Những chông gai

trong chuyến tông du Sri Lanka và Phi Luật Tân

của Ðức Thánh Cha Phanxicô

 

Những chông gai trong chuyến tông du Sri Lanka và Phi Luật Tân của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Sri Lanka (VietCatholic News 11-01-2015) - Lúc 19 giờ tối thứ Hai 12 tháng Giêng năm 2015, theo giờ Rôma, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ ra phi trường Fiumicino của Rôma để đáp máy bay sang Colombo, thủ đô của Sri Lanka bắt đầu chuyến tông du Á Châu lần thứ hai của ngài, đúng 20 năm sau chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại hai nước có dân số Công Giáo cực kỳ khác nhau.

Tại Sri Lanka, Ðức Thánh Cha sẽ được đón tiếp bởi một vị tổng thống mới lên ngôi được 3 ngày và 4 đêm, ông Maithripala Sirisena, người được xem là có "thành ý" hòa giải với người Tamil nhiều hơn một chút so với cựu tổng thống mới vừa bị đánh bại là Mahinda Rajapaksa.

Thưa Ðức Thánh Cha Phanxicô, xin giúp chúng tôi đi tìm công lý

Hầu như chắc chắn là Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ đưa ra một thông điệp khích lệ hòa giải giữa người Tích Lan và người Tamil; giữa khối Phật Giáo đa số với các cộng đồng tôn giáo thiểu số Hồi Giáo và Kitô Giáo.

Ông Mahinda Rajapaksa đã từ chối hợp tác với Liên Hợp Quốc để thực hiện một cuộc điều tra tội ác chiến tranh trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến kéo dài gần 26 năm từ 22/07/1983 đến 18/05/2009. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc đưa ra năm 2011 cho biết có tới 40,000 thường dân Tamil vô tội đã bị giết chủ yếu là trong năm 2009.

Liệu Ðức Thánh Cha có đặt vấn đề này với tổng thống mới toanh Maithripala Sirisena hay không là một câu hỏi của nhiều người, nhưng trong những vùng phía Bắc Colombo, trên các vỉa hè đường phố người Tamil bày la liệt ảnh của người thân kế bên một tấm chân dung to gần bằng người thật của Ðức Thánh Cha Phanxicô với một tấm bảng "Thưa Ðức Thánh Cha Phanxicô, xin giúp chúng tôi đi tìm công lý cho những người thân yêu đã bị mất tích".

Hành hương đến vùng "Hổ Tamil"

Trong một cử chỉ đầy biểu tượng, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ đáp trực thăng lên phía Bắc đến vùng chiến khu xưa của "Hổ Tamil", vùng mà người lính Sri Lanka nghe đến phải lạnh tóc gáy, để cầu nguyện tại đền thờ Ðức Mẹ Madhu.

Ðền thờ này được tôn kính bởi cả người Tamil và người Tích Lan; cả người Công Giáo lẫn người Phật Giáo và Hồi Giáo; cung cấp một bối cảnh hoàn hảo cho Ðức Thánh Cha khuyến khích hòa giải trong một phần đất hết bị tàn phá bởi chiến tranh lại rơi vào xung đột tôn giáo.

"Ðó là một cử chỉ rất mạnh mẽ," Cha Bernardo Cervellera, giám đốc Thông Tấn Xã Công Giáo AsiaNews nói: "Ngài sẽ đi đến khu vực nơi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không thể đến được vì chiến tranh."

Giáo Hội Công Giáo coi mình là một động lực độc đáo cho sự hiệp nhất tại Sri Lanka "bởi vì Giáo Hội có cả các tín hữu Tích Lan lẫn các tín hữu Tamil. Họ thờ phượng chung với nhau, và đa số các nghi lễ thường xen kẽ giữa hai ngôn ngữ," linh mục tiến sĩ Prasad Harshan, người Sri Lanka, dạy tại Ðại học Giáo Hoàng Thánh Giá ở Rôma nói.

Cha Prasad nói thêm: "Ngài đã thực hiện một nỗ lực phi thường để đến khu vực này, và để gặp gỡ những nạn nhân. Ðó sẽ là một dấu hiệu tuyệt vời của tinh thần đoàn kết."

