Edler thực hiện các phân tích mới. Hai người đi tới kết luận tìm ra các phân tử hồng huyết cầu trộn lẫn với dầu thơm, và chúng phát xuất từ các chất đạm chứ không phải từ các sắc tố khoáng chất hay thảo mộc. Ngoài ra, họ thấy quầng phản xạ chung quanh các vết máu được tạo thành bởi huyết thanh. Các mẫu lấy từ khăn liệm không chứa các ốc xi sắt mà ông McCrone cho là son đỏ, nhưng chứa đựng 10 khoáng chất hiện diện trong máu (Na, Mg, Al, Si, P, S, Cl, K, Ca, Fe).

Năm 1982 sự hiện diện của máu cũng được các khoa học gia Baima Bollone, Jorio và Masarro khẳng định là thuộc nhóm AB. Phân tích này cũng đã được Tổ chức nghiên cứu Tấm Khăn Liệm lập lại và xác nhận. Tổ chức và ông Bollone cho rằng các dấu máu đó phát xuất từ sự kiện Tấm Khăn Liệm tiếp cận thẳng với thân mình của người được cuộn trong đó.

Vải của Tấm Khăn Liệm đã được các khoa học gia Virgilio Timossi, Silvio Curto giám đốc Viện bảo tàng Ai Cập Torino, và nhiều người khác xét nghiệm. Sau khi gỡ tấm vải đệm bên dưới, được tu sửa và ủi thẳng Khăn Liệm dài 442 cm, bên trái rộng 113 cm bên phải rộng 113.7 cm. Nó là vải gai được dệt bằng tay. Các sợi cho thấy các dấu vết không đều của việc dệt bằng tay.

Trên bình diện khảo cổ các khăn liệm do thái thuộc thế kỷ thứ I khác với Tấm Khăn Liệm thành Torino về loại vải cũng như kiểu dệt, kiểu xe sợi và cách cuốn quanh thân thể người chết. Một tấm khăn liệm tìm thấy tại Akeldamà thuộc năm 50-70 sau công nguyên rất khác với Khăn Liệm thành Torino: hai cánh tay dọc hai bên thân thể, cổ, các cổ tay và cổ chân được cuốn băng. Vải liệm bằng len có cấu trúc 1:1, trong khi Tấm Khăn Liệm thành Torino có cấu trúc xương sống cá 3:1, và sợi ngang hình chữ S, trong khi Tấm Khăn Liệm sợi ngang hình chữ Z. Các khăn liệm khác cùng thời xác nhận sư hiện diện của các sợi dệt ngang đơn sơ hơn kiểu dệt của Tấm Khăn Liệm thành Torino. Ðiều này khiến người ta nghi ngờ nó đã không được sản xuất trong vùng Do thái.

Hình người trên Tấm Khăn Liệm thiếu các méo mó chuyên biệt rất nở giãn nhất là mặt của hình một thân xác tiếp cận với một tấm khăn liệm. Ngoài ra, vì sức nặng của thân thể hình lưng đáng lý ra phải đậm hơn phía trước, nhưng đây không phải là trường hợp của Tấm Khăn Liệm thành Torino. Cho tới nay người ta đã không tìm thấy các mẫu vải thuộc thế kỷ thứ I giống Tấm Khăn Liệm thành Torino dệt theo hình xương cá. Trái lại có một mẫu được giữ trong viện bảo tàng Victoria và Albert bên Luân Ðôn thuộc thế kỷ XIV. Người ta cũng đã tìm thấy vài khăn liệm, hay phần khăn liệm, thuộc thế kỷ thứ I bằng vải gai hay bằng len, có sợi ngang dệt kiểu 1:1 hay 2:2 theo hình chữ S, và các tấm vải và dây theo kiểu bó xác như kể trong Phúc Âm thánh Gioan.

Ông Shimon Gibson, nhà khảo cổ người do thái, đã tìm ra khăn liệm Akeldamà cũng tìm thấy một tấm khăn tay che mặt. Dựa trên các khác biệt và kết qủa thử nghiệm carbon 14 ông cho rằng Tấm Khăn Liệm thành Torino không phải là khăn liệm thật, vì kiểu một tấm khăn dài duy nhất như thế không thuộc kiểu thực hành chôn cất chung của thời Chúa Giêsu.

