Ðức Thánh Cha viếng thăm

Nghị viện và Hội đồng Âu châu

 

Ðức Thánh Cha viếng thăm Nghị viện và Hội đồng Âu châu.

Strasbourg (Vat. 25-11-2014) - Ðức Thánh Cha Phanxicô đã dành ngày 25 tháng 11 năm 2014 để viếng thăm Nghị viện và Hội đồng Âu Châu ở thành phố Strasbourg bên Pháp.


Ðức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Nghị viện và Hội đồng Âu châu và đọc diễn văn trước tất cả các đại biểu thành viên trong phiên nhóm trọng thể.


Ðây là chuyến viếng thăm thứ 5 của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại nước ngoài và là chuyến ngắn nhất trong lịch sử cuộc viếng thăm của các vị Giáo Hoàng ở hải ngoại, chỉ có khoảng 4 tiếng đồng hồ. Ðây là lần thứ 2 một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm 2 tổ chức quốc tế này: lần đầu tiên cách đây 26 năm, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đến Strasbourg trong khuôn khổ chuyến viếng thăm của ngài tại Pháp từ mùng 8 đến 11 tháng 10 năm 1988. Tuy nhiên Ðức Phanxicô là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là người Âu đến viếng thăm 2 cơ quan quốc tế này.

Ðến phi trường Fiumicino của thành Roma lúc gần 8 giờ sáng, Ðức Thánh Cha đã đáp máy bay Airbus A320 của hãng Alitalia trực chỉ thành phố Strasbourg cách đó 828 cây số về hướng bắc. Trong đoàn tùy tùng của ngài, có Ðức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Ðức Tổng Giám Mục phụ tá là Angelo Becciu.

Strasbourg hiện nay là thành phố có 1 triệu 145 ngàn dân cư, giáp giới với nước Ðức, và được coi như thủ đô của Liên hiệp Âu Châu với nhiều tổ chức quốc tế tại đây. Ðến phi trường Strasbourg lúc 10 giờ sau hai giờ bay từ Roma, Ðức Thánh Cha đã được giáo quyền và đại diện chính quyền địa phương tiếp đón, cùng với hai vị Hồng Y chủ tịch Ủy ban Giám Mục Liên hiệp Âu Châu cũng như Ðức Hồng Y Chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu và liền đó ngài tiến về trụ sở của Nghị viện Âu Châu.

Ðây là cơ quan lập pháp của Liên hiệp 28 nước Âu Châu với 508 triệu dân cư. Trong những thập niên gần đây, nghị viện này dần dần đạt được những thẩm quyền lớn hơn và hành động trong tư cách là đồng lập pháp trong hầu hết các lãnh vực luật pháp của Liên hiệp. Nghị viện này hiện nay có 751 đại biểu được bầu lên theo thể thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Số ghế được phân chia theo tỷ lệ dân số của các quốc gia thành viên. Số nữ đại biểu chiếm hơn 1 phần 3. Các đại biểu họp thành những nhóm theo lập trường chính trị chứ không theo tiêu chuẩn quốc tịch.

Ðến nơi, Ðức Thánh Cha đã được các vị lãnh đạo và đại diện của 8 nhóm chính trị của Nghị Viện đón tiếp, rồi ngài hội kiến với vị chủ tịch nghị viện là Ông Martin Schulz người Ðức, trước khi gặp chung và phát biểu trước tất cả các đại biểu thành viên trong phiên nhóm trọng thể.

Tóm lược diễn văn của Ðức Thánh Cha

Trong diễn văn, Ðức Thánh Cha nhắc lại sự kiện cách đây 26 năm, vào ngày 11 tháng 10 năm 1988, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã viếng thăm nghị viện Âu Châu. Trong thời gian qua, thế giới đã thay đổi rất nhiều, trở nên lệ thuộc nhau và hoàn vũ hơn, "bớt qui hướng về Âu Châu như trung tâm". Bên cạnh một Liên hiệp Âu Châu mở rộng và ảnh hưởng hơn, dường như có hình ảnh về Âu Châu già nua và thu hẹp lại hơn.

Khi ngỏ lời với quí vị ngày hôm nay, từ ơn gọi mục tử của tôi, tôi muốn gửi đến các công dân Âu Châu một sứ điệp hy vọng và khích lệ. Một sứ điệp hy vọng dựa trên lòng tín thác rằng những khó khăn có thể trở thành động cơ mạnh mẽ thăng tiến sự hiệp nhất, để chiến thắng mọi sợ hãi mà Âu Châu cùng với thế giới đang trải qua. Niềm hy vọng nơi Chúa, Ðấng biến sự ác thành điều thiện và biến sự chết thành sự sống".

Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng: "Các vị sáng lập liên hiệp Âu Châu đã đặt con người ở trung tâm dự án của mình, không phải như một công dân, và càng không phải như một chủ thể kinh tế, nhưng trong tư cách là một nhân vị có phẩm giá siêu việt". Thực vậy, sau thế chiến thứ 2 người ta càng thấy rõ ước muốn bảo đảm "phẩm giá", các quyền con người, huấn luyện lương tâm về đặc tính quí giá, có một không hai và không thể lập lại được của mỗi người...

"Ngày nay sự thăng tiến các quyền con người chiếm một vai trò trung tâm và đáng ngưỡng mộ trong sự dấn thân của Liên hiệp Âu Châu. Nhưng vẫn còn có quá nhiều tình trạng trong đó con người bị đối xử như đồ vật, và người ta có thể xếp đặt chương trình khi nào thụ thai, hình thành, lợi ích của con người, và rồi con người có thể bị vứt bỏ đi khi không còn hữu ích nữa, vì họ trở nên yếu nhược, bệnh tật hoặc già nua. Vẫn còn có những tình trạng trong đó con người không được tự do bày tỏ tư tưởng của mình, tuyên xưng niềm tin tôn giáo mà không bị cưỡng bách và giới hạn, khi thiếu khuôn khổ pháp lý rõ ràng hạn chế sự thống trị của võ lực và nêu cao luật pháp trên sự độc đoán của quyền lực, trên sự kỳ thị con người. Ðức Thánh Cha đặt câu hỏi: "Thứ phẩm giá nào con ngừơi có thể tìm được khi mà họ không có lương thực hay điều tối thiểu để sống, và tệ hơn nữa khi họ không có công ăn việc làm xứng với phẩm giá con người?".

Ðức Thánh Cha nói đến những mơ hồ nảy sinh từ sự hiểu lầm ý niệm các quyền con người và từ sự lạm dụng mâu thuẫn các quyền này: càng ngày người ta càng đòi hỏi nhiều hơn các quyền cá nhân, được coi như các quyền của con người bị tách rời khỏi bối cảnh xã hội và nhân học, hầu như một "đơn nguyên", ngày càng thiếu nhạy cảm đối với các đơn nguyên khác quanh mình; một sự đòi hỏi các quyền không kèm theo các nghĩa vụ, không để ý đến bối cảnh xã hội của con người, trong đó các quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với các quyền của ngừơi khác và công ích của chính xã hội... Nếu quyền của mỗi người không được hướng về thiện ích lớn hơn một cách hài hòa thì rốt cục nó bị coi như không có giới hạn và trở thành nguồn mạch sinh ra những xung đột và bạo lực".

Một điểm khác được Ðức Thánh Cha nhấn mạnh là phẩm giá siêu việt của con người, phẩm giá này liên hệ tới bản tính con người, với 'địa bàn' được ghi khắc trong tâm hồn chúng ta và Thiên Chúa đã in vào trong vũ trụ Ngài sáng tạo. Trước tiên, cần nhìn con người như một hữu thể có tương quan. Ngày nay, tại Âu Châu bệnh cô đơn đang lan tràn, đặc biệt là của những người thiếu các liên hệ. Bệnh cô đơn càng trở nên cấp tính hơn vì khủng hoảng kinh tế. Người ta cũng ghi nhận có sự gia tăng sự thiếu tín nhiệm của các công dân đối với các tổ chức mà họ coi là xa cách, những tổ chức lo thiết lập những qui luật mà họ coi là xa lạ, - nếu không muốn nói là có hại, - đối với sự nhạy cảm của mỗi dân tộc. Có một cảm tưởng chung về sự mệt mỏi và già mua của một Âu Châu trở thành bà già, không còn sinh sản và linh hoạt nữa. Các lý tưởng cao cả đã từng gợi hứng cho Âu Châu nay dường như mất sức thu hút, và nhường chỗ cho những kỹ thuật bàn giấy của các tổ chức". Người ta cũng cay đắng nhận thấy sự trổi vượt của các vấn đề kỹ thuật và kinh tế trong các cuộc thảo luận chính trị; con người bị thu hẹp thành một thứ hộp số trong bộ máy, và bị coi như một sản phẩm tiêu thụ được sử dụng và gạt bỏ chẳng chút tiếc thương, như trong trường hợp các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, những người già bị bỏ rơi và không được săn sóc, các trẻ em bị giết trước khi chào đời. Nền văn hóa gạt bỏ và tiêu thụ thái quá tạo nên sự tuyệt đối hóa kỹ thuật, chiếm ưu thế hơn sự khẳng định phẩm giá con người, sự quí giá của đời sống con người.


