Lịch sử đã được thực hiện!
Ðức Phanxicô thu hút 6 tới 7 triệu
tín hữu Phi Luật Tân
Lịch sử đã được thực hiện! Ðức Phanxicô thu hút 6 tới 7 triệu tín hữu Phi Luật Tân.
Manila (VietCatholic News 18-01-2015) - Theo hãng tin CNA, phát ngôn viên Tòa Thánh nói rằng lịch sử đã được thực hiện vào Chúa Nhật ngày 18 tháng 1 năm 2015 khi từ 6 tới 7 triệu tín hữu Phi Luật Tân đã tham dự Thánh Lễ kết thúc chuyến viếng thăm nước này của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô.
Cha Federico Lombardi nói với các thông tín viên báo chí trong một cuộc họp báo tại Manila vào hôm Chúa Nhật ngày 18 tháng 1 năm 2015 rằng "con số chính thức phổ biến cho chúng tôi là giữa 6 và 7 triệu người". Ðây là "biến cố lớn nhất trong lịch sử các vị giáo hoàng".
Trong bài giảng lễ, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh tới căn tính ta là con cái Thiên Chúa. Ngài kêu gọi phải bảo vệ gia đình chống lại mọi tấn công đang đe dọa nó.
Ngài nói: "đáng buồn thay, trong thời đại ta, gia đình rất thường cần được bảo vệ chống lại các cuộc tấn công hiểm ác và các chương trình đi ngược lại tất cả những điều ta tin là thật và thánh thiêng, tất cả những điều tươi đẹp và cao thượng nhất trong nền văn hóa của ta".
Ðức Phanxicô lên tiếng với hàng triệu người Phi Luật Tân tụ họp tại Quảng Trường Rizal ở Manila trong biến cố cuối cùng của cuộc tông du 5 ngày tại nước này.
Thánh Lễ bế mạc đã đánh dấu biến cố lớn nhất của một vị giáo hoàng trong lịch sử, vượt qua cả Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1995 cũng tại Manila với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã lôi cuốn 4-5 triệu tín hữu tham dự Thánh Lễ bế mạc.
Bất chấp bão táp
Trong lời phát biểu vào cuối Thánh Lễ bế mạc, Ðức Tổng Giám Mục Soc Villegas, Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Phi Luật Tân, nói rằng tình yêu Ðức Phanxicô và với nó, đức tin của Giáo Hội Phi gồm 85 triệu chi thể đã tự chứng tỏ là bất chấp bão táp (typhoon-proof)
Ngoài việc vượt qua kỷ lục từ trước đến nay của cuộc thăm viếng Phi năm 1995 của Ðức Gioan Phaolô II tại cùng một địa điểm, điều đáng lưu ý là biến cố hôm nay không liên hệ gì tới Ngày Giới Trẻ Thế Giới.
Ðiều cũng đáng lưu ý là: trong khi chuyến tông du Phi lần cuối cùng của Ðức Gioan Phaolô II được hiểu như một tạm biệt đối với vị giáo hoàng đã bước vào năm thứ 17 triều đại của mình, thì Ðức Phanxicô chủ trì biến lớn nhất lịch sử chỉ trong vòng hai năm sau khi lên ngôi.
Cuối cùng là thời tiết. Manila được đặt dưới cảnh báo bị bão cấp thấp, do đó, Ðức Phanxicô phải mặc poncho giống như đám đông. Nhưng cảnh báo ấy chỉ làm tăng cường độ cho khối người "đại dương" ca hát, hoan hô mà có người gọi là "làn sóng Phanxicô". Họ có mặt tại chỗ hoặc cuốc bộ tới đó trước cả hừng đông.
Khung cảnh đáng lưu ý nữa là Chúa Nhật ngày 18 tháng 1 năm 2015 là lễ kính Chúa Giêsu Hài Ðồng (Santo Nino) một ngày lễ được người Công Giáo Phi trân quí mừng kính. Vì thế, tín hữu được khuyến khích đem tượng Chúa Hài Ðồng tới dự lễ. Nên đã có đến hàng triệu Ninos được giơ lên trong Thánh Lễ cùng với hàng triệu điện thoại di động và tablets thi nhau bấm hình.
