Ðức Thánh Cha gặp gỡ
các nhà lãnh đạo tôn giáo Sri Lanka
Ðức Thánh Cha gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo Sri Lanka.
Sri Lanka (VietCatholic News 13-01-2015) - Sau cuộc gặp gỡ xã giao với tổng thống Sri Lanka, lúc 6h45 chiều thứ Ba 13 tháng Giêng năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại Bandaranaike Memorial International Conference Hall cách dinh tổng thống khoảng 4km, gần với quảng trường Ðộc Lập nơi đã diễn ra lễ tuyên thệ tổng thống hôm thứ Sáu 9 tháng Giêng năm 2015.
Trong những năm gần đây, Sri Lanka đã vướng vào những xung đột tôn giáo trầm trọng. Mặc dù trong cuộc xung đột này cũng không thiếu những trường hợp các nhà thờ Kitô Giáo bị đốt hay phá phách nhưng chủ yếu là xung đột giữa Phật Giáo và Hồi Giáo.
Tác nhân chủ yếu là phong trào Bodu Bala Sena gọi tắt là BBS được thành lập bởi hai nhà sư là Kirama Wimalajothi và Galagoda Aththe Gnanasaara với hội nghị đầu tiên vào ngày 28 tháng 7 năm 2012. BBS là thế lực Phật Giáo mạnh nhất tại Sri Lanka được chế độ của cựu tổng thống Rajapaksa ngầm ủng hộ. Phong trào này đã gây ra nhiều vụ tấn công bạo lực nhắm chủ yếu vào các cộng đồng Hồi Giáo tại Sri Lanka.
Trong buổi gặp gỡ các vị đại diện của các tôn giáo lớn tại Sri Lanka, Ðức Thánh Cha nói:
Các bạn thân mến,
Tôi biết ơn được có cơ hội tham gia vào cuộc họp mang lại với nhau bốn cộng đồng lớn nhất trong số những cộng đồng tôn giáo không thể tách rời với cuộc sống của Sri Lanka là Phật giáo, Ấn Ðộ giáo, Hồi giáo và Kitô giáo. Tôi cảm ơn sự hiện diện và sự đón tiếp nồng hậu của các bạn. Tôi cũng cảm ơn những ai đã có những lời cầu nguyện và cầu chúc, cách riêng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Ðức Giám Mục Cletus Chandrasiri Perera và Hòa thượng Thero Vigithasiri Niyangoda vì những lời ưu ái của các vị.
Tôi đã đến Sri Lanka theo bước chân của các vị tiền nhiệm của tôi là Ðức Giáo Hoàng Phaolô Ðệ Lục và Gioan Phaolô II để chứng minh tình yêu tuyệt vời và sự quan tâm của Giáo Hội Công Giáo dành cho Sri Lanka. Thật là một ân sủng lớn lao cho tôi khi được đi thăm cộng đồng Công Giáo ở đây, để củng cố đức tin Kitô của họ, để cầu nguyện với họ và chia sẻ niềm vui và đau khổ của họ. Cũng là một ân sủng lớn lao như thế để được ở đây với tất cả các bạn, những người nam nữ của những truyền thống tôn giáo vĩ đại, những người chia sẻ với chúng tôi cùng một khát vọng hướng đến sự khôn ngoan, chân lý và sự thánh thiện.
Tại Công Ðồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo đã khẳng định sự tôn trọng sâu sắc và trường tồn của mình đối với các tôn giáo khác. Giáo Hội khẳng định rằng mình "không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện trong những tôn giáo này. Giáo Hội đánh giá cao phong cách sống và cách ứng xử, giới luật và giáo lý của họ "(Nostra Aetate, 2). Về phần mình, tôi muốn tái khẳng định sự tôn trọng chân thành của Giáo Hội đối với các bạn, đối với truyền thống và niềm tin của các bạn.
