Ðức Phanxicô gặp gỡ
giới trẻ Phi tại Ðại Học Santo Tomas
Ðức Phanxicô gặp gỡ giới trẻ Phi tại Ðại Học Santo Tomas.
Mania (VietCatholic News 18-01-2015) - Ngày 18 tháng Giêng năm 2015, hàng đoàn người tụ tập tại Ðại Học Santo Tomas ở Manila mong được nhìn thấy Ðức GH Phanxicô khi ngài tới đây gặp gỡ giới trẻ Phi Luật Tân.
Một số người cắm trại ở bên ngoài đại học từ 11 giờ đêm hôm 17 tháng Giêng năm 2015 để chiếm chỗ tốt trong khuôn viên Ðại Học. Các con phố chung quanh Ðại Học đã đầy các tín hữu từ lúc 4 giờ sáng.
Các cổng Ðại Học đã mở cửa từ lúc 4 giờ sáng và dự trù sẽ đóng lại 3 giờ sau đó. Tuy nhiên, vì số lượng đông đảo tín hữu đã lập tức tràn đầy 24 mẫu tây quảng trường của khuôn viên Ðại Học, nên buộc lòng nhân viên an ninh phải cho đóng cửa trước hạn định.
Cuộc gặp gỡ hiếm hoi
Những người Phi hy vọng được thoáng thấy Ðức Giáo Hoàng cũng kiên nhẫn chờ đợi dọc Ðường Lacson. Nhiều người ngồi trên chiếu, trong khi những người khác chiếm chỗ ở đảo trống giữa đường mong được thấy Ðức Giáo Hoàng rõ ràng hơn khi đoàn xe của ngài băng qua.
Giới trẻ Phi sẽ có dịp may hiếm có được Ðức Giáo Hoàng chúc lành trong cuộc gặp gỡ với họ tại Ðại Học vào lúc 9 giờ 45 phút sáng.
Ðức Thánh Cha sẽ vắn tắt gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo của xứ sở tại Cung Thế Kỷ, sau đó, ngài đi xe mui trần vòng quanh khuôn viên Ðại Học. Tiếp đến sẽ là chương trình sinh hoạt tại Ðại Khán Ðài.
Chương trình sinh hoạt này sẽ bắt đầu với việc suy tôn Thánh Giá và chứng từ của 3 người trẻ Phi: người trẻ thôi học Jun Chura, sinh viên luật Leandro Santos II, và nhân viên thiện nguyện bão lụt Rikki Macolor.
Các tín hữu mong được học hỏi từ các chứng từ của tuổi trẻ này, vì các chứng từ này tập chú vào trải nghiệm bản thân của họ trong tư cách con cái Thiên Chúa.
Cuộc gặp gỡ giới trẻ sẽ kết thúc với sinh hoạt sai đi, trong đó, giới trẻ Phi được thách thức sống Lời Chúa trong đời họ.
Thánh lễ kết thúc
Cuộc viếng thăm Ðại Học Santo Tomas của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đánh dấu lần thứ tư một vị giáo hoàng tới đây. Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI viếng Trường năm 1970, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (nay là thánh) viếng trường hai lần, năm 1981 và năm 1995.
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tới Phi chiều thứ Năm 15 tháng 1 năm 2015, khởi đầu chuyến viếng thăm nước này năm ngày, từ 15 tới 19 tháng Giêng năm 2015. Ngài sẽ chủ tọa thánh lễ kết thúc chuyến viếng thăm của ngài tại Ðại Khán Ðài Quirino ở Luneta vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày 18 tháng 1 năm 2015, một thánh lễ hy vọng sẽ lôi cuốn hàng triệu người Phi tham dự, có thể ngang tầm với đám đông 5 triệu người tham dự thanh lễ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại cùng địa điểm này năm 1995.
Ðức Phanxicô yêu cầu giới trẻ cầu nguyện cho các nạn nhân trận bão Hải Yến
Theo tin chính thức của ban tổ chức chuyến viếng thăm Phi (www.papalvisit.ph) của Ðức Phanxicô, sau khi được tin buồn về cái chết của một thiện nguyện viên trẻ tại Tacloban, nơi ngài cử hành Thánh Lễ hôm 17 tháng 1 năm 2015, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu hàng ngàn người trẻ tụ tập tại khuôn viên Ðại Học Santo Tomas cầu nguyện cho nàng.
