Tông Huấn Ðời Sống Thánh Hiến
Vita Consecrata
Chương I
Confessio Trinitatis
Ðời Sống Thánh Hiến Trong Nguồn Mạch
Mầu Nhiệm Ðức Ki-tô Và Ba Ngôi
Bức hoạ Ðức Ki-tô biến hình
14. Ta phải tìm nền tảng Tin Mừng của đời sống thánh hiến trong tương quan đặc biệt mà Ðức Giê-su, suốt cuộc sống trần thế, đã thiết lập với một số môn đệ. Người mời các ông không những đón tiếp Nước Thiên Chúa vào trong đời sống các ông, mà còn dùng đời sống các ông để phục vụ sự nghiệp ấy, bằng cách bỏ mọi sự và bắt chước sát kiểu sống của Người.
Suốt dòng lịch sử, nhiều người được thánh tẩy đã được mời gọi sống cuộc đời "giống hình ảnh Chúa Ki-tô". Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ một ơn gọi đặc biệt và nhờ một ơn huệ đặc biệt của Thánh Thần. Trong đời sống này, sự thánh hiến trong phép rửa trở thành một lời đáp trả triệt để khi bước theo Ðức Ki-tô - sequela Christi, bằng việc thực thi các lời khuyên Tin Mừng, mà lời khuyên đầu tiên và lớn nhất là dây liên kết thánh thiêng của đức khiết tịnh vì Nước Trời (23). Hình thức theo Ðức Ki-tô, sequela Christi, luôn luôn bắt nguồn từ sáng kiến của Chúa Cha, có một chiều kích chủ yếu mang tính Ki-tô và Thần Khí ; điều này diễn tả cách đặc biệt sống động đặc tính Ba Ngôi của đời sống Ki-tô hữu, và có thể nói đó là sự tiên báo cuộc hoàn tất cánh chung mà toàn thể Giáo Hội đang hướng tới (24).
Trong Tin Mừng, nhiều cử chỉ và lời nói của Ðức Ki-tô có thể soi sáng ý nghĩa của ơn gọi đặc biệt này. Tuy nhiên, để nắm bắt được những nét cốt yếu của ơn gọi này trong một cái nhìn tổng quát, nên chiêm ngắm dung nhan rạng rỡ của Ðức Ki-tô trong mầu nhiệm biến hình. Có cả một truyền thống thiêng liêng cổ xưa quy về bức hoạ này, truyền thống nối kết đời sống chiêm niệm với việc Ðức Giê-su cầu nguyện "ở trên núi" (25). Ngoài ra, các chiều kích "hoạt động" của đời sống thánh hiến cũng được hàm chứa trong đó, bởi vì cuộc biến hình không chỉ mạc khải vinh quang của Ðức Ki-tô, nhưng còn chuẩn bị chấp nhận thập giá của Người. Biến cố này giả thiết một cuộc "lên núi" và một cuộc "xuống núi" : các môn đệ đã từng hưởng tình nghĩa thiết của Thầy, trong khoảnh khắc được bao trùm trong ánh huy hoàng của đời sống Ba Ngôi và bởi sự hiệp thông các thánh, cảm thấy như được đưa vào thế giới vĩnh cửu. Thế rồi bất chợt họ phải trở lại với thực tế thường nhật ; họ chỉ còn thấy một mình Ðức Giê-su trong tình trạng khiêm nhường của bản tính nhân loại và họ được mời trở xuống thung lũng, để chia sẻ những nỗ lực của Người trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa và can đảm đi vào con đường thập giá.
"Rồi người biến đổi hình dạng trước mặt các ông ..."
15. "Sáu ngày sau, Ðức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và kìa các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Ðức Giê-su rằng : ÀLạy Ngài, chúng con ở đây thật là đẹp ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Mô-sê một cái, và ông Ê-li-a một cái.' Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng : ÀÐây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.' Nghe vậy các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bầy giờ Ðức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo : ÀChỗi dậy đi, đừng sợ !' Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Ðức Giê-su mà thôi." (Mt 17,1-9)
Biến cố biến hình đánh dấu một thời điểm quyết định trong sứ vụ của Ðức Giê-su. Ðây là một biến cố mạc khải nhằm củng cố niềm tin trong tâm hồn các môn đệ, chuẩn bị họ đi vào tấn bi kịch thập giá và báo trước vinh quang Phục Sinh. Giáo Hội vẫn thường xuyên ôn lại mầu nhiệm này, vì Giáo Hội là đoàn dân đang tiến về cuộc gặp gỡ cánh chung với Chúa của mình. Cũng như ba môn đệ được tuyển chọn, Giáo Hội chiêm ngưỡng gương mặt được biến hình của Ðức Ki-tô, để được củng cố trong niềm tin và để khỏi hoang mang trước dung nhan tan nát của Người trên thập giá. Trong cả hai trường hợp, Giáo Hội là Hiền Thê đối diện với Ðức Lang Quân, Giáo Hội thông dự vào mầu nhiệm của Người và được vây bọc trong ánh sáng của Người.
Ánh sáng này soi sáng tất cả mọi con cái Giáo Hội, được kêu gọi theo Ðức Ki-tô khi chọn Người làm ý nghĩa tối hậu của đời sống họ, đến độ có thể nói với thánh Tông Ðồ : "Ðối với tôi, sống là Ðức Ki-tô" (Pl 1,21). Những người được gọi sống đời thánh hiến, chắc chắn có một kinh nghiệm có một không hai về ánh sáng phát xuất từ Ngôi Lời nhập thể. Quả thế, việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm biến họ trở thành những dấu chỉ mang tính ngôn sứ cho cộng đoàn anh em họ và cho thế giới ; họ nhất thiết phải rung động cách đặc biệt khi nghe những lời đầy hứng khởi của ông Phê-rô : "Chúng con ở đây, thật là đẹp !" (Mt 17,4). Những lời ấy biểu lộ định hướng quy Ki-tô của toàn thể đời sống Ki-tô hữu. Tuy nhiên chúng còn diễn tả mạnh mẽ đặc tính triệt để của ơn gọi vào đời tận hiến : đối với chúng con, thật là đẹp khi được ở với Thầy, khi được hiến mình cho Thầy, khi dồn hết cuộc đời chúng con cho một mình Thầy. Quả thế, người nào nhận được ân sủng hiệp thông tình yêu đặc biệt với Ðức Ki-tô, thì cảm thấy như sửng sốt bởi ánh sáng chói loà : "Người là Ðấng tuyệt mỹ giữa thế nhân" (Tv 45 (46),3), là Ðấng vô song.
"Ðây là Con yêu dấu của Ta, các con hãy vâng nghe lời Người !"
16. Trong cơn xuất thần, ba môn đệ nhận ra tiếng Chúa Cha kêu gọi lắng nghe Ðức Ki-tô, đặt tất cả niềm tin tưởng nơi Người, coi Người là trung tâm đời mình. Tiếng nói từ trên cao lại đào sâu thêm lời gọi mà chính Ðức Giê-su, khi khởi đầu cuộc đời công khai, đã ngỏ với họ, mời họ hãy theo Người, hãy từ bỏ cuộc sống bình thường, và hãy vào sống trong tình nghĩa thiết với Người. Chính do ơn đặc biệt là được sống trong tình thân thiết với Chúa mà phát xuất, trong đời sống thánh hiến, khả năng và đòi hỏi hiến mình trọn vẹn bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm. Các lời khuyên Phúc Âm còn là cái gì vượt xa hẳn sự từ bỏ ; chúng mang ý nghĩa như là đón tiếp mầu nhiệm Ðức Ki-tô một cách đặc biệt, được sống giữa lòng Giáo Hội.
Quả thế, trong một đời sống Ki-tô hữu duy nhất, có nhiều ơn gọi khác nhau, ví như những tia sáng phát xuất từ ánh sáng duy nhất của Ðức Ki-tô, "phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội" (26). Các giáo dân, do đặc tính trần thế của ơn gọi họ, phản ánh mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, đặc biệt về điểm Người là An-pha và Ô-mê-ga (Nguyên thuỷ và Cùng đích) của thế giới, là nền tảng và mức đo lường giá trị của tất cả các thực tại thụ tạo. Còn các giáo sĩ là những hình ảnh sống động của Ðức Ki-tô thủ lãnh và mục tử, đang dẫn dắt dân Người trong thời gian của Nước Chúa "đã có đó rồi và chưa đến", trong khi chờ đợi Người đến trong vinh quang. Ðời sống thánh hiến có bổn phận cho thấy Con Thiên Chúa làm người là đích điểm cánh chung của hết mọi sự, là ánh huy hoàng làm mờ nhạt mọi ánh sáng khác, là vẻ đẹp vô biên duy nhất có thể lấp đầy trái tim con người. Trong đời sống thánh hiến, vấn đề không phải chỉ là theo Chúa Ki-tô với cả con tim, bằng cách yêu mến Người hơn cha mẹ mình, hơn con trai hay con gái mình" (x. Mt 10,37), như mỗi môn đệ đều phải làm, nhưng còn là sống và diễn tả điều đó bằng việc biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Ðức Ki-tô, bằng một cuộc gắn bó triệt để, báo trước sự hoàn thiện cánh chung, tuỳ theo các đoàn sủng khác nhau và trong mức độ có thể đạt được trong thời gian.
Quả thế, qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, người được thánh hiến không chỉ bằng lòng với việc đã chọn Ðức Ki-tô làm ý nghĩa đời mình, nhưng còn tìm cách diễn lại nơi chính mình, trong mức độ có thể, "nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế" (27). Khi ôm ấp sự trinh khiết, họ nhận tình yêu khiết trinh của Ðức Ki-tô làm của mình và tuyên xưng với thế giới rằng Người là Con Một, đồng nhất với Chúa Cha (x. Ga 10,30 ; 14,11) ; khi bắt chước sự nghèo khó của Người, họ tuyên xưng rằng Người Con đón nhận mọi sự từ Chúa Cha và dâng mọi sự lại cho Chúa Cha vì yêu thương (x. Ga 17,7.10) ; khi gắn bó với mầu nhiệm vâng phục hiếu thảo của Người bằng lễ hy sinh tự do của mình, họ tuyên xưng Người là Ðấng được yêu thương và Ðấng yêu thương vô biên, là Ðấng chỉ vui thoả khi ở trong ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4,34), vì Người hoàn toàn kết hợp với Chúa Cha và tuỳ thuộc Chúa Cha trong mọi sự.
