Ghi nhanh về ngày đầu

chuyến viếng thăm Sri Lanka của Ðức Phanxicô

 

Ghi nhanh về ngày đầu chuyến viếng thăm Sri Lanka của Ðức Phanxicô.

Sri Lanka (VietCatholic News 14-01-2015) - Hãng tin AP có bản ghi nhanh sau đây về ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm Sri Lanka của Ðức Phanxicô.

Con số

Theo nguồn tin chính phủ, người Công Giáo chỉ chiếm hơn 6% dân số 21 triệu người của Sri Lanka. Nhưng họ là hệ phái Kitô Giáo lớn nhất tại đây. Các Kitô hữu khác chỉ chiếm 1.3% dân số mà thôi. Ðại đa số theo Phật Giáo.

Vòng đai Công Giáo

Người Công Giáo là thiểu số nhỏ tại Sri Lanka, nhưng Ðức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được người ta thứ lỗi nếu ngài nghĩ khác trên đường vào Colombo.

Vì quả ngài đã băng qua hàng loạt thánh đường Công Giáo dọc đường từ Phi Trường vào thành phố và hàng chục đền thờ, những ngôi đền nhỏ bên đường thường để tôn kính các vị thánh vận lụa là và đồ trang sức đứng trong các tủ đứng bằng kính.

Người ta gọi đây là vòng đai Công Giáo của Sri Lanka, nơi khá nhiều thị trấn và làng mạc có những cộng đoàn Công Giáo đông đúc, bắt đầu từ Bắc Colombo và tiếp tục về hướng bắc quá bên kia phi trường có đến hàng trăm dặm, dọc duyên hải. Phần lớn người Công Giáo Sri Lanka sống ở duyên hải, nơi các nhà truyền giáo Bồ Ðào Nha vốn tập trung việc tông đồ của họ trong thế kỷ 16.

Ðám đông và đàn voi

Khoảng 7 giờ 30 sáng, hàng trăm người đã đứng chờ hai bên đường phía ngoài phi trường mong được thấy Ðức Giáo Hoàng Phanxicô. Nhiều gia đình ngồi trên chiếu, thỉnh thoảng uống nước từ những chiếc chai.

Và rồi, một điều bất thường diễn ra: một đoàn kiệu gồm những chú voi sặc sỡ lững thững kéo nhau trên đường, hướng về phi trường. Những chú voi này, sau đó, đã trở thành thành phần của phái đoàn nghinh đón Ðức Phanxicô và đoàn tùy tùng.

Một cuộc đón tiếp nhiều mầu sắc

Ðức Giáo Hoàng Phanxicô bước xuống khỏi chiếc máy bay Alitalia ngay sau lúc 9 giờ sáng của một ngày đẹp trời. Ngài được nghinh đón trước hết bởi một bé trai và một bé gái, người đã dâng lên ngài một vòng lớn gồm những bông hoa mầu vàng và trắng. Sau đó, ngài tiến bước trên một chiếc thảm dài mầu đỏ trong khi các vũ công Sri Lanka, ăn vận sặc sỡ, trình diễn hai bên, được sự phụ họa vang dội của một dàn trống.

Trích vội: "Mọi người phải có tiếng nói"

Trong bài diễn văn trong lễ nghinh đón tại phi trường, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nói đến các cố gắng của Sri Lanka nhằm hòa giải sau nhiều năm nội chiến:

"Tôi tin chắc rằng các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác nhau có một vai trò thiết yếu phải đóng trong diễn trình tế vi hoà giải và tái thiết hiện đang diễn ra trên xứ sở này. Muốn cho diễn trình này thành công, mọi thành viên của xã hội phải cùng làm việc với nhau; mọi người phải có tiếng nói. Mọi người phải được tự do nói lên các quan tâm, các nhu cầu, các nguyện vọng và nỗi sợ của mình"

Trên đường vào Colombo

Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đứng bên trong một chiếc xe nhỏ mầu trắng để từ Phi Trường vào Colombo. Ngài vốn tránh không dùng những "giáo hoàng xa" chống đạn mà các vị tiền nhiệm của ngài quen dùng. Và mặc dù có màn kính chắn gió lớn phía trước, nhưng từ hai bên, ngài vẫn có thể với tới hàng ngàn người đang đứng dọc đường vẫy cờ hoan hô.

