Cuộc báo của Ðức Thánh Cha
trên máy bay từ Thổ nhĩ kỳ về Roma
Cuộc báo của Ðức Thánh Cha trên máy bay từ Thổ nhĩ kỳ về Roma.
Vatican (Vat. 1-12-2014) - Trong cuộc họp báo trên máy bay chiều ngày 30 tháng 11 năm 2014 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời nhiều câu hỏi của giới báo chí và minh định ý nghĩa một số cử chỉ của ngài tại Thổ nhĩ kỳ.
Trong chuyến bay dài 2 giờ 40 phút từ Istanbul về Roma, như thường lệ Ðức Thánh Cha đã mở cuộc họp báo với sự tham dự của 65 ký giả quốc tế tháp tùng ngài.
- Trả lời câu hỏi của một nữ ký giả đài truyền hình Thổ nhĩ kỳ: tổng thống Erdogan đã nói nhiều về sự ghét bỏ Hồi giáo hiện nay còn Ðức Giáo Hoàng nói về sự ghét bỏ Kitô giáo ở Trung Ðông, các nhóm thiểu số. Và Ðức Giáo Hoàng thường nhắc về việc đối thoại liên tôn, người ta có thể làm gì hơn nữa không? Theo Ðức Giáo Hoàng các vị lãnh đạo thế giới phải làm gì?
Trong phần trả lời, trước tiên Ðức Thánh Cha nói về sự ghét bỏ hồi giáo và nói rằng:
"Ðúng vậy, đứng trước những vụ khủng bố, không những ở vùng Trung Ðông, nhưng cả tại Phi châu nữa, người ta phản ứng và nói: "Hồi giáo không phải như vậy!" Bao nhiêu tín hữu Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm vì những hành vi khủng bố nhân danh Hồi giáo như thế! Coran là một cuốn sách hòa bình, là một sách ngôn sứ hòa bình. Những vụ khủng bố không phải là Hồi giáo. Tôi tin như thế, và người ta phải nói thành thực rằng không phải mọi tín hữu đạo Hồi là những kẻ khủng bố, cũng như không thể nói mọi Kitô hữu là những người cực đoan, vì trong Kitô giáo cũng có những người cực đoan. Trong mọi tôn giáo đều có những nhóm nhỏ như vậy! Tôi đã nói với Tổng thống Erdogan: "Thật là điều tốt đẹp nếu tất cả các vị lãnh đạo Hồi giáo - dù là lãnh đạo chính trị, tôn giáo hay các học giả - đều nói rõ ràng và lên án những vụ khủng bố với danh nghĩa Hồi giáo, vì việc nói rõ ràng như thế và lên án những hành vi khủng bố sẽ giúp đại đa số dân Hồi giáo.. Tất cả chúng ta đều cần một sự lên án của toàn thế giới, cả những người Hồi giáo nữa, chống lại những hành vi khủng bố".
Về điều gọi là ghét bỏ Kitô hữu, Cristianofobia, tôi không muốn dùng cái từ có vẻ bọc đường như thế. Các tín hữu Kitô bị trục xuất khỏi Trung Ðông. Ðôi lần chúng ta đã thấy ở Irak, ở vùng Mossul, họ phải ra đi, bỏ lại mọi sự, phải trả thuế để được bảo vệ nhưng vô ích.. Và có khi họ bị trục xuất một cách khéo léo hơn, với những găng tay trắng như tại một số nước.
Sau cùng về vấn đề đối thoại liên tôn, có lẽ tôi đã có một cuộc nói chuyện rất đẹp theo nghĩa đó với Ông chủ tịch tôn giáo vụ Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Ban của ông. Cả khi vị đại sứ mới của Thổ Nhĩ kỳ cạnh Tòa Thánh đến trình ủy nhiệm thư tại Vatican cách đây một tháng. Tôi đã thấy ông là một người ngoại thường, một người có lòng đạo đức sâu xa. Cả ông chủ tịch Tôn giáo vụ cũng cùng một trường phái. Cả hai đều nói: cuộc đối thoại liên tôn dường như đến đường cùng rồi, chúng ta phải tăng chất lượng, chúng ta phải đối thoại giữa những người tôn giáo thuộc các nguồn gốc khác nhau.
- Một nữ ký giả khác cũng người Thổ nhĩ kỳ thuộc hãng thông tấn của nước này, đã hỏi Ðức Giáo Hoàng về ý nghĩa sự kiện ngài giữ thinh lặng cầu nguyện 2 phút đồng hồ khi viếng Ðền thờ Xanh của hồi giáo sáng thứ bẩy 29 tháng 11 năm 2014. Ðó có phải là cách thức ngài ngỏ lời với Thiên Chúa không?
