Nạn buôn cơ phận người trên thế giới
Nạn buôn cơ phận người trên thế giới.
Roma (Vat. 5-12-2014) - Sáng ngày mùng 2 tháng 12 năm 2014 Ðức Thánh cha Phanxicô đã cùng với các vị lãnh đạo các tôn giáo khác ký một tuyên ngôn chung chống lại nạn buôn người trên thế giới.
Cùng ký vào tuyên ngôn có Ðức giáo chủ Liên Hiệp Anh giáo Justin Welby, các vị lãnh đạo Chính thống, Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo đến từ nhiều quốc gia. Sáng kiến này do Mạng lưới tự do toàn cầu đề xướng nhằm mục đích loại trừ tệ nạn buôn người và các hình thức nô lệ mới đang lan tràn trên thế giới ngày nay. Lễ nghi ký tuyên ngôn chung đã diễn ra tại trụ sở Hàn Lâm Viện về các Khoa Học của Tòa Thánh trong nội thành Vaticăng.
Phát biểu trong dịp này Ðức Thánh Cha khẳng định rằng nạn nô lệ mới, trong tương quan với nạn buôn người, cưỡng bách lao động, mại dâm và buôn bán cơ phận, là tội ác chống lại nhân loại. Các nạn nhân thuộc mọi giai tầng xã hội, nhưng nhất là những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương nhất. Ngài kêu gọi mọi cộng đoàn tôn giáo hành động, để loại bỏ hoàn toàn mọi tước đoạt tự do của cá nhân nhắm bóc lột con người và thương mại.
Ðức Thánh Cha cũng ghi nhận rằng mặc dù có nhũng cố gắng lớn của nhiều người, tệ nạn nô lệ mới tiếp tục là một tai ương kinh khủng trên thế giới, kể cả dưới hình thức du lịch. Tội ác này hiện diện khắp nơi và nấp sau những thói quen bề ngoại được chấp nhận. Nhưng trong thực tế, các nạn nhân của chúng ở trong tình trạng mại dâm, buôn người, cưỡng bách lao động, làm việc như nô lệ, bị cắt chặt cơ phận, bán cơ phận và tiêu thụ ma túy, bắt trẻ em làm việc.
Theo bản tường trình năm 2007 của các chuyên viên Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới hàng năm trên thế giới có 21,000 vụ ghép gan, 66,000 vụ ghép thận và 6,000 vụ ghép tim. Năm phần trăm các cơ phận phát xuất từ chợ đen với các lợi nhuận lên đến 1.2 tỷ mỹ kim. Và các vụ buôn bán cơ phận bất hợp pháp này ngày càng gia tăng tạo thành cả một siêu thị quốc tế buôn bán cơ phận người. Năm 2004 Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới đã kêu gọi các quốc gia thành viên có các biện pháp che chở các nhóm người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất chống lại nạn du lich cấy ghép cơ phận và bán các mô và cơ phận người, cũng như đề phòng nạn buôn bán cơ phận quốc tế.
Các quốc gia chính bán cơ phận người là Trung Quốc, Ấn Ðộ, Pakistan, Ai Cập, Philippines, và Colombia. Trong khi người mua cơ phận thuộc các các nước kỹ nghệ giầu Âu châu, Hoa Kỳ, các nước vùng Vinh Ba Tư, Israel, Nhật Bản, Australia và Canada. Và đa số các nạn nhân của kỹ nghệ buôn bán cơ phận người là dân nghèo, thường khi gồm cả trẻ em, bị áp lực, hay bị dụ dỗ bán cơ phận để gia đình có thể sống còn. Họ chỉ nhận được một số tiền rất nhỏ nhoi, trong khi những kẻ ăn cắp cơ phận bán lại chúng với giá đắt hơn vàng.
Bên châu Mỹ Latinh người ta rao bán cơ phận trên báo chí. Bên Indonesia các nhà báo chup được hình của một người cha cầm bảng rao bán cơ phận mình ngoài đường phố để có tiền cho con ăn học. Tại Ấn Ðộ và Pakistan hằng năm có 2,000 người bán cơ phận, thường là thận.
Tuy nhiên, trong thị trường buôn bán cơ phận người, Trung Quốc đứng hàng đầu. Ðiều tệ hại hơn nữa là đa số các cơ phận đều là các cơ phận ăn cướp từ các tù nhân. Theo bản tường trình của Tổ Chức Sức Kkoẻ Thế Giới trong năm 2005 Trung Quốc đã bán 12,000 trái thận và 900 lá gan của các tù nhân bị hành quyết cho các người Hoa giầu, hay cho các người ngoại quốc không thể chờ đợi một cơ phận hợp pháp.
