Ngày Hoà bình Thế giới
"Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em"
Ngày Hoà bình Thế giới: "Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em".
Roma (WHÐ 02-01-2015) - Từ gần 50 năm nay, Giáo hội Công giáo lấy ngày 01 tháng Giêng hằng năm để cử hành Ngày Hoà bình Thế giới. Với chủ đề "Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em", Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 48 năm 2015 muốn nhấn mạnh đến cuộc đấu tranh chống lại mọi hình thức khai thác, buôn bán nô lệ, mại dâm phụ nữ và trẻ em - một ưu tiên của triều đại giáo hoàng Phanxicô. Trong sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi không mua các sản phẩm do các nạn nhân của chế độ nô lệ làm ra. Ngài mong muốn cả thế giới vào cuộc nhằm chấm dứt hiện tượng khai thác nô lệ tồi tệ vẫn đang diễn ra trong sự thờ ơ nói chung.
36 triệu người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em có lẽ đã là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại trên khắp thế giới, nhất là bị cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục. Ðức Thánh Cha kêu gọi thực hiện các cử chỉ huynh đệ thực sự để chống lại nhiều bộ mặt của tai họa này mà ngài gọi là tội ác chống lại nhân loại. Trong nhiều lý do, Ðức Thánh Cha kể ra nạn nghèo đói, tham nhũng, xung đột, khủng bố. Ngài kêu gọi các quốc gia, các tổ chức liên chính phủ, các doanh nghiệp và xã hội dân sự, và đặt mỗi cá nhân trước trách nhiệm xã hội của mình đối với những người lâm vào cảnh nô lệ.
Sứ điệp của Ðức Thánh Cha lên án các mạng lưới tội ác đang sử dụng công nghệ tin học hiện đại cách tinh khôn để thu hút giới trẻ và cả trẻ em, với lời hứa hẹn xảo trá sẽ đem lại công ăn việc làm nhờ mua chuộc những người trung gian, các lực lượng trật tự, các nhân vật trong Nhà nước hoặc các tổ chức - dân sự và quân sự. Ðức Thánh Cha than phiền về số phận của những người nhập cư bị giam giữ trong những điều kiện thường là vô nhân đạo. Ngài cũng chỉ trích các công việc nô lệ ở các quốc gia đón tiếp người nhập cư, tại đây những hoàn cảnh xã hội, chính trị và kinh tế đã buộc nhiều người phải sống trong lén lút hoặc làm việc trong những điều kiện vô nhân đạo. Ðức Thánh Cha cũng lên án việc bắt các trẻ em cầm súng, ăn xin, sản xuất hoặc bán các chất ma túy, nhận con nuôi quốc tế qua các hình thức trá hình. Chúng ta không thể đồng lõa với tội ác này. Vì thế, người tiêu dùng, các doanh nghiệp và các chính phủ phải vạch mặt những nghi lễ và lề luật đã cho phép chế độ nô lệ hiện đại sinh sôi nảy nở.
Sợi dây xích vô hình đã cột chặt các nạn nhân vào những kẻ mua họ, với những mắt xích là các cơ chế tâm lý tinh tế khiến họ phụ thuộc vào những kẻ hành hạ mình, bằng cách đe doạ họ và gia đình họ, và cả bằng các biện pháp vật chất như tịch thu giấy tờ cá nhân. Tại Vatican, từ đầu tháng Mười Hai, mười lăm đại diện các tôn giáo lớn đã ký một tuyên bố cam kết sẽ làm hết sức mình để xoá bỏ chế độ nô lệ hiện đại cho đến trước năm 2020.
(Vatican Radio)
Minh Ðức