Sáng ngày thứ Tư trên bãi biển lộng gió Galle Face Green, Ðức Thánh Cha sẽ tuyên thánh cho vị Thánh đầu tiên của xứ sở này là cha Joseph Vaz, một biểu tượng hiệp nhất của quốc gia này. Nhà truyền giáo sống ở thế kỷ 17 này được coi là người đã làm sống lại đức tin Công Giáo trong bối cảnh đàn áp dã man của nhà cầm quyền thuộc địa Hà Lan. Ngài hình thành các cộng đoàn gồm cả các tín hữu Tích Lan lẫn các giáo dân Tamil.

Phật Giáo cực đoan

Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Sri Lanka vào năm 1995, ngài cũng đã cố gắng mang lại một thông điệp của lòng khoan dung, nhưng gặp phải sự tẩy chay quyết liệt của các nhà lãnh đạo Phật giáo tại đảo quốc này, nơi người Phật tử chiếm 70 phần trăm dân số.

Các đại diện Phật giáo đã được dự kiến sẽ tham dự một cuộc họp liên tôn, nhưng không ai xuất hiện để phản đối sự chỉ trích các học thuyết của Phật giáo về sự cứu rỗi của Ðức Gioan Phaolô II.

Trào lưu Phật giáo cực đoan bây giờ còn lớn hồi 20 năm trước nữa, với một chủ trương sẵn sàng dùng bạo lực để "bảo vệ Phật Pháp", thể hiện nơi hàng loạt những cuộc biểu tình và một chiến dịch bạo lực chống lại người Hồi giáo.

Tháng Hai năm 2004, các nhà sư Phật Giáo hình thành và trực tiếp lãnh đạo đảng "Jathika Hela Urumaya - JHU", nghĩa là "Di sản quốc gia" coi Phật Giáo là quốc giáo và những tôn giáo khác là ngoại lai, đe dọa đến di sản dân tộc.

Ðầu năm 2012, hai nhà sư là Kirama Wimalajothi và Galagoda Aththe Gnanasaara tách ra khỏi đảng JHU vì chê JHU không đủ cứng rắn để bảo vệ Phật Pháp - và cũng là di sản quốc gia.

Hội nghị đầu tiên diễn ra vào ngày 28 tháng 7 năm 2012 đã đưa những quyết định rất bạo lực. Tờ Times của Hoa Kỳ nhận xét BBS là thế lực Phật Giáo mạnh nhất tại Sri Lanka được chế độ của cựu tổng thống Rajapaksa ngầm ủng hộ.

Tuy BBS ra mặt tẩy chay chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Phanxicô, hai đại diện ôn hoà hơn của Phật giáo có thể sẽ chào đón ngài trong một cuộc họp liên tôn lúc 18:15 ngày thứ Ba 13 tháng Giêng, tức là ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm.

"Tôi không biết là sẽ có những tiếng nói chống đối nơi này nơi khác, lúc này, lúc khác hay không" phát ngôn viên Vatican, cha Federico Lombardi nói "Chúng ta sẽ phải chờ xem."

Trong dịp gặp gỡ với cựu tổng thống Rajapaksa hôm 3 tháng 10 vừa qua, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã từng lên án sự gia tăng của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan tại Sri Lanka nhằm thúc đẩy "một cảm giác sai lầm về đoàn kết dân tộc dựa trên một bản sắc tôn giáo duy nhất. "

Trước đó, trong một cuộc họp với các giám mục Sri Lanka hồi tháng Năm, Ðức Thánh Cha cho biết Giáo Hội địa phương phải tiếp tục tìm kiếm "những đối tác trong hòa bình và những người biết lắng nghe trong đối thoại" bất chấp bạo lực và đe dọa từ những kẻ cực đoan tôn giáo.

An ninh của Ðức Thánh Cha

Như với bất kỳ chuyến tông du nào của Ðức Giáo Hoàng, an ninh sẽ được thắt chặt ở cả Sri Lanka và Philippines, ngay cả đối với một vị giáo hoàng sẵn sàng lao vào đám đông và lái xe xung quanh họ trên một chiếc xe mui trần không có kính chống đạn.

