Ðại hội thế giới về mục vụ di dân lần VII

"Hợp tác và phát triển"

 

Ðại hội thế giới về mục vụ di dân lần VII: "Hợp tác và phát triển".

Roma (WHÐ 24-11-2014) - "Ðiều quan trọng khi gặp gỡ anh chị em di dân là phải có cái nhìn rộng mở, có khả năng nhận ra tiềm năng nơi họ chứ không phải chỉ nhìn thấy nơi họ những vấn nạn phải đối đầu hoặc giải quyết". Ðó là những lời nhắn nhủ của Ðức Thánh Cha Phanxicô dành cho Ðại hội thế giới về mục vụ di dân trong buổi tiếp kiến vào trưa ngày 21 tháng 11 năm 2014 tại Sảnh đường Clêmentê VIII.

Ðại hội thế giới về mục vụ di dân lần VII với chủ đề "Hợp tác và phát triển" được Hội đồng Toà Thánh về Mục vụ cho người di dân và lưu động (PCMI) tổ chức tại Vatican từ ngày 17 đến 21 tháng 11 năm 2014. Khoảng 300 tham dự viên đại diện cho 90 quốc gia đã tham gia Ðại hội này. Sau nghi thức khai mạc do Ðức hồng y Antonia Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Mục vụ cho người di dân và lưu động (PCMI) chủ sự lúc 17g30 ngày 18 tháng 11, Ðại hội đã chào đón ông Angelino Alfano, Bộ trưởng Nội vụ Italia, và ông William Lacy Swing, Tổng giám đốc Tổ chức di dân quốc tế (IOM). Ông Swing đã có bài phát biểu nói lên sự quan tâm sâu sắc của các nhà nước và tổ chức phi chính phủ đối với làn sóng người lao động tản cư và nhập cư khắp nơi trên thế giới. Ông cũng lưu ý: để người di dân có thể sống đúng phẩm giá của mình, những người phục vụ di dân phải biết cách truyền tải sứ điệp cách mới mẻ và sống động hơn để thế giới nhận ra rằng trách nhiệm chăm sóc cho người di dân là nghĩa vụ quốc tế của mọi thành phần.

Trong ngày làm việc thứ nhất, Ðại hội đã bắt đầu với Thánh lễ tại Ðền thờ Thánh Phêrô do Ðức hồng y Manuel Moneiro de Castro, nguyên Chánh án Toà ân giải tối cao, chủ tế. Ðức hồng y Luis Antonio G. Tagle, Tổng giám mục Manila (Philippines) và cũng là thành viên của Hội đồng Toà Thánh về Mục vụ cho người di dân và lưu động (PCMI) đã trình bày chủ đề "Người tha hương (diaspora) và sự hợp tác: Hướng đến sự phát triển của thế giới và Giáo hội" như một gợi ý cho các tham luận tiếp theo trong ngày. Ðức hồng y Tagle ghi nhận: làn sóng tản cư dẫn đến nhiều mất mát về nhân sự và tiềm năng nơi giáo phận gốc nhưng đồng thời cũng đóng góp không nhỏ cho giáo phận nơi họ nhập cư. Cùng quan điểm này, Ðức cha John Charles Wester (Hoa Kỳ) cũng ghi nhận rằng Giáo hội tại Hoa Kỳ đã "bội thu" nhờ những cộng đoàn nhập cư từ nhiều nước, qua đó đời sống đức tin cũng trở nên phong phú và đa sắc với sự đa dạng của các nền văn hoá, tập quán, và cử hành đạo đức. Ðức cha Mario Toso, Thư ký Hội đồng Toà Thánh về Công lý và Hoà bình đã gợi lên ưu tư trong bài tham luận là làm sao trong sứ vụ phục vụ anh chị em di dân, Giáo hội cũng phải lên tiếng cảnh tỉnh những nền kinh tế bất công đã và đang trở thành mối đe dọa cho công bằng xã hội trong việc bóc lột sức lao động, đối xử tàn nhẫn với công nhân, và nguy cơ phân rã đời sống gia đình do tình trạng ly tán vì việc làm.

Trong hai ngày tiếp theo, Ðại hội đã thảo luận dựa vào các đề tài tham luận từ các vị mục tử, ký giả, chuyên gia ngoại giao và xã hội, quản lý các tổ chức phi chính phủ và Caritas quốc tế. Ðặc biệt là những chứng từ của đại diện các Hội đồng Giám mục Brazil, Taiwan, Italia, Ukraina, Rwanda, Mexico, Angola và São Tomé, Germany, và Hoa Kỳ đã nói lên sức sống đức tin mạnh mẽ của anh chị em di dân trong việc hội nhập vào đời sống tha hương cũng như cộng đoàn sở tại trong việc tiếp nhận và đồng hành cùng anh chị em nhập cư. Tất cả các báo cáo viên và tham luận viên là các hồng y, giám mục, linh mục, giáo dân, và cả những đại diện các Giáo hội Kitô đã trình bày toàn cảnh mục vụ di dân trên thế giới cùng những thách đố cả về mục vụ lẫn luân lý, công bằng xã hội cũng như kinh tế thị trường. Có thể nói rằng, đời sống di dân hