Công nghị phong 20 Hồng Y

và xác định lễ phong 4 hiển thánh

 

Công nghị phong 20 Hồng Y và xác định lễ phong 4 hiển thánh.

Vatican (Vat. 14-02-2015) - Sáng ngày 14 tháng 2 năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự công nghị tấn phong 20 Hồng Y mới, trong đó có Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn, đồng thời xác định sẽ tôn phong 4 thánh nữ vào ngày 17 tháng 5 năm 2015.


Ðức Thánh Cha Phanxicô chủ sự công nghị tấn phong 20 Hồng Y mới, trong đó có Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn.


Ðây là công nghị lần thứ 2 Ðức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Ðền thờ Thánh Phêrô để tấn phong Hồng y, Lần đầu tiên vào ngày 22 tháng 2 năm 2014 để phong 19 Hồng Y và lần này 20 vị thuộc 18 quốc tịch.

Giống như năm 2014, hiện diện tại buổi lễ cũng có Ðức nguyên Giáo Hoàng Biển Ðức 16, đáp lời mời của Ðức Thánh Cha Phanxicô. Ngài ngồi cạnh các Hồng Y đẳng Giám Mục và Thượng Phụ. Tiếp đến có 145 Hồng y, khoảng 100 giám mục và 8 ngàn tín hữu, trong đó có thân nhân, bạn hữu và giáo hữu của các tiến chức Hồng Y. Ðặc biệt đến từ Việt Nam có Ðức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Ðọc của Tỏng Giáo phận Sàigòn, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Ðức Cha Vũ Huy Chương Giám Mục giáo phận Ðàlạt, Ðức Cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, Giám Mục Cao Bằng Lạng Sơn, Ðức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Vinh. Ngoài ra có các cha quản hạt giáo phận Hà Nội, thân nhân, cộng tác viên và giáo hữu của Ðức Tân Hồng Y Việt Nam, tổng cộng khoảng 60 người, không kể đông đảo Linh Mục, tu sĩ và chủng sinh Việt Nam ở Roma.

Có một tiến chức Hồng Y xin kiếu không đến dự công nghị được vì tuổi cao sức yếu, đó là Ðức Hồng Y José de Jesus Pimiento Rodriguez, 96 tuổi, nên đã xin nhận Mũ Ðỏ tại gia.

19 tiến chức Hồng y ngồi hai bên bàn thờ chính, trong khi các Hồng y và các Giám Mục ngồi phía trước bàn thờ. Trong số các tân Hồng Y có 15 vị dưới 80 tuổi và đến từ 14 quốc gia, gồm 5 vị người Âu, 3 vị Á châu, 3 vị Mỹ la tinh, 2 từ Phi châu và 2 vị từ Úc châu. 2 tiến chức Hồng Y Phi châu đến từ Etiopia và Capo Verde, hai vị người Úc đến từ New Zealand và quần đảo Tonga, 3 vị Á châu là người Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, 3 vị Mỹ châu la tinh đến từ Mêhicô, Urugay và Panamá.

Ngoài ra, trong số các tân Hồng Y có 4 vị thuộc các dòng tu, gồm 2 vị Don Bosco, 1 vị dòng thánh Vinh Sơn Phaolô và một vị dòng thánh Augustino nhặt phép. Toàn Hồng y đoàn có 13 Hồng Y cử tri thuộc các dòng tu, trong đó đông nhất là 4 vị thuộc dòng Don Bosco.

Vị Hồng y duy nhất được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm cho giáo triều Roma lần này là Ðức Hồng Y Dominique Mamberti, sinh tại Maroc cách đây 63 năm, nhưng nguyên quán tại đảo Corse bên Pháp. Năm 2006 sau 4 năm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Sudan, ngài được Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 bổ nhiệm làm ngoại trưởng Tòa Thánh. Hồi tháng 11 năm 2014, Ðức Thánh Cha Phanxicô chọn ngài làm Chủ tịch Tối cao Pháp Viện của Tòa Thánh.