Do việc trở nên "đồng hình đồng dạng" với mầu nhiệm Ðức Ki-tô như thế, đời sống thánh hiến thể hiện theo một danh nghĩa đặc biệt việc tuyên xưng Chúa Ba Ngôi (confession Trinitatis), đặc điểm của toàn thể đời sống Ki-tô hữu ; đó là nhìn nhận với lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp tuyệt vời của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và vui sướng làm chứng về sự hạ cố đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho hết mọi sinh linh.
I. Ca Ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi
A Patre ad Patrem : Sáng kiến của Thiên Chúa
17. Việc chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa Giê-su trong bức hoạ cuộc biến hình, trước hết bộc lộ Chúa Cha cho những người sống đời thánh hiến. Người là Ðấng tạo dựng và ban phát mọi điều thiện hảo, đã lôi kéo về với mình (x. Ga 6,44) một thụ tạo bởi một tình yêu đặc biệt và nhằm một sứ mạng đặc biệt : "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người !" (Mt 17,5). Ðể đáp trả tiếng gọi kèm theo một sự lôi kéo bên trong, kẻ được gọi ký thác mình cho tình yêu Thiên Chúa đã muốn dành riêng mình để phục vụ Người, và họ hiến mình hoàn toàn cho Người và cho chương trình cứu độ của Người (x. 1 Cr 7,32-34).
Ðó là ý nghĩa của ơn gọi sống đời thánh hiến : nó là một sáng kiến hoàn toàn phát khởi từ Chúa Cha (x. Ga 15,16), Ðấng muốn những kẻ Người đã tuyển chọn đáp trả bằng việc hiến mình trọn vẹn và tuyệt đối (28). Kinh nghiệm về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa mang tính cách thâm sâu và mạnh mẽ đến nỗi họ hiểu rằng mình phải đáp trả bằng việc hiến dâng cuộc đời vô điều kiện, bằng cách trao dâng mọi sự cho Người, ngay bây giờ và trong tương lai. Chính vì thế, nói theo thánh Tô-ma, ta có thể hiểu được căn tính của người tận hiến căn cứ vào việc hiến dâng trọn vẹn ví được như hy lễ toàn thiêu (29).
Per Filium : theo dấu chân Ðức Ki-tô
18. Là con đường dẫn đến Chúa Cha (x. Ga 14,6), Chúa Con kêu gọi tất cả những ai Chúa Cha ban cho Người (x. Ga 17,9) hãy lấy việc đi theo Người làm mục tiêu của cuộc đời. Nhưng đối với một số người, cụ thể là những người được thánh hiến, Người yêu cầu một cuộc dấn thân trọn vẹn gồm việc từ bỏ mọi sự (x. Mt 19,27) để sống thân tình với Người (30) và theo Người đến bất cứ nơi nào Người đi (x. Kh 14,4).
Nơi ánh mắt của Ðức Giê-su (x. Mc 10,21), "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Cl 1,15), phản ánh của vinh quang Chúa Cha (x. Dt 1,3), ta đọc ra chiều sâu của một tình yêu vĩnh cửu và vô biên thâm nhập tới tận gốc rễ của cuộc sống (31). Ai đã để cho Chúa chiếm hữu thì chỉ còn cách từ bỏ mọi sự và bước theo Người (x. Mc 1,16-20 ; 2,14 ; 10,21.28). Như ông Phao-lô, họ coi mọi sự còn lại là "thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Ðức Ki-tô Giê-su" ; sánh với điều ấy họ không ngần ngại coi mọi sự như "đồ bỏ, để giành được Ðức Ki-tô" (Pl 3,8). Họ khao khát được đồng hoá với Người, mang cũng những tâm tình và cùng một lối sống. Việc từ bỏ mọi sự và bước theo Chúa (x. Lc 18,28) làm thành một chương trình có giá trị cho tất cả mọi người được kêu gọi, ở hết mọi thời.
Qua các lời khuyên Phúc Âm, Ðức Ki-tô mời gọi một số người chia sẻ kinh nghiệm của Người như là kẻ khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục. Việc chấp nhận các lời khuyên đó đòi hỏi và biểu lộ nguyện ước minh nhiên được hoàn toàn nên đồng hình đồng dạng với Người. Khi sống "vâng phục, không có của riêng và khiết tịnh" (32), những người tận hiến tuyên xưng rằng Ðức Giê-su là Mẫu Mực, nơi Người mọi nhân đức đạt tới mức hoàn hảo. Thực vậy, lối sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục của Người xuất hiện như một cách sống Tin Mừng triệt để nhất trên trái đất này, một cách thức có thể gọi là thần linh, bởi vì chính Ðấng vừa là con người vừa là Thiên Chúa đã chấp nhận lối sống đó để diễn tả mối quan hệ của Con Một đối với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ðó là lý do khiến cho truyền thống Ki-tô giáo luôn nói rằng, xét theo mặt khách quan, đời tận hiến trổi vượt hơn tất cả.
Ngoài ra người ta không thể phủ nhận rằng việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm là một cách thức thông dự sâu đậm và phong phú đặc biệt vào sứ mạng của Ðức Ki-tô, theo gương Ðức Ma-ri-a Na-da-rét, người môn đệ đầu tiên chấp nhận hiến mình phục vụ chương trình của Thiên Chúa bằng việc dâng hiến trọn vẹn bản thân. Bất cứ sứ mạng nào cũng khởi đầu với chính thái độ của Ðức Ma-ri-a vào dịp truyền tin : "Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói !" (Lc 1,38)
In Spiritu : được thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần
19. "Có đám mây sáng ngời bao phủ các ông" (Mt 17,5). Một lối giải thích việc biến hình, mang đầy ý nghĩa thiêng liêng, cho thấy đám mây là hình ảnh của Chúa Thánh Thần (33).
Cũng như trọn cuộc sống Ki-tô hữu, tiếng gọi sống đời tận hiến có quan hệ mật thiết với hoạt động của Chúa Thánh Thần. Qua các thời đại, chính Thánh Thần luôn luôn thúc đẩy những con người mới nhận ra sức thu hút của một chọn lựa cam go. Dưới tác động của Người, những con người ấy lại trải qua kinh nghiệm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a : "Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ" (20,7). Chính Thánh Thần gợi lên nguyện ước đáp trả trọn vẹn ; chính Người tháp tùng cuộc tăng trưởng của nguyện ước này, giúp người ta thuận theo đến cùng, và nâng đỡ người ta trung thành thực hiện lời đáp trả ; chính Người đào tạo và củng cố tinh thần của những người được kêu gọi, bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Ðức Ki-tô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, và bằng cách thúc đẩy họ nhận lấy sứ mạng của Người làm của mình. Khi để cho Thánh Thần hướng dẫn hầu tiến đi không ngừng trên hành trình thanh luyện, ngày qua ngày, họ trở thành những con người mang danh Ðức Ki-tô, nối dài trong lịch sử sự hiện diện đặc biệt của Chúa Phục Sinh.
Với một trực giác sâu sắc, các giáo phụ đã gọi con đường thiêng liêng này là philocalie, tức là yêu thích vẻ đẹp thần linh, là một phản ánh sự tốt lành của Thiên Chúa. Quyền năng Chúa Thánh Thần dẫn dắt con người từng bước cho đến khi đạt được tình trạng hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Ðức Ki-tô, phản chiếu một tia của ánh sáng chói loà và, trong cuộc lữ hành trần thế, người ấy tiến đến tận nguồn ánh sáng không bao giờ cạn. Như thế đời thánh hiến trở thành một cách thức diễn tả đặc biệt mạnh mẽ về Giáo Hội - Hiền Thê, đang được Thánh Thần dẫn dắt hầu tạo lại nơi mình những nét của Phu Quân, xuất hiện trước nhan Người "lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền" (Ep 5,27).
Thánh Thần không hề rút ra ngoài lịch sử nhân loại những kẻ được Chúa Cha kêu gọi, nhưng lại khiến họ hiến thân phục vụ anh em thể theo những cách thức riêng của bậc sống họ. Người thúc đẩy họ chu toàn những sứ mạng riêng hầu đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội và thế giới, qua những đoàn sủng riêng của các tu hội khác nhau. Ðây là nguồn gốc của nhiều lối sống đời thánh hiến, nhờ đó Giáo Hội được "con cái tô thắm bằng những ân huệ khác nhau như một hiền thê trang điểm xinh xắn ra mắt lang quân mình" (x. Kh 21,2) (34) và có vô số phương tiện để hoàn tất sứ mạng trong thế giới.
Những lời khuyên Phúc Âm, ân huệ của Thiên Chúa Ba Ngôi
20. Vậy trước hết, các lời khuyên Phúc Âm là một ân huệ của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh. Ðời thánh hiến loan báo những gì Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Thánh Thần đã thực hiện do tình yêu, do lòng nhân lành, do vẻ đẹp của Người. Quả thế, bậc sống tu trì đặc biệt cho thấy Nước Thiên Chúa vượt lên trên mọi sự trần thế và những đòi hỏi cao cả biết bao ; nó cũng cho mọi người thấy quyền lực cao trọng tuyệt vời của Ðức Ki-tô và quyền năng vô cùng của Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách kỳ diệu trong Giáo Hội (35).
Bổn phận đầu tiên của đời thánh hiến là làm hiển hiện những kỳ công Thiên Chúa thực hiện nơi nhân tính mỏng dòn của những kẻ được Người kêu gọi. Họ làm chứng về những kỳ công không bằng lời nói cho bằng ngôn ngữ hùng hồn của một cuộc sống đã được biến hình đổi dạng, có khả năng làm cho thế giới phải ngạc nhiên. Ðứng trước sự kinh ngạc của loài người, họ đáp lại bằng cách loan báo những kỳ công Thiên Chúa thường thực hiện nơi những kẻ Người yêu thương. Trong mức độ con người tận hiến để cho Thánh Thần hướng dẫn đi đến tận những đỉnh cao của sự hoàn thiện, người ấy có thể kêu lên : "Con đang thấy vẻ đẹp của ân sủng Ngài, con đang được chiêm ngưỡng ánh huy hoàng, con đang phản ánh sức sáng của ân sủng Ngài, con phải sững sờ trước vẻ rực rỡ của nó ; khi nghĩ đến mình, con thấy được lôi ra khỏi con, con thấy được trước đây con như thế nào và nay con đã ra sao, ôi kỳ diệu thay ! Con cứ chăm chú, con đầy trân trọng đối với chính mình con, đầy kính cẩn và sợ hãi, như thể đứng trước chính Ngài ; con chẳng còn biết phải làm gì, mà bởi vì con đã ra nhút nhát, con chẳng biết phải ngồi đâu, phải đi đâu, phải đặt các chi thể thuộc về Ngài đây vào chỗ nào, phải dùng các điều kỳ diệu này vào việc chi, vào công tác nào" (36). Như thế đời sống thánh hiến trở thành một trong những dấu vết hữu hình mà Thiên Chúa Ba Ngôi để lại trong lịch sử, để cho loài người có thể nhận ra được sức hấp dẫn của vẻ đẹp thần linh và lưu luyến nó.
