Ðức Thánh Cha tông du Sri Lanka

Joseph Vaz, vị thánh đầu tiên của Sri Lanka

 

Ðức Thánh Cha tông du Sri Lanka: Joseph Vaz, vị thánh đầu tiên của Sri Lanka.

Sri Lanka (WHÐ 14-01-2015) - Sự kiện chính trong ngày thứ hai chuyến tông du của Ðức Thánh Cha Phanxicô đến Sri Lanka (thứ Tư 14 tháng 01 năm 2015) là lễ tuyên thánh cho Chân phước Joseph Vaz, vị thánh đầu tiên của Sri Lanka. Thánh lễ tuyên thánh được cử hành tại khu vực bãi biển Galle Face Green ở thủ đô Colombo vào lúc 8g30 sáng. Khoảng 500,000 tín hữu đã tham dự Thánh lễ đặc biệt này.

Sau đây là bài giảng của Ðức Thánh Cha trong Thánh lễ tuyên thánh:

 

"Khắp nơi trên bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta" (Is 52,10)

Ðó là lời tiên tri tuyệt vời mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Tiên tri Isaia báo trước việc Chúa Giêsu Kitô rao giảng Tin Mừng cho khắp nơi trên trái đất. Lời tiên tri này có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta, khi chúng ta cử hành lễ tuyên thánh cho một nhà truyền giáo vĩ đại của Tin Mừng, Thánh Joseph Vaz. Cũng như biết bao nhà thừa sai khác trong lịch sử Giáo hội, thánh Joseph Vaz đã đáp lại lệnh truyền của Chúa Phục Sinh: hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (x. Mt 28,19). Bằng lời nói, và quan trọng hơn nữa là bằng gương sống, thánh nhân đã dẫn đưa dân chúng tại đất nước này đến với đức tin, làm cho chúng ta được "thừa hưởng gia nghiệp giữa các thánh của Chúa" (x. Cv 20,32).

Nơi thánh Joseph chúng ta thấy một dấu chỉ mạnh mẽ về lòng nhân từ và tình yêu thương của Thiên Chúa đối với dân tộc Sri Lanka. Nhưng chúng ta cũng thấy nơi thánh nhân một thử thách về lòng kiên trì đi theo con đường Tin Mừng, để lớn lên trong sự thánh thiện, và làm chứng cho sứ điệp hòa giải của Tin Mừng mà thánh nhân đã hiến dâng cả cuộc đời.

Là một linh mục thuộc dòng giảng thuyết ở quê hương Goa, thánh Joseph Vaz đến đất nước này do lòng nhiệt thành truyền giáo và lòng yêu thương lớn lao đối với các dân tộc tại đây thúc đẩy. Vì bấy giờ có cuộc bách hại tôn giáo, cha đã cải trang thành người hành khất, chu toàn nghĩa vụ linh mục khi kín đáo gặp gỡ các tín hữu, thường là vào ban đêm. Cha cố gắng mang lại sức mạnh tinh thần và đạo đức cho các tín hữu Công giáo đang bị bao vây. Cha đặc biệt mong muốn phục vụ người bệnh tật và đau khổ. Việc phục vụ của cha dành cho các bệnh nhân được nhà vua đánh giá cao trong thời kỳ dịch đậu mùa ở Kandy đến độ vua cho phép cha được tự do hơn trong việc làm mục vụ. Từ Kandy, cha có thể đi tới các nơi khác trong đảo. Cha hăng say thi hành công tác truyền giáo, và qua đời vì kiệt sức lúc 59 tuổi, được dân chúng tôn kính vì sự thánh thiện.

Thánh Joseph Vaz vẫn là một mẫu gương và là thày dạy vì nhiều lý do, nhưng tôi muốn tập trung vào 3 điều:

Trước hết, thánh nhân là một linh mục gương mẫu. Tại đây hôm nay có nhiều linh mục và tu sĩ nam nữ, giống như thánh Joseph Vaz, đã hiến dâng để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Tôi khuyến khích mỗi người trong anh chị em hãy nhìn lên thánh Joseph Vaz như người hướng đạo chắc chắn. Thánh nhân dạy chúng ta biết cách đi tới những vùng ngoại vi, làm cho Chúa Giêsu Kitô được biết đến và yêu mến ở mọi nơi. Ngài cũng nêu gương về sự kiên nhẫn chịu đau khổ vì Tin Mừng, vâng phục các bề trên, yêu thương chăm sóc Giáo hội của Thiên Chúa (x. Cv 20,28). Cũng như chúng ta, thánh Joseph Vaz đã sống trong một giai đoạn có những biến chuyển mau lẹ và sâu rộng; các tín hữu Công giáo chỉ là một thiểu số, và thường bị chia rẽ nội bộ; đôi khi có những đố kỵ, vả cả những bách hại từ bên ngoài. Nhưng vì thánh nhân luôn kết hiệp trong kinh nguyện với Chúa chịu đóng đanh, nên ngài đã trở thành hình ảnh sống động cho mọi người về lòng thương xót và tình yêu thương hòa giải của Thiên Chúa.