Trước Thánh Lễ, Ðức Giáo Hoàng đã gặp, trong 20 phút, người cha của Kristel Padasas, nhân viên của Sở Cứu Trợ Công Giáo, 27 tuổi, qua đời do một mảnh của giàn âm thanh rơi xuống trúng đầu sau Thánh Lễ hôm trước tại Tacloban.
Em thấy Thiên Chúa trong mắt ngài
Nhiều bản tin đánh đi từ Manila đặt con số người tham dự Thánh Lễ bế mạc của Ðức Phanxicô vào khoảng 3 triệu. Nhưng bản tin của BBC cho hay con số đó là 6 triệu người, căn cứ vào phúc trình của các nhân viên thủ đô Manila. Con số này bao gồm những người tham dự Thánh Lễ lẫn những người đứng ở lộ trình quanh Rizal Park.
Theo đài này, bầu khí hết sức phấn khích bất chấp trời mưa to. Chuyến viếng thăm của Ðức Phanxicô tại đây được coi là một thành công lớn. Người ta rất phấn khởi đối với Ðức Giáo Hoàng và các chủ đề ngài nêu lên: giúp đỡ người nghèo, tầm quan trọng của gia đình, và bảo vệ môi sinh.
Những ai không vào được quảng trường Rizal, vẫn kiên nhẫn đứng dưới dù càng gần địa điểm hành lễ càng hay, mong được thấy Ðức Giáo Hoàng lúc ngài tới và đi. Một phụ nữ tên Sara nói với BBC rằng trọn gia đình bà từ tỉnh tới đây và ở lại suốt cuối tuần để chắc mẩm được thấy Ðức Giáo Hoàng trong chuyến viếng thăm được họ coi là lịch sử, một đời người mới có một lần. Một người đàn ông, tên Jocson, cho hay: "chúng tôi ở đây cũng để làm chứng, để đích thân được thấy Ðức Phanxicô".
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tới trên một "giáo hoàng xa" biến cải từ một kiểu xe buýt nhỏ của địa phương vốn gọi là "jeepneys".
Ðám đông ca hát và hoan hô mỗi lần ngài dừng lại để chào hỏi tín hữu.
Nhiều người cắm trại suốt đêm ở bên ngoài quảng trường mong được là những người đầu tiên vào quảng trường khi cổng mở vào sáng sớm Chúa Nhật ngày 18 tháng 1 năm2 015.
Một tín hữu tên Chad Soniko nói với BBC "Ðây thật là một niềm vui hết sức lớn lao, một hy vọng hết sức lớn đối với đất nước chúng tôi, vì chúng tôi thực sự cần sứ điệp của ngài, chúng tôi cần biến đổi và đó là điều ngài nói với chúng tôi". Rồi vừa khóc, anh vừa nói thêm "cảm động thực sự, rất thực".
John Paul Jones 13 tuổi thì thổ lộ "em thấy Thiên Chúa trong mắt ngài".
Trước thánh lễ, Ðức Phanxicô gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo và người trẻ tại Ðại Học Santo Tomas là Ðại Học Công Giáo lớn nhất Á Châu.
Ngài mở đầu cuộc gặp gỡ với hơn 20,000 sinh viên bằng cách tưởng niệm người thiếu nữ 27 tuổi qua đời trong lúc ngài thăm Tacloban. Trước đó, cảnh sát tường rình rằng nàng thiệt mạng khi giàn âm thanh đổ xuống sau Thánh Lễ Thứ Bẩy 17 tháng 1 năm 2015.
Rồi Ðức Phanxicô lắng nghe một số trẻ em nói về kinh nghiệm lớn lên của các em ở ngoài đường phố.
Một em, tên Glyzelle Palomar, 12 tuổi, khóc khi kể lại câu truyện của mình và hỏi tại sao Thiên Chúa lại để trẻ em chịu đau khổ như thế.
Xúc động rõ ràng, Ðức Phanxicô trả lời "chỉ khi nào biết khóc, ta mới tiến gần tới chỗ trả lời được câu hỏi của con".