Phản ánh của đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi trong các lời khuyên Phúc Âm
21. Ý nghĩa sâu xa nhất của các lời khuyên Phúc Âm được vén mở khi được đặt trong tương quan Ba Ngôi Thiên Chúa nguồn mạch mọi sự thánh thiện. Quả thế, các lời khuyên ấy diễn tả tình yêu Chúa Con đối với Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Thánh Thần. Khi thực hành các lời khuyên ấy, người được thánh hiến sống với một cường độ đặc biệt đặc trưng Ba Ngôi và Ki-tô đánh dấu toàn thể đời sống Ki-tô hữu.
Sự khiết tịnh của những người độc thân trinh khiết, biểu lộ một con tim không chia sẻ dâng hiến cho Thiên Chúa (x. 1 Cr 7,32-34), là phản ảnh của tình yêu vô biên đang nối kết Ba Ngôi Vị Thần Linh trong chiều sâu nhiệm mầu của đời sống Ba Ngôi ; tình yêu mà Ngôi Lời nhập thể làm chứng cho đến hy sinh mạng sống ; tình yêu "đã được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần" (Rm 5,5), tình yêu thúc bách chúng ta đáp trả với trọn tình thương dành cho Thiên Chúa và anh em.
Sự nghèo khó tuyên xưng rằng Thiên Chúa là kho tàng đích thực duy nhất của con người. Sống theo gương Ðức Ki-tô, Ðấng "vốn giàu sang phú quý, đã tự ý trở nên nghèo khó" (2 Cr 8,9), sự nghèo khó trở thành một cách diễn tả việc Ba Ngôi Vị Thần Linh trao ban trọn vẹn cho nhau. Việc trao ban dạt dào ấy trào ra trong công cuộc sáng tạo và được biểu lộ viên mãn trong cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời và trong cái chết cứu chuộc của Người.
Sự vâng phục, thực hành theo gương Ðức Ki-tô, lấy thánh ý Chúa Cha làm lương thực (x. Ga 4,34), biểu lộ vẻ đẹp giải phóng của sự lệ thuộc như con cái chứ không phải như nô lệ, một sự lệ thuộc chất chứa tinh thần trách nhiệm và được sống động bởi một niềm tin tưởng hỗ tương, phản ánh ra lịch sử mối hoà hợp tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Do đó, đời thánh hiến được kêu gọi hãy không ngừng đào sâu ân huệ các lời khuyên Phúc Âm nhờ một tình yêu ngày càng chân thành hơn và mạnh mẽ hơn trong chiều kích Ba Ngôi : tình yêu của Chúa Thánh Thần, Ðấng mở rộng tâm hồn đón nhận những linh ứng của Người ; tình yêu của Chúa Cha, là nguồn mạch đầu tiên và mục tiêu tối hậu của đời sống thánh hiến (37). Như thế đời thánh hiến tuyên xưng và biểu lộ Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm được tỏ bày cho Giáo Hội làm mẫu mực và nguồn mạch cho hết mọi hình thức sống Ki-tô hữu.
Ðời sống huynh đệ, nhờ vậy những người được thánh hiến cố gắng sống "một lòng một ý" trong Ðức Ki-tô (Cv 4,32), cũng là một lời tuyên xưng về Ba Ngôi đậm đà ý nghĩa. Ðời sống huynh đệ tuyên xưng Chúa Cha, Ðấng muốn cho mọi người thành một gia đình duy nhất ; tuyên xưng Chúa Con nhập thể, Ðấng quy tụ những người được cứu chuộc, và chỉ cho thấy con đường hợp nhất bằng gương sáng, kinh nguyện, lời nói và nhất là bằng cái chết của Người, là nguồn mạch ban ơn hoà giải cho nhân loại đã bị chia rẽ và phân tán ; tuyên xưng Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất trong Giáo Hội, nơi mà Người không ngừng khởi xướng những gia đình thiêng liêng và những cộng đoàn huynh đệ.
Ðược thánh hiến như Ðức Ki-tô vì Nước Thiên Chúa
22. Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, đời thánh hiến "hoạ lại cách chính xác và thực hiện liên tục trong Giáo Hội" (38) lối sống mà Ðức Giê-su, Ðấng đầu tiên được Chúa Cha thánh hiến và sai đi phục vụ Nước Thiên Chúa. Ðức Giê-su mời các môn đệ đi theo Người cũng sống như Người đã sống (x. Mt 4,18-22 ; Mc 1,16-20 ; Lc 5,10-11 ; Ga 15,16). Nhờ cuộc thánh hiến của Ðức Giê-su soi dẫn, chúng ta có thể thấy nguồn gốc của đời thánh hiến nơi sáng kiến của Chúa Cha, nguồn mạch mọi sự thánh hiến. Quả thế, chính Ðức Giê-su là Ðấng "Thiên Chúa thánh hiến bằng Thánh Thần và quyền năng" (Cv 10,38), là "Ðấng Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian" (Ga 10,36). Một khi đón nhận ơn thánh hiến của Chúa Cha, Chúa Con lại hiến dâng bản thân cho Chúa Cha để phục vụ nhân loại (x. Ga 17,19) : đời sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục của Người diễn tả lòng gắn bó thảo hiếu và trọn vẹn của Người với chương trình của Chúa Cha (x. Ga 10,30 ; 14,11). Chính vì cuộc hiến dâng hoàn hảo của Ðức Ki-tô mà hết mọi biến cố trong cuộc đời tại thế của Người đều được thánh hiến.
Người là Ðấng vâng phục tuyệt hảo, từ trời xuống không phải để làm theo ý mình, nhưng để làm theo ý Ðấng sai phái Người (x. Ga 6,38 ; Dt 10,5.7). Người ký thác bản thân và hành động vào tay Chúa Cha (x. Lc 2,49). Bởi sự vâng phục thảo hiếu, Người chọn thân phận nô lệ : "Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ [...], vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2,7-8). Chính trong thái độ tuân phục đối với Chúa Cha, Ðức Ki-tô đã chọn sống trinh khiết, tuy vẫn chuẩn nhận và bảo vệ phẩm giá và sự thánh thiện của đời sống hôn nhân, và như thế, cho thấy cái giá phi thường và sự phong phú nhiệm mầu của sự trinh khiết. Vì hoàn toàn gắn bó với chương trình của Chúa Cha, Ðức Ki-tô có thái độ siêu thoát đối với của cải trần thế : "Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có" (2 Cr 8,9). Chiều sâu của sự nghèo khó của Người được tỏ bày trong việc Người dâng trọn vẹn cho Chúa Cha tất cả những gì thuộc về Người.
Ðời sống thánh hiến thật sự là một ký ức sống động về lối sống và hành động của Ðức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể, trong tương quan với Cha và với anh em Người. Ðời sống thánh hiến là truyền thống sống động về cuộc sống và sứ điệp của Ðấng Cứu Thế.
II. Từ Phục Sinh Ðến Thời Viên Mãn
Từ núi Ta-bo đến núi Sọ
23. Biến cố lẫy lừng của cuộc biến hình chuẩn bị cho một biến cố khác, dẫu bi thương nhưng không kém phần vinh quang, ở núi Sọ. Ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và ông Gio-an được chiêm ngưỡng Chúa Giê-su có ông Mô-sê và ông Ê-li-a vây quanh ; theo Tin Mừng Lu-ca, Ðức Giê-su đàm đạo với hai ông "về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem" (9,31). Do đó cái nhìn của các Tông Ðồ nhắm vào Ðức Giê-su đang nghỉ đến thập giá (x. Lc 9,43-45). Chính trên thập giá mà tình yêu khiết trinh của Người đối với Chúa Cha và đối với nhân loại sẽ được diễn tả mạnh mẽ nhất ; sự nghèo khó của Người sẽ đi đến chỗ lột bỏ hoàn toàn, sự vâng phục của Người sẽ đi đến chỗ hiến dâng mạng sống.
Các môn đệ được mời chiêm ngưỡng Ðức Giê-su giương cao trên thập giá, nơi mà "Ngôi Lời xuất thân từ cõi thinh lặng" (39), đã khẳng định trong thinh lặng và cô đơn, theo kiểu các ngôn sứ, sự siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa trên mọi tạo vật, nơi mà Ðức Giê-su đã chiến thắng tội lỗi của chúng ta, trong thân xác của Người, và nơi mà Người lôi kéo mọi người lên với mình, ban cho mỗi người sự sống mới của Phục Sinh (x. Ga 12,32 ; 19,34.37). Việc chiêm ngưỡng Ðức Ki-tô chịu đóng đinh là một nguồn cảm hứng cho tất cả các ơn gọi là khởi điểm của mọi ân điển, tiên vàn là ơn Thánh Thần được trao ban, cũng như ơn sống đời thánh hiến.
Sau Ðức Ma-ri-a, Thân Mẫu của Ðức Giê-su, người nhận được ơn này là thánh Gio-an, môn đệ được Ðức Giê-su yêu mến, chứng nhân đã đứng dưới chân thập giá cùng với Ðức Ma-ri-a (x. Ga 19,26-27). Quyết định tự hiến hoàn toàn của ông là hoa trái của tình yêu Chúa đang bao trùm, nâng đỡ, và tràn ngập trái tim ông. Bên cạnh Ðức Ma-ri-a, ông Gio-an thuộc số những người đầu tiên trong đoàn người nam nữ đang nối nhau bước tới, kể từ thời khai nguyên Giáo Hội cho đến thời cuối cùng, họ là những người được tình yêu Thiên Chúa chiếm hữu, đang cảm thấy được kêu gọi bước theo Con Chiên đã bị sát tế và nay đang sống, để đến bất cứ nơi nào Người đi (x. Kh 14,1-5) (40).