Ðức Thánh Cha đáp: "Tôi đến Thổ Nhĩ kỳ như một người hành hương, chứ không phải như một du khách. Tôi đến đó với lý do chính là mừng lễ thánh Anrê Tông đồ và chia sẻ với Ðức Thượng Phụ Bartolomeo. Nhưng khi tôi đến Ðền thờ Hồi giáo, tôi không thể nào tự nhủ: "A, bây giờ tôi là du khách!". Tôi đã viếng Ðền thờ tuyệt vời, và khi vị Mufti giải thích cho tôi nhiều điều, một cách rất dịu dàng, cả kinh Coran, cũng nói về Mẹ Maria và Gioan Tẩy Giả, ông giải thích cho tôi mọi điều, chính lúc ấy tôi cảm thấy cần cầu nguyện. Và tôi nói: "Chúng ta hãy cầu nguyện một chút! và ông cũng đồng ý. Tôi đã cầu nguyện cho Thổ nhĩ kỳ, cho hòa bình, cho vị Mufti, cho tất cả, và cho cả tôi nữa vì tôi đang cần. Cầu nguyện cho hòa bình, xin Chúa chấm dứt chiến tranh.. Ðó thực là một lúc cầu nguyện chân thành!
- Trong số giới báo chí tháp tùng Ðức Thánh Cha có một ký giả kỳ cựu người Nga là ông Alexey Bukalov, tín hữu Chính Thống: ông hỏi Ðức Thánh Cha xem sau cuộc viếng thăm này, sau cuộc gặp gỡ đặc biệt với Ðức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, có viễn tượng nào với những cuộc tiếp xúc của Tòa Thượng phụ Chính Thống Mascơva hay không?
Ðức Thánh Cha kể rằng: Trong dịp Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới hồi tháng 10 năm 2014, có Ðức Tổng Giám Mục Hilarion đến Roma như đại biểu của Ðức Thượng Phụ Kirill. Ðức Tổng Giám Mục đã muốn nói với tôi không phải với tư cách là đại biểu một Giáo Hội Kitô anh em tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục, nhưng với tư cách là Chủ tịch Ủy ban đối thoại Chính Thống và Công Giáo.
Trước tiên tôi muốn nói về quan hệ giữa Công Giáo với Chính Thống nói chung. Tôi tin rằng chúng tôi đang đồng hành với Chính Thống giáo. Các Giáo Hội này cũng có các bí tích và sự kế nghiệp các tông đồ, như Công Giáo, chúng ta đang đồng hành. Nhưng chúng ta phải đợi cái gì? Ðợi cho các nhà thần học đồng ý với nhau sao? Tôi nghĩ là ngày đó sẽ không bao giờ tới. Tôi nghi ngờ về điều này. Các nhà thần học làm việc rất tốt, nhưng tôi nhớ điều mà Ðức Thượng Phụ Athenagoras đã nói với Ðức Phaolô 6: "Chúng ta cứ tiến bước riêng, và chúng ta đặt tất cả các nhà thần học trên một hòn đảo!". Tôi tưởng câu nói đó không phải là điều thật, nhưng Ðức Bartolomeo nói với tôi: Không, đúng là Ðức Athenagoras đã nói như vậy. Ta không thể chờ đợi điều ấy. Hiệp nhất là một hành trình. Ðó là phong trào đại kết linh đạo: cầu nguyện với nhau, làm việc với nhau.. các công tác bác ái, giảng dạy chung với nhau... Và rồi cũng có phong trào đại kết bằng máu. Bao nhiêu là Kitô hữu đã bị giết, bao nhiêu là vị tử đạo, bắt đầu từ Uganda, cách đây hơn kém 50 năm, có lễ phong hiển thánh ở Uganda, một nửa là tín hữu Anh giáo và một nửa là Công Giáo. Các vị tử đạo của chúng ta đang nhìn chúng ta và kêu kêu: "Chúng ta là một!"... Tôi tin rằng chúng ta phải tiến bước theo chiều hướng đó; chia sẻ các ghế giáo sư đại học chẳng hạn.
Về vấn đề quan hệ với Chính Thống Nga, Ðức Thánh Cha đáp: "Tôi nói điều này, có lẽ có người không hiểu được, đó là các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương có quyền được hiện hữu.!"
"Với Ðức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Mascơva có lần tôi đã tỏ cho Ðức Thượng Phụ biết ước muốn muốn gặp ngài và ngài cũng đồng ý. Tôi nói: "Tôi đến nơi nào Ðức Thượng Phụ muốn. Ðức Thượng Phụ gọi tôi và tôi sẽ đi đến đó". Cả Ðức Thượng Phụ cũng ước muốn như thế. Nhưng trong thời gian gần đây có vấn đề chiến tranh. Tôi nghiệp ngài có bao nhiêu vấn đề tại Ucraina, và việc du hành và gặp gỡ với Giáo Hoàng bị liệt xuống hàng thứ yếu. Nhưng cả hai chúng tôi đều muốn gặp nhau và tiến bước. Ðức Tổng Giám Mục Hilarion đề nghị một cuộc họp nghiên cứu với ủy ban do Ðức Tổng Giám Mục ấy làm chủ tịch và bàn về vấn đề quyền tối thượng của Giáo Hoàng, vì cần tiếp tục yêu cầu mà Ðức Gioan Phaolô 2 đã đưa ra: Xin hãy giúp tôi tim ra một hình thức quyền tối thượng mà chún gta có thể chấp nhận được".