Thỉnh thoảng, chiếc xe lại ngừng lại để ngài hỏi han đám đông: đụng tới trẻ em và chúc lành cho những em được nâng lên cho ngài.

Dù vậy, người ta vẫn có cảm tưởng là đoàn xe đi nhanh quá.

Nimal Solis, người đứng đợi nhiều tiếng đồng hồ để được thấy Ðức Giáo Hoàng, rất thất vọng khi đoàn xe chạy ngang qua mà không chịu dừng lại. Anh bảo: "Nếu ngài chạy chậm hơn chút nữa có tốt hơn không. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thấy ngài. Ðây là dịp may cả đời mới có!"

Tiếng nói từ đám đông

Hàng ngàn người xếp hàng dọc theo đường đoàn xe của Ðức Phanxicô chạy qua đưa ra nhiều lý do khiến họ tham dự vào sự phấn khích này. Một số người hy vọng sẽ chấm dứt các chia rẽ tôn giáo và hòa giải xứ sở sau cuộc nội chiến kéo dài hơn 1/4 thế kỷ và mới chỉ chấm dứt năm 2009.

Sau đây là lời của một số người:

Saman Priyankara, 42 tuổi, phát biểu: "Ðây là cơ hội tốt để thống nhất xứ sở sau chiến tranh và đem lại với nhau một xã hội bị chia rẽ vì cuộc bầu cử. Nó sẽ đem sức mạnh lại cho tân chính phủ vào lúc chúng ta thoát khỏi nền chuyên chế và tiến lên con đường mới".

Yasa Alexander, 40 tuổi, cho hay: "Tôi tới đây để thấy một nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới, dù tôi là một người Phật Giáo. Tôi tin sự hòa hợp liên tôn sẽ được tăng cường".

Ranjit Solis, 60 tuổi, tuyên bố: "Ðây giống như thể chính Chúa Giêsu Kitô tới Sri Lanka vậy... Lối sống đơn giản của ngài không phải là trò bịp. Nó là một thách đố đối với chúng ta và phẩm trật Giáo Hội. Tôi nghĩ viễn kiến của ngài phát xuất từ chính Chúa Kitô".

Trễ giờ

Một số người trong đám đông có thể lẩm bẩm cho rằng đoàn xe của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô chạy nhanh quá hay ngài không chịu dừng lại để hỏi han họ, nhưng thực ra, ngài đã mất khá nhiều thì giờ mới vượt qua được đoạn đường 30 kilô mét từ phi trường Colombo vào thành phố.

Dù đã cấm lưu thông, buổi lễ nghinh đón lâu giờ tại Phi Trường, cộng với những lần ngài dừng lại để hỏi han và chúc lành cho đám đông đứng hai bên đường, đã khiến Ðức Giáo Hoàng trễ mất cả tiếng đồng hồ so với chương trình.

Thành thử đến trưa, ngài phải bỏ cuộc gặp gỡ với các giám mục Sri Lanka. Người ta mong ngài tái lên chương trình cho buổi gặp gỡ này.

Xét về nhiều mặt, đó là lối hành động của Ðức Phanxicô: dành nhiều thì giờ cho người dân thường và ít thì giờ hơn cho các vị vọng trong Giáo Hội, dù việc bãi bỏ này có thể do chính vị giáo hoàng 78 tuổi yêu cầu vì sau một chuyến bay dài, ngài cần nghỉ ngơi dưỡng sức.

Bà Felicitas Ivy Dissanayake, một phụ nữ đã 80 tuổi, đang đứng chờ Ðức Giáo Hoàng tới, cho hay: "ngài là một vị giáo hoàng thực tế". Ðức Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba bà được gặp tại Sri Lanka. Bà cho rằng "Ngài có sứ mệnh đem hòa bình cho thế giới. Và chúng tôi rất sung sướng được có ngài".