Chiều kích vượt qua của đời sống thánh hiến
24. Qua những dạng thức sinh sống khác nhau do Thánh Thần gợi lên theo dòng lịch sử, người tận hiến khám phá ra rằng họ càng gần thập giá Ðức Ki-tô thì càng nghiệm được chân lý Thiên Chúa là Tình Yêu một cách trực tiếp và sâu xa. Trên thập giá, Ðấng khi chết đã bị tan nát mặt mày, không còn gì là đẹp đẽ trước mắt người đời, đến nỗi những người trông thấy phải che mặt đi (x. Is 53,2-3), lại biểu lộ trọn vẹn vẻ tuyệt đẹp và quyền năng của tình yêu Thiên Chúa. Thánh Âu-tinh đã ca tụng Người như sau : "Ngôi Lời ở kề cận Thiên Chúa thật là tuyệt đẹp [...]. Người tuyệt đẹp khi ở trên trời ; tuyệt đẹp khi ở dưới đất [...] ; tuyệt đẹp khi làm các phép lạ, tuyệt đẹp khi chịu khổ hình ; tuyệt đẹp khi kêu gọi đến với sự sống và tuyệt đẹp khi không ngại gì cái chết [...] ; tuyệt đẹp khi ở trên thập giá, tuyệt đẹp khi ở trong mộ, tuyệt đẹp khi lên trời [...]. Bạn đừng để cho xác thịt yếu ớt quay mặt đi không thấy được vẻ đẹp rực rỡ của Người !" (41).
Ðời sống thánh hiến phản ánh vẻ rực rỡ của tình yêu đó, bởi vì do lòng trung thành với mầu nhiệm Núi Sọ, họ tuyên xưng rằng họ tin và sống cho tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Như thế, họ giúp Giáo Hội ý thức mạnh mẽ rằng : Thập giá là tình yêu vô cùng dồi dào phong phú của Thiên Chúa được đổ chan hoà trên thế giới. Thập giá là dấu chỉ lớn lao cho thấy sự hiện diện cứu độ của Ðức Ki-tô, nhất là trong các khó khăn và thử thách. Một số lớn những người tận hiến đang thường xuyên làm chứng về điều này cách can đảm đáng phục, khi họ thường phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn, cho đến mức bị bách hại và tử đạo. Lòng trung thành của họ đối với Tình Yêu duy nhất được biểu lộ và củng cố qua một nếp sống ẩn mình khiêm tốn, qua việc chấp nhận những đau khổ để bổ túc nơi chính thân xác họ "những gì còn thiếu nơi những gian nan thử thách Ðức Ki-tô phải chịu" (Cl 1,24), qua hy sinh thầm lặng, qua sự ký thác cho thánh ý của Thiên Chúa, qua sự trung thành thanh thản ngay cả khi sức lực và ảnh hưởng cá nhân đang suy giảm. Lòng trung thành với Thiên Chúa cũng đưa đến lòng tận tuỵ đối với tha nhân ; những người tận hiến chấp nhận hy sinh khi thường xuyên chuyển cầu cho những nhu cầu của anh em họ, khi phục vụ quảng đại những người nghèo khổ và những người đau ốm, khi chia sẻ những khó khăn của những người khác, khi tích cực tham dự vào các mối bận tâm và những thử thách của Giáo Hội.
Những chứng nhân của Ðức Ki-tô trong thế giới 25. Mầu nhiệm vượt qua cũng là nguồn mạch của chiều hướng truyền giáo, gắn liền với bản chất đời sống Giáo Hội. Chiều hướng truyền giáo này được thực hiện đặc biệt trong đời thánh hiến. Quả thế, đừng kể những đoàn sủng riêng của các tu hội dấn thân cho sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại - ad gentes - hoặc hoạt động tông đồ, người ta có thể nói rằng chiều hướng truyền giáo nằm ngay trong lòng mọi hình thức tận hiến. Trong mức độ người tận hiến sống một cuộc đời hoàn toàn hướng về Chúa Cha (x. Lc 2,49 ; Ga 4,34), chịu Ðức Ki-tô chiếm hữu (x. Lc 24,49 ; Cv 1,8 ; 2,4), họ cộng tác hữu hiệu vào sứ mạng của Chúa Giê-su (x. Ga 20,21), góp phần sâu sắc đặc biệt vào việc canh tân thế giới.
Bổn phận truyền giáo tiên khởi của những người tận hiến nhắm tới bản thân họ, và được thực hiện bằng cách mở tâm hồn đón lấy tác động của Thần Khí Ðức Ki-tô. Chứng tá của họ giúp toàn thể Giáo Hội nhớ lại rằng công tác đứng hàng đầu là việc phục vụ Thiên Chúa cách nhưng không, và điều này có thể làm được nhờ ân sủng của Ðức Ki-tô được Thánh Thần thông ban cho người tín hữu. Chính nhờ đó mà thế giới được loan báo về sự bình an đến từ Chúa Cha, về sự tận tuỵ mà Ðức Ki-tô đã nêu gương, và niềm vui là hoa trái của Chúa Thánh Thần.
Những người tận hiến sẽ trở thành những nhà truyền giáo trước tiên bằng việc thường xuyên ý thức sâu xa rằng họ đã được Thiên Chúa kêu gọi và chọn lựa, nên phải quy hướng và dâng hiến cho Người toàn thể cuộc đời của họ và tất cả những gì họ có, bằng cách tự giải thoát khỏi những trở ngại làm trì trệ việc đáp trả trọn vẹn trong tình yêu. Như thế họ sẽ trở thành một dấu chỉ trung thực về Ðức Ki-tô trong thế giới. Lối sống của họ phải phản ánh lý tưởng họ tuyên xưng, khi xuất hiện như là những dấu chỉ sống động của Thiên Chúa và là những nhà rao giảng Tin Mừng đầy sức thuyết phục, cho dù họ thường im hơi lặng tiếng.
Giáo Hội phải luôn luôn quan tâm đến việc hiện diện hữu hình trong đời sống hằng ngày, đặc biệt trong nền văn hoá hiện đại, thường tuy đã bị tục hoá nhưng vẫn nhạy cảm với ngôn ngữ dấu chỉ. Muốn thế, Giáo Hội có quyền chờ đợi sự góp phần đặc biệt từ phía những người được thánh hiến, được kêu gọi làm chứng tá cụ thể rằng họ đã thuộc về Ðức Ki-tô trong hết mọi hoàn cảnh.
Bởi vì tu phục là dấu chỉ của việc tận hiến, của sự nghèo khó và của thành viên của một hội dòng nhất định, cho nên cùng với các nghị phụ của Thượng hội đồng, tôi tha thiết khuyến cáo các tu sĩ nam nữ hãy mặc tu phục, được thích nghi xứng hợp với thời đại và nơi chốn (42). Khi các đòi hỏi hợp lý của đời sống tông đồ đòi buộc, họ có thể, tuỳ theo các luật lệ của tu hội, mặc một bộ áo đơn giản và xứng đáng, với một huy hiệu thích hợp, sao cho người ta có thể nhận ra tư cách thánh hiến của họ.
Những tu hội nào từ thuở khai nguyên hoặc do những quy định của hiến chương, không tiên liệu tu phục riêng, phải liệu sao cho y phục của thành viên họ mang tính cách đoan trang và đơn giản xứng với bản chất của ơn gọi (43).
Chiều kích cánh chung của đời thánh hiến
26. Bởi vì ngày nay, các mối ưu tư hoạt động tông đồ ngày càng có vẻ cấp bách hơn và sự dấn thân vào các công việc trần thế ngày càng thu hút hơn, nên cần đặc biệt lưu ý về bản chất cánh chung của đời thánh hiến.
"Kho tàng của bạn ở đâu, thì lòng bạn cũng ở đó" (Mt 6,21) : kho tàng duy nhất là Nước Trời gợi lên nguyện ước, chờ mong, dấn thân và chứng tá. Trong Giáo Hội tiên khởi, người ta sống cao độ niềm chờ mong Ðức Chúa ngự đến. Qua các thời đại, Giáo Hội không ngừng duy trì lòng trông mong đó : Giáo Hội tiếp tục mời gọi các tín hữu đưa mắt hướng về ơn cứu độ sắp tới lúc được biểu lộ rồi, "vì bộ mặt thế gian này đang biến đi" (1 Cr 7,31 ; 1 Pr 1,3-6) (44).
Trong viễn tượng này, ta hiểu rõ hơn vai trò của đời thánh hiến là làm dấu chỉ cánh chung. Quả thế, giáo lý vẫn trình bày đời sống này như là sự tiên báo về vương quốc đang đến. Công Ðồng Va-ti-ca-nô II lấy lại giáo huấn này khi khẳng định rằng sự thánh hiến "tiên báo cuộc phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời" (45). Ðiều này được áp dụng trước tiên cho lời khấn trinh khiết, được truyền thống luôn luôn hiểu như là một hé mở thực tại của cuộc đời vĩnh cửu, ngay từ bây giờ đang hoạt động và biến đổi toàn thể con người.
Những người hiến dâng cuộc đời cho Ðức Ki-tô chỉ còn sống trong niềm ước mong được gặp Người, ngõ hầu được sống với Người mãi mãi. Từ đó lòng họ nôn nao, khát mong được "ngụp lặn trong Lò Lửa tình yêu đang cháy trong họ, và Lò Lửa đó không là gì khác ngoài Chúa Thánh Thần" (46), nỗi niềm chờ mong và ước vọng ấy được nâng đỡ bởi những ân huệ mà Chúa ban dồi dào cho những ai đi tìm những gì thuộc thượng giới (x. Cl 3,1).
Với cái nhìn gắn chặt vào những thực tại của Chúa, người tận hiến nhắc nhở rằng "trên đời này, chúng ta không có đô thành bền vững" (Dt 13,14), bởi vì "quê hương chúng ta ở trên trời" (Pl 3,20). Ðiều cần thiết duy nhất là tìm kiếm "Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người" (Mt 6,33), cùng với lời khẩn cầu không ngừng xin Chúa ngự đến.
Một sự chờ đợi tích cực : dấn thân và tỉnh thức
27. "Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến !" (Kh 22,20). Niềm chờ mong này không hề thụ động : tuy hướng về Nước Chúa sẽ đến, nhưng nó được diễn tả bằng việc làm và sứ vụ, bởi vì Nước Chúa hiện diện ngay từ bây giờ, qua việc thiết lập tinh thần các mối phúc, hầu khơi lên trong xã hội loài người những khát vọng đích thực muốn đạt tới công lý, hoà bình, tình liên đới và tha thứ.
Ðiều này thấy rõ trong lịch sử đời sống thánh hiến, xưa nay vốn sản sinh nhiều hoa trái cho thế giới. Do các đoàn sủng của họ, những người tận hiến trở thành dấu chỉ của Thánh Thần, hướng về một tương lai mới được soi sáng bởi đức tin và niềm hy vọng Ki-tô giáo. Chiều hướng cánh chung được diễn tả ra sứ vụ, ngõ hầu Nước Chúa được củng cố và tiến triển ngay ở đây và bây giờ. Lời khẩn cầu : "Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến !" đi đôi với lời cầu nguyện khác nữa : "Xin cho Nước Cha mau đến !" (Mt 6,10).