Liên quan tới việc xét nghiệm bác sĩ hợp pháp ông Baima Bollone, chuyên viên giải phẫu bệnh lý, cho rằng hình người in trên Tấm Khăn Liệm tương đương với một thân hình bị đóng đanh, cứng đơ bởi cái chết khắc nghiệt. Thế nằm của cơ thể không tự nhiên, cánh tay phải thõng xuống 100 độ và cánh tay trái 90 độ so với vai... đầu hơi ngả về phía trước và đầu gối cũng vậy, vì thế của thân mình bị treo trên thập giá. Các bắp thịt ngực và đùi cho thấy người trên Tấm Khăn Liệm ở trong trạng thái cứng đơ.

Theo ông Garlaschelli, chuyên viên hóa học, vị thế của thân thể không phù hợp nơi một xác chết, và hai cánh tay chéo trên xương mu, nhưng điều này không thể có được nơi một xác chết. Vị thế này đòi buộc các bắp thịt phải căng thẳng, hay hai tay bị buộc, nhưng trên khăn liệm không có dấu dây cột, trong khi hai tay giãn xả của một xác chết thường lên cao hơn, và chồng lên nhau trên vùng dạ dầy.

Liên quan tới các dấu đinh ông Pierre Barbet khẳng định đã kiểm thực với các thử nghiệm trên các xác chết và các chi thể bị cắt chặt. Việc đóng đinh trên lòng bàn tay là điều không thể được, vì dưới sức nặng của thân thể các cơ mềm của bàn tay sẽ rách, và người bị đóng đinh sẽ rơi khỏi thập giá. Do đó đinh được đóng vào cổ tay giữa các khớp xương có thể giữ sức nặng của thân thể. Ðinh đóng vào chỗ này gây thương tích cho gân khiến cho nạn nhân rất đau đớn, và làm co ngón cái. Thật thế, người ta không trông thấy các ngón cái của hình người trên Tấm Khăn Liệm. Hầu như tất cả mọi chuyên viên nghiên cứu đều theo ý kiến của ông Barbet và cho rằng vị trí các đinh ở cổ tay là một dấu chỉ làm chứng cho tính cách đích thực của Tấm Khăn Liệm.

Về các kỹ thuật đóng đinh của thời này người ta chỉ biết tới một thi thể bị đóng đinh tìm thấy tại Givat at Ha Mivtar, một khu phố phía đông thành Giêrusalem. Nó cho thấy các khác biệt với hình người trên Tấm Khăn Liệm. Dựa trên việc dựng lại các dấu vết tìm thấy thuộc thế kỷ thứ I, các tay của người bị đóng đinh này bị cột và hai chân bị đóng đinh với hai gót bị đâm thâu bởi đinh sắt có đường kính 1 cm và dài khoảng 11.5 cm, và thế của hai chân là hai bên thập giá.

Trên hình người của Tấm Khăn Liệm người ta đếm được 120 vết đánh đòn trên khắp mình, từ trên xuống dưới đàng trước cũng như đàng sau lưng. Theo những người cho Tấm Khăn Liệm là thật, đó là các dấu đánh đòn của lính Roma. Nhưng người ta không thấy các dấu máu hay các giọt máu như chờ đợi. Ngoài ra, các vết đánh đặc biệt song song cân đối và đều đặn trên toàn thân mình. Ðây là điều khó có thể xảy ra trong một vụ đánh đòn tội nhân. Xem ra nó phù hợp hơn với một bức vẽ.

Liên quan tới mạo gai. Người ta nhận thấy nhiều dấu đâm tròn có hình dáng các vết thương, từ đó có máu chảy ra. Những người coi Tấm Khăn Liệm là thật cho rằng đó là các vết do mạo gai gây ra, khi lính Roma đặt vòng gai trên đầu Chúa Giêsu để cười nhạo Ngài là Vua dân Do thái.

