Những ánh đèn pha hy vọng

cho năm 2015 trên thế giới

 

Những ánh đèn pha hy vọng cho năm 2015 trên thế giới.

Roma (RG 1-01-2015; Vat. 4-02-2015) - Năm 2014 đi với biết bao căng thẳng gây ra bởi chiến tranh, xung đột và bạo lực đủ loại, trong đó có thảm cảnh các cuộc nội chiến tại Irak, Siria và Ucraina, cũng như tại Trung Phi, Somalia, Afghanistan và nhiều nơi khác. Biến cố Hoa Kỳ tái lập ngoại giao với Cuba, mở lại tòa đại sứ và bỏ cấm vận sau 53 năm đoạn tuyệt ngoại giao và thù hận, như được hai quốc trưởng tuyên bố ngày 17 tháng 12 năm 2014 xem ra là tin vui duy nhất của năm 2014. Có ánh sáng hy vọng nào cho năm 2015 vừa mới bắt đầu hay không?

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định của ông Natalino Ronzitti, nguyên giáo sư Luật quốc tế đại học Luiss và cố vấn khoa học Học viện bang giao quốc tế Italia.

Hỏi: Thưa giáo sư Ronzitti, năm 2014 đã có quá nhiều chiến tranh xung khắc gây chết chóc thương đau cho người dân trên thế giới, đặc biệt trong vùng Trung Ðông. Không có sự kiện nào tích cực hay sao?

Ðáp: Có chứ. Ít nhất có thể nêu bật hai sự kiện: trước hết là việc Hoa Kỳ và Cuba tái lập liên lạc ngoại giao với nhau sau hơn nửa thế kỷ cấm vận. Thứ hai là sự cởi mở của Hoa Kỳ đối với Iran. Khi nào Iran vĩnh viễn từ bỏ ý muốn có vũ khí nguyên tử, thì Hoa Kỳ cũng sẽ bỏ cấm vận đối với Iran.

Thế rồi khi nhìn vào tình hình thế giới, chúng ta cũng thấy có các sự kiện tích cực khác, chẳng hạn như liên quan tới việc chiến đấu chống lại nạn cướp biển, đã có các tiến bộ hữu hiệu khiến cho nạn cướp biển giảm nhiều. Ðiều này là một thiện ích cho các dịch vụ thương mại quốc tế. Còn có một sự kiện khá quan trọng khác nữa, thường không được biết tới: đó là Thỏa hiệp quốc tế về buôn bán vũ khí đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24 tháng 12 vừa qua. Thỏa hiệp này không loại bỏ việc buôn bán khí giới, nhưng điều hợp nó. Ðây là một bước tiến tích cực, bởi vì người ta đã thử đưa ra một Hiệp ước tương tự vào thời của Hiệp hội các quốc gia, nhưng nó đã không bao giờ có hiệu lực. Trái lại, lần này Thỏa hiệp đã có hiệu lực, tất cả mọi nước thành viên của Liên Hiệp Âu châu đã phê chuẩn, và người ta hy vọng rằng có sự tuân giữ đại đồng.

Hỏi: Thưa giáo sư, 2015 cũng là năm của Hội nghị tái duyệt xét Thỏa hiệp không để vũ khí hạt nhân lan tràn triệu tập vào mùa xuân bên New York. Có dấu hiệu nào đến từ hội nghị này hay không?

Ðáp: Rất tiếc là trong lãnh vực này thì không có nhiều hy vọng. Tuy nhiên, có một sự kiện tích cực đó là ít nhất chương trình nghị sự đã được chấp nhận, và như thế Hội nghị sẽ tiến hành. Sẽ rất ư là nguy hiểm, nếu các hội nghị loại này không được triệu tập.

Hỏi: Trong trường hợp có các dấu hiệu xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Iran, theo giáo sư, nó có tạo ra một hậu quả domino trong vùng hay không?

Ðáp: Liên quan tới hiệu quả domino thì khó mà nói, nhưng nó có thể gây ra một hiệu qủa đáng kể đối với việc tái lập hòa bình, đặc biệt trong vùng Vịnh Ba Tư, là vùng đã trải qua các tranh cãi biên giới, tranh cãi đường thủy, và sự kiện các quốc gia thứ ba muốn nhảy vào vùng Vịnh. Vì thế có thể nói nó có một hiệu qủa nào đó. Nhưng nếu quý vị ám chỉ một giải pháp khả thể cho cuộc xung đột gây hậu qủa domino liên quan tới Nhà nước Hồi IS và liên quan tới Siria và Irak, thì đương nhiên là khó mà nói được. Bởi vì ở đây các xung khắc vẫn đang tiếp diễn, và phong trào khủng bố này đang kiểm soát một vùng rộng lớn. Ngoài chuyện liên quan tới "Bin Laden" thực tế mà nói đây là lần đầu tiên một phong trào nổi loạn mang huy hiệu khủng bố kiểm soát được một vùng đất đáng kể. Theo tôi, trong trường hợp này sẽ không có một hiệu qủa domino, nếu không phải là trong nghĩa tất cả các quốc gia trong vùng cùng liên minh với nhau giúp đánh bại phong trào quốc gia hồi IS này. Nhưng đương nhiên liên quan tới điều này chúng ta không thể nói tới hòa bình, bởi vì nó sẽ bị thua sức mạnh của vũ khí. Và không có phương thế nào khác giúp đánh bại phong trào khủng bố này cả.

