Các đóng góp của Tòa Thánh
trong diễn trình bình thường hóa
quan hệ Mỹ - Cuba
Các đóng góp của Tòa Thánh trong diễn trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba.
Roma (VietCatholic News 17-12-2014) - Việc bình thường hóa mối liên hệ Mỹ Cuba chủ yếu là một bước ngoặt đối với hai quốc gia này, nhưng cũng được coi như một chiến thắng của chính sách hòa dịu của Tòa Thánh bắt nguồn ít nhất từ thời Ðức Gioan Phaolô II.
Theo lịch sử, Cuba vốn là một quốc gia Công Giáo. Hiện nay, 60 phần trăm dân chúng vẫn tự nhận mình là Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo vẫn là người cung cấp phần lớn các dịch vụ xã hội và trợ giúp nhân đạo.
Dưới chế độ Fidel Castro, Ðạo Công Giáo chịu nhiều hình thức bách hại và xách nhiễu. Thời đầu chế độ Castro, khoảng 3,500 linh mục và nữ tu Công Giáo đã bị tống giam, sát hại hay phát vãng. Chính Ðức Hồng Y tiên khởi của Cuba, Manuel Arteaga y Betancourt, phải tỵ nạn chính trị tại Tòa Ðại Sứ Á Căn Ðình trong hai năm 1961, 1962.
Sau đó, các cuộc tấn công giảm dần, nhưng Giáo Hội Công Giáo vẫn không được phép điều hành các trường học và giảng dạy tôn giáo công khai.
Tín hữu giáo dân tiếp tục bị kỳ thị nơi sở làm nếu biểu lộ thái quá căn tính tôn giáo của mình. Hiện nay, các thẩm quyền Giáo Hội vẫn đang chờ được hoàn trả các tài sản bị trưng thu cách nay 40 năm.
Ðứng trước các thực tế trên, đường lối của Vatican trong 40 năm qua luôn nặng về tiếp xúc và từ từ đưa Cuba trở lại cộng đồng các quốc gia, dựa vào lý thuyết cho rằng một Cuba tiến về phía giữa sẽ thân thiện hơn với tôn giáo.
Khi Ðức Gioan Phaolô II, một người nổi tiếng chống Cộng, thăm Cuba năm 1998, nhiều người cho rằng ngài sẽ lặp lại những đụng chạm quen thuộc lúc gợi hứng cho Phong Trào Ðoàn Kết tại Ba Lan trong các thập niên 1970 và 1980.
Nhưng ngài đã không làm như thế, mà chọn thân thiện hơn là đối đầu qua việc cùng xuất hiện công khai với Castro nhiều lần và vẽ ra nhiều hình ảnh đối thoại thân hữu.
Tuy công khai kêu gọi cho có nhiều tự do phát biểu và lập hội hơn, nhưng xét chung, ngài coi Fidel Castro như một quốc trưởng chứ không phải một tên vô lại. Ngược lại, Castro đã mặc bộ complê để tiếp đón ngài, chứ không mặc bộ áo trận như thường lệ, và sau khi ngài rời Cuba không lâu, ông ta phục hồi ngày Giáng Sinh thành ngày nghỉ của cả nước trở lại.
Ðức Giáo Hoàng gửi điện cám ơn Castro, khiến nhiều người chống Cộng giận dữ.
Năm năm sau, Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Truyền Bá Phúc Âm, tới Cuba để mừng việc mở cửa lại một nữ tu viện của Dòng Brigit. Nhiều người Công Giáo bảo thủ chỉ trích cuộc viếng thăm này, coi nó chẳng qua chỉ là một cách đánh bóng chế độ Castro. Nhưng các viên chức của Tòa Thánh thì nhấn mạnh rằng cuộc viếng thăm này là một phần trong chiến lược lâu dài nhằm lái Cuba về phía ôn hòa hơn.
Chính sách hòa dịu trên tiếp diễn qua thời Ðức Bênêđíctô XVI. Khi ngài tới thăm Cuba năm 2012, Ðức Bênêđíctô XVI nhất định không tiếp một phái đoàn của "Các Mệnh Phụ Áo Trắng", một trong những nhóm chống Castro mạnh mẽ nhất ở trong nước. Ngài cũng kết án việc cấm vận của Mỹ, cho rằng nó "đặt gánh nặng bất công" lên nhân dân Cuba.
Thái độ trên khiến TNS Marco Rubio của Florida, một người Mỹ gốc Cuba và là người Công Giáo, lo ngại rằng hàng giáo phẩm Công Giáo "muốn thương thảo một không gian hành động, bằng cách bằng lòng nhìn đi chỗ khác" thay vì nhìn vào các tội ác của chế độ.
Tờ The National Review, một tờ báo bảo thủ xưa nay vốn ủng hộ ngôi vị giáo hoàng, còn đăng lời hăm dọa nhằm chỉ trích Ðức Bênêđíctô XVI và Giáo Hội địa phương cho rằng không chịu công khai ủng hộ người bất đồng Cuba. Một người phụ trách tờ Miami Herald mạnh hơn, nói thẳng: "Hàng giáo phẩm của Giáo Hội Cuba sẽ đi vào lịch sử như là những người về phe với những tên áp bức chứ không về phe người bị áp bức".