Theo một số các nhà nghiên cứu và phê bình các dấu máu chảy không thật, vì máu đã dính bê bết trên tóc làm thành các vết không phân biệt được. Nhưng ông Frederick Zugibe giải thích rằng Người trên Tấm Khăn Liệm đã được rửa sơ trước khi được cuốn vào trong khăn liệm, và như thế máu chảy trong khi còn bị treo trên thập giá đã được lấy đi, và trên Tấm Khăn Liệm chỉ in dấu các vết thtương ẩm ướt vì được rửa.

Ngoài ra có vài người cho Tấm Khăn Liệm là thật nói rằng họ đã tìm thấy mốt số vật dụng in dấu trên Tấm Khăn Liệm như hai đồng tiền đặt trên hai mắt để khép mắt cho người chết, và cho rằng chúng thuộc thế kỷ thứ I và được đúc khoảng năm 30.

Khi quan sát hình Tấm Khăn Liệm chụp năm 1931, tu sĩ Francis Filas dòng Tên cũng như hai giáo sư Alan và Mary Whanger khẳng định rằng đã nhận ra dấu vết của hai vật tròn trên hai mắt của Người trên Tấm Khăn Liệm. Các vị này cho rằng đó là các đồng tiền do quan khâm sai Ponzio Pilato đúc năm 29-30, được đặt để khép mắt cho người chết. Trên mắt phải họ nhận ra một cây gậy cong gọi là "lituus" đặc biệt trong các đồng tiền của quan Pilato, và bốn chữ UCAI là chữ khắc trên đồng tiền TIBERIOU KAISAROS, nghĩa là Tiberio Cesar. Tu sĩ Filas cũng tìm thấy các thí dụ với sự khác biệt TIOU CAISAROS có các chữ chính giữa tương đương với bốn chữ UCAI. Trên mắt trái có các chữ ARO và các nhánh lúa. Trong trường hợp này đây là một đồng tiền được dúc để vinh danh bà Giulia mẹ hoàng đế Tiberio. Hai ông Pier Luigi Baima Bollone và Nello Balossino tuyên bố đã tìm ra dấu vết một đồng tiền thứ ba trên lông mày trái, cũng là loại tiền để vinh danh hoàng thái hậu Giulia. Tuy nhiên việc tìm kiếm này dựa trên các hình chụp năm 1931 chứ không phải trên các hình chụp sau này. Người ta cũng phản đối cho rằng thói quen để các đồng tiền trên mắt là của dân ngoại chứ không phải của người do thái. Theo giáo sư Levi Rahmani, giám đốc cổ vật của chính quyền Israel, có ít trường hợp người ta tìm thấy đồng tiền nhưng trong miệng người chết theo thói quen của người hy lạp, để người chết trả tiền công cho Caronte là vị thần chở họ sang sông qua bờ bên kia của cuộc sống. Giáo sư Luigi Gonella, chuyên viên vật lý đại học bách khoa Torino, và là cố vấn khoa học của Ðức Hồng Y Ballestrero, khẳng định rằng các dầu vết trên Tấm Khăn Liệm rất nhỏ, kể cả các dấu máu chỉ lớn nửa centimét. Khi phóng lớn lên, người ta có thể trông thấy cả những gì không có trên đó.

Hai giáo sư Alan và Mary Whanger cũng tuyên bố đã tìm thấy hình của các hoa và nhiều vật ở cạnh hình người trên tấm khăn. Trong khi giáo sư Avinoam Danin, chuyên viên thực vật học, tuyên bố đã trực tiếp quan sát được vài loại hoa trên Tấm Khăn Liệm trong lần trưng bầy năm 1998. Giáo sư tuyên bố đã nhận diện được 28 loại khác nhau, và theo các nghiên cứu thì nơi duy nhất tất cả chúng hiện diện là vùng giữa Giêrusalem và Giêricô. Rất nhiều loại trong số này tương ứng với các phấn hoa đã do giáo sư Max Frei nhận ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên viên không tin vào các nghiên cứu này, và các nghiên cứu của giáo sư Danin đã không được công bố trên các tạp chí khoa học.

