Tân hồng y và tính công giáo của Giáo Hội
Tân hồng y và tính công giáo của Giáo Hội.
Roma (VietCatholic News 12-02-2015) - Chọn tân Hồng Y là một cách để các vị giáo hoàng nói lên lập trường hay chủ trương của mình, và lần này, điều Ðức Phanxicô muốn nói liên quan tới danh sách các tân Hồng Y của ngài rõ ràng là thực tại hoàn cầu của Ðạo Công Giáo. Thực vậy, 20 vị tân Hồng Y sẽ được tấn phong vào ngày 14 tháng Hai năm 2015, thực tế đã phát xuất từ khắp nơi trên thế giới: Miến Ðiện, Cape Verde, Việt Nam.
Tuy nhiên, nơi mà người ta vốn cho rằng không có triển vọng gì có được một vị Hồng Y là một nước nhỏ xíu ở Nam Thái Bình Dương, tức Tonga, gồm tới 176 hòn đảo, nhưng tổng số dân chỉ là 100,000 người, trong đó, người Công Giáo chỉ là 15,000. Nhưng Ðức Phanxicô vẫn đã dành cho họ một chỗ ngồi ở Hồng Y đoàn của Giáo Hội.
Người được chọn để chiếm chỗ ngồi đó là Ðức Cha Soane Patita Paini Mafi, chỉ là vị giám mục thứ tư của cả nước và nay là Hồng Y tiên khởi. Muốn lãnh mũ Hồng Y, ngài phải vượt 11,000 hải lý, qua bốn lần đổi máy bay mới tới được Rôma!
Lựa được một vị Hồng Y từ cái chốn xa xăm hẻo lánh ấy rõ ràng đã nói hết cung cách Ðức Phanxicô muốn nhấn mạnh tới ý nghĩa cội nguồn của chữ Công Giáo: tính phổ quát (hằng có ở khắp thế này).
Với 53 tuổi đời trở thành vị Hồng Y trẻ nhất thế giới, Ðức Tân Hồng Y Mafi quả là một vị giáo sĩ theo khuôn mẫu Ðức Phanxicô: không tự phụ, không chính trị và tầm thường đến "làm người ta mát lòng". Ngài là mẫu người sẵn sàng thừa nhận rằng nỗi ân hận duy nhất được làm Hồng Y là không còn bao nhiêu thì giờ để quét dọn chuồng heo nhỏ bé của gia đình tại quê nhà.
Ấy thế nhưng Ðức Tân Hồng Y Mafi rất ý thức được danh dự này. Ngài bảo: "Việc này có ý nghĩa lớn lao đối với người Tonga chúng tôi". Ngài cho biết khi ngài trở về, cả nước dự tính sẽ có một lễ hội lớn theo kiểu Tonga. Vừa cười, ngài vừa nói: "Nhiều con heo sẽ bị giết! Nhưng tôi sẽ cố gắng cứu càng nhiều con càng hay".
Ở Rôma, Ðức Tân Hồng Y Mafi ngụ tại trụ sở Dòng Marist, là Dòng đã đem đức tin Công Giáo tới Tonga và cũng là Dòng cung cấp 3 vị giám mục đầu tiên của xứ sở. Tại đây, ngài đã dành cho tạp chí Crux một cuộc phỏng vấn.
Trong cuộc phỏng vấn trên, ngài cho biết: ngài biết tin được chọn làm Hồng Y từ em trai là Peter, người hiện đang sống tại San Francisco, làm ca trưởng tại một giáo xứ Công Giáo. Người em trai này gọi cho ngài lúc 4 giờ sáng, giờ Tonga, khiến ngài phải dậy khỏi giường để tiếp chuyện. Vì Ðức Cha Mafi không hề biết gì về động thái này, nên ngài bán tín bán nghi, vội lôi chiếc laptop ra và rà trang mạng của Vatican để biết rõ sự thật.
Ngài bảo "đến làm giám mục tôi cũng khó mà tin được, chứ làm Hồng Y, có bao giờ tôi nghĩ tới, không bao giờ".
Ngài cho biết hàng chục ngàn người Tonga thuộc mọi giai tầng xã hội gửi lời chúc mừng và cầu chúc ngài nhân dịp này, trong đó có cả Vua Tupou VI và Hoàng Hậu Nanasipau'u. Hai vị dự tính có mặt tại buổi lễ của mật nghị Hồng Y vào thứ Bẩy 14 tháng 2 năm 2015.