"Cha muốn tất cả các con cùng cha im lặng cầu nguyện trong giây lát, và chúng ta sẽ cầu xin với Mẹ trên trời", ngài nói thế khi mời các đại biểu của Cuộc Gặp Gỡ với Giới Trẻ cầu nguyện cho sự an nghỉ của Kristel Padasas, 27 tuổi, thuộc Sở Cứu Trợ Công Giáo, người đã chết trong một tai nạn kinh hoàng ngay sau Thánh Lễ của Ðức Thánh Cha tại Tacloban.
Theo các bài tường thuật, Padasas, người xuất thân từ Ðông Samar, bị thiệt mạng khi một giàn giáo chứa hệ thống âm thanh đổ sụp lên người nàng.
Theo đài phát thanh Vatican, Ðức Giáo Hoàng cũng đã gửi điện chia buồn cùng thân nhân Padasas. Theo đài này, sau Thánh Lễ của Ðức Giáo Hoàng tại Tacloban, Padasas cùng nhóm bạn bước qua bàn thờ. Rồi gió mạnh do cơn bão nhiệt đới "Amang" đem tới đánh sụp giàn đựng âm thanh. Nàng bị thương trúng đầu làm bể sọ, đem vào nhà thương thì nàng qua đời.
Tại sao Ðức Phanxicô khiến người ta khóc
Ngày 17 tháng Giêng năm 2015, trong cuộc họp báo thường lệ tại Diamond Hotel, Manila, Ðức Hồng Y Tagle cho biết người Phi mọi giới lũ lượt kéo nhau hàng đoàn tới gặp Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, không ngại chờ đợi lâu giờ dưới nắng, dưới mưa, dưới cả nguy cơ bão táp, chỉ để mong được thoáng thấy ngài. Và khi thấy rồi, nước mắt ngắn dài ướt mi, những giọt nước mắt thiêng liêng.
Ðức Hồng Y cho rằng những người chẩy nước mắt khi thấy Ðức Giáo Hoàng hẳn nhiên kinh qua giây phút tâm linh sâu sắc.
Thần linh, sâu sắc
"Trong truyền thống Kitô Giáo, có điều người ta gọi là ơn nước mắt", Ðức Hồng Y nói thế. Ngài thêm rằng người nào cảm nghiệm được cõi thần linh và sâu sắc đều nói lên giây phút chẩy nước mắt.
Ngài giải thích thêm: những người thấy và được tận mắt thấy Ðức Giáo Hoàng, chẩy những giọt nước mắt hân hoan và an ủi sau khi hiểu ra rằng họ "đáng kể và được coi là quan trọng".
Cha Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, thì thêm rằng điều trên đặc biệt đúng đối với các người sống sót trận bão Hải Yến: họ khóc công khai trong thánh lễ của Ðức Giáo Hoàng tại phi trường Tacloban. Vì họ cảm thấy được ủi an chứ không cô đơn.
Khóc tận đáy lòng
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói về ơn nước mắt trong Lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14 tháng Chín năm 2013.
Ngài nói rằng mầu nhiệm Thánh Giá chỉ có thể hiểu được "đôi chút nhờ qùy gối, cầu nguyện, nhưng cũng nhờ nước mắt: đó là những giọt nước mắt đem ta lại gần mầu nhiệm này".
Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh: "không khóc, không khóc tận đáy lòng" ta không bao giờ hiểu được mầu nhiệm Thánh Giá này.
Các vị thánh nổi tiếng được ơn này là các Thánh Catarina thành Siena, Thánh Inhaxio thành Loyola, và cha năm dấu Pio thành Pietrelcina, người được chứng kiến tận mắt và quay phim khi đang khóc lúc truyền phép Thánh Thể.
Bài nói chuyện của Ðức Phanxicô với giới trẻ Phi tại Ðại Học Santo Tomas:
Các bạn trẻ thân mến, khi cha tự phát nói, cha hay nói bằng tiếng Tây Ban Nha. Ðúng không? Vì cha đâu có biết nói tiếng Anh. Cho phép cha nói nó nhé? (Vỗ tay. Vâng!). Cám ơn các con nhiều lắm.
Cha này là Cha Mark, một thông dịch viên giỏi.