Thứ hai, thánh Joseph Vaz chỉ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự vượt thắng những chia rẽ tôn giáo trong việc phụng sự hoà bình. Tình yêu không chia sẻ của thánh nhân đối với Chúa làm cho ngài mở ra để yêu thương tha nhân; ngài phục vụ những người túng thiếu, dù họ là ai và ở đâu. Tấm gương của thánh nhân vẫn là nguồn cảm hứng cho Giáo hội tại Sri Lanka ngày nay. Giáo hội vui mừng và quảng đại phục vụ mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, bộ tộc, giai tầng xã hội hay tôn giáo khi phục vụ ở trường học, bệnh viện, bệnh xá, và nhiều công tác từ thiện khác. Giáo hội chỉ yêu cầu được tự do thi hành sứ vụ của mình. Tự do tôn giáo là một nhân quyền căn bản. Mỗi cá nhân phải được tự do, một mình hoặc cùng với người khác, tìm kiếm chân lý và công khai bày tỏ những xác tín tôn giáo của mình, không bị đe dọa hoặc bị cưỡng bách từ bên ngoài. Như cuộc sống của thánh Joseph Vaz dạy chúng ta, việc thờ phượng đích thực Thiên Chúa mang lại hoa trái, không phải trong sự kỳ thị, thù hận hay bạo lực, nhưng trong sự tôn trọng tính chất thánh thiêng của sự sống, tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, yêu thương dấn thân phục vụ hạnh phúc của mọi người.

Sau cùng, thánh Joseph Vaz nêu gương cho chúng ta về lòng nhiệt thành truyền giáo. Mặc dù đến Tích Lan để phục vụ cộng đồng Công giáo, nhưng với tình bác ái theo tinh thần Phúc Âm, ngài đã đến với mọi người. Từ bỏ quê hương, gia đình, và tiện nghi của môi trường quen thuộc, ngài đã đáp lại tiếng gọi ra đi để nói về Chúa Kitô ở bất kỳ nơi nào ngài được đưa đến. Thánh Joseph Vaz biết cách trình bày chân lý và vẻ đẹp của Tin Mừng trong một môi trường đa tôn giáo, với niềm kính trọng, lòng tận tụy, kiên trì và khiêm tốn. Ðó cũng là con đường của các môn đệ Chúa Giêsu ngày nay. Chúng ta được kêu gọi ra đi với lòng nhiệt thành và lòng can đảm giống như thánh Joseph Vaz, nhưng cả với sự nhạy cảm, tôn trọng tha nhân, mong muốn chia sẻ lời ân phúc cho họ của thánh nhân nữa (x. Cv 20,32), lời có sức cảm hoá họ. Chúng ta được kêu gọi trở thành những môn đệ thừa sai.

Anh chị em thân mến, tôi cầu nguyện xin cho các Kitô hữu tại đất nước này -theo gương Thánh Joseph Vaz- được củng cố trong đức tin và đóng góp ngày càng nhiều cho hoà bình, công lý và hoà giải trong xã hội Sri Lanka. Ðó là điều mà Chúa Kitô đòi hỏi anh chị em. Ðó là điều mà thánh Joseph Vaz dạy anh chị em. Ðó là điều mà Giáo hội đang cần nơi anh chị em. Tôi phó thác tất cả anh chị em cho lời chuyển cầu của vị thánh mới của chúng ta, để trong niềm hiệp thông với Giáo hội trên toàn thế giới, anh chị em có thể hát bài ca mới chúc tụng Chúa và công bố vinh quang Người cho đến tận bờ cõi trái đất. Vì Chúa thật là cao cả, xứng muôn lời ca tụng (x. Tv 96,1-4). Amen.