Ðức Thánh Cha viếng thăm Nghị viện và Hội đồng Âu châu.


Ðức Thánh Cha đặt câu hỏi: "Vậy làm sao mang lại hy vọng cho tương lai, mang lại tín thác để tiếp tục theo đuổi lý tưởng cao cả một Âu Châu hiệp nhất và an bình, đầy tính sáng tạo và biến báo, tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ của mình? Ðức Giáo Hoàng lấy ví dụ bức bích họa của Raphael diễn tả trường học ở Athènes và tổng hợp tư tưởng của Palton và Aristote: đó là một hình ảnh mô tả thật rõ đặc tính của lịch sử Âu Châu, về sự liên tục gặp gỡ giữa trời, tức là sự cởi mở đối với siêu việt, và đất, là khả năng thực hành cụ thể, trong việc đương đầu với những hoàn cảnh và vấn đề. Một Âu Châu không còn khả năng cởi mở đối với chiều kích siêu việt của sự sống là một Âu Châu dần dần bị nguy cơ đánh mất tinh thần nhân bản, mất đi vị trí trung tâm của con người. Kitô giáo không những cung cấp một gia sản cơ bản trong việc huấn luyện xã hội văn hóa của đại lục này, nhưng còn nhắm mang lại ngày nay và tương lai một đóng góp cho sự phát triển của Âu Châu. Sự đóng góp này không phải là một nguy hiểm cho đặc tính đời của các quốc gia và cho sự độc lập của các tổ chức của Liên hiệp Âu Châu trái lại, làm cho những tổ chức này được thêm phong phú phù hợp với nguyên tắc phụ đới và liên đới với nhau, một thuyết nhân bản qui trọng tâm vào sự tôn trọng phẩm giá con ngừơi.

Ðức Thánh Cha xác quyết sự sẵn sàng của Tòa Thánh, của Giáo Hội Công Giáo, và qua Ủy ban Giám Mục Liên hiệp Âu Châu, Comece, đối thoại minh bạch và phong phú với các tổ chức Âu Châu. Ngài cũng nói đến nhiều bất công và bách hại mà các nhóm tôn giáo thiểu số, nhất là các tín hữu Kitô đang phải chịu tại nhiều nơi trên thế giới; ngài nhắc đến các cộng đoàn và những cá nhân bị bạo lực dã man, bị trục xuất khỏi gia cư và quê hương, bị bán như những nô lệ, bị giết, bị chặt đầu, bị đóng đanh và thiêu sống, trong sự thinh lặng ô nhục và đồng lõa của bao nhiêu người.

Ngài nhận xét rằng: "Khẩu hiệu của Liên hiệp Âu Châu 'hiệp nhất trong sự khác biệt', không có nghĩa là đồng nhất về chính trị, kinh tế, văn hóa hay tư tưởng, nhưng chỉ rõ một gia đình các dân tộc, với những tổ chức của Liên Hiệp, biết liên kết lý tưởng hiệp nhất với sự khác biệt của mỗi người, đề cao giá trị của mỗi truyền thống, sự phong phú của các lịch sử và căn cội, giải thoát mình khỏi bao nhiêu lèo lái và ghét bỏ. Ðặt con người ở trung tâm trước tiên có nghĩa là để cho con người tự do biểu lộ khuôn mặt và óc sáng tạo của mình trên bình diện cá nhân và dân tộc. Các nguyên tắc liên đới và phụ đới, hiện diện trong việc hình thành Âu Châu giúp chúng ta trong chiều hướng này".

Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

"Thách đố củng cố nền dân chủ của các dân tộc Âu Châu đòi phải tránh một quan niệm đồng điệu về sự đại đồng, làm giảm mất đi sự tương phản phong phú và xây dựng của các tổ chức và các đảng phái với nhau, một quan niệm đồng điệu đưa tới sự lẫn lộn thực tại của nền dân chủ với một thứ thuyết duy danh mới về chính trị. Nhưng thách đố làm sao củng cố các nền dân chủ Âu Châu cũng bao hàm sự bảo vệ sức mạnh biểu lộ chính trị của các dân tộc Âu Châu liên quan đến những sức ép của lợi lộc liên quốc chứ không phải mọi người, làm cho nó suy yếu và biến nó thành những quyền lực tài chánh đồng nhất phục vụ những đế quốc vô danh. Mang lại hy vọng cho Âu Châu có nghĩa là đầu tư trong các lãnh vực trong đó hình thành các tài năng của con người; kiến tạo những điều kiện thuận lợi cho đời sống gia đình, sự hiệp nhất, phong phú và bất khả phân ly; có nghĩa là mang lại những viễn tượng cho các thế hệ trẻ và nhiều người già, cho sự phát triển giáo dục, các trường học và đại học; huấn luyện đầy đủ để hướng nhìn về tương lai trong niềm hy vọng; có nghĩa là nhìn những tiềm năng sáng tạo nghiên cứu khoa học, nhất là trong các lãnh vực chưa được khám phá, như lãnh vực các nguồn năng lực khác.

Cũng trong diễn văn tại Nghị viện Âu Châu sáng ngày 25 tháng 11 năm 2014, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của sự dấn thân bảo vệ môi sinh và bảo tồn thiên nhiên. Thiên nhiên là để chúng ta sử dụng, cần dùng thiên nhiên để mưu công ích; không được chiều theo sự kiêu ngạo thống trị, lèo lái, bóc lột thiên nhiên. Không thể chấp nhận sự kiện hằng triệu người trên thế giới chết đói, trong khi bao nhiêu tấn thực phẩm bị gạt bỏ mỗi ngày khỏi bàn ăn của chúng ta. Môi sinh cũng liên hệ tới chính con người. Chính con người là thành phần căn bản của môi sinh, vì thế cần có một môi sinh nhân bản, với sự tôn trọng chính con người.

Trong số những yếu tố không thể thiếu được để mang lại hy vọng cho Âu Châu, Ðức Thánh Cha cũng nói đến các vấn đề liên hệ tới công ăn việc làm và ngài tái khẳng định sự cấp thiết phải mang lại phẩm giá cho lao công. Ðiều này có nghĩa là tìm ra những phương thức mới để dung hợp sự uyển chuyển của thị trường với sự cần thiết của ổn định và chắc chắn về viễn tượng công ăn việc làm và cũng tạo điều kiện cho một khung cảnh xã hội thích hợp, không nhắm tới sự khai thác con người, nhưng bảo đảm qua công việc làm khả năng thành lập gia đình và giáo dục con cái.

Ðức Thánh Cha cũng nói về vấn đề di dân: Không thể chấp nhận để cho Ðịa Trung Hải trở thành một nghĩa trang lớn, vì thế cần phải trình bày rõ ràng căn tính văn hóa của mình và đề ra những luật lệ thích hợp, biết bảo vệ các quyền của công dân Âu Châu và bảo đảm sự tiếp đón người di dân; nhưng cũng cần chấp nhận những chính sách cụ thể giúp các nước xuất cư trong việc phát triển xã hội kinh tế và vượt thắng những xung đột nội bộ, trái lại những chính sách lợi lộc giá tăng và nuôi dưỡng các xung đột.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò của sự ý thức căn tính của mình để đối thoại một cách tích cực với các quốc gia đã yêu cầu được gia nhập Liên hiệp Âu Châu trong tương lai: trong vùng Balcan, trong các quan hệ với các nước lân cận, đặc biệt những nước ven bờ Ðịa Trung Hải. Nhiều nước đang chịu đau khổ vì các cuộc xung đột nội bộ, vì sức ép của trào lưu cực đoan tôn giáo và khủng bố quốc tế. Các vị đại biểu quốc hội cũng như các nhà lập pháp, có nghĩa vụ giữ gìn và làm tăng trưởng căn tính Âu Châu để các công dân tìm lại được niềm tín thác nơi các tổ chức của Liên hiệp Âu Châu và trong dự án Âu Châu về hòa bình và thân hữu.