Trước tiên, hôm nay có tin buồn: Hôm qua khi Thánh Lễ sắp bắt đầu, một mảnh của giàn giáo rơi xuống và khi rơi xuống đã đánh trúng đầu một thiếu nữ làm việc tại khu vực. Và nàng đã qua đời. Tên nàng là Kristel. Nàng làm cho cơ quan và chuẩn bị cho chính Thánh Lễ ấy. Nàng mới có 27 tuổi, trẻ như các con. Nàng làm việc [cho một cơ quan gọi là Sở Cứu Trợ Công Giáo], một thiện nguyện viên. Cha muốn tất cả các con, trẻ như nàng, cầu nguyện giây lát trong im lặng cùng với cha và chúng ta cầu nguyện với mẹ chúng ta, Ðức Bà ở trên trời.
Chúng ta hãy cầu nguyện
[Im lặng]
[Kính mừng Maria... ]
Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho cha mẹ nàng. Nàng là con gái duy nhất. Mẹ nàng đang từ Hồng Kông tới và cha nàng lên Manila để chờ.
[Lạy Cha chúng con ở trên trời]
[Bằng tiếng Anh, trong bản văn soạn sẵn:]
Quả là một niềm vui đối với cha được ở với các con sáng nay. Cha thân chào mỗi người trong chúng con tự đáy lòng cha, và cha cám ơn tất cả những ai làm cho cuộc gặp gỡ này khả hữu. Trong chuyến viếng thăm Phi Luật Tân của cha, cha muốn gặp người trẻ cách riêng, được lắng nghe và nói chuyện với các con. Cha muốn bày tỏ tình yêu thương và các hy vọng của Giáo Hội đối với các con. Và cha muốn khuyến khích các con, trong tư cách công dân Kitô hữu của xứ sở này, hãy hiến thân một cách say mê và trung thực cho công cuộc canh tân xã hội và giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Một cách đặc biệt, cha cám ơn những người trẻ đã dâng lên cha những lời nghinh đón. [kể tên những người trẻ đã lên tiếng] Cám ơn các con rất nhiều.
Và chỉ có một số rất ít đại diện giới nữ nơi chúng con. Quá ít, hỉ?
[cười rộ. Ghi chú: có ba thanh thiếu niên lên tiếng và một thiếu nữ, nói sau người nói đầu tiên, tức người trẻ đã được cứu khỏi đường phố. Thiếu nữ đặt một câu hỏi với Ðức Giáo Hoàng, liên quan tới các bất công mà trẻ em phải gánh chịu như đĩ điếm và bị bỏ rơi, Tại sao Thiên Chúa cho phép những chuyện như thế xẩy ra, mặc dù không phải do lỗi của các trẻ em? Và tại sao chỉ có rất ít người giúp đỡ chúng con?]
Giới nữ có nhiều điều để nói với chúng ta về xã hội hôm nay. [Vỗ tay]. Ðôi khi chúng ta quá "machistas" (trọng nam khinh nữ) nên không dành chỗ cho nữ giới, nhưng nữ giới có khả năng nhìn sự việc theo một góc cạnh khác với chúng ta, với một con mắt khác. Giới nữ có khả năng đặt những câu hỏi mà nam giới chúng ta không có khả năng hiểu chúng. Hôm nay, hãy nhìn vào sự kiện này. Em gái (Glyzelle) là người duy nhất đặt một câu hỏi mà không có câu trả lời. Và em cũng không thể phát biểu bằng lời, mà đúng hơn bằng nước mắt. Cho nên, khi vị Giáo Hoàng sắp tới mà đến [Manila], thì yêu cầu có nhiều thiếu nữ/phụ nữ hơn về số lượng nghe! [vỗ tay].
Cha cám ơn con, Jun, đã tự nói về con một cách mạnh dạn đến thế. Cái nhân trong câu hỏi của con, như cha đã nói, gần như không có câu trả lời. Chỉ khi nào biết khóc cho những sự việc con nói tới, ta mới có khả năng tiến gần việc trả lời cho câu hỏi đó. Tại sao trẻ em chịu đau khổ nhiều đến thế? Tại sao trẻ em chị đau khổ? Khi trái tim có khả năng tự hỏi mình và biết khóc ta mới hiểu được một điều gì đó.
