Ðức Thánh Cha Phanxicô
quảng diễn ý nghĩa ngày tận thế
Ðức Thánh Cha Phanxicô quảng diễn ý nghĩa ngày tận thế.
Vatican (Vat. 26-11-2014) - Trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương sáng thứ tư, 26 tháng 11 năm 2014, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã quảng diễn ý nghĩa ngày tận thế.
Tuy trời mưa nhưng cũng đã có khoảng 15 ngàn tín hữu hành hương từ các nước đến tham dự cuộc tiếp kiến ngoài trời của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô.
Ðức Thánh Cha tiến vào quảng trường lúc 9 giờ 45 trên chiếc xe díp màu trắng có mái che mưa để chào thăm các tín hữu, ôm hôn và chúc lành cho các em bé được nhân viên an ninh bế đưa lên ngài.
Lên tới lễ đài ở thềm Ðền thờ, Ðức Thánh Cha khởi sự buổi tiếp kiến với dấu Thánh giá và lời chào phụng vụ. Và sau phần tôn vinh lời Chúa với bài đọc ngắn bằng 5 thứ tiếng, trích từ thư thánh Phaolo gửi tín hữu Roma nói về viễn tượng tận thế, vũ trụ này sẽ được biến đổi, Ðức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài huấn giáo về Giáo Hội, và ngài nói về Giáo Hội lữ hành hướng về quê trời:
Huấn dụ của Ðức Thánh Cha
"Anh chị em thân mến, chào anh chị em! Hôm nay trời hơi xấu, nhưng anh chị em thật can đảm. Tôi ca ngợi anh chị em. Chúng ta hy vọng có thể cùng nhau cầu nguyện hôm nay.
Khi trình bày Giáo Hội cho con người thời nay, Công đồng chung Vatican 2 ý thức rõ một chân lý cơ bản không bao giờ được quên, đó là: Giáo Hội không phải là một thực tại tĩnh, đứng im, mục tiêu cho chính mình, nhưng Giáo Hội liên tục tiến bước trong lịch sử, hướng về mục tiêu tối hậu và tuyệt vời là Nước Trời, và Giáo Hội ngay tại trần thế này là mầm mống và là khởi đầu của Nước ấy (Xc LG 5). Khi hướng về chân trời đó, chúng ta nhận thấy trí tưởng tượng của chúng ta khựng lại, chỉ có thể trực giác được phần nào sự huy hoàng của mầu nhiệm vượt lên trên giác quan của chúng ta. Và tự nhiên nổi lên trong chúng ta một số câu hỏi: khi nào thì giai đoạn chót sẽ đến? Chiều kích mới mà Giáo Hội sẽ bước vào như thế nào? Nhân loại lúc ấy ra sao? và thiên nhiên bao quanh chúng ta sẽ thế nào? Những câu hỏi này không mới mẻ gì, các môn đệ của Chúa Giêsu thời ấy cũng đã nêu lên: "Khi nào thì điều ấy sẽ xảy ra?".. Khi nào thì Thần Trí chiến thắng thiên nhiên, trên công trình tạo dựng, trên mọi sự..? Ðó là những câu hỏi của con người, những câu hỏi đã có từ xưa, và cả chúng ta cũng đặt những câu hỏi như vậy.
1. Hiến chế Vui Mừng và Hy vọng của Công đồng chung Vatican 2, đứng trước những vấn nạn vẫn vang vọng trong tâm hồn con người như thế, đã khẳng định rằng: "Chúng ta không biết khi nào sẽ đến ngày tận thế và chúng ta không biết cách thức vũ trụ sẽ biến đổi ra sao. Chắc chắn diện mạo của thế giới này qua đi, bị biến dạng vì tội lỗi. Nhưng do mạc khải, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chuẩn bị một nơi ở mới và đất mới, trong đó có công lý ngự trị, và hạnh phúc sẽ làm mãn nguyện hoàn toàn mọi ước muốn an bình từ tâm hồn con người" (n.39). Và thế là mục đích mà Giáo Hội hướng tới chính là "thành Jerusalem mới", là "thiên đàng". Ðó không phải là một nơi cho bằng một "trạng thái" trong đó những mong đợi sâu xa nhất của chúng ta sẽ thành tựu, và cuộc sống chúng ta, trong tư cách là thụ tạo và là con Thiên Chúa, sẽ đạt tới mức độ trưởng thành trọn vẹn. Sau cùng chúng ta sẽ được vinh quang, an bình và tình thương của Thiên Chúa hoàn toàn, không còn chịu giới hạn nào và chúng ta sẽ được diện đối diện với Chúa! (Xc 1 Cr 13,12).