Một lịch sử hai ngàn năm liên kết Âu Châu với Kitô giáo, nhưng lịch sử này phần lớn vẫn còn phải viết lên, để cùng nhau xây dựng một Âu Châu không xoay quanh kinh tế, nhưng quanh sự thánh thiêng của con người, các giá trị bất khả nhượng. Ðã đến giờ xây dựng Âu Châu can đảm ấp ủ quá khứ của mình và tin tưởng nhìn về tương lai của mình để sống trọn vẹn và sống hiện tại trong hy vọng. Ðã đến lúc từ bỏ ý tưởng một Âu Châu sợ hãi và co cụm vào mình để khơi dậy một Âu Châu nắm vai chính, mang khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, các giá trị nhân bản và cả đức tin. Âu Châu nhìn, bảo vệ, bênh đỡ con người; Âu Châu tiến bước trên trái đất chắc chắn và vững chãi, là điểm tham chiếu quí giá cho toàn thể nhân loại".

Bài diễn văn của Ðức Thánh Cha bị ngắt quãng nhiều lần vì các tràng pháo tay hưởng ứng của các đại biểu và khi ngài vừa dứt lời, mọi người đã đứng lên nồng nhiệt vỗ tay cám ơn.

Ông chủ tịch Martin Schulz đã đại diện mọi người cám ơn Ðức Thánh Cha vì bài diễn văn "chỉ đường" của ngài và ông gọi đó cũng là hướng đi trong tương lai của Liên hiệp Âu Châu này.

Viếng thăm Hội đồng Âu Châu

Rời Nghị viện, Ðức Thánh Cha tiến sang trụ sở Hội đồng Âu Châu chỉ cách đó 700 mét để viếng thăm. Bên ngoài Hội đồng có hàng ngàn người đứng chào mừng ngài. Tổ chức này được thành lập cách đây 65 năm và gồm các vị đại sứ của 47 nước và 150 thành viên thuộc nghị viện, 100 thành viên của hội đồng chính quyền địa phương và miền, 47 vị thẩm phán của tòa án Âu Châu về nhân quyền.

Khi đến trụ sở Hội đồng Âu Châu Ðức Thánh Cha đã được ông tổng thư ký Thorbjorn Jagland, 63 tuổi người Na Uy cùng với các giới chức của Hội đồng đón tiếp.

Sau nghi thức tiếp đón chính thức và hội kiến với các giới chức lãnh đạo Hội đồng, Ðức Thánh Cha đã tiến vào thính đường trong khóa họp long trọng của tổ chức này.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Ông Tổng thư ký, Ðức Thánh Cha nhắc đến sự tàn bạo của thế chiến thứ 2, và sự chia rẽ Âu Châu thành hai khối, hai bên bức màn sắt, từ đó ngài nói đến tiến trình xây dựng thống nhất và hòa bình, bắt đầu từ sự giáo dục về hòa bình, loại trừ nền văn hóa xung đột, loại bỏ những người không nghĩ hoặc sống như mình.

Ðức Thánh Cha đặc biệt lên án sự khủng bố tôn giáo và trào lưu khủng bố quốc tế coi rẻ sinh mạng con người, nạn buôn bán khí giới mà không bị ngăn trở. Hòa bình cũng bị đe dọa vì những hình thức nô lệ mới, nạn buôn người, biến con người thành hàng hóa trao đổi.

Ðức Thánh Cha ca ngợi nỗ lực của Hội đồng Âu Châu kiến tạo hòa bình qua sự thăng tiến các quyền con người. Ngài cũng cổ võ sự tìm kiếm sự thật, để tránh tình trạng mỗi người tự lấy mình làm mẫu mực, mở đường cho sự khẳng định chủ quan các quyền lợi. Ðức Thánh Cha cảnh giác chống lại sự hoàn cầu hóa thái độ dửng dưng phát xuất từ lòng ích kỷ, không có khả năng sống chiều kích xã hội đích thực. Từ cá nhân chủ nghĩa dửng dưng nảy sinh sự tôn thờ giàu sang sung túc.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha cho biết Giáo Hội Công Giáo, qua Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu châu, sẵn sàng cộng tác với Hội đồng Âu Châu, nhất là trong lãnh vực suy tư luân lý đạo đức về những đề tài như bảo vệ sự sống con người, các lãnh vực y khoa, khoa học hoặc pháp luật.

Sau cuộc viếng thăm tại tổ chức này, Ðức Thánh Cha giã từ Strasbourg để đáp máy bay trở về Roma lúc quá 4 giờ chiều cùng ngày 25 tháng 11 năm 2014.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page