Một vài khám phá khác trên Tấm Khăn Liệm thành Torino

Ngoài dấu vết các đồng tiền tìm thấy trên hai mắt của hình người in trên Tấm Khăn Liệm, hai ông bà giáo sư Alan và Mary Whanger cũng khẳng định đã nhận ra dấu vết các dụng cụ của cuộc khổ nạn: các đinh, một lưỡi đòng, một miếng bọt biển và một sợi dây, hai chiếc kìm vv... Họ cho rằng mọi vật dụng này đã được đặt trong mộ với Chúa Giêsu vì có dính máu của Ngài. Thói quen do thái thường chôn máu với người chết; còn các loại hoa thơm là dùng để át mùi xác thối rữa. Hai giáo sư Alan và Mary Whanger đã gặp rất nhiều dụng cụ cuộc khổ nạn được vẽ trên nhiều cảnh Ðóng đinh trong thời gian sau năm 1350, khi Tấm Khăn Liệm được trưng bầy tại Lirey, và chúng thường có hình giống các hình ở trên Tấm Khăn Liệm. Hai người giả thiết rằng vì tiến trình vải gai từ từ ngả mầu vàng, nhất là sau vụ hoả hoạn năm 1532, vào thời đó hình trên Tấm Khăn Liệm rõ ràng hơn hiện nay, và các vật dụng này cũng đã được quan sát trên khăn và được các họa sĩ vẽ lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên viên khăn liệm học coi Tấm Khăn là thật cũng ghi ngờ các khám phá này.

Liên quan tới hình sau lưng, năm 2002 trong dịp thay thế tấm vải đệm bên dưới Khăn Liệm người ta cũng đã chụp hình phiá sau Khăn Liệm không trông thấy được cho tới lúc đó. Các hình chụp cũng cho thấy hình, nhưng yếu hơn nhiều so với phiá trước. Ðặc biệt phiá sau Khăn Liệm người ta thấy hình mặt và các tay, nhưng không thấy một hình tương đương với dấu lưng.

Về kích thước hình người trên Khăn Liệm, ngay trong các thế kỷ qua người ta đã tìm cách đo chiều cao. Nhà Savoia thường đưa cho các khách thăm viếng các dải băng dài tương đương với chiều cao của hình trên Khăn Liệm là 183 cm, đúng như sử gia Bisantin Niceforo Callisto đã cho biết hồi thế kỷ XIV. Sự kiên này củng cố giả thuyết cho rằng Tấm Khăn Liệm thành Torino cũng là Tấm Khăn Liệm đã được giữ tại Costantinopoli cho tới năm 1204.

Các vụ đo mới sau này cho thấy một chút khác biệt từ gót chân lên tới đầu là 184 cm theo giáo sư G. Judica Cardiglia và 188 cm theo giáo sư Luigi Gedda. Nhưng sự xê xích này là do sự kiện tấm khăn đã bị gấp nhiều lần. Ða số các chuyên viên cho rằng chiều cao của Người trên Tấm Khăn Liệm là giữa 178 cm và 185 cm.

Liên quan tới các phấn hoa năm 1973 chuyên viên tội phạm học người Thụy Sĩ ông Max Frei Sulzer, cựu giám đốc cảnh sát khoa học Zurich, đã dùng băng keo dán để lấy các mẫu bụi và phấn hoa trên Tấm Khăn Liệm và nghiên cứu trên kính hiển vi điện tử. Năm 1976 ông đã công bố kết qủa các cuộc phân tích của mình. Ông Frei đã không cho biết tìm đuợc bao nhiêu phấn hoa, nhưng chỉ hạn chế trong việc kê khai ra 60 loại phấn hoa khác nhau, trong đó có 21 loại đặc thù của đất Palestina, 6 loại vùng Anatolia và 1 loại vùng Costantinopoli. Từ đó ông đi đến kết luận là ngoài Pháp và Italia ra, Tấm Khăn Liệm đã được giữ tại Palestina cũng như bên Thổ Nhĩ Kỳ. Ðiều này phù hợp với việc dựng lại lịch sử Tấm Khăn Liệm trước thế kỷ XIV.