Kẻ nào tỉnh thức chờ đợi những lời Ðức Ki-tô hứa được thực hiện thì cũng có khả năng thông truyền niềm hy vọng cho anh chị em mình, những người thường bị nản chí và bi quan trước tương lai. Niềm hy vọng của người ấy dựa vào Lời Chúa hứa theo mạc khải : lịch sử của loài người đang tiến về "trời mới đất mới" (Kh 21,1), trong đó Chúa "sẽ lau sạch nước mắt họ ; sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất" (Kh 21,4).
Ðời thánh hiến có nhiệm vụ chiếu toả mãi mãi vinh quang Thiên Chúa, khi mọi phàm nhân được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa (x. Lc 3,6 ; Is 40,5). Ki-tô giáo Ðông Phương nhấn mạnh khía cạnh này, khi gọi các đan sĩ là những thiên thần của Thiên Chúa trên mặt đất, loan báo cuộc canh tân thế giới trong Ðức Ki-tô. Bên Tây Phương, truyền thống đan tu cử hành việc tưởng niệm và canh thức : tưởng niệm những kỳ công Thiên Chúa thực hiện, canh thức chờ mong niềm hy vọng được thực hiện vĩnh viễn. Sứ điệp của truyền thống đan tu và của đời sống chiêm niệm không ngừng nhắc nhở rằng quyền tối thượng của Thiên Chúa mang lại cho cuộc sống con người ý nghĩa và niềm vui tràn đầy, bởi vì con người được tạo dựng cho Thiên Chúa và nó không được yên nghỉ bao lâu chưa được nghỉ yên trong Người (47).
Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, mẫu mực cho việc thánh hiến và đi theo Chúa, sequela Christi
28. Ngay khi thành thai không mắc nguyên tội, Ðức Ma-ri-a là Ðấng phản ánh hoàn hảo nhất vẻ đẹp của Thiên Chúa. Giáo Hội kêu cầu Mẹ dưới danh hiệu "Tuyệt Mỹ". Do việc kết hợp với Ðức Ki-tô, người tín hữu nào cũng có liên hệ với Ðức Ma-ri-a rất thánh. Ðiều này còn rõ ràng hơn nữa trong cuộc sống những người tận hiến (...). Tất cả các dòng tu đều xác tín rằng sự hiện diện của Ðức Ma-ri-a có một tầm quan trọng cơ bản cho đời sống thiêng liêng của mỗi tâm hồn được thánh hiến, và cho sự bền vững, hợp nhất và tiến triển của toàn thể cộng đoàn (48).
Quả thật, Ðức Ma-ri-a là một gương mẫu tuyệt vời về việc thánh hiến hoàn hảo, vì Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và hiến dâng trọn vẹn bản thân. Ðược Thiên Chúa tuyển chọn vì muốn thực hiện nơi Mẹ mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ nhắc lại cho người được thánh hiến rằng Thiên Chúa luôn nắm phần chủ động. Ðồng thời, khi đã ưng thuận để Lời Thiên Chúa xuống thế làm người nơi Mẹ, Ðức Ma-ri-a là mẫu mực cho việc con người thụ tạo đón tiếp ân sủng của Thiên Chúa.
Gần gũi Ðức Ki-tô, cùng với thánh Giu-se, trong đời sống ẩn dật tại Na-da-rét, hiện diện bên Con trong những lúc quyết liệt của cuộc đời công khai của Người, Ðức Trinh Nữ là thầy dạy cách bước theo Ðức Ki-tô vô điều kiện và chuyên cần phục vụ Người. Nơi Mẹ "đền thờ của Chúa Thánh Thần" toả rạng vẻ huy hoàng của tạo vật mới. Ðời thánh hiến nhìn nhận Mẹ là gương mẫu tuyệt vời cho việc tận hiến cho Chúa Cha, kết hợp với Chúa Con và ngoan ngoãn nghe theo Chúa Thánh Thần, ý thức rằng nhận lấy "lối sống trinh khiết và nghèo khó" của Ðức Ki-tô đồng thời cũng có nghĩa là bắt chước lối sống của Ðức Ma-ri-a (50).
Ngoài ra, người tận hiến tìm được nơi Ðức Trinh Nữ một người Mẹ với một danh nghĩa hoàn toàn đặc biệt. Thực vậy, nếu một tình mẹ mới đã được ban cho Ðức Ma-ri-a trên Núi Sọ là một ân huệ cho tất cả các Ki-tô hữu, thì mẫu tính này có giá trị đặc biệt đối với những người dâng hiến trọn cuộc đời cho Ðức Ki-tô. "Ðây là Mẹ của anh" (Ga 19,27) : lời Ðức Giê-su nói với "người môn đệ Người thương mến" (Ga 19,26) thật sâu sắc trong đời sống của người tận hiến. Quả thế, cũng như thánh Gio-an, họ được mời đón nhận Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a rất thánh về nhà mình (x. Ga 19,27) : họ sẽ yêu mến và bắt chước Mẹ một cách triệt để, theo ơn gọi riêng của mình, và bù lại, họ sẽ cảm nghiệm tình mẫu tử êm ái thật đặc biệt. Ðức Trinh Nữ thông ban tình yêu để họ có thể hiến dâng cuộc sống cho Ðức Ki-tô mỗi ngày, cộng tác với Người để cứu độ thế giới. Chính vì thế, lòng thảo hiếu với Ðức Ma-ri-a là nẻo đường ưu tiên giúp trung thành với tiếng gọi đã nhận và là một trợ giúp rất hữu hiệu để tiến tới trong việc đáp trả và sống sung mãn ơn gọi của mình (51).
III. Trong Giáo Hội Và Cho Giáo Hội
"Chúng con ở đây thật là đẹp" : đời thánh hiến trong mầu nhiệm Giáo Hội.
29. Vào lúc Chúa biến hình, thánh Phê-rô đã nhân danh các tông đồ khác mà thốt lên : "Chúng con ở đây thật là đẹp" (Mt 17,4). Việc cảm nghiệm vinh quang của Ðức Ki-tô dù đã khiến tâm trí và trái tim ông bị hoàn toàn thu hút nhưng đã không cô lập ông ; trái lại còn liên kết ông với "chúng con", nghĩa là với các môn đệ kia.
Chiều kích của tiếng "chúng con" dẫn đưa chúng ta suy nghĩ về vị trí của đời thánh hiến trong mầu nhiệm Giáo Hội. Trong những năm gần đây, công cuộc suy tư thần học về bản chất của đời thánh hiến đã đào sâu những viễn tượng mới, phát xuất từ giáo lý của Công Ðồng Va-ti-ca-nô II. Dưới ánh sáng của giáo lý này, người ta nhận thấy rằng việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm là một điều không thể chối cãi được thuộc về đời sống và sự thánh hiến của Giáo Hội (52). Ðiều đó có nghĩa là đời thánh hiến, đã hiện hữu từ buổi sơ khai, sẽ không bao giờ được thiếu vắng trong Giáo Hội, bởi vì nó là một yếu tố cấu tạo và đặc trưng, diễn tả chính bản tính của Giáo Hội.
Ðiều đó rõ ràng, vì việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm được liên kết mật thiết với mầu nhiệm Ðức Ki-tô, có phận sự diễn lại cách nào đó lối sống Ðức Ki-tô đã chọn, và cho thấy rằng lối sống ấy có một giá trị tuyệt đối và cánh chung. Chính Ðức Giê-su, khi kêu gọi một số người từ bỏ mọi sự mà bước theo Người, đã khai mào một nếp sống được phát triển dần dần qua các thời đại, sống dưới tác động của Thánh Thần, thành những hình thức tận hiến khác nhau. Vậy quan niệm về một Giáo Hội chỉ gồm có giáo sĩ và giáo dân mà thôi thì không phù hợp với những ý hướng sáng lập của Chúa, như thấy được trong các sách Tin Mừng và những tác phẩm khác trong Tân Ước.
Sự thánh hiến mới và đặc biệt
30. Trong truyền thống Giáo Hội, việc tuyên khấn tu trì được coi như việc đào sâu độc đáo và phong phú sự thánh hiến đã lãnh nhận trong bí tích thánh tẩy ; nhờ việc tuyên khấn ấy, sự kết hiệp thâm sâu với Ðức Ki-tô đã khai mào trong bí tích rửa tội được phát triển thành hồng ân trở nên đồng hình đồng dạng với Người một cách rõ rệt và trọn vẹn hơn bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm (53).
Tuy nhiên sự thánh hiến do việc tuyên khấn tu trì có một đặc điểm khác biệt so với sự thánh hiến do bí tích thánh tẩy ban cho, bởi vì nó không hẳn là hậu quả thiết yếu (54). Thực vậy, phàm ai đã được tái sinh trong Ðức Ki-tô thì đều được kêu gọi nhờ sức mạnh Thánh Thần ban, sống khiết tịnh tương ứng với bậc sống mình, vâng phục Thiên Chúa và Giáo Hội, dứt bỏ lòng quyến luyến của cải vật chất, bởi vì mọi người đều được mời gọi sống thánh hiến trong việc đạt tới mức hoàn hảo của đức ái (55). Nhưng bí tích thánh tẩy tự nó không hàm chứa lời kêu gọi sống độc thân hoặc trinh khiết, từ bỏ sở hữu của cải, vâng phục một bề trên, dưới dạng cụ thể của các lời khuyên Phúc Âm. Vậy việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm giả thiết một ân huệ đặc biệt mà Thiên Chúa không ban cho tất cả mọi người, như chính Ðức Giê-su đã nêu bật trong trường hợp độc thân tự nguyện (x. Mt 19,10-12).
Hơn nữa, khi Chúa gọi thì Người cũng ban ơn đặc biệt của Thánh Thần, ngõ hầu người được thánh hiến có thể đáp trả ơn gọi và chu toàn sứ mạng của mình. Chính vì thế, theo Phụng vụ Ðông Phương và Tây Phương, trong nghi lễ tuyên khấn đan tu hoặc tu trì và trong nghi lễ thánh hiến trinh nữ, Giáo Hội kêu cầu Thánh Thần ban ơn xuống trên những người được chọn và liên kết lễ dâng của họ với hy tế của Ðức Ki-tô (56).
Việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm cũng là một việc triển khai ân sủng của bí tích Thêm sức, nhưng điều này vượt quá những đòi hỏi thông thường của việc thánh hiến nhận trong bí tích Thêm sức. Cần có một ơn đặc biệt của Chúa Thần để phát triển những khả năng mới và sản sinh những hoa trái thánh thiện và tông đồ, như lịch sử đời thánh hiến đã chứng tỏ.