* * * * *

Trong khi đó bên châu Mỹ Latinh có một mặt trận khác, trong đó tiến trình hòa bình tiếp tục được củng cố, mặc dù hiện nay vẫn không thiếu các vụ bạo lực và đó là trường hợp nước Colombia. Sau đây là một vài nhận xét của ông ông Raul Caruso, giáo sư khoa Chính trị kinh tế Ðại học Công giáo Milano, kiêm giám đốc mạng lưới âu châu các "Khoa học gia cho hòa bình".

Hỏi: Thưa giáo sư Caruso, giáo sư nghĩ gì về trường hợp của Colombia, là quốc gia đã có cuộc nội chiến lâu nhất thế giới, kéo dài 60 năm qua?

Ðáp: Nước Colombia là một quốc gia đã bị xâu xé bởi một cuộc xung khắc triền miên hết thập niên này sang thập niên khác giữa quân chính phủ và các lực lượng bán quân sự và phiến quân, với những giai đoạn khó khăn và vài lúc gia tăng. Tuy nhiên, cũng đã có các cuộc thương thuyết hòa bình đang tiến hành bên Cuba, và xem ra Cuba trong lúc này là vùng phân chia ranh giới của biết bao nhiêu hy vọng. Rõ ràng là Colombia khiến cho chúng ta cũng nghĩ tới một khía cạnh khác nữa: đó là quốc gia này đang ở trong một tình trạng rất khó khăn về mặt chênh lệch giữa người giầu và người nghèo, bất công xã hội, và đương nhiên là các nút thắt chính của tiến trình hòa bình đi qua việc giải quyết nạn bất công xã hội sâu xa, đã biến thành tinh thể tại Colombia từ nhiều năm qua.

Hỏi: Thưa giáo sư, các cuộc thương thuyết tiếp tục, thực ra chúng đã không bao giờ bị gián đoạn, nhưng mặc dù vậy đã không có đình chiến giữa các phe liên hệ, như vậy là thế nào?

Ðáp: Cuộc xung đột tại Colombia rất đặc biệt, bởi vì các cuộc hòa đàm đã bắt đầu từ lâu, nhưng tổng thống Santos và cả các phiến quân đã luôn luôn khẳng định rằng các hoạt động chiến tranh bình thường vẫn tiếp tục. Ðã không có cuộc ngưng chiến thực sự nào, chỉ có một cuộc ngưng bắn đơn phương thực sự từ phía các Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia FARC và Quân đội giải phóng quốc gia ELN là tổ chức du kích mác xít, nhân dịp bầu cử tổng thống cách đây vài tháng. Nhưng một cách kỹ thuật đã không có các cuộc thương thuyết hòa bình theo sau một cuộc ngưng bắn đích thực, như chúng ta thường nghĩ. Do đó, khi xảy ra các vụ bạo lực không cần tưởng tượng rằng chúng gây thiệt hại cho các cuộc thương thuyết hòa bình đang diễn tiến.

Hỏi: Ðức Thánh Cha Phanxicô đã công du Sri Lanka, là quôc gia cũng đã bị xâu xé bởi cuộc nội chiến trong bao nhiêu năm trời. Trong các thời gian qua xem ra đã có tiến trình hòa giải giữa các lực lượng đối nghịch, có đúng thế không thưa giáo sư?

Ðáp: Quốc gia đảo Sri Lanka tuy bé nhỏ, nhưng là một trường hợp rất đặc biệt, bởi vì cuộc nội chiến đã kéo dài tại đây ít nhất 25 năm. Hiện nay tình hình đang trở lại bình thường liên quan tới hòa bình, đến độ tin tức mấy ngày vừa qua cho biết đường xe lửa nối liền Bắc Nam đã được mở trở lại. Như thế tiến trình hòa bình tiếp tục, cả trong viễn tượng tái hội nhập đang thành hình trong xã hội Sri Lanka.

(RG 1-1-2015)

 

Linh Tiến Khải

(Radio vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page