* * * * *

Buổi chiều, lúc 15g30, Ðức Thánh Cha đã đến kính viếng Ðức Mẹ tại Ðền thánh Ðức Mẹ Mân Côi ở Madhu. Tại đây, trước khoảng 500,000 tín hữu, Ðức Thánh Cha đã nhắn nhủ:

 

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang ở trong nhà Mẹ chúng ta. Ở đây Mẹ đón tiếp chúng ta vào nhà của Mẹ. Tại ngôi đền thánh Ðức Mẹ Madhu này, mỗi khách hành hương có thể cảm thấy như ở nhà mình, vì ở đây Ðức Mẹ đưa chúng ta vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Con Mẹ. Ở đây, người Sri Lanka -Tamil cũng như Sinhala-, đều là thành viên của một gia đình. Họ phó thác cho Ðức Mẹ niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và nhu cầu của mình. Ở đây, trong ngôi nhà của Mẹ, họ cảm thấy an toàn. Họ biết rằng Thiên Chúa ở rất gần; họ cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hôm nay ở đây có những gia đình đã đau khổ rất nhiều trong các cuộc xung đột kéo dài, cuộc xung đột đã xé nát con tim của Sri Lanka. Nhiều người, ở miền Bắc cũng như miền Nam, đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực kinh hoàng và đẫm máu của những năm đó. Không người Sri Lanka nào quên được những sự kiện bi thảm ở ngay nơi này, hoặc ngày buồn thảm khi mà bức tượng Ðức Mẹ đáng kính, đánh dấu ngày các Kitô hữu đầu tiên đến Sri Lanka, đã bị lấy mất khỏi đền thánh này.

Nhưng Ðức Mẹ vẫn luôn ở với anh chị em. Người là mẹ của mọi gia đình, của những gia đình đang bị thương tích, của tất cả những ai đang tìm kiếm một cuộc sống an bình. Hôm nay, chúng ta tạ ơn Mẹ đã che chở người dân Sri Lanka khỏi rất nhiều nguy hiểm, trong quá khứ và hiện tại. Mẹ Maria không bao giờ quên con cái Mẹ trên hòn đảo rực rỡ này. Cũng như Mẹ đã không bao giờ bỏ mặc Con mình trên thập giá, Mẹ cũng chẳng bao giờ bỏ rơi con cái Sri Lanka đau khổ của Mẹ.

Hôm nay chúng ta muốn tạ ơn Ðức Mẹ về sự hiện diện đó. Sau rất nhiều hận thù, bạo lực và tàn phá, chúng ta muốn tạ ơn Mẹ đã luôn mang Chúa Giêsu đến cho chúng ta, Người là Ðấng duy nhất có sức mạnh để chữa lành mọi vết thương và đem lại bình an cho những con tim tan nát. Nhưng chúng ta cũng muốn xin Mẹ khẩn cầu Chúa thương xót chúng ta. Chúng ta cũng xin ơn biết đền bù tội lỗi của chúng ta và bao điều ác mà đất nước này đã trải qua.

Thật không dễ dàng để làm được điều này. Nhưng chỉ khi nào chúng ta hiểu được rằng, trong ánh sáng của Thánh giá, chúng ta có thể làm điều ác, và có khi còn thuộc về điều ác, chúng ta mới có thể cảm nghiệm tâm tình thống hối và ăn năn thực sự. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nhận được ân sủng để đến với nhau trong sự hối lỗi thật, để thứ tha và xin tha thứ thật sự. Trong nỗ lực khó khăn này để tha thứ và tìm kiếm bình an, Ðức Mẹ luôn ở đây để khích lệ chúng ta, hướng dẫn và dẫn dắt chúng ta. Cũng như Mẹ đã tha thứ cho những kẻ giết Con mình dưới chân Thánh Giá, rồi ẵm xác con trên tay, thì bây giờ Mẹ cũng muốn dẫn đưa người dân Sri Lanka đến sự hoà giải lớn hơn, để cho dầu tha thứ và thương xót của Thiên Chúa có thể chữa lành tất cả.

Cuối cùng, chúng ta muốn xin Mẹ Maria, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, đồng hành với những nỗ lực của người dân Sri Lanka thuộc cả hai cộng đồng ngôn ngữ Tamil và Sinhala, tái lập sự hiệp nhất đã bị mất đi. Cũng như bức tượng Ðức Mẹ đã trở về với đền thánh Madhu sau chiến tranh, chúng ta cũng cầu xin cho mọi người con trai và con gái Sri Lanka của Mẹ bây giờ được trở về nhà với Thiên Chúa trong một tinh thần hoà giải và tình bằng hữu được đổi mới.

Anh chị em thân mến, tôi rất hạnh phúc khi được ở bên anh chị em trong ngôi nhà của Ðức Mẹ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Trên hết, chúng ta hãy xin cho ngôi đền thánh này được luôn là nhà cầu nguyện và nơi nương náu bình an. Nhờ lời chuyển cầu của Ðức Mẹ Madhu, xin cho mọi người gặp được nơi đây nguồn cảm hứng và sức mạnh để xây dựng một tương lai hoà giải, công lý và hòa bình cho tất cả những người con của đất nước thân yêu này. Amen.

 

Minh Ðức

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page