Vào tháng 3 năm 2006 một phụ nữ xác nhận là đã có 4,000 học viên Pháp Luân Công bị Nhà Nước Trung Quốc giết để lấy nội tạng trong bệnh viện nơi cô làm việc. Một tuần sau đó một bác sĩ quân y Trung Quốc xác nhận lời của phụ nữ ấy, và khẳng định rằng tội ác này diễn ra trong 36 trại tập trung khác trên khắp Trung Quốc. Theo ông, trại tập trung lớn nhất giam giữ tới 120,000 người. Trong số ra ngày 28 tháng 3 năm 2006 nhật báo Washington Post đăng lại tin của tờ Tin Sáng Nam Hoa cho biết hàng năm Trung Quốc cấy ghép 7-8 ngàn trái thận. Các bác sĩ Trung Quốc thản nhiên trả lời các nhà hoạt động nhân quyền nước ngoài giả làm người mua cơ phận rằng họ có thể cung cấp phần nội tạng cần trong vòng một tuần. Trong khi bác sĩ Michael Shapiro, chuyên viên cấy nội tạng, cho biết ở New Jersey người cần cấy nội tạng phải chờ đợi trong 4-5 năm, còn tại New York phải chờ đợi từ 8 tới 10 năm, vì rất hiếm nội tạng. Trong khi Trung Quốc có kho nội tạng dồi dào.
Thật ra hồi thập niên 1980 Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã biết rằng chính quyền Trung Quốc giết các tù nhân để lấy cơ phận sống bán trên thị trưòng quốc tế. Bác sĩ Thomas Diflo, giáo sư Trung tâm y khoa của Ðại học New York, cho biết ông đã hỏi những người Hoa sang Trung Quốc để cấy nội tạng, và họ cho biết là các nội tạng được lấy của các tù nhân. Chính quyền Trung Quốc nói là đã có sự đồng ý của người cho nội tạng và thân nhân của họ, nhưng thực ra đó là các nội tạng ăn cướp, đặc biệt là của các thành viên Pháp Luân Công.
"Trung tâm điều tra Pháp Luân Công" đã xác nhận rằng đa số các thành viên Pháp Luân Công bị giam trong các trại ở mạn bắc tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh. Ba mươi sáu nhà tù là ba mươi sáu tử trại mổ nội tạng tù nhân.
Trước tệ nạn buôn bán cơ phận bất hợp pháp trầm trọng này ông David Kilgour, nguyên đại biểu Quốc Hội Canada kiêm Ngoại trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương và ông David Matas, luật sư nhân quyền quốc tế, đã bắt đầu các cuộc điều tra, và vào tháng 7 năm 2006 đã công bố bản tường trình dài 140 trang. Họ đi tới kết luận "đáng buồn rằng các cáo buộc nói trên hoàn toàn đúng sự thật". Nạn mổ cướp nội tạng của các thành viên Pháp Luân Công bị giam giữ trái phép là "một hình thức tội ác mà loài người chưa từng biết đến trên hành tinh này".
Nội tạng của các tù nhân được bán cho các nhà thương và các bệnh viện ghép cơ phận tại Trung Quốc treo giá biều như sau: ghép thận 62,000 mỹ kim; thay gan 98,000-130,000 mỹ kim; thay phổi 150,000-170,000 mỹ kim; thay tim 130,000-160,000 mỹ kim; thay giác mạc 30,000 mỹ kim.
Pháp Luân Công là môn khí công cổ truyền Trung Hoa theo nguyên lý chân, thiện, nhẫn do ông Lý Hồng Chí giới thiệu với công chúng hồi năm 1992 nhằm cải tiến sức khỏe thể lý và tinh thần cho người tập. Nó không liên quan gì tới tôn giáo hay chính trị, và ai cũng có thể thực hành. Từ ngày đó có nhiều người theo tập, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp của Nhà Nước Trung Quốc. Tới năm 1998 đã có hơn 70 triệu học viên, vượt qúa số đảng viên của Nhà Nước. Sự kiện này khiến cho Chủ tịch Giang Trạch Dân lo ngại nên ngày 20 tháng 7 năm 1999 ông ra lệnh cấm và đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Hàng trăm ngàn học viên đã bị bắt, bị đánh đập tàn nhẫn, bị giam giữ mà không xét xử. Người thân của họ cũng không biết họ bị giam ở đâu còn sống hay đã chết. Ðã có 3,000 người bị tra tấn dã man đến chết. Ngày 23 tháng giêng năm 2001 Giang Trạch Dân và Nhà Nước cộng sản Trung Quốc lại còn giàn dựng cảnh học viên Pháp Luân Công tư thiêu tại quảng trường Thiên An Môn để có thêm cớ đàn áp họ, nhưng thật ra là để giết họ và ăn cướp nội tạng bán cho các nhà thương ghép cơ phận để làm giầu.
Với các công dân của mình mà Nhà nước cộng sản Trung Quốc còn đối xử tàn bạo như thế, thì đối với người dân Việt Nam sẽ ra sao? Liệu người dân Việt Nam có trở thành nguồn lợi cung cấp cơ phận hay không, khi đã bị hàng lãnh đạo phản quốc bán đứng cho Trung Quốc trong Hội Nghị Thành Ðô, khiến cho Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc vào năm 2020 sắp tới?
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)