Riêng Ðức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, ngài đứng thứ 6 trong danh sách các vị được tấn phong lần này. Năm nay ngài 77 tuổi (ngài sinh ngày 1 tháng 4 năm 1938), thụ phong linh mục ngày 21 tháng 12 năm 1967 thuộc lớp đầu tiên của Giáo Hoàng Chủng viện thánh Piô 10 Ðà Lạt và 24 năm sau, được bổ nhiệm làm Giám Mục Phó Ðà Lạt ngày 11 tháng 10 năm 1991, và trở thành Giám Mục chính tòa 3 năm sau đó (vào ngày 23 tháng 3 năm 1994). Cách đây 5 năm (vào ngày 22 tháng 4 năm 2010) ngài được bổ làm Tổng Giám Mục Phó Tổng giáo phận Hà Nội, và chỉ 11 ngày sau đó, 13 tháng 5 năm 2010, ngài trở thành Tổng Giám Mục chính tòa Hà Nội, kế nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt.

Cũng như hầu hết các Hồng Y khác trong đợt ngày, Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn không hề được Tòa Thánh báo trước việc chọn ngài làm Hồng Y, và ngài chỉ được Ðức Tổng Giám Mục Girelli, Ðại Diện Tòa Thánh không thường trú ở Việt Nam, chính thức báo tin việc bổ nhiệm này 1 giờ sau khi Ðức Thánh Cha công bố danh tánh các tiến chức Hồng Y trong buổi đọc kinh Tuyền Tin trưa chúa nhật 4 tháng 1 năm 2015 tại Vatican.

Lễ phong Hồng Y được cử hành dưới hình thức một buổi phụng vụ lời Chúa. Khi tiến lên bàn thờ chính, Ðức Thánh Cha đã đến chào Ðức nguyên Giáo Hoàng rồi tiến tới trước Mộ Thánh Phêrô cúi mình, thinh lặng cầu nguyện.

Sau lời chào phụng vụ của Ðức Thánh Cha, Ðức Hồng Y Dominique Mamberti, vị đứng đầu danh sách các tiến chức đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn Ðức Thánh Cha, đồng thời cũng chào thăm vị Tiền Nhiệm của ngài đang hiện diện.

Tiếp đến, sau lời nguyện của Ðức Thánh Cha, cộng đoàn đã nghe đọc đoạn thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Corinto, đoạn thứ 12 và 13 (12,31-13,13), đề cao vai trò của đức bác ái: dù thông thạo mọi sự, dù làm những công trình to lớn hay bao công việc khác, nếu không có bác ái thì cũng vô ích...

Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha đã quảng diễn bài Thánh Thư vừa đọc và đề cao tầm quan trọng của đức bác ái trong đời sống các vị được giao phó trọng trách trong Giáo Hội.

Bài huấn dụ của Ðức Thánh Cha

Anh em Hồng Y thân mến,

Tước Hồng Y chắc chắn là một địa vị nhưng không phải là địa vị vinh dự. Nguyên danh từ Cardinale đã cho thấy điều đó, từ này gợi lại từ "cardine", bản lề; vì thế đây không phải là một cái gì phụ thuộc, trang trí, làm cho người ta nghĩ đến một huy chương danh dự, nhưng là một bản lề, một điểm tựa và sự chuyển động thiết yếu đối với đời sống của cộng đoàn. Anh em là "những bản lề" và được tháp nhập vào Giáo phận Roma, là giáo phận chủ trì cộng đoàn hiệp thông bác ái hoàn vũ" (LG 13, Xc Ignatio Ant., Ad Rom. Prologo).

Trong Giáo Hội mỗi chức vị chủ tịch đều xuất phát từ đức bác ái, phải được thực thi trong tình bác ái và có mục đích là bác ái. Cả trong lãnh vực này, Giáo Hội ở Roma thi hành một vai trò gương mẫu: về cách thức chủ trì trong tình bác ái, để mỗi Giáo Hội địa phương được kêu gọi chủ trì trong tình bác ái nơi khuôn khổ của mình.