Trích vội: "Một khúc rẽ trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng"

Hội Ðồng Hồi Giáo Sri Lanka, đảng chính trị Hồi Giáo chính trong nước, phát biểu trong một tuyên bố về việc cuộc viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô có thể có ảnh hưởng tới các cố gắng của họ nhằm chấm dứt thái độ cuồng tín bài Hồi Giáo, nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

"Chúng tôi hy vọng rằng sự hiện diện, các ý kiến và gương sáng của Ðức Giáo Hoàng sẽ giúp biến cơ may chủ chốt trong lịch sử dân chủ của chúng ta này thành khúc rẽ trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng, công lý và tự do. Chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ đổi mới cam kết của xã hội ta đối với lòng cảm thương, nền hòa bình và nhân đức".

Trống phách và ca hát

Các sắc thái tôn giáo của Sri Lanka đã được trình bày sặc sỡ trong cuộc gặp gỡ liên tôn của các tôn giáo chính của đảo quốc. Các tay trống Hevisi cổ truyền đã dựng nền, tiếp theo là các bài ca Phật Giáo, các chúc ca của Ấn Giáo và Hồi Giáo, lời cầu nguyện đại kết của một giám mục Anh Giáo, rồi các diễn văn của một tu sĩ Phật Giáo và của Ðức Giáo Hoàng. Khung cảnh thật khác xa với năm 1995 1úc các nhà lãnh đạo Phật Giáo tẩy chay lời mời của Ðức Gioan Phaolô II để phản đối lời phê phán của ngài đối với ý niệm cứu rỗi của Phật Giáo.

Ðể tỏ dấu hiệu thuộc về, Ðức Phanxicô đã khoác lên vai tấm áo choàng mầu vàng nghệ. Tấm áo choàng này vốn tượng trưng về văn hóa cho danh dự của người Tamil, nhóm sắc tộc thiểu số phần lớn gồm người Ấn Giáo tại Sri Lanka.

Ðại diện Hồi Giáo tại cuộc gặp gỡ, Ông Ash-Sheikh M.F.M Fazil, đã dùng bài diễn văn của ông lên án các vụ tấn công khủng bố mới đây tại Paris. Những người cực đoan dã sử dụng các tôn giáo làm thuẫn che dấu các việc làm đầy tội ác và các dối trá của chúng. Ông nói: "chúng ta cần hiểu biết tín ngưỡng của nhau" và hỗ trợ nhau xây dựng một quốc gia lành mạnh.

Phép lạ nào?

Hôm thứ Tư 14 tháng 1 năm 2015, khi phong hiển thánh cho vị thánh đầu tiên của Sri Lanka, Ðức Phanxicô sẽ một lần nữa chứng tỏ rằng ngài không lưu ý bao nhiêu tới các luật lệ rườm rà vốn có trong các qui định của diễn trình phong thánh bình thường tại Vatican. Dù, theo truyền thống, Giáo Hội thường đòi phải có 2 phép lạ mới được phong thánh, nhưng Vatican chưa bao giờ xác nhận phép lạ thứ hai được qui cho việc chuyển cầu của Cha Joseph Vaz, nhà truyền giáo thế kỷ 17 có công phục hồi Ðạo Công Giáo thời thực dân Hòa Lan bách hại người Công Giáo. Thay vào đó, Ðức Phanxicô đã ký ngay quyết định của bộ phong thánh muốn phong thánh cho chân phúc Vaz. Ðức Phanxicô, trước đây, từng làm như thế đối với vị thánh được nhiều biết đến hơn nữa là Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, và là dấu chỉ cho thấy Ðức Phanxicô tin chắc rằng tín hữu cần nhiều gương mẫu thánh thiện hơn là diễn trình có tính kỹ thuật, mất thì giờ và tiền bạc để kiểm nghiệm các phép lạ.

 

Vũ Van An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page