Việc nghiên cứu của ông Max Frei đã bị nhiều học giả phê bình, vì cho rằng ông đã không chú ý tới các ô nhiễm từ các khách hành hương, vì trong bao thế kỷ Tấm Khăn Liệm đã được hằng trăm ngàn bàn tay tín hữu sờ vào. Ngoài ra theo các học giả, không thể xác định loại của một cây có phấn hoa, trừ vài trường hợp rất họa hiếm. Bình thường phấn hoa chỉ cho phép xác định các nhóm loại, hay giống, hoặc gia đình thôi. Giáo sư Baruch đã duyệt xét lại các nghiên cứu của ông Frei và giản luợc xuống còn ba loại phấn hoa, trong khi đối với các phấn hoa khác chỉ có thể nhận diện giống. Vào năm 2000 các kết luận của giáo sư Baruch bị giáo sư V. M. Bryant phản đối, vì ông Baruch dã chỉ dùng một kính hiển vi quang học, chứ không phải là kính hiển vi điện tử. Thế rồi các phấn hoa dính keo khó có thể được phân tích.

Mặc dù có các nghi ngờ, các kết qủa nghiên cứu của ông Max Frei đã được lấy lại trong các năm 1997-1998 bởi vài học giả coi Tấm Khăn Liệm là thật, và họ cho rằng nơi phát xuất Tấm Khăn Liệm là một vùng rất gần với Giêrusalem. Tuy nhiên, việc nhận diện các loại phấn hoa khác nhau tự nó không chỉ cho thấy nơi chốn, nếu không quy chiếu quang phổ của nó, nghĩa là các giá trị phần trăm của tùng loại phấn hoa hiện diện trong chất liệu nghiên cứu. Giáo sư Gaetano Ciccone khẳng định rằng ông Frei đã không đo quang phổ phấn hoa, mà chỉ liệt kê các phấn hoa và gọi chúng môt cách không đúng là quang phổ phấn hoa. Ngoài ra các phấn hoa không thể chống lại một môi trường có khí hằng trăm năm. Nếu phấn hoa bị trưng bầy ngoài không khí, thì chỉ trong một thời gian ngắn sẽ bị phá hủy, vì dưỡng khí làm hao mòn khiến cho phấn hoa sẽ bị phá hủy bởi các thứ nấm và vi khuẩn. Giáo sư Marta Mariotti Lippi thử tìm đo việc duy trì của phấn hoa, và cho biết chỉ sau hai tháng các phấn hoa mất đi 77%.

Hồi năm 2010 giáo sư Danin đã duyệt xét toàn bộ các phân tích của ông Frei và kết luận rằng khó có thể chỉ dùng các phấn hoa để xác định vùng địa lý phát xuất ra Tấm Khăn Liệm.

Mới hơn nữa là việc phân tích của giáo sư Litt qua kính hiển vi quang học tân tiến và kính hiển vi đồng tiêu cự dựa trên tia hồng ngoại đã chứng minh cho thấy không thể xác định các phấn hoa trên bình diện giống, và lại càng không thể xác định loại của chúng.

Giáo sư Raymond Rogers đã đề nghị một phương pháp hóa học để định tuổi Tấm Khăn Liệm bằng cách đo chất vanillina hiện diện trên khăn. Theo ông chất vanillina hiện diện trong chất gỗ của tế bào vải gai mất đi rất chậm chạp theo thời gian. Nó phải hiện hữu, nếu Khăn Liệm thuộc thời Trung Cổ. Nếu không có sự hiện diện của nó, thì khăn cổ xưa hơn. Dựa trên kết quả do ông công bố năm 2005 Tấm Khăn Liệm thuộc thời gian năm 1000 tới 700 sau công nguyên. Ông Rogers dùng phương trình của Arrhenius để phỏng đoán thời gian cần thiết cho việc mất đi 95% vanillina, 1,319 năm với nhiệt độ thường hằng là 25 độ C, 1,845 năm với nhiệt độ 23 độ C, và 3,095 năm với nhiệt độ 20 độ C, bằng cách coi các nhiệt độ này của các ước lượng nhiệt độ hữu lý, trong đó Tấm Khăn Liệm được giữ gìn.