Liệu một tổng thống mới lên ngôi được 3 ngày và 4 đêm có bảo đảm được an ninh cho chính mình hay không đã là một vấn đề. Cho nên, kết quả bầu cử tổng thống hôm thứ Sáu 9 tháng Giêng đã làm bùng lên một sự dè dặt về an ninh cho Ðức Thánh Cha Phanxicô trong mấy ngày tông du tại Sri Lanka.

Mối quan tâm tại Phi Luật Tân, quốc gia đa số là người Công Giáo, cũng không thể xem thường. Khi Ðức Giáo Hoàng Phaolô Ðệ Lục đến Manila vào năm 1970, ngay lập tức ngài đã bị một tên sát thủ ăn mặc như một linh mục đâm vào bụng và cổ. Các vết thương chỉ ở ngoài da, và kẻ tấn công bị vật ngay xuống đất, nhưng máu Ðức Giáo Hoàng đã đổ ra.

Tháng Mười vừa qua, chiếc áo vấy máu mà Ðức Giáo Hoàng Phaolô Ðệ Lục đã mặc hôm đó đã được chọn làm di tích trong lễ phong chân phước cho ngài tại Vatican.

Một tuần trước khi Tháng Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Phi Luật Tân vào tháng Giêng năm 1995, nhà chức trách phát hiện ra một âm mưu của những kẻ cực đoan Hồi giáo muốn giết Ðức Giáo Hoàng sau khi một đám cháy nhà tình cờ đã giúp họ phát hiện ra nơi ẩn náu của một bọn khủng bố trong một căn hộ tại Manila, nơi họ tìm thấy những hóa chất chế tạo bom, hình ảnh của Ðức Giáo Hoàng, các bản đồ cho thấy các tuyến đường, nơi ngài sẽ vượt qua và cả một biên nhận của một tiệm may áo linh mục.

Việc kiểm soát đám đông

Chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1995 đã hình thành một kỷ lục chưa có vị Giáo Hoàng nào qua mặt được: đó là thánh lễ với khoảng 5 triệu người đứng chật công viên Rizal Manila và lan rộng ra hàng dặm về mọi hướng.

Các đại lộ đã quá kẹt đến mức Ðức Giáo Hoàng phải dùng trực thăng để đến lễ đài trễ hơn một giờ bởi vì đoàn xe của ngài đơn giản là không thể tới gần bàn thờ được.

Hôm thứ Tư 7 tháng Giêng năm 2015, hơn một triệu người Phi Luật Tân đã đi chân đất tham gia cuộc rước tượng Chúa Giêsu vác thánh giá. Ðây là một truyền thống đã có từ hơn một thế kỷ qua tại Manila.

Diễn biến này xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy một tuần trước khi Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm quốc gia này. Thể hiện lòng sùng kính nhiệt thành, đám đông vĩ đại gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã hô vang "Viva!" (Vạn tuế!) khi họ diễn hành qua các đường phố trong cuộc rước hàng năm tượng El Nazareno Negro dưới mưa nhẹ.

Tượng El Nazareno Negro là theo tiếng Tây Ban Nha, được biết trong các bản tin Anh Ngữ là Black Nazarene, là một bức tượng to bằng người thật Chúa Giêsu đang vác thánh giá lên đồi Canvê. Ðám rước đã tiến hành suôn sẻ vào buổi trưa sau khi ban tổ chức đã phải mất gần hai giờ đồng hồ để kiểm soát đám đông khổng lồ lao vào phía bức tượng cố gắng lau khăn tay của mình vào thánh giá. Nhiều thanh niên còn cố lao mình đu vào thánh giá được đặt trên một chiếc xe. Hai người đã phải thiệt mạng, có lẽ là vì bịnh tim trong lúc chen lấn.

Trước những chông gai đang chờ đón Ðức Giáo Hoàng trong chuyến tông du Á Châu lần thứ hai, ta hãy nguyện xin cho Ðức Giáo Hoàng, Chúa gìn giữ người tăng gấp sinh lực và ban cho người đời nay hạnh phúc và đừng trao người cho ác tâm quân thù.

 

Ðặng Tự Do

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page