Có một lòng cảm thương thế gian có tính vô dụng. Con đã nói đôi điều về điều ấy. Một lòng cảm thương chỉ dẫn ta tới chỗ cho tay vào túi và bố thí một điều gì đó cho một ai đó, cho người nghèo. Nếu Chúa Kitô chỉ có thứ lòng cảm thương ấy thì hẳn Người sẽ bước qua, chào hỏi vài ba người, rồi tiếp tục bước [về nhà Cha]. Nhưng chỉ khi nào Chúa Kitô khóc và có khả năng khóc, Người mới hiểu cuộc sống ta, hiểu những gì đang xẩy ra trong đời ta.
Các trẻ nữ, trẻ trai, người trẻ thân mến, trong thế giới ngày nay, đang rất thiếu khả năng biết khóc. Người bị hất hủi đang khóc. Những ai bị đẩy ra bên lề đang khóc. Những ai bị vất bỏ đang khóc. Nhưng [những ai trong chúng ta đang sống một cuộc sống ít nhiều không có nhu cầu thì không biết khóc]. Một số thực tại ở trong đời, ta chỉ thấy nhờ những con mắt được thanh tẩy bằng nước mắt.
Cha mời mỗi người chúng con ở đây hãy tự hỏi mình, tôi đã học cách khóc chưa, cách kêu la chưa? [có khi nào tôi thấy một đứa trẻ đói, một đứa trẻ thèm ma túy ở đường phố, một đứa trẻ không nhà, một đứa trẻ bị bỏ rơi, một đứa trẻ bị bạo hành, một đứa trẻ bị xã hội lợi dụng, như một nô lệ chưa?] Bất hạnh một điều, có những người khóc vì họ muốn nhiều hơn. Ðây là điều đầu tiên cha muốn nói. Chúng ta hãy học cách khóc, như bé gái đã chứng tỏ với chúng ta [chỉ bé gái đặt câu hỏi]. Chúng ta đừng quên bài học này. Câu hỏi vĩ đại tại sao nhiều trẻ em đến thế chịu đau khổ, bé gái vừa hỏi vừa khóc. Và câu trả lời vĩ đại mà ta có thể đưa ra ngày hôm nay là: ta hãy học, thực sự học cách khóc, cách kêu la.
Chúa Giêsu trong Tin Mừng, đã khóc. Người khóc khi Người thấy người góa phụ nghèo phải chôn đứa con trai. Và người xúc động đến chẩy nước mắt, đến nỗi cảm thương khi Người thấy nhiều đám đông không có mục tử. Nếu các con không học cách khóc, các con không thể là Kitô hữu tốt.
Ðấy là một thách đố. Jun và Glyzelle đã đặt ra thách đố này cho chúng ta hôm nay. Và khi các em đặt ra câu hỏi này với chúng ta, tại sao trẻ em đau khổ, tại sao thảm trạng này hay thảm trạng nọ xẩy ra ở trên đời, câu trả lời của chúng ta một là im lặng hai là một lời nào đó phát xuất từ nước mắt ta. Các con hãy can đảm lên. Ðừng sợ phải khóc.
Rồi tới Leandros Santos II và câu hỏi của anh. Anh cũng đặt những câu hỏi. Thế giới thông tin. Ngày nay với quá nhiều phương tiện truyền thông, ta quá tải với thông tin. Và điều ấy có xấu không? Không. Ðiều ấy tốt và hữu ích. Nhưng có một nguy cơ thực sự khi sống theo lối tích lũy thông tin. Ta có nguy cơ trở thành [những người trẻ bảo tàng viện], có mọi sự nhưng không biết phải làm gì. Chúng ta không cần những người trẻ bảo tàng viện, nhưng ta cần những người trẻ khôn ngoan. Các con hỏi cha, "thưa cha, làm thế nào chúng con trở nên [khôn ngoan]? Ðây là một thách đố khác. Thách đố yêu thương.
Môn quan trọng nhất các con phải học ở Ðại Học là môn nào? Ðâu là môn học quan trọng nhất các con phải học ở đời? Là học cách yêu thương. Ðây là thách đố mà đời sống đem lại cho các con. Không chỉ tích lũy thông tin mà không học cách sử dụng nó. Nhưng nhờ tình yêu kia, thông tin này sẽ sinh hoa trái.
Muốn được vậy, Tin Mừng đề nghị với ta một con đường thanh thản và tiến tới. Bằng cách sử dụng 3 ngôn ngữ: ngôn ngữ của trí, ngôn ngữ của tâm và ngôn ngữ của bàn tay. Và ba ngôn ngữ ấy, phải sử dụng chúng một cách hòa hợp. Ðiều các con nghĩ, các con phải cảm nhận được và đem thực hành thứ thông tin xuất hiện trong trái tim các con và thể hiện nó trong việc làm thực sự. Và làm thế một cách hòa hợp. Hãy nghĩ điều các con cảm nhận và điều các con làm. Cảm nhận điều chúng con nghĩ và làm. Làm điều chúng con nghĩ và cảm nhận. Ba ngôn ngữ.