2. Trong viễn tượng này, thật là đẹp khi nhận thấy có sự nối tiếp và hiệp thông sâu xa giữa Giáo Hội thiên quốc và Giáo Hội lữ hành trên mặt đất. Những người đang sống trước nhan Thiên Chúa có thể nâng đỡ và chuyển cầu cho chúng ta, cầu nguyện cho chúng ta. Ðàng khác, cả chúng ta cũng luôn được mời gọi dâng những công việc lành, kinh nguyện và Thánh Lễ để xoa dịu sầu muộn của các linh hồn con đang chờ đợi hạnh phúc vô biên. Ðúng vậy, vì trong nhãn giới Kitô giáo, không còn phân biệt giữa những người đã chết và những người còn sống, nhưng là giữa người ở trong Chúa Kitô và những người không ở trong Ngài! Ðó chính là yếu tố chủ yếu, có tính chất quyết định đối với phần rỗi và hạnh phúc của chúng ta.
3. Ðồng thời Kinh Thánh dạy chúng ta rằng sự hoàn thành ý định tuyệt vời này không thể không liên hệ tới tất cả những gì quanh chúng ta và xuất phát từ tư tưởng và tâm hồn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô tông đồ khẳng định rõ ràng điều đó khi ngài nói rằng "cả thụ tạo cũng sẽ được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ sự hư nát, để bước vào trong tự do của vinh quang con cái Thiên Chúa" (Rm 8,21). Các văn bản khác sử dụng hình ảnh "trời mới" và "đất mới" (Xc 2 Pr 3,13), Kh 21,1), theo nghĩa toàn thể vũ trụ sẽ được đổi mới và sẽ được giải thoát một lần cho tất cả khỏi mọi vết tích sự ác và cả sự chết. Ðiều được nhắm tới giống như hoàn thành một sự biến đổi đã khởi sự, trong thực tế, từ cái chết và sự sống lại của Chúa Ktiô, và vì thế đó là một sự tạo dựng mới; đó không phải là một sự tiêu diệt vũ trụ và tất cả những gì bao quanh, nhưng là đưa mọi sự đến mức độ viên mãn, đến chân lý và vẻ đẹp. Ðó là ý định của Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, từ đời đời muốn thực hiện và đang thực hiện".
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng:
"Các bạn thân mến, khi nghĩ đến những thực tại tuyệt vời đang chờ đợi chúng ta, chúng ta thấy rằng được thuộc về Giáo Hội quả là một hồng ân tuyệt vời, mang theo ơn gọi cao cả nhất của chúng ta! Vậy chúng ta hãy cầu xin Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Giáo Hội, luôn canh chừng hành trình của chúng ta và giúp chúng ta, giống như Mẹ, trở thành dấu chỉ vui mừng tín thác và hy vọng giữa anh chị em chúng ta".
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các Linh Mục và giám chức của Tòa Thánh đã tóm tắt bài này bằng các sinh ngữ khác nhau cũng như dịch những lời Ðức Thánh Cha chào các tín hữu hành hương cùng với những lời nhắn nhủ của ngài.
Với các tín hữu nói tiếng Pháp, Ðức Thánh Cha nói "trong lúc năm phụng vụ sắp kết thúc, tôi mời gọi anh chị em hãy suy tư về thực tại lạ lùng của đời sống vĩnh cửu mà chúng ta được mời gọi tiến về và chúng ta hãy xin Mẹ Maria trợ giúp để bước vào đời sống ấy."
Khi chào các tín hữu hành hương nói tiếng Arập, ngài đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Irak và Trung Ðông, và nói rằng: "Bạo lực, đau khổ và tội lỗi nặng nề phải đưa chúng ta đến chỗ đặt tất cả mọi sự trong công lý của Thiên Chúa, Chúa sẽ phán xét mỗi người theo công việc của họ. Anh chị em hãy kiên cường và gắn bó với Giáo Hội và niềm tin của anh chị em đến độ thanh tẩy thế giới bằng niềm tín thác của anh chị em; hãy biến đổi thế giới bằng niềm hy vọng của anh chị em và chăm sóc thế giới bằng chứng tá tha thứ, yêu thương và kiên nhẫn của anh chị em! Xin Chúa bảo vệ và nâng đỡ anh chị em!
Sau cùng bằng tiếng Ý, Ðức Thánh Cha nói với mọi người rằng: "Như anh chị em biết, từ thứ sáu này đến chúa nhật tới đây, tôi sẽ thực hiện cuộc tông du tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi mời gọi tất cả hãy cầu nguyện để cuộc viếng thăm của Phêrô nơi người anh em là Anrê mang lại nhiều thành quả an bình, cuộc đối thoại chân thành giữa các tôn giáo và sự hòa hợp trong quốc dân Thổ Nhĩ kỳ.
Ðức Thánh Cha cũng đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn, và nói rằng: "Chúa nhật tới đây sẽ bắt đầu Mùa Vọng. Các bạn trẻ thân mến, ước gì sự chờ đợi Ðấng Cứu Thế làm cho tâm hồn các bạn tràn đaầy vui mừng; các bệnh nhân thân mến, xin anh chị em đừng mỏi mệt trong việc tôn thờ Chúa Ðấng đến nơi chúng ta cả trong thử thách và hỡi các đôi tân hôn thân mến, hãy học yêu thương theo gương Ðấng vì yêu thương đã nhập thể để cứu độ chúng ta".
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)