- Nữ ký giả của báo El Mundo, Tây Ban Nha, hỏi Ðức Thánh Cha về cử chỉ lịch sử ngài cúi đầu trước Ðức Thượng Phụ Bartolomeo để xin chúc lành. Ðức Giáo Hoàng nghĩ gì về những lời phê bình của những người không hiểu cử chỉ cởi mở của ngài như vậy, nhất là những người bảo thủ vẫn nhìn cử chỉ ấy với thái độ nghi ngờ...
Ðức Giáo Hoàng đáp: Tôi muốn nói đây không phải chỉ là vấn đề từ phía Công Giáo chúng ta nhưng từ phía Chính Thống nữa. Trong Chính Thống giáo cũng có một số đan sĩ, đan viện đi theo chiều hướng đó. Ví dụ một vấn đề người ta đã thảo luận từ thời chân phước Phaolô 6 về ngày lễ Phục Sinh và cho đến nay giữa các Giáo Hội Kitô vẫn chưa có sự đồng thuận vì lễ Phục sinh là ngày trăng đầu tiên sau ngày 14 tháng Nissan, và điều này có nguy cơ là với thời gian, gần này chúng ta sẽ cử hành lễ Phục sinh vào tháng 8. Ðức Chân phước Phaolô 6 đề nghị mừng lễ phục sinh vào 1 ngày nhất định, thí dụ một chúa nhật tháng 4. Ðức Thượng Phụ Bartolomeo cũng can đảm đi theo chiều hướng này, nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự đồng thuận.
- Trong phần còn lại của cuộc họp báo, Ðức Thánh Cha đã trả lời những câu hỏi liên quan một số đề tài khác như ý định viếng thăm Irak. Ngài tái khẳng định ý muốn đến viếng thăm nước này nhưng bây giờ không thể vì cuộc viếng thăm này sẽ tạo ra vấn đề an ninh cho chính quyền.
Ðức Thánh Cha cũng tái xác nhận nhận xét của ngài, theo đó nhân loại đang sống chiến tranh thứ ba từng mảnh. Có những lý do thù nghịch nhưng cũng có những lý do kinh tế, thần tiền bạc được đặt ở trong trung tâm các vấn đề đó chứ không phải con người. Sự buôn bán võ khí thật là kinh khủng và ngày nay là công nghệ thịnh hành nhất. Ai đã bán võ khí cho Siria có lẽ chính là những kẻ bây giờ tố cáo Siria sở hữu các võ khí đó. Và về các loại võ khí hạt nhân, tôi đã nói rằng nhân loại vẫn chưa học bài học.
Về việc kỷ niệm 100 năm cuộc diệt chủng Arméni sắp được cử hành trong năm 2015, Ðức Thánh Cha nhắc đến lá thư mà tổng thống Erdogan đã viết về vấn đề này: một số người đã phê bình ông vì đã chưa nhìn nhận những gì đã xảy ra, nhưng vẫn luôn có những bước tiến tích cực, những cử chỉ nhỏ xích lại gần. Chúng ta phải cầu nguyện cho sự hòa giải các dân tộc và ngài cầu mong biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Arméni được mở ra.
Ký giả của hãng tin AP Hoa Kỳ hỏi Ðức Thánh Cha về Thượng Hội Ðồng Giám Mục tháng 10 năm 2014 và những đoạn trong tài liệu chung kết cởi mở đối với những người đồng tính luyến ái.. ngài nhắc lại rằng: Thượng Hội Ðồng Giám Mục là một hành trình, nói không phải là một nghị viện, nhưng là một không gian được bảo vệ để Chúa Thánh Linh có thể nói. Cả bản tường trình chung kết cũng không chấm dứt hành trình đó. Phúc trình chung kết cũng chỉ là một tường trình tạm thời, vì nó sẽ trở thành tài liệu Lineamenta, tài liệu đề cương, cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục vào tháng 10 năm 2015 Tài liệu này được gửi tới các Hội Ðồng Giám Mục để thảo luận và gửi những đề nghị thay đổi, và dựa vào đó để soạn một tài liệu làm việc khác, và Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 2015 sẽ thảo luận. Không thể lấy ý kiến của một người, hoặc một dự thảo. Cần phải nhìn Thượng Hội Ðồng Giám Mục trong toàn bộ.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)