Các con có thể nhắc lại điều ấy không? Nghĩ, cảm nhận và làm. [Giới trẻ nhắc lại ba lần] Và tất cả những điều ấy một cách hòa hợp.
Tình yêu thực sự là yêu và để các con được yêu. [Ðể mình được yêu khó hơn yêu]. Ðó là lý do tại sao tiến tới tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa lại khó đến thế. Vì ta có thể yêu Người, nhưng điều quan trọng là để Người yêu thương các con. Tình yêu thực sự là mở lòng mình ra đón nhận tình yêu muốn đến với các con, tình yêu luôn tạo ngạc nhiên nơi ta. Nếu các con chỉ có thông tin, thì yếu tố ngạc nhiên sẽ đội nón ra đi. Tình yêu mở lòng các con cho ngạc nhiên và là ngạc nhiên vì nó giả thiết một cuộc đối thoại giữa hai người, [giữa người yêu và người được yêu]. Và ta nói rằng Thiên Chúa là một Thiên Chúa của ngạc nhiên vì Người luôn yêu ta trước nhất và Người chờ đợi ta với một ngạc nhiên. Thiên Chúa làm ta ngạc nhiên.
Ta hãy để ta được Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên. Ta đừng có thứ tâm lý máy vi tính để nghĩ rằng ta biết hết.
Mọi giải đáp đều có trên màn ảnh vi tính, nhưng không có ngạc nhiên thực sự. Trong thách đố yêu thương, Thiên Chúa tự tỏ mình ra qua các ngạc nhiên.
Ta hãy nghĩ tới Thánh Mátthêu, một nhà tài chánh tốt, nhưng ngài làm người khác thất vọng vì đã đánh thuế các công dân của mình, những người Do Thái, để nộp cho người Rôma. Ngài có đầy tiền bạc nhưng vẫn đánh những thứ thuế này. Nhưng rồi Chúa Giêsu đi qua, nhìn ngài, và nói, hãy theo Thầy. Ngài không thể tin được.
Nếu các con có thì giờ, các con hãy đi xem bức tranh Caravaggio vẽ cảnh này. Chúa Giêsu kêu gọi ngài và những người quanh ngài nói: "tên này sao? Hắn phản bội mà? Hắn đâu có tốt". Và ngài khư khư giữ tiền bạc cho chính ngài. Nhưng sự ngạc nhiên được yêu đã thắng vượt ngài và [ngài theo chân Chúa Giêsu].
Hôm ấy lúc Thánh Mátthêu bỏ nhà ra đi, tạm biệt vợ, ngài không bao giờ nghĩ rằng ngài sẽ trở về mà không có tiền bạc, và lo lắng về việc làm sao có những tiệc tùng lớn, chuẩn bị tiệc tùng cho Ðấng đã yêu mình trước, Ðấng đã làm Thánh Mátthêu ngạc nhiên với một điều đặc biệt, quan trọng hơn mọi tiền bạc mà Thánh Nhân có.
Các con hãy để Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên. Ðừng sợ các ngạc nhiên. Chúng rung chuyển đất dưới chân các con, chúng làm ta không chắc chắn. Nhưng chúng đẩy ta về phía trước, đúng hướng. Tình yêu chân thực dẫn các con tới chỗ khánh kiệt ở trên đời. [thậm chí có nguy cơ trắng tay].
Ta hãy nghĩ tới Thánh Phanxicô. Ngài chết với hai bàn tay trắng, trắng túi, nhưng với một trái tim đầy tràn. Không phải tuổi trẻ bảo tàng viện, mà là tuổi trẻ khôn ngoan. Muốn khôn ngoan, hãy sử dụng ba ngôn ngữ: nghĩ tốt, cảm nhận tốt và làm tốt. Và muốn khôn ngoan, các con hãy để mình được tình yêu Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên. Ðấy là một đời sống tốt.
Cám ơn các con.