Ðức Thánh Cha Phanxicô đội mũ đỏ Hồng Y cho Ðức Tổng Giám Mục Pherô Nguyễn Văn Nhơn.


Vì thế, tôi nghĩ rằng "bài ca đức ái" trong thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi các tín hữu thành Corinto là lời hướng dẫn buổi cử hành này và sứ vụ của anh em, đặc biệt đối với những người trong anh em hôm nay gia nhập Hồng y đoàn. Và để cho chúng ta được hướng dẫn như thế thật là tốt, bắt đầu từ tôi và anh em cùng tôi. Chúng ta được hướng dẫn bằng những lời linh hứng của thánh Phaolô Tông Ðồ, đặc biệt khi thánh nhân liệt kê những đặc tính của đức bác ái. Ước gì Mẹ Maria giúp chúng ta trong sự lắng nghe này. Mẹ đã trao tặng cho thế giới Ðấng là "Con đường tuyệt hảo nhất" (Xc 1 Cr 12,31) là Chúa Giêsu, là Ðức Bác Ái nhập thể; ước gì Mẹ giúp chúng ta đón nhận Lời này và luôn tiến bước trên Con đường là Chúa Giêsu. Xin Mẹ giúp chúng ta với thái độ khiêm tốn và dịu dàng của Mẹ, vì đức bác ái, hồng ân của Thiên Chúa, tăng trưởng tại nơi nào có khiêm tốn và dịu dàng.

Nhất là thánh Phaolô nói với chúng ta rằng đức bác ái thì "đại đảm" và "từ nhân". Hễ trách nhiệm càng rộng lớn trong việc phục vụ Giáo Hội, thì con tim càng phải mở rộng, nở lớn theo mức độ của con tim Chúa Kitô. Ðại đảm, theo một nghĩa nào đó, cũng đồng nghĩa với đặc tính công giáo: nghĩa là biết yêu thương vô biên, nhưng đồng thời trung thành với những hoàn cảnh đặc thù và với những cử chỉ cụ thể. Yêu thương những gì là cao cả nhưng không lơ là những gì là bé nhỏ; yêu những điều bé nhỏ trong chân trời của những điều lớn, bởi lẽ "không nản chí vì những công trình vĩ đại, nhưng dấn thân vào những việc bé nhỏ nhất, đó thực là điều thần linh" (Non coerceri a maximo, contineri tamen a minimo divinum est). Biết yêu thương bằng những cử chỉ từ nhân. Từ nhân là ý hướng cương quyết và bền bỉ, luôn luôn muốn điều thiện và cho tất cả mọi người, kể cả những người không thích chúng ta.

Rồi Thánh Tông Ðồ nói rằng, đức bác ái "không ghen tương, không háo danh, không tự kiêu tự đại". Ðây thực là một phép lạ của đức bác ái, vì con người chúng ta, tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi trong cuộc sống, chúng ta có xu hướng ghen tương và kiêu ngạo do bản tính của chúng ta đã bị thương tổn vì tội lỗi. Và cả những địa vị trong Giáo Hội cũng không được miễn nhiễm khỏi cám dỗ này. Nhưng chính vì thế, anh em thân mến, sức mạnh thần linh của đức bác ái có thể càng nổi bật trong chúng ta, sức mạnh biến đổi con tim, đến độ không còn là bạn sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong bạn. Và Chúa Giêsu là tất cả tình yêu.