Ðối với các linh mục tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm ; kinh nghiệm cho thấy rằng bí tích Truyền chức thánh thêm phong phú hơn nhờ sự tận hiến tu trì, bởi vì nó đòi hỏi và nâng đỡ việc sống liên kết mật thiết hơn với Chúa. Vị linh mục nào tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm thì được trợ giúp đặc biệt để hoạ lại trọn vẹn mầu nhiệm Ðức Ki-tô trong cuộc sống, cũng như nhờ linh đạo riêng và nhờ chiều kích tông đồ do đoàn sủng của tu hội. Quả thế, ơn gọi chức linh mục và ơn gọi đời tận hiến kết hợp chặt chẽ với nhau nơi con người linh mục tạo ra một sự thống nhất sâu xa và năng động trong cuộc sống.
Các tu sĩ linh mục chuyên sống đời chiêm niệm, cũng mang lại cho Giáo Hội một ơn ích khôn lường. Ðặc biệt khi cử hành Thánh Thể, họ chu toàn một hành vi của Giáo Hội và cho Giáo Hội ; họ liên kết việc dâng hiến bản thân với Thánh Thể, hiệp thông với Ðức Ki-tô, Ðấng dâng mình cho Chúa Cha để cứu độ toàn thể thế giới (57).
Các tương quan giữa các bậc sống khác nhau của người Ki-tô hữu
31. Ðức Giê-su đã muốn có những bậc sống khác nhau trong đời sống của Giáo Hội. Giữa các bậc sống đó : có những mối tương quan hỗ tương cần được cứu xét.
Tất cả các tín hữu, do việc được tái sinh trong Ðức Ki-tô, đều có chung cùng một phẩm giá ; tất cả đều được kêu gọi nên thánh ; tất cả đều tham dự vào việc xây dựng Thân Thể duy nhất của Ðức Ki-tô, mỗi người tuỳ theo ơn gọi của mình và những ân huệ Thánh Thần ban cho (x. Rm 12,3-8) (58). Sự bình đẳng về phẩm giá giữa tất cả các thành viên trong Giáo Hội là công trình của Thánh Thần, đặt trên nền tảng là bí tích Rửa tội và Thêm sức, và được củng cố nhờ bí tích Thánh Thể. Nhưng sự đa dạng cũng là công trình của Thánh Thần. Chính Người làm cho Giáo Hội thành một mối hiệp thông hữu cơ, giữa những đa dạng về các ơn gọi, các đoàn sủng và các thừa tác vụ (59).
Các ơn gọi vào đời sống giáo dân, vào hàng giáo sĩ và vào đời tận hiến đều có thể coi là kiểu mẫu, bởi lẽ tất cả các ơn gọi đặc thù - dù xét riêng rẽ hay tập thể - đều bắt nguồn và quy tụ về đó, thể theo ân huệ dồi dào của Thiên Chúa. Ngoài ra, chúng phục vụ lẫn nhau, để làm cho Nhiệm Thể Ðức Ki-tô được tăng trưởng trong lịch sử và chu toàn sứ mạng trong thế giới. Trong Giáo Hội, mọi người đều được thánh hiến nhờ bí tích Rửa tội và Thêm sức, còn thừa tác vụ do truyền chức và đời tận hiến giả thiết là một ơn gọi riêng và một hình thái thánh hiến đặc biệt, nhằm chu toàn một sứ mạng riêng.
Sứ mạng của các giáo dân, những người "có nhiệm vụ tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo kế hoạch Thiên Chúa" (60), đặt nền tảng trên sự thánh hiến do bí tích Rửa tội và Thêm sức, chung cho tất cả các thành phần của Dân Thiên Chúa. Ngoài sự thánh hiến căn bản ấy, các giáo sĩ được thánh hiến bằng bí tích Truyền chức thánh để nối tiếp sứ vụ tông đồ qua dòng thời gian. Những người tận hiến cam kết sống các lời khuyên
Phúc Âm, được thánh hiến một cách mới mẻ và đặc biệt ; sự thánh hiến này, tuy không mang tính bí tích, nhưng ràng buộc khiến họ chấp nhận lối sống độc thân, khó nghèo, vâng phục đã được Ðức Giê-su đích thân thể hiện và đề nghị cho các môn đệ. Cho dù cả ba bậc sống khác nhau đều biểu lộ mầu nhiệm duy nhất của Ðức Ki-tô, nhưng các giáo dân thì có đặc tính riêng biệt tuy không độc hữu là sinh hoạt giữa trần thế ; còn các mục tử thì mang trách nhiệm về tác vụ, còn những người tận hiến thì cố gắng nên đồng hình đồng dạng với Ðức Ki-tô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục.
Giá trị đặc biệt của đời thánh hiến
32. Trong bối cảnh hài hoà của các ân sủng, mỗi bậc sống chủ yếu diễn tả, theo cách của mình, một chiều kích nào đó thuộc mầu nhiệm duy nhất của Ðức Ki-tô. Nếu đời sống giáo dân có một sứ mạng đặc biệt là loan báo Tin Mừng trong các thực tại trần thế, thì những người đã lãnh nhận các chức thánh, đặc biệt các giám mục, thực thi một tác vụ không thể thay thế được trong khuôn khổ của sự hiệp thông Giáo Hội. Các giám mục có bổn phận hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng việc giảng dạy Lời Chúa, phân phát các bí tích và thi hành quyền bính thánh thiêng, để phục vụ sự thông hiệp Giáo Hội, là một hiệp thông hữu cơ, được xếp đặt theo phẩm trật (61).
Còn khi xét tới sứ mạng của Giáo Hội là phải biểu lộ sự thánh thiện, thì phải công nhận, với cái nhìn khách quan, là đời thánh hiến đứng ở một bình diện ưu việt, bởi vì phản ánh chính lối sống của Ðức Ki-tô. Chính vì thế, đời thánh hiến biểu lộ phong phú những giá trị của Tin Mừng và làm sáng tỏ trọn vẹn hơn mục tiêu của Giáo Hội là thánh hoá nhân loại. Ðời thánh hiến loan báo và ra như sống trước thời mai hậu, thời mà Nước Trời đang hiện diện ở dạng mầm mống và trong mầu nhiệm (62), sẽ đạt mức viên mãn ; thời mà các con cái của sự phục sinh sẽ không cưới vợ lấy chồng nữa, nhưng sẽ nên như các thiên thần của Thiên Chúa (x. Mt 22,30).
Quả thế, một điều mà Giáo Hội vốn hằng dạy là tính ưu việt của đức khiết tịnh toàn hảo vì Nước Trời (63), và có lý khi coi đó như là "cánh cửa" của đời thánh hiến (64). Ðàng khác, Giáo Hội hết sức trân trọng ơn gọi hôn nhân, trong đó đôi vợ chồng "làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo Hội", Mẹ chúng ta ; họ trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu của Ðức Ki-tô đối với Hiền Thê Người, "bởi yêu thương mà Người đã hiến mạng sống vì Hiền Thê" (65).
Trong viễn ảnh vừa rồi, chung cho toàn thể đời thánh hiến, đã có những nẻo đường khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Các tu sĩ nam nữ hoàn toàn hiến mình cho đời sống chiêm niệm là những hình ảnh đặc biệt của Ðức Ki-tô cầu nguyện trên núi (66). Những người tận hiến sống đời hoạt động diễn lại nếp sống của Người "loan báo Nước Thiên Chúa cho dân chúng, hoặc chữa lành những kẻ đau yếu tàn tật, hay hoán cải các tội nhân trở lại đời sống lương thiện, hoặc đang chúc phúc cho trẻ em và ban ơn lành cho mọi người" (67). Những người tận hiến trong các tu hội đời đóng góp theo cách thức riêng vào công cuộc làm cho Nước Thiên Chúa đến ; họ tổng hợp một cách đặc biệt những giá trị của sự thánh hiến và những giá trị của trần thế. Khi sống đời thánh hiến ở giữa trần gian và từ trần gian (68), họ "cố gắng [...] thấm nhuần mọi sự bằng tinh thần Phúc Âm để củng cố và phát triển Thân Thể Ðức Ki-tô" (69). Vì mục tiêu này, họ tham dự vào sứ mạng giữa Giáo Hội loan báo Tin Mừng bằng chứng tá cá nhân của một đời sống Ki-tô hữu, bằng những cuộc dấn thân nhằm quy hướng các trật tự trần thế theo ý Thiên Chúa, bằng sự cộng tác vào việc phục vụ cộng đoàn Giáo Hội, theo cách thức riêng biệt của nếp sống giữa đời (70).
Làm chứng về Tin Mừng các mối phúc 33. Một vai trò đặc biệt của đời thánh hiến là nhắc nhớ cho những người đã được rửa tội về các giá trị cơ bản của Tin Mừng, nhờ "chứng tá rạng rỡ và cao vời rằng thế giới không thể được biến hình đổi dạng và dâng hiến cho Thiên Chúa nếu thiếu tinh thần của các mối phúc" (71). Như thế đời thánh hiến làm cho Dân Thiên Chúa luôn ý thức rằng họ phải dùng đời sống thánh thiện để đáp trả tình yêu Thiên Chúa đã được Chúa Thánh Thần đổ chan hoà vào lòng (x. Rm 5,5), làm sao cho cung cách xử sự phát lộ sự thánh hiến Thiên Chúa đã thực hiện nơi họ qua bí tích Thánh tẩy, Thêm sức hay Truyền chức. Thực vậy, ơn thánh hoá do các bí tích truyền ban cần phải được chuyển thành ơn thánh trong cuộc sống hằng ngày. Ðời thánh hiến, được sống trong Giáo Hội, cần phải giúp cho sự thánh hoá đời sống của các tín hữu, giáo dân và giáo sĩ.
Ðàng khác ta không được quên rằng, những người tận hiến cũng cần được nâng đỡ nhờ chứng tá của các ơn gọi khác để sống trọn vẹn việc gắn bó với mầu nhiệm Ðức Ki-tô và Giáo Hội trong những chiều kích đa dạng. Do khả năng làm phong phú lẫn nhau như thế, sứ mạng của đời tận hiến càng trở nên hùng hồn và hữu hiệu hơn ; đó là nhắc nhở cho các anh chị em khác hãy đưa mắt chăm chú tìm kiếm hoà bình tương lai, và cố gắng đạt tới hạnh phúc vĩnh viễn ở bên Thiên Chúa.
Hình ảnh sống động của Giáo Hội - Hiền Thê
34. Ý nghĩa hôn ước của đời sống thánh hiến mang một tầm quan trọng đặc biệt vì nó nhắc cho Giáo Hội phải tận tâm tận tình phục vụ Ðức Lang Quân của mình, Ðấng đã ban cho Giáo Hội mọi điều thiện hảo. Chiều kích hôn ước là một nét đặc thù của hết mọi đời thánh hiến, nhưng nó có ý nghĩa riêng cho người phụ nữ, vì có thể nói là chị khám phá ra giá trị đặc biệt của nữ tính trong mối tương quan liên kết chị với Ðức Ki-tô.
Về điều này, trong Tân Ước, có một trang rất súc tích trình bày Ðức Ma-ri-a ở nhà Tiệc Ly với các Tông Ðồ đang cầu nguyện chờ đợi Thánh Thần (x. Cv 1,13-14). Ta có thể thấy ở đó một hình ảnh sống động về Giáo Hội - Hiền Thê, đang chú ý đến những tín hiệu Ðức Lang Quân gửi đến và sẵn sàng đón tiếp Người như một ân huệ. Thánh Phê-rô và các Tông Ðồ tiêu biểu cho đặc tính phong nhiêu, được diễn tả qua thừa tác vụ Giáo Hội, được Thánh Thần sử dụng để sinh ra những con người mới, bằng cách giảng dạy Lời Chúa, cử hành các bí tích và hoạt động mục vụ. Ðức Ma-ri-a tiêu biểu cho thái độ đón nhận của người hiền thê ; nhờ đó đời sống thần linh của Giáo Hội sinh hoa kết trái do một mối tình khiết trinh và trọn vẹn.
Ðời thánh hiến luôn được đặt bên cạnh Ðức Ma-ri-a, Trinh Nữ Hiền Thê. Tình yêu khiết trinh này mang một sức phong phú đặc biệt, góp phần vào việc sinh ra và gia tăng đời sống thần linh trong các tâm hồn (72). Theo chân Ðức Ma-ri-a, bà E-và mới, người tận hiến thực hiện sự phong nhiêu thiêng liêng bằng cách sẵn sàng đón tiếp Lời Chúa, cộng tác vào việc xây dựng nhân loại mới nhờ việc xả thân vô điều kiện và chứng tá sống động của họ. Như thế, Giáo Hội biểu lộ đầy đủ mẫu tính của mình, vừa qua việc truyền thông tác động mà Chúa đã ký thác cho thánh Phê-rô, vừa qua việc đón tiếp ân huệ của Thiên Chúa với tinh thần trách nhiệm, theo gương của Ðức Ma-ri-a.
Còn dân Thiên Chúa, họ tìm thấy nơi các giáo sĩ những phương tiện mang ơn cứu độ, và nơi đời thánh hiến một sức kích thích thúc đẩy họ sẵn sàng đáp lại tình yêu bằng mọi hình thức phục vụ (73).
IV. Ðược Tinh Thần Thánh Hiến Hướng Dẫn
Một cuộc đời "được biến hình" : lời gọi nên thánh
35. "Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất" (Mt 17,6). Trong bài tường thuật cuộc biến hình, các Tin Mừng nhất lãm, tuy với đôi chút dị biệt nhưng đều cho thấy nỗi sợ hãi tràn ngập các môn đệ. Sự thu hút mà dung nhan biến hình của Ðức Ki-tô tác động trên các ông đã không ngăn cản được các ông cảm thấy sợ hãi trước vẻ uy nghi thần linh đang bao trùm các ông. Mỗi khi con người hé thấy vinh quang của Thiên Chúa, thì luôn luôn ý thức về sự nhỏ bé của mình và cảm thấy sợ hãi. Nỗi sợ hãi này mang tính chất cứu độ. Nó nhắc con người nhớ tới sự hoàn thiện của Thiên Chúa và đồng thời đòi con người nhận tiếng gọi thúc bách tiến tới "sự thánh thiện".
Tất cả các con cái của Giáo Hội, được Chúa Cha kêu gọi "lắng nghe" Ðức Ki-tô, tất nhiên cảm thấy đòi hỏi sâu xa là phải hoán cải và nên thánh. Tuy nhiên Thượng hội đồng giám mục đã nhấn mạnh rằng đòi hỏi hoán cải và nên thánh trước tiên liên hệ đến đời thánh hiến. Quả thế, ơn gọi của những người tận hiến hãy đi tìm kiếm Nước Thiên Chúa trên hết mọi sự, tiên vàn là một lời mời gọi hoán cải hoàn toàn, từ bỏ chính mình để sống hoàn toàn cho Chúa, ngõ hầu Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài. Vì đã được kêu gọi chiêm ngưỡng và làm chứng cho dung nhan biến hình của Ðức Ki-tô, những người tận hiến cũng được kêu gọi sống một cuộc đời "được biến hình".
Về điểm này, bản báo cáo chung kết của phiên họp bất thường thứ hai của Thượng hội đồng đã có nhận xét chí lý như sau : "Suốt dòng lịch sử của Giáo Hội, các thánh nam nữ luôn luôn là một nguồn mạch từ đó phát ra bao đổi mới trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Ngày hôm nay, chúng ta rất cần những vị thánh và chúng ta không ngừng cầu xin Thiên Chúa ban những vị thánh. Các tu hội đời thánh hiến, khi tuyên khấn lời khuyên Phúc Âm, phải ý thức về sứ mạng đặc biệt của họ trong Giáo Hội ngày hôm nay, và chúng ta phải khuyến khích họ thi hành sứ mạng ấy" (74). Trong phiên họp thường lệ lần thứ chín của Thượng hội đồng giám mục, các nghị phụ đã làm vọng lại ý kiến đó khi tuyên bố : "Trải qua lịch sử Giáo Hội, đời thánh hiến vốn là nơi hiện diện sống động của Thánh Thần tác động, như thể đó là chỗ ưu tiên dành để yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, làm chứng về kế hoạch Thiên Chúa muốn là quy tụ toàn thể nhân loại trở thành đại gia đình con cái Thiên Chúa, trong nền văn minh tình thương" (75).
Giáo Hội luôn luôn coi việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm là một con đường đặc biệt đưa tới sự thánh thiện. Chính những kiểu nói Giáo Hội dùng để chỉ định nó - như trường dạy phụng sự Chúa, trường dạy yêu thương và sống thánh thiện, đường hoặc bậc hoàn thiện -, cho thấy lối sống Tin Mừng này rất có hiệu năng và dồi dào phương tiện, đồng thời cũng cho thấy nghĩa vụ đặc biệt của những người cam kết gia nhập đời sống này (76). Không phải vô cớ mà qua các thời đại, một số lớn những người tận hiến đã để lại những chứng tá hùng hồn về sự thánh thiện và đã hoàn thành những công tác truyền giáo và phục vụ rất quảng đại và cam go.
Trung thành với đoàn sủng
36. Trong việc đi theo làm môn đệ Ðức Ki-tô, sequela Christi, và trong tình yêu dành cho bản thân Người, cần nêu lên một số điểm liên quan đến việc phải nên thánh trong đời thánh hiến vào ngày hôm nay.
Trước tiên trong mỗi tu hội, cần phải trung thành với đoàn sủng sáng lập và với gia sản thiêng liêng được gầy dựng lên tiếp sau. Việc trung thành với linh ứng của các đấng sáng lập, một ân huệ của Chúa Thánh Thần, giúp tìm lại và sống nhiệt thành những yếu tố cốt yếu của đời thánh hiến.
Quả thế, căn bản đoàn sủng nào cũng gồm ba chiều hướng : trước tiên, hướng về Chúa Cha, với lòng con thảo muốn tìm kiếm thánh ý Người qua việc hoán cải thường xuyên, nơi mà vâng phục là nguồn mạch đưa tới tự do đích thực, khiết tịnh diễn tả niềm thao thức của một con tim mà không một tình yêu hữu hạn nào thoả mãn được, nghèo khó nuôi dưỡng cơn đói khát công lý mà Thiên Chúa hứa làm no đầy (x. Mt 5,6). Trong viễn tượng này, đoàn sủng của bất cứ tu hội nào cũng thúc bách người tận hiến thuộc trọn về Thiên Chúa, nói với Thiên Chúa hoặc nói về Thiên Chúa, như người ta thường hay nhắc đến khi nói về thánh Ða-minh (77), để cảm nghiệm xem Thiên Chúa ngọt ngào dường bao (x. Tv 34 (33),9) trong hết mọi hoàn cảnh.
Các đoàn sủng của đời thánh hiến cũng hướng về Chúa Con ; chúng mời duy trì một sự hiệp thông với Người trong cuộc sống thân tình và vui tươi, học gương quảng đại của Người khi phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em. "Cái nhìn dần dần được Ki-tô hoá, nhờ đó mà học biết tách mình khỏi những dáng vẻ bề ngoài, khỏi cơn lốc các giác quan, khỏi tất cả những gì ngăn cản con người trở nên nhẹ nhàng để cho Thánh Thần có thể nắm bắt" (78), và thúc đẩy họ ra đi chu toàn sứ mạng với Ðức Ki-tô, làm việc và chịu đau khổ với Người, để cộng tác vào việc loan báo Vương Quốc của Người.
Sau cùng, bất cứ đoàn sủng nào cũng hướng về Chúa Thánh Thần, mời con người để cho Thánh Thần hướng dẫn và nâng đỡ trên con đường thiêng liêng cũng như trong đời sống hiệp thông và hoạt động tông đồ, ngõ hầu sống trong thái độ phục vụ, là thái độ phải soi dẫn mọi chọn lựa của người Ki-tô hữu chân chính.
Quả thế, cho dù các kiểu sống khác nhau có những đường nét riêng đi nữa, nhưng các đoàn sủng sáng lập vẫn luôn có ba chiều hướng vừa nói, bởi lẽ đoàn sủng nào cũng "nổi bật ước muốn sâu xa của tâm hồn là được nên đồng hình đồng dạng với Ðức Ki-tô, dầu làm chứng về một nét nào đó thuộc mầu nhiệm của Người" (79) ; nét độc đáo đó được cụ thể hoá và triển khai trong truyền thống trung thực nhất của tu hội, sao cho phù hợp với các quy luật, hiến chương và quy chế (80).
Trung thành và sáng tạo
37. Vì vậy, các tu hội được mời gọi hãy can đảm tìm lại tinh thần xông xáo dám nghĩ dám làm, óc sáng tạo và sự thánh thiện của các đấng sáng lập, để đáp trả những "thời điềm" đang xuất hiện trong thế giới ngày nay (81). Lời mời gọi này tiên vàn nhắm đến việc kiên trì trên đường nên thánh, giữa những khó khăn vật chất và tinh thần gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng đó cũng là lời mời gọi hãy thủ đắc cho được một khả năng chuyên môn trong việc làm và trung thành năng động trong sứ mạng của mình, bằng cách khi cần, biết thích nghi các hình thái với những hoàn cảnh mới và những nhu cầu khác nhau, trong thái độ hoàn toàn tuân phục sự soi sáng của Thiên Chúa và sự biện phân của Giáo Hội. Dù sao, phải xác tín vững chắc rằng việc cố gắng càng ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa hơn là điều kiện chân thực của mọi cuộc canh tân trung thành với linh ứng nguyên thuỷ của mỗi tu hội (82).
Trong tinh thần này, ngày nay mọi tu hội phải canh tân lối nhìn của họ về luật dòng, bởi vì, trong luật dòng và trong hiến chương, một lộ trình đã được phác hoạ để thực hiện việc đi theo Ðức Ki-tô - sequela Christi - tương ứng với một đoàn sủng riêng đã được Giáo Hội chuẩn nhận. Càng trân trọng luật dòng, những người tận hiến càng có những tiêu chuẩn chắc chắn để tìm ra những phương thức thích đáng để làm chứng, đáp ứng những đòi hỏi của thời đại mà không xa rời linh ứng nguyên thuỷ.
Cầu nguyện và khổ chế : cuộc chiến đấu thiêng liêng
38. Lời gọi nên thánh chỉ có thể nghe được và nuôi dưỡng trong thái độ thinh lặng thờ phượng trước Thiên Chúa siêu việt vô biên : "Chúng ta phải thú nhận rằng tất cả chúng ta đều cần đến thứ thinh lặng chất chứa sự hiện diện của Ðấng mời ta tôn thờ : thinh lặng cần cho thần học để đề cao cái hồn khôn ngoan và tâm linh của nó ; thinh lặng cần cho kinh nguyện, để không bao giờ quên rằng nhìn thấy Thiên Chúa có nghĩa là xuống núi với một gương mặt chói lọi đến nỗi phải che mặt bằng một tấm khăn (x. Xh 34,33) [...] ; thinh lặng cần cho kẻ dấn thân, để từ chối không để cho mình bị giam hãm trong một cuộc đấu tranh không có tình yêu cũng không có tha thứ [...]. Tất cả mọi người, dù có tín ngưỡng hay không, đều phải học biết giá trị của thinh lặng để cho Vị Kia lên tiếng vào lúc nào và như thế nào tuỳ Người ; cũng như để cho chúng ta hiểu nổi lời Người" (83). Trong thực tế, điều này giả thiết phải hết sức trung thành với việc cầu nguyện phụng vụ và cầu nguyện cá nhân, trung thành với thời gian dành cho tâm nguyện và chiêm niệm, thờ phượng Thánh Thể, tĩnh tâm hàng tháng và linh thao.
Cũng cần phải khám phá lại những phương thế khổ chế điển hình trong truyền thống thiêng liêng của Giáo Hội và của mỗi tu hội. Các phương thế này đã và còn tiếp tục nâng đỡ vững vàng cuộc hành trình chân thực tiến đến sự thánh thiện. Khổ chế giúp chế ngự và sửa chữa những khuynh hướng của bản tính nhân loại đã bị tổn thương vì tội lỗi, khổ chế rất cần thiết để người tận hiến trung thành với ơn gọi của mình và bước theo Ðức Giê-su trên con đường thập giá.
Ngoài ra cũng cần phải vạch trần và lướt thắng những chước cám dỗ đôi khi xuất hiện, do mưu mô ma quỷ, dưới những dáng vẻ bề ngoài của sự thiện. Chẳng hạn như nhu cầu chính đáng tìm hiểu xã hội đương thời để ứng phó với những thách đố của thời đại có thể đi tới chỗ chiều theo thời trang nhất thời, giảm bớt lòng nhiệt thành thiêng liêng hoặc sờn lòng nản chí. Vì được huấn luyện thiêng liêng kỹ càng hơn, nên những người tận hiến có thể có cảm giác mình khá hơn các tín hữu khác ; cũng thế, nhu cầu cấp bách phải đạt tới trình độ chuyên môn có thể trở thành một ưu tư quá độ về hiệu năng, như thể công tác tông đồ chỉ tuỳ thuộc vào những phương tiện con người chứ không tuỳ thuộc vào Thiên Chúa. Ước muốn gần gũi những con người thời đại chúng ta, nam và nữ, có tín ngưỡng hoặc vô tín ngưỡng, người nghèo và người giàu, là điều đáng khen, nhưng có thể dẫn đến một lối sống tục hoá, hoặc cổ võ những giá trị nhân bản hoàn toàn theo chiều ngang. Việc chia sẻ những khát vọng hợp pháp của dân tộc mình, hay của nền văn hoá mình có thể đưa đến chỗ chủ trương một số hình thức chủ nghĩa ái quốc cực đoan hoặc chấp nhận những phong tục lẽ ra phải được thanh lọc và hoàn chỉnh dưới sánh sáng của Tin Mừng.
Vì thế, con đường nên thánh bao hàm việc chấp nhận chiến đấu thiêng liêng. Ðây là một đòi hỏi mà hiện nay không phải lúc nào người ta cũng quan tâm đúng mức. Truyền thống vẫn thường nhìn cuộc chiến đấu thiêng liêng qua hình ảnh ông Gia-cóp vật lộn với mầu nhiệm Thiên Chúa, ông đã phải đối đầu để được Người chúc lành và để được thấy Người (x. St 32,23-31). Những người tận hiến có thể coi câu chuyện này, xảy ra vào buổi nguyên sơ lịch sử Kinh Thánh, là một biểu tượng của việc khổ chế cần thiết cho việc mở rộng trái tim cho Chúa và anh chị em.
Cổ võ sự thánh thiện
39. Ngày nay hơn bao giờ hết, những người tận hiến cần phải cam kết hướng đến sự thánh thiện hơn nữa, hầu trợ giúp và nâng đỡ bất cứ Ki-tô hữu nào đi tìm kiếm sự hoàn thiện. "Vậy cần phải khơi lên trong lòng các tín hữu một khát vọng chân thành đạt tới sự thánh thiện, một ước muốn mạnh mẽ hoán cải và canh tân bản thân, trong một bầu khí cầu nguyện càng ngày càng sâu đậm hơn, và trong tình liên đới tiếp đón tha nhân, đặc biệt những kẻ túng cực nhất" (84).
Càng sống mật thiết với Thiên Chúa, những người tận hiến càng sẵn sàng trợ giúp anh chị em mình nhờ có những sáng kiến tốt trên bình diện thiêng liêng, như những trường dạy cầu nguyện, những khoá linh thao hoặc những cuộc tĩnh tâm, những ngày cô tịch, lắng nghe và linh hướng. Nhờ thế họ giúp cho anh chị em mình tiến tới trên con đường cầu nguyện, có khả năng nhận ra ý Chúa đối với mình, và can đảm, đôi khi anh dũng, dấn thân vào sự lựa chọn mà đức tin đòi hỏi. Quả vậy, "từ cấp độ thâm sâu nhất của hữu thể của họ, những người tận hiến được gắn chặt vào đời sống năng động của Giáo Hội, một Giáo Hội khao khát Thiên Chúa tuyệt đối và được mời gọi nên thánh. Chính họ đang làm chứng về sự thánh thiện ấy" (85). Sự kiện tất cả mọi người đều được kêu mời trở thành những vị thánh, lại càng thôi thúc hơn nữa những con người đã chọn sống sứ mạng nhắc nhớ lời mời ấy cho anh chị em mình.
"Chỗi dậy đi, đừng sợ" : một sự tin tưởng mới mẻ
40. "Ðức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo : "Chỗi dậy đi, đừng sợ" (Mt 17,7). Cũng như ba Tông Ðồ vào dịp biến hình, những người tận hiến đều kinh nghiệm rằng đời sống của họ không phải lúc nào cũng sáng rực nồng nàn đến nỗi thốt lên được : "Chúng con ở đây, thật là đẹp" (Mt 17,4). Tuy nhiên, đó vẫn là một cuộc đời luôn được bàn tay Ðức Ki-tô "chạm đến", được tiếng nói của Người nhắn nhủ, được ân sủng của Người nâng đỡ.
"Chỗi dậy đi, đừng sợ". Dĩ nhiên, lời khuyến khích của Thầy chí thánh được ngỏ với bất cứ Ki-tô hữu nào. Nhưng nó lại càng có giá trị đối với những người được kêu gọi "từ bỏ mọi sự", tức là "liều mọi sự" vì Ðức Ki-tô. Ðiều này đặc biệt có giá trị mỗi lần ta xuống núi cùng với Thầy để đi theo con đường từ núi Ta-bo đến núi Sọ. Khi nói rằng ông Mô-sê và ông Ê-li-a đàm đạo với Ðức Ki-tô về mầu nhiệm Vượt qua của Người, thánh Lu-ca đã sử dụng một từ rất súc tích, "cuộc xuất hành" (exodos) : hai vị : "nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem" (Lc 9,31). "Xuất hành", là một từ ngữ then chốt của mạc khải ; nó gợi lên toàn bộ lịch sử cứu độ và diễn tả ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Vượt qua. Ðề tài này được linh đạo đời thánh hiến ưa thích cách riêng, vì bộc lộ rõ ràng chiều hướng của đời sống này. Chắc chắn nó bao hàm những gì thuộc về mầu nhiệm thập giá, mysterium Crucis. Nhưng đặt trong viễn tượng Ta-bo, "con đường xuất hành" cam go được lồng giữa hai luồng ánh sáng : ánh sáng báo trước của cuộc biến hình và ánh sáng vĩnh viễn của cuộc Phục Sinh.
Nhìn trong viễn tượng của toàn thể đời sống Ki-tô hữu, ơn gọi sống đời thánh hiến mặc dù có những từ bỏ và những thử thách, hoặc đúng hơn chính nhờ những từ bỏ và thử thách, là một con đường "ánh sáng", trên đó Ðấng Cứu Chuộc hằng đưa mắt trông chừng : "Chỗi dậy đi, đừng sợ".
Chương II - Signum Fraternitatis
Ðời Thánh Hiến, Dấu Chỉ Hiệp Thông Trong Giáo Hội
Chương III - Servitium Caritatis
Ðời Thánh Hiến Tỏ Bày Tình Yêu Thiên Chúa Trong Thế Giới