Ngài nói thêm rằng thế giới cần học cách khóc với những người khốn khó. Ngài nói: "những người ở bên lề đang khóc. Những người bị đẩy qua một bên đang khóc. Những ai bị vứt bỏ đang khóc. Nhưng những ai sống một cuộc sống ít nhiều không thiếu thốn, không hề biết cách khóc".
Tường trình của Reuters
Hãng tin Reuters cho hay Thánh Lễ của Ðức Phanxicô tại Manila thu hút được một đám đông kỷ lục từ 6 đến 7 triệu người tham dự. Con số này do Vatican và chính phủ Phi Luật Tân cung cấp. Con số này bao gồm người tham dự ở Rizal Park lẫn người đứng ở các khu vực chung quanh.
Theo hãng tin này, Cha Lombardi nói trong một cuộc họp báo rằng "hiển nhiên, chúng tôi không có khả năng đếm hết mọi người hay kiểm chứng được việc này, nhưng dù sao, chúng tôi thấy quá nhiều người nên tin con số này khả hữu".
Cha nói thêm: "nếu đúng như thế, và chúng tôi nghĩ là đúng, thì đây là biến cố lớn nhất trong lịch sử các vị giáo hoàng".
Reuters cũng cho rằng Ðức Phanxicô tới quảng trường Rizal, với poncho vàng khoác trên phẩm phục trắng, trên chiếc xe cải biến từ kiểu xe "jeepneys" thông dụng của Phi dựa trên thiết kế kiểu xe quân sự của Mỹ dùng trong Thế Chiến II.
Trong bài giảng lễ, Ðức Phanxicô khuyên người Phi Luật Tân tránh xa "các cơ cấu xã hội kéo dài mãi mãi cảnh nghèo, cảnh ngu dốt và nạn tham nhũng", một chủ đề ngài từng nhấn mạnh khi nói chuyện với Tổng Thống Benigno Aquino. Tổng Thống Aquino cũng tham dự Thánh Lễ bế mạc.
Ngài cũng chỉ trích chính sách kiểm soát dân số của chính phủ Phi, cho rằng gia đình hiện đang bị đe dọa bởi "những cuộc tấn công hiểm ác và các chương trình đi ngược lại tất cả những điều chúng ta tin là thật và thánh thiêng".
Reuters cũng thuật lại buổi gặp gỡ người trẻ tại Ðại Học Santo Tomas, trong đó, bé gái 12 tuổi tên Glyzelle Iris Palomar nói với Ðức Giáo Hoàng rằng "Nhiều trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi. Nhiều em trở thành nạn nhân và nhiều điều xấu xa đã xẩy ra cho các em, như ghiền ma túy và đĩ điếm. Tại sao Thiên Chúa lại cho phép điều này xẩy ra, dù các trẻ em không có lỗi chi? Tại sao chỉ một số ít người giúp đỡ chúng con?"
Bé gái, vốn được cứu và tìm được nơi trú thân tại một cộng đoàn do Giáo Hội quản trị, đã bật khóc và không thể nói hết bài nói soạn sẵn. Ðức Giáo Hoàng đã ôm lấy em và sau đó, đã gạt qua một bên bài diễn văn soạn sẵn khi trả lời em.
Ngài trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha quen thuộc và được một thông dịch viên dịch sang tiếng Anh cho đám đông khoảng 30,000 người trẻ tại khuôn viên Ðại Học Santo Tomas: "Tại sao trẻ em chịu đau khổ? Cha mời mỗi người chúng con tự hỏi mình, 'tôi đã học cách khóc chưa... khi thấy một một đứa trẻ đói, một đứa trẻ ở đường phố sử dụng ma túy, một đưá trẻ không nhà, một đưa trẻ bị bỏ rơi, một đứa trẻ bị bạo hành, một đứa trẻ bị xã hội sử dụng làm nô lệ'?"
Liên Hiệp Quốc cho biết 1.2 trẻ em đang sống ngoài đường phố ở Phi Luật Tân. Còn theo Quĩ Bảo Vệ Trẻ Em, 35.1% trẻ em hiện sống trong cảnh nghèo và gần 33% người Phi Luật Tân sống trong các khu ổ chuột.
Vũ Van An