Chính là trong tinh thần tôn trọng đó mà Giáo Hội Công Giáo mong muốn hợp tác với các bạn, và với tất cả những người thiện chí, trong việc mưu tìm hạnh phúc của mọi người Sri Lanka. Tôi hy vọng rằng chuyến thăm của tôi sẽ giúp khuyến khích và tăng cường các hình thức hợp tác liên tôn và đại kết đã được thực hiện trong những năm gần đây.
Những sáng kiến đáng khen đã tạo cơ hội cho đối thoại, là điều cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu biết, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng, như kinh nghiệm đã cho thấy, một cuộc đối thoại và gặp gỡ như vậy, muốn có hiệu quả, cần phải được đặt cơ sở trên việc thể hiện đầy đủ và thẳng thắn những xác tín tương ứng của chúng ta. Chắc chắn, một cuộc đối thoại như thế sẽ làm nổi bật sự đa dạng của chúng ta trong niềm tin, truyền thống và thực hành. Nhưng nếu chúng ta thành thật trong việc trình bày những xác tín của chúng ta, chúng ta sẽ có khả năng nhìn thấy rõ ràng hơn những điểm chung với nhau. Con đường mới sẽ được mở ra cho sự tôn trọng lẫn nhau, sự hợp tác và tình hữu nghị thực sự.
Sự phát triển tích cực như thế trong quan hệ liên tôn và đại kết mang một ý nghĩa đặc biệt và khẩn cấp tại Sri Lanka. Trong nhiều năm qua, những người nam nữ của đất nước này đã là nạn nhân của xung đột dân sự và bạo lực. Ðiều cần thiết hiện nay là chữa lành và đoàn kết, chứ không phải là gia tăng thêm những xung đột và chia rẽ. Chắc chắn là đề cao và nuôi dưỡng sự chữa lành và tình hiệp nhất là một nhiệm vụ cao quý được ủy thác trên tất cả những ai luôn mang trong tim thiện ích quốc gia, và thực ra cũng là thiện ích của gia đình nhân loại. Hy vọng của tôi là sự hợp tác liên tôn và đại kết sẽ chứng minh rằng con người không cần phải từ bỏ dù là bản sắc dân tộc hay căn tính tôn giáo của mình để có thể sống hòa hợp với anh chị em của họ.
Có biết bao nhiêu cách để những tín đồ của các tôn giáo khác nhau thực hiện sứ vụ này! Có biết bao những nhu cầu cần phải được chăm sóc với bàn tay chữa lành của tình huynh đệ liên đới! Tôi nghĩ đặc biệt đến các nhu cầu vật chất và tinh thần của người nghèo, những người khốn cùng, những ai khao khát một lời an ủi và một niềm hy vọng. Ở đây tôi cũng nghĩ đến quá nhiều những gia đình đang phải tiếp tục thương tiếc cho sự mất mát của những người thân yêu của họ.
Trên tất cả, tại thời điểm này của lịch sử đất nước các bạn, có bao nhiêu người thiện chí đang tìm cách xây dựng lại nền tảng đạo đức của xã hội như một tổng thể? Cầu xin cho sự gia tăng tinh thần hợp tác giữa các nhà lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo khác nhau được thể hiện nơi một dấn thân đặt hòa giải nơi trung tâm của mọi nỗ lực đổi mới xã hội và các cơ chế của nó. Vì thiện ích của hòa bình, niềm tin tôn giáo không bao giờ được phép lạm dụng làm cớ gây ra bạo lực và chiến tranh. Chúng ta phải rõ ràng và dứt khoát thách thức các cộng đồng của chúng ta sống trọn vẹn những giáo lý về hòa bình và chung sống được tìm thấy trong mỗi tôn giáo, và tố cáo những hành vi bạo lực một khi chúng xảy ra.
Các bạn thân mến, tôi cảm ơn các bạn một lần nữa vì sự chào đón hào phóng của các bạn và sự chú ý của các bạn. Cầu xin cho cuộc gặp gỡ huynh đệ này củng cố tất cả những nỗ lực của chúng ta để sống hòa hợp và để truyền bá những phước lành của hòa bình.
J.B. Ðặng Minh An dịch