Ngoài ra, đức bác ái "không thiếu sự tôn trọng, không tìm tư lợi". Hai đặc điểm này cho thấy ai sống trong đức bác ái thì không qui hướng vào mình. Ai tự qui hướng vào mình thì chắc chắn là điều tôn trọng và thường họ không nhận thấy điều đó, vì "tôn trọng" chính là khả năng để ý đến người khác, đến phẩm giá, hoàn cảnh và những nhu cầu của họ. Ai tự tập trung vào mình thì chắc chắn sẽ tìm tư lợi, và dường như họ thấy đó là điều bình thường, hầu như là điều bắt buộc. "Lợi lộc" ấy cũng có thể được bọc bằng những bộ áo cao thượng, nhưng bên dưới đó vẫn luôn luôn là tư lợi. Trái lại đức bác ái làm cho bạn không tự tập trung vào mình và đặt bạn ở nơi trung tâm đích thực là một mình Chúa Kitô. Và như thế, bạn có thể là một người tôn trọng và quan tâm đến thiện ích của tha nhân.

Thánh Phaolô nói: "Ðức bác ái không thịnh nộ, không để ý đến điều ác phải chịu". Ðối với người mục tử sống tiếp xúc với dân chúng, không thiếu những dịp để nổi giận. Và chúng ta càng có nguy cơ nổi giận trong những quan hệ với các anh em của mình, vì trong thực tế chúng ta ít có lý do để chữa mình. Cả trong trường hợp này, đức bác ái, và chỉ có đức bác ái mới giải thoát chúng ta. Giải thoát chúng ta khỏi nguy cơ phản ứng theo sự thúc đẩy của bản năng, nói và làm những điều sai lầm, và nhất là đức bác ái giải thoát chúng ta khỏi nguy cơ tử vong của sự giận dữ bị dồn nén, "bị âm ỉ" bên trong, khiến bạn để ý đến những điều ác mà bạn phải chịu. Không, điều này không thể chấp nhận được nơi con người của Giáo Hội. Người ta có thể tha thứ sự nổi giận nhất thời rồi nguội đi ngay, nhưng đối với sự oán hận thì không. Xin Chúa giúp chúng ta tránh thoát và giải phóng chúng ta khỏi những điều ấy.

Thánh Phaolô nói thêm rằng đức bác ái "không vui mừng vì điều bất công nhưng vui mừng vì chân lý". Ai được kêu gọi thi hành công tác phục vụ là cai quản trong Giáo Hội thì phải có một ý thức mạnh mẽ về công lý, đến độ thấy rằng không thể chấp nhận bất kỳ điều bất công nào, cả điều bất công có lợi cho bản thân hoặc cho Giáo Hội. Và đồng thời, "vui mừng vì chân lý": thật là một thành ngữ đẹp dường nào! Người của Thiên Chúa là người được chân lý thu hút và tìm thấy chân lý trọn vẹn trong Lời và trong Thân Mình của Chúa Giêsu Kitô. Chúa là nguồn mạch niềm vui vô tận cho chúng ta. Ước gì Dân Chúa luôn có thể tìm thấy nơi chúng ta sự quyết liệt tố giác bất công và vui mừng phục vụ chân lý.

Sau cùng, đức bác ái "tha thứ tất cả, tin tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả". Ở đây trong 4 lời này có chứa đựng một chương trình đời sống thiêng liêng và mục vụ. Tình yêu được Chúa Thánh Linh đổ vào tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta sống và trở thành thế này: thành người có khả năng luôn luôn tha thứ; luôn luôn tin tưởng, vì đầy tràn niềm tin nơi Thiên Chúa; có khả năng luôn luôn mang lại hy vọng vì tràn đầy hy vọng nơi Thiên Chúa; trở thành những người biết kiên nhẫn chịu đựng mọi tình trạng, mọi người anh chị em, trong niềm kết hiệp với Chúa Giêsu, Ðấng đã yêu thương chịu đựng gánh nặng của tất cả tội lỗi chúng ta".