Nhiều nhà nghiên cứu khác đã lưu ý rằng chất vanillina mất đi nhanh chóng hơn khi gia tăng nhiệt độ, và họ cho rằng các nhiệt độ do ông Rogers đưa ra không chính xác. Việc gia tăng 5 độ C so với 25 độ C do ông Rogers giả thuyết, nghĩa là khi ở 30 độ C, sẽ khiến mất đi 95% vanillina chỉ nội trong 579 năm. Nhưng sự kiện Tấm Khăn Liệm được giữ ở nhiệt độ 30 hay 25 độ C trong bao thế kỷ, ngày đêm mùa hè cũng như mùa đông, là điều không thật. Nhiệt độ trung bình hằng năm tại Torino là dưới 15 độ C.

Việc trưng bầy Tấm Khăn Liệm dưới ánh sáng của các ngọn đuốc cũng có thể lấy mất đi chất vanillina. Tuy nhiên, thời gian trưng bầy cộng chung lại chỉ kéo dài vài tháng, cả khi có cho nó là một năm đi nữa, để cho hiệu qủa việc tiêu thụ 95% chất vanillina này xảy ra thì phải gia tăng nhiệt độ tới 75 độ C là nhiệt độ qúa mức.

Các nhiệt độ khác mà Tấm Khăn Liệm phải chịu, khoảng 200 độ trong vụ hỏa hoạn năm 1542, đã khiến cho chất vanillina mất đi rất nhanh. Chẳng hạn ở nhiệt độ 200 độ C thì chỉ cần trong vòng 7 phút. Nhưng ông Rogers luận cứ rằng vụ hỏa hoạn năm 1542 đã không ảnh hưởng nhiều trên chất vanillina, vì vải gai dẫn nhiệt rất thấp, và Tấm Khăn Liệm ở xa chỗ cháy. Nhưng cần phải trả lời câu hỏi tại sao trong các mẫu dùng để thử Carbon 14 chất vanillina đã không bị mất. Do đó các nghiên cứu của ông bị coi là "rất nghèo nàn" và thiếu sót trên bình diện phương pháp dưới ba khía cạnh. Thứ nhất, phương pháp đã dùng để kiểm thực các dấu vết vanillina trong các sợi vải gai: ông Rogers đã dùng thử nghiệm phẩm để xác định các kết quả về lượng. Thứ hai, việc kiểm soát: trong việc tìm tòi ông Rogers đã không dùng các mẫu kiểm soát. Thứ ba, tính tái thực hiện các thí nghiệm: các phân tích của ông Rogers đã chỉ được làm có một lần, vì thế thiếu các kiểm soát cần thiết để đo một lề sai lầm trong việc định tuổi Tấm Khăn Liệm.

Khi chấp nhận Tấm Khăn Liệm là một di tích thực sự liên quan tới một người đã sống bên Palestina vào thế kỷ thứ I, có vài nhà nghiên cứu đã thử tính xác xuất người đó không tương ứng với Ðức Giêsu Kitô dựa trên các đặc thái của Tấm Khăn Liệm. Năm 1902 ông Yves Delage, giáo sư giải phẫu học so sánh thuộc đại học Sorbone, đã trình bầy cho Hàn lâm viện Khoa học một bản tường trình trong đó ông đã duyệt xét các sự kiện được biết cho tới lúc đó về Tấm Khăn Liệm và các đặc thái vật lý và giải phẫu học của hình người và lượng định một cách chủ quan rằng việc Tấm Khăn Liệm không phải là tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu, theo ông, chỉ dưới 1 trên 10 tỷ lần.

Vào thập niên 1970 ông Bruno Barberis, giáo sư đại học Torino, và là giám đốc Trung tâm quốc tế Khăn Liệm học, cũng đã đưa ra nhận xét chủ quan như thế, dựa trên các dữ kiện mới. Xác xuất mà ông giả thiết là 1 trên 200 tỷ lần. Ðây cũng đã là các lượng định chủ quan của nhà toán học và khăn liệm học Tino Zeuli, nguyên giáo sư đại học Torino. Nghĩa là các giáo sư nói trên cho rằng Tấm Khăn Liệm thành Torino đã là tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, cần minh xác rằng các lượng định giả thiết trên đây là các ý kiến chủ quan dựa trên các lý luận loại suy, chứ không phải dựa trên các tính toán khoa học, thống kê hay toán học trong nghĩa kỹ thuật của các từ này.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page