Ðức Tân Hồng Y Mafi nói rằng ngài không được chọn vì bất cứ liên hệ bản thân nào với Ðức Giáo Hoàng. Thực vậy, trước đây, ngài chỉ mới gặp Ðức Phanxicô có một lần duy nhất, và rất ngắn ngủi, nhân dịp Thượng Hội Ðồng Giám Mục hồi mùa thu 2014, chỉ để nói với Ðức Phanxicô là Tonga ở đâu trên bản đồ thế giới. Ðức Phanxicô chỉ đáp lại: "Xa lắm, xa lắm!"
Dù phát xuất từ một nơi nhỏ bé, nhưng Ðức Tân Hồng Y Mafi không phải là người "quê mùa": ngài từng tham dự 2 Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới: Thượng Hội Ðồng năm 2012 về Tân Phúc Âm Hóa và Thượng Hội Ðồng năm 2014 về gia đình. Chắc chắn, ngài sẽ tham dự Thượng Hội Ðồng năm 2015.
Về Thượng Hội Ðồng năm 2014, ngài nói: "tôi thích tinh thần cởi mở... Ở đấy thực sự có tình thân hữu và được tự do thảo luận. Tôi cảm thấy Thần Khí, Chúa Thánh Thần, hành động qua sự cởi mở này. Tôi vẫn còn mới và đang cần học hỏi, nhưng tôi hy vọng rằng tinh thần ấy sẽ tiếp diễn tại Thượng Hội Ðồng sắp tới".
Về vấn đề gai góc liệu có nên cho người Công Giáo ly dị và tái hôn rước lễ hay không, Ðức Tân Hồng Y Mafi cho biết: ngài không bước vào cuộc tranh luận với một chủ trương cố định. Ngài bảo: "là các mục tử, chúng tôi thường gặp những người hỏi 'khi nào Giáo Hội nới lỏng vấn đề này? Chúng con cần được rước lễ'. Chúng tôi gặp điều này khá thường xuyên. Tôi tin việc phải biện phân, Giáo Hội phải lắng nghe và cởi mở. Không phải một người quyết định. Không phải ý kiến cá nhân. Tôi tin như thế [và] tôi tiếp tục cởi mở".
Trong thập niên 1990, Ðức Tân Hồng Y Mafi vốn theo học tại Ðại Học Loyola ở Maryland, Mỹ. Ngài thừa nhận rằng ở tuổi 53, có lẽ ngài sẽ làm Hồng Y ít nhất cũng một phần tư thế kỷ. Có thể, ngài sẽ tham dự mật nghị Hồng Y bầu giáo hoàng 2, 3 lần nữa không biết chừng.
Ngài cho hay: ngài chưa cảm nhận được tính lớn lao của trách nhiệm, vì vẫn còn đang rất ngỡ ngàng. Nói cho ngay, theo ngài, trở thành Hồng Y không hẳn đáng sợ như khi được chọn làm giám mục năm 2007, lúc ngài buộc phải thề giữ bí mật cả một tháng trời, phải giữ kín tin tức, không dám nói cả với mẹ.
Ngài bảo: bà cố cảm thấy ngài bị điều gì đó đè nặng, nhưng không dám tọc mạch. Tuy nhiên, rồi cũng đến ngày phải thông báo. Ngài tới nhà bà cố để loan tin. Hôm ấy, ngài ăn vận y phục linh mục chỉnh tề để sau đó còn đến trình diện nhà vua vào buổi chiều.
Ðức Tân Hồng Y Mafi cho biết: hôm ấy ngài xúc động đến nỗi nói không nên lời, cứ đứng một chỗ mà khóc. Mẹ ngài tưởng chuyện không lành, an ủi ngài: "có gì đâu con, con có quyết định bỏ chức linh mục thì mẹ cũng đâu có buồn!"
Dĩ nhiên, không những không bỏ chức linh mục, ngài còn được thăng thưởng trên bậc thang giáo sĩ. Khi đã hiểu chuyện, mẹ ngài cho ngài lời khuyên mà theo ngài, sẽ không bao giờ ngài quên được: "hãy khiêm nhường, con ạ, và ca khen và vinh danh Thiên Chúa".
Sau khi đã thắng "vận hên" để trở thành một giám mục và một Hồng Y, Ðức Tân Hồng Y Mafi biết vẫn còn một chức vụ nữa trong Ðạo Công Giáo, một chức vụ cũng chưa có người Tonga nào từng làm. Nhưng ngài cho rằng ý niệm về một vị giáo hoàng người Tonga là chuyện "lấp biển vá trời", không thể nào có được. "Lúc đó chắc là tận thế!" Ngài cười nói thế.
Vũ Van An