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Anh em thân mến, tất cả những điều ấy không đến từ chúng ta, nhưng từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình thương và Ngài thi hành mọi điều ấy, nếu chúng ta ngoan ngoãn đối với tác động của Thánh Linh của Ngài. Vì vậy chúng ta phải trở thành "người được tháp nhập và ngoan ngoãn". Hễ chúng ta càng được tháp nhập vào Giáo Hội ở Roma, thì chúng ta càng phải trở nên ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, để đức bác ái có thể mang lại hình thái và ý nghĩa cho tất cả những gì chúng ta sống và làm. Ðược nhập tịch vào Giáo Hội chủ trì trong đức bác ái, ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh là Ðấng đổ tràn tâm hồn chúng ta tình yêu của Thiên Chúa (Xc Rm 5,5). Amen.

Nghi thức phong Hồng Y

Sau bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng y mới. Ngài nói:

"Anh chị em rất thân mến, chúng tôi sắp thi hành một hành vi trọng đại và vui mừng trong thánh vụ của chúng tôi. Hành vi này có liên hệ trước tiên tới Giáo Hội tại Roma, nhưng cũng liên quan tới toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Chúng tôi sắp gọi một số người anh em gia nhập Hồng Y đoàn, để các vị được hiệp nhất với Tòa thánh Phêrô bằng một mối dây bền chặt hơn, trở nên thành phần của hàng giáo sĩ Roma, và cộng tác mật thiết hơn với sứ vụ tông đồ của chúng tôi."

"Mang mặc phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng của các thánh Tông Ðồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Hội Thánh Roma."

Ðến đây, Ðức Thánh Cha lần lượt xướng tên 20 hồng y mới, cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay chào mừng khi tên mỗi vị được nhắc đến. Ðức Thánh Cha ấn định 3 vị tân Hồng y thuộc đẳng phó tế, 17 vị còn lại là các Hồng y thuộc đẳng Linh Mục, hầu hết là những vị đang coi sóc các giáo phận ở các nơi.

Nhà thờ hiệu tòa được Ðức Thánh Cha chỉ định cho Ðức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn là nhà thờ giáo xứ thánh Tômaso Tông Ðồ ở khu ngoại ô phía Ðông Nam Roma cách trung tâm chừng 30 cây số. Giáo xứ này được thành lập cách đây 51 năm, thánh đường mới của giáo xứ được khánh thành cách đây 2 năm và hồi năm 2014 đã được Ðức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm. Trong những năm gần đây dân số giáo xứ gia tăng mạnh gồm hơn 6 ngàn gia đình với trên 20 ngàn dân. Phần lớn dân cư tại đây thuộc giai cấp trung lưu và thượng trung lưu.

Tiếp tục nghi thức, theo lời mời gọi của Ðức Thánh Cha các tiến chức Hồng Y tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân Ðức Thánh Cha Phanxicô và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Hội, theo các quy tắc luật định.

Kế đến, từng Hồng Y lần lượt tiến lên quì trước mặt Ðức Thánh Cha để ngài đội mũ đỏ Hồng Y, với lời nhắn nhủ:

"Ðể ngợi khen Thiên Chúa Toàn Năng và mang lại vinh dự cho Tòa Thánh, Ðức Hồng Y hãy nhận mũ đỏ này như dấu chỉ phẩm vị Hồng Y, có nghĩa là Ðức Hồng Y phải sẵn sàng cư xử can đảm, cho đến độ đổ máu đào, để làm tăng trưởng Ðức Tin Kitô giáo, cho hòa bình và yên hàn của Dân Chúa, cho tự do và sự mở rộng Giáo Hội Roma Thánh".

Và khi trao nhẫn, ngài nói:

"Ðức Hồng Y hãy nhận chiếc nhẫn từ tay của Phêrô, và Ðức Hồng Y hãy biết rằng nhờ yêu mến vị Thủ lãnh các thánh tông đồ mà lòng yêu mến Giáo hội của Ðức Hồng Y được kiện cường".

