Ðức Phanxicô và sự thay đổi
quan điểm của Mỹ về người Công Giáo
Ðức Phanxicô và sự thay đổi quan điểm của Mỹ về người Công Giáo.
Hoa Kỳ (VietCatholic News 27-01-2015) - Tổng Thống Obama ca ngợi Ðức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài diễn văn về tình trạng liên bang của ông mới đây. Tuy nhiên, ai cũng đã rõ: trong suốt lịch sử Mỹ với gần 50 ông tổng thống thay phiên nhau cai trị đất nước Hoa Kỳ, mới chỉ có 3 ông làm chuyện này. Trước Obama, Johnson nhắc tới Ðức Phaolô VI; Clinton nhắc tới Ðức Gioan Phaolô II.
Tên tuổi Ðức Phanxicô sẽ xuất hiện một lần nữa tại tòa nhà quốc hội Mỹ vào cuối năm 2015 khi ngài nhận lời mời tới đây đọc diễn văn, đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử. Ðức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, thuộc Ủy Ban sắp xếp cuộc tông du Mỹ vào tháng 9 năm 2015 của Ðức Giáo Hoàng, cho hay: "Thực sự, ta có thể nói, điểm nổi bật của chuyến thăm Hoa Thịnh Ðốn có thể là bài diễn văn ngài đọc với phiên họp lưỡng viện; với các đại diện Thượng và Hạ Nghị Viện".
Tuy nhiên, bài diễn văn trên sẽ không chỉ là một điểm nổi bật mà thôi. Với một ông phó tổng thống Công Giáo và một ông chủ tịch Hạ Nghị Viện Công Giáo nhìn từ sau lưng ngài, bài diễn văn chắc chắn sẽ là một nhắc nhở sống động việc người Mỹ đã tiến bao xa trong việc khắc phục các thiên kiến và cuồng tín bài Công Giáo lâu đời của họ.
Sự cuồng tín nói trên bao gồm cả Tổng Thống Thomas Jefferson, người, vào năm 1813, từng viết rằng: "Tôi tin rằng lịch sử chưa bao giờ cho ta một điển hình nào về việc một dân tộc nhiều linh mục lại duy trì được một chính phủ dân sự tự do... Tại mọi quốc gia và trong mọi thời đại, linh mục luôn thù nghịch đối với tự do".
Trong phần lớn thế kỷ 19, người Công Giáo bị người Mỹ theo chủ trương coi người sinh ra ở địa phương trội hơn người nhập cư (nativists), phần lớn theo Thệ Phản, tố cáo là phá hoại cuộc thử nghiệm dân chủ của Mỹ. Ðôi khi những lời tố cáo này kèm theo bạo lực.
Năm 1834, một tu viện tại Charlestown, Mass., đã bị phóng hỏa. Năm 1844, một cuộc bạo động tại Philadelphia đã khiến 13 thiệt mạng và phá hủy hai nhà thờ. Trong cùng thập niên này, Hiệp Hội Thệ Phản Mỹ được thành lập để tố cáo "các nguyên tắc của bọn giáo hoàng" vì chúng bị coi như "phá sập tự do dân sự và tự do tôn giáo".
Năm 1835, Lyman Beecher, một nhà giảng thuyết và là viện trưởng một chủng viện, hô hào xua đuổi người Công Giáo khỏi bất cứ khu định cư nào ở Phía Tây khi người Mỹ di chuyển ngày càng đông từ bờ biển Phía Ðông tới đó. Oái oăm một điều, con gái ông là Harriet Beecher Stowe, lại là tác giả cuốn "Uncle Tom's Cabin", một tiểu thuyết nhằm tố cáo tội ác buôn bán nô lệ tại Hoa Kỳ.
Tổng Thống Ulysses S. Grant công khai lo ngại đối với một đất nước "một đàng thì có lòng yêu nước và thông minh, nhưng đàng khác lại dị đoan, có tham vọng và tham lam". Vị anh hùng của cuộc Nội Chiến này cũng muốn các trường công lập "không bị pha trộn với thứ giáo huấn vô thần, ngoại đạo hay bè phái", vốn tiêu cực ám chỉ một cách lộ liễu tới Ðạo Công Giáo Rôma.
Năm 1928, Thống Ðốc New York, Al Smith, là người Công Giáo đầu tiên tranh cử vào Tòa Bạch Ốc. Trong chiến dịch tranh cử, có cả một làn sóng cuồng tín bài Công Giáo. Người ta sợ ông Smith sẽ nhận lệnh trực tiếp từ giáo hoàng ở Rôma. Một số người cuồng tín còn phao tin rằng giáo hoàng có dự định dọn vào Toà Bạch Ốc nếu Smith trở thành tổng thống. Kết quả: Smith thua Herbert Hoover trong một cuộc thất bại "đất lở" (rất đậm).
Ngay sau này, vào năm 1960, một số mục sư Thệ Phản nổi tiếng, vì sợ một tổng thống Công Giáo, cũng đã vận động chống lại John F. Kennedy. Các mục sự này, trong đó có người quá cố Norman Vincent Peale, tác giả cuốn sách bán chạy nhất "The Power of Positive Thinking", sợ rằng đức tin Công Giáo của John F. Kennedy sẽ xung đột với các trách nhiệm tổng thống của ông.
Trong một diễn văn với một nhóm nhà lãnh đạo Thệ Phản ở Houston, Kennedy đã nổi tiếng bác bỏ những lời tố cáo như trên khi xác nhận sự độc lập bản thân và chính trị của ông đối với Giáo Hội Công Giáo trong các vấn đề chính sách công.
Ông chỉ thắng cuộc bầu cử rất xít xao và vẫn là người Công Giáo duy nhất ngụ trong Tòa Bạch Ốc.
Ðiều đáng lưu ý là Kennedy chỉ gặp Ðức Giáo Hoàng có một lần. Khi yết kiến Ðức Phaolô VI tại Rôma năm 1963, John F. Kennedy thận trọng chỉ bắt tay Ðức Giáo Hoàng chứ không hôn nhẫn như phép lịch sự thông thường của người Công Giáo.
Trong 50 năm qua, đã có nhiều cuộc gặp gỡ giữa các tổng thống Mỹ và các Ðức Giáo Hoàng hơn trước, nhưng mới chỉ có hai vị giáo hoàng thực sự đặt chân vào Tòa Bạch Ốc. Năm 1979, Tổng Thống Jimmy Carter, một người Baptist Miền Nam, chào đón Ðức Gioan Phaolô II tại đây; năm 2008, George W. Bush, một người tin lành tái sinh, nghinh đón Ðức Bênêđíctô XVI tại Sân Cỏ Phía Nam.
Dù hai đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI quyết định không làm vậy, nhưng các ngài có thể dễ dàng ngủ qua đêm tại Phòng Ngủ Lincoln như những vị khách, một điều không thể nào có được vào thời Jefferson và Grant.
Và khi Ðức Phanxicô đọc diễn văn với Quốc Hội Mỹ, thì đây là một dấu chỉ rõ rệt khác cho thấy "thời gian quả đang thay đổi".
Vũ Van An