Ðức hồng y Lajolo nhận định về

bài huấn đức của Ðức Thánh Cha với giáo triều

 

Ðức hồng y Lajolo nhận định về bài huấn đức của Ðức Thánh Cha với giáo triều.

Roma (WHÐ 25-12-2014) - Ngày 22 tháng 12 năm 2014, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến giáo triều Roma để chúc mừng Giáng sinh và cám ơn mọi người đã cộng tác với ngài trong sứ vụ Phêrô. Ngỏ lời với các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương của Toà Thánh, Ðức Thánh Cha nói rằng giáo triều cũng như một cơ thể và có thể mắc nhiều thứ bệnh. Ðức Thánh Cha kể ra đến 15 bệnh khác nhau như một gợi ý xét mình cho giáo triều để chuẩn bị xưng tội cuối năm, đón mừng Chúa Giáng sinh và Năm mới.

Nhận định về bài huấn đức dài hơn 30 phút này của Ðức Thánh Cha, Ðức hồng y Giovanni Lajolo, nguyên Chủ tịch Phủ Thống đốc Thành quốc Vatican và nguyên Bộ trưởng ngoại giao, không giấu được sự ngạc nhiên: "Thành thật mà nói, trước đây chưa bao giờ có chuyện này. Ðây là lần đầu tiên; trước đây chưa bao giờ có một vị giáo hoàng nêu ra một loạt các thứ bệnh mà giáo triều chúng tôi phải xét mình về các bệnh ấy. Ngài nói những điều này cùng với việc chúc mừng Giáng sinh - đã là một thông lệ, theo một công thức quen thuộc".

- Ðức hồng y đã mong đợi Ðức Thánh Cha Phanxicô nói gì?

- Vào dịp này, các vị tiền nhiệm của ngài sẽ thường chỉ nói về những sự kiện tiêu biểu nhất của năm qua. Các ngài tổng kết những sự kiện chính trong Giáo hội và trong hoạt động mục vụ của mình. Thế nên hẳn là bạn sẽ mong Ðức Thánh Cha Phanxicô nói về chuyến tông du tới Thánh Ðịa và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ngài lại chẳng nói gì đến điều đó. Có lẽ ngài sẽ đề cập đến những chuyến tông du này trong bài diễn văn với các đại sứ tại Vatican.

- Ðức hồng y đón nhận lời cảnh báo của Ðức Thánh Cha như thế nào?

- Ðó là lời kêu gọi xét mình và xưng tội cuối năm. Lần đầu tiên một vị giáo hoàng kêu gọi giáo triều xét mình về một số vấn đề khó khăn. Chẳng hạn, theo kinh nghiệm của tôi về giáo triều, tôi tin rằng việc đơn giản hoá các thủ tục sẽ làm giảm bớt các vụ bê bối.

- Tại sao Ðức Thánh Cha lại nói đến cả các hồng y và giám mục?

- Tất cả chúng ta đều có bảy mối tội đầu. Ngay cả Ðức giáo hoàng cũng thường nhận mình là tội nhân. Và nếu ngài là kẻ tội lỗi, thì nói gì đến chúng ta!... Thế giới còn tồn tại thì vẫn còn gương xấu. Phúc Âm nói rằng gương xấu vẫn luôn có, nhưng khốn cho ai gây ra gương xấu. Ðó là lời của Chúa Kitô, là điều chắc chắn đối với chúng ta.

- Vậy không thể tránh được gương xấu sao?

- Nhiệm vụ của các vị lãnh đạo ở Giáo triều là làm sao để gương xấu đừng xảy ra. Và vì là người có trách nhiệm cao nhất, Ðức Thánh Cha là người đầu tiên phải đối phó với gương xấu. Cải tổ cơ cấu là cần thiết, nhưng không đủ. Chúng ta cần phải hoán cải nội tâm. Giáo hội cần cải tổ liên tục, và đặc biệt là Giáo triều Roma, nơi có đủ mọi căng thẳng và các vấn đề của các Giáo hội địa phương trên khắp cả thế giới.

- Liệu những cải tổ đang diễn ra hiện nay có đủ không?

- Thật hữu ích khi các tổ chức của Giáo hội trở nên đơn giản hơn và hiệu quả hơn nhưng có những người mà cõi lòng là một mớ hỗn độn. Câu hỏi của Tacitus hết sức đúng vào lúc này: "Chúng ta cần bộ luật hay để làm gì, nếu chúng ta không có những giá trị tốt đẹp?" Lối sống trung thực không phải do lề luật tạo ra. Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta xét kỹ hành vi của mình và sự yếu đuối của mình, nghĩ đến điều xấu chúng ta đã làm, bắt đầu từ thói nhiều chuyện, là thói xấu có thể giết chết người khác.

 

Minh Ðức

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page