Sau cùng Ðức Thánh Cha trao sắc chỉ về việc phong Hồng Y cũng như việc chỉ định tước hiệu thánh đường của tân chức.

Sau khi lãnh mũ và sắc phong các Tân Hồng Y trao đổi cử chỉ bình an với Ðức Thánh Cha các vị đến chào các Hồng Y cũ rồi lên ngồi trên 19 chiếc ghế dành cho các vị phía tay trái của Ðức Thánh Cha, đối diện với hàng ghế của các Hồng Y cũ.

Nghi thức tấn phong các Hồng y mới kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện của Ðức Thánh Cha xin cho các tôi tớ Chúa là các tân Hồng Y khi kiên trì xây dựng Giáo Hội, chiếu tỏa rạng ngời với đức tin toàn vẹn và tâm trí tinh tuyền.

Công nghị phong thánh

Phần thứ 2 của Công nghị là việc phong hiển thánh cho 3 nữ chân phước: 1 vị người Pháp và 2 vị người Palestine:


Ðức Thánh Cha Phanxicô đội mũ đỏ và trao nhẫn Hồng Y cho Ðức Tổng Giám Mục Pherô Nguyễn Văn Nhơn.


Mở đầu, Ðức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh Giáo Hội cùng với các Hồng Y và Giám Mục tụ họp nơi đây xin Ðức Thánh Cha ghi tên 3 vị chân phước vào sổ bộ các thánh trong tương lai gần đây, đó là Jeanne Emilie de Villeneuve, Maria Chúa Giêsu chịu đóng đanh Baouardy và Maria Alfonsa Danil Ghattas.

Rồi Ðức Hồng Y tóm lược tiểu sử của 3 vị nữ chân phước:

- Ðứng đầu là chân phước Jeanne Emilie de Villeneuve, sáng lập dòng các nữ tu Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở thành phố Castres, miền nam Pháp, sinh năm 1811 và qua đời năm 1854 lúc 43 tuổi đời. Năm 1836, khi được 25 tuổi, chị thành lập một cộng đoàn nữ tu với danh hiệu "Các nữ tu xanh ở Castres": giữa thời cách mạng công nghệ, chị và hai người bạn đồng chí hướng chăm sóc các phụ nữ nghèo khổ, các nữ công nhân, bệnh nhân và phụ nữ mại dâm, trong một căn nhà ở Castres. Dòng này hiện có hơn 600 nữ tu thuộc 120 cộng đoàn, hoạt động trong lãnh vực giáo dục, y tế, và xã hội tại nhiều nước Phi châu, Âu Châu, Mỹ la tinh và Á châu Thái Bình Dương.

- Thứ hai là chân phước Maria Chúa Giêsu chịu đóng đanh, tục danh là Maria Baouardy, nữ đan sĩ dòng Cát Minh nhặt phép, người Palestine. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, khi lên 13 tuổi Maria bị chú ruột ép cho một người họ hàng theo phong tục thời ấy, nhưng Maria quyết liệt từ khước vì muốn dâng mình cho Chúa. Chị là một nhà thần bí, với nhiều thị kiến. Chị qua đời năm 1878 tại Ðan viện ở Bethlehem lúc 32 tuổi.

- Sau cùng là chân phước Maria Alphonsa Danil Ghattas, người Palestine, sinh tại Jerusalem năm 1843 và qua đời năm 1927, thọ 84 tuổi. Chị cũng là một nhà thần bí và đã sáng lập dòng nữ Ða Minh Mân Côi tại Thánh Ðịa. Chị được phong chân phước tại Nazareth ngày 22 tháng 11 năm 2009 (SD 6-2-2015).

Và Ðức Hồng Y Amato kết luận rằng: Vì vậy, để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho toàn Giáo Hội, con nồng nhiệt xin Ðức Thánh Cha, dùng quyền Tông Ðồ, quyết định phong hiển thánh cho các vị chân phước này, và xác định ngày long trọng ghi tên các vị vào sổ bộ các thánh.

Ðức Thánh Cha nói:

"Chúng tôi đã được Ðức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cho biết tất cả những gì cần thiết đã được hoàn thành tốt đẹp tại Bộ, để các chân phước Jeanne Emilie de Villeneuve, Maria Chúa Giêsu chịu đóng đanh Baouardy và Maria Alfonsina Danil Ghattas được ghi vào sổ bộ các thánh. Nhưng anh em đáng kính, trước khi cử hành công nghị này, qua giấy tờ, anh em đã bày tỏ riêng ý kiến của anh em và tuyên bố các vị chân phước này đáng được đề nghị như mẫu gương cho toàn thể Giáo Hội, đặc biệt trong hoàn cảnh thời nay. Anh em đáng kính, tôi vui mừng vì anh em nghĩ rằng 3 vị chân phước đáng được đề nghị cho toàn thể Giáo Hội tôn kính. Vì thế, với quyền của Thiên Chúa toàn năng, của các thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, và quyền của chúng tôi, chúng tôi quyết định rằng, cùng với chân phước Maria Cristina Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, mà việc phong thánh đã được quyết định trong công nghị Hồng Y năm ngoái, ba chân phước Jeanne de Villeneuve, Maria Chúa Giêsu chịu đóng đanh và Maria Alfonsina Danil Ghattas sẽ được ghi vào sổ bộ các thánh ngày 17 tháng 5 năm 2015.

Công nghị kéo dài 1 giờ 25 phút và kế thúc lúc 12 giờ 25.

Viếng thăm chúc mừng các tân Hồng Y

Theo chương trình, chiều hôm thứ Bảy 14 tháng 2 năm 2015, từ lúc 4 giờ rưỡi, các tân hồng y được nhiều người thân, bạn hữu và quan khách đến chúc mừng tại các địa điểm được chỉ định cho mỗi vị: 4 tân Hồng y thuộc giáo triều ở trong dinh Giáo Hoàng, và 15 vị còn lại tại nhiều địa điểm trong khu vực Ðại thính đường Phaolô 6.

Với việc bổ nhiệm này, con số thành viên Hồng Y đoàn là 227 vị, trong đó có 125 Hồng Y cử tri dưới 80 tuổi, tức là vượt quá con số 120 Hồng Y cử tri được luật ấn định. số những nước có Hồng Y cử tri được bổ nhiệm lần này có những quốc gia chưa hề có Hồng y bao giờ như Capo Verde, Tonga, Myanmar, Uruguay, Panamá. Ðây là một dấu chỉ Ðức Giáo Hoàng rất tự do trong việc bổ nhiệm, không câu nệ truyền thống. Với việc bổ nhiệm Hồng Y cho những nước bé nhỏ hoặc ít tín hữu Công Giáo như Capo Verde, Tonga và Myanmar, ngài muốn mang lại vị thế quan trọng hơn cho những nước nhỏ thường bị quên lãng.

Trong Hồng y đoàn mới, Âu Châu vẫn đứng đầu với 119 Hồng y, trong đó có 57 Hồng y cử tri, Bắc Mỹ 27 vị trong đó có 18 Hồng Y cử tri, Nam Mỹ có 26 vị trong đó 12 vị dưới 80 tuổi. Nhưng với việc bổ nhiệm mới, tỷ số này suy giảm từ 60 xuống còn 56.8% Hồng Y đoàn.

Á châu chỉ có 22 Hồng Y, trong đó có 14 Hồng Y cử tri, Phi châu 21 Hồng y trong đó có 15 vị dưới 80 tuổi. Hai đại lục này có số tín hữu Công Giáo tăng nhanh nhất.

Sau cùng là Châu Ðại Dương có 5 Hồng Y kể cả 2 tiến chức mới được tuyên bố bổ nhiệm, trong đó có 3 Hồng Y cử tri.

 

G. Trần Ðức Anh, O.P

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page