Tuy nhiên, không lời chỉ trích nào đã làm các nhà ngoại giao Vatican chùn bước. Họ cương quyết giữ các đường đối thoại với Cuba rộng mở, nhất là trong lúc nước này đang chuẩn bị bước vào thời hậu Castro.
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô có gặp Berta Sole, lãnh tụ của "Các Mệnh Phụ Áo Trắng" của Cuba vào cuối buổi yết kiến chung hồi tháng 3 năm 2013 và gửi lời chúc lành cho cả nhóm. Lúc ấy, các lực lượng chống Castro hy vọng rằng đây là dấu hiệu của một thay đổi đường hướng dưới quyền cai trị của vị giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên.
Nhưng trên thực tế, Ðức Phanxicô phần lớn vẫn tiếp tục chính sách chính thức là nói chuyện với Cuba, một phương thức giúp định vị Vatican như người môi giới đáng tin trong cuộc thương thảo qua lại giữa Hoa Thịnh Ðốn và Cuba.
Mùa Thu vừa qua, Ðức Phanxicô viết cho Ông Obama một lá thư riêng và viết cho Raul Castro một lá thư khác, những lá thư mà người ta tin đã góp phần rất lớn vào việc phá tan băng giá giữa hai kẻ cựu thù.
Một viên chức cao cấp của Tòa Thánh vừa xác nhận rằng chính phủ Obama và Tòa Thánh đã cùng nhau làm việc hơn một năm qua để chấm dứt nhiều thập niên hận thù và tái lập bang giao giữa Mỹ và Cuba.
Sau 18 tháng thương thảo bí mật phần lớn do Gia Nã Ðại môi giới và được sự khuyến khích của Ðức Phanxicô, Ðức Giáo Hoàng đã tổ chức phiên họp cuối cùng hồi tháng Mười năm 2014 tại Vatican giữa các viên chức Mỹ và Cuba. Thỏa hiệp sau cùng đã đạt được nhờ cuộc điện đàm giữa Obama và Castro hôm thứ Ba 16 tháng 12 năm 2014.
Trong lời công bố về mối tương quan ngoại giao mới, Tổng Thống Obama cám ơn Ðức Phanxicô về vai trò của ngài trong diễn trình bình thường hóa này, ông nói: "điển hình tinh thần của ngài cho ta thấy tầm quan trọng của việc theo đuổi thế giới như nó phải là, chứ không chịu bằng lòng với một thế giới như nó hiện là".
Một lần nữa, TNS Marco Rubio lại lên tiếng chỉ trích cả Tổng Thống Obama lẫn Ðức Phanxicô. Ông bảo "Tôi muốn yêu cầu Ðức Thánh Cha ủng hộ chính nghĩa tự do và dân chủ, một chính nghĩa rất quan yếu đối một dân tộc tự do, một dân tộc thực sự tự do. Tôi nghĩ nhân dân Cuba đáng được hưởng những cơ may có dân chủ như nhân dân Á Căn Ðình nơi ngài phát xuất; như nhân dân Ý Ðại Lợi, nơi ngài đang sống".
Nhưng nhà lãnh đạo Công Giáo tại Miami, nơi tập trung số dân Cuba lưu vong đông nhất, thì hết lời ca ngợi sự can thiệp của Ðức Phanxicô. Thực vậy, Ðức Tổng Giám Mục Thomas Wenski tuyên bố rằng "Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm điều các vị giáo hoàng giả thiết phải làm: xây cầu và cổ vũ hòa bình. Ngài hành động giống vị ngài mang tên: Thánh Phanxicô Assidi". Tuy nhiên Ðức Tổng Giám Mục thừa nhận nỗi đau của người Cuba lưu vong: "Nỗi đau của họ có thực, họ từng chịu đau khổ thực sự, nhất là ở những năm đầu cách mạng, bị xỉ nhục lớn lao, và thường bị tù tội hoặc tử vong".
Nhưng ngài vẫn cho việc can thiệp của Tòa Thánh là hợp lý: "Dù sao, chính sách đối đầu và cô lập suốt 50 năm qua đã không đem lại việc thay đổi chế độ, nên ta buộc phải xét xem liệu chính sách tiếp xúc có dẫn tới những thay đổi tích cực hay không khiến người Cuba ở bên này hay bên kia eo biển Florida hài lòng".
Trong một tuyên bố của Phủ Quốc Khanh, Tòa Thánh cho hay "sẽ tiếp tục bảo đảm sự hỗ trợ của mình đối với các sáng kiến mà hai bên sẽ đưa ra để tăng cường các mối liên hệ song phương và cổ vũ phúc lợi của nhân dân hai nước".
Các tờ New York Times và New York Post, trong bản tin ngày 17 tháng Mười Hai năm 2014, đều đồng thanh ca ngợi vai trò của Ðức Phanxicô trong việc phá vỡ bế tắc ngoại giao giữa Mỹ và Cuba: "Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên từ Châu Mỹ La Tinh, đã đóng vai trò sinh tử trong việc giương cao cành ôliu giữa Hoa Kỳ và Cuba".
Vũ Văn An