Và người đến với một kế hoạch tốt để chỉ cho ta thấy phải đi đứng trong đời ra sao là Ricky. Với mọi hoạt động, nhiều phương diện cùng đi với người trẻ. Cám ơn Ricky, về những gì con làm, và các bạn của con. Nhưng Ricky này, cha muốn hỏi con một câu hỏi: con và các bạn con sắp sửa cho đi. Cho sự giúp đỡ. Nhưng các con có để cho mình tiếp nhận không? Ricky, hãy trả lời từ tận cõi lòng con đi.
Trong Tin Mừng, ta vừa nghe, có một câu rất đẹp mà đối với cha quan trọng hơn cả. Tin Mừng nói rằng Người nhìn người thanh niên, Chúa Giêsu nhìn anh ta, và yêu mến anh ta. Khi ta thấy một nhóm bạn hữu, Ricky và các bạn của anh ta, ta yêu mến họ nhiều vì họ làm những điều rất tốt. Nhưng câu quan trọng nhất là câu Chúa Giêsu nói, "con chỉ còn thiếu một điều".
Ta hãy lắng nghe lời đó của Chúa Giêsu trong thinh lặng. Con chỉ còn thiếu một điều. Con chỉ còn thiếu một điều. Con còn thiếu điều gì? Với tất cả những ai Chúa Giêsu rất thương yêu, cha hỏi các con, các con có để người khác cho các con từ kho lẫm của họ, cho chúng con là những người không có các kho lẫm như thế không? Người Xa Ðốc, các tiến sĩ lề luật, thời Chúa Giêsu, đã cho người khác nhiều điều, lề luật, dạy dỗ họ. Nhưng họ không bao giờ để người ta cho họ điều gì. Chúa Giêsu đã phải đến để tự để cho mình cảm được lòng cảm thương, được yêu mến. Có bao nhiêu người trẻ trong chúng con được như thế? Các con biết cách cho đi nhưng các con chưa học cách tiếp nhận. Các con chỉ còn thiếu một điều: [bằng tiếng Anh: trở nên người ăn mày. Trở nên người ăn mày] trở nên người ănmày. Ðó là điều c`ác con còn thiếu. Học cách ăn mày. Và ăn mày những người ta cho.
Ðiều này không dễ hiểu. Học cách ăn mày. Học cách tiếp nhận [từ đức khiêm nhường của những người ta giúp đỡ]. Học cách để người nghèo giảng tin mừng cho ta. Những người ta giúp đỡ. Người tàn tật, người mồ côi. Họ có quá nhiều điều để tặng ta. Tôi đã học cách ăn mày cả những điều đó chưa? Hay tôi chỉ cảm thấy tự mãn, và chỉ sẵn sàng dâng tặng một điều gì đó. Các con cho đi và nghĩ các con chẳng cần điều gì. Các con có biết các con cũng là người nghèo không? Các con có biết cảnh nghèo của các con không và nhu cầu cần tiếp nhận không? Các con có để những người các con phục vụ rao giảng tin mừng cho các con không, chịu để họ ban cho các con không? Và đó là điều giúp các con trưởng thành trong cam kết đối với người khác. Học cách dơ bàn tay ra từ chính sự nghèo nàn của các con.
Cha có một số điểm cha đã soạn sẵn. Học cách yêu và học cách được yêu. Có một thách thức đó là thách thức của sự toàn vẹn.
[bằng tiếng Anh, trở lại với bản văn của ngài:]
Ðiều này không chỉ vì đất nước các con, hơn nhiều nước khác, vốn là nước bị việc thay đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề.
Có một thách thức, quan tâm môi trường. Và cuối cùng, thách thức người nghèo.
[Trở lại tiếng Tây Ban Nha:]
Yêu người nghèo. [Các giám mục của các con muốn các con chăm sóc người nghèo cách đặc biệt trong năm nay]. Các con có nghĩ tới người nghèo không? Các con có cảm nhận với người nghèo không? Có làm điều gì đó cho người nghèo không? Và các con có yêu cầu người nghèo ban cho các con sự khôn ngoan họ vốn có không?
Ðó là điều cha muốn nói với các con hôm nay. Xin lỗi, cha chưa đọc những gì cha đã chuẩn bị cho các con. [Nhưng có một câu làm cha an ủi]: Thực tại tốt hơn ý tưởng. Và thực tại mà [các con đề ra] mà tất cả các con có thì tốt hơn tờ giấy cha có trước mặt.
Cám ơn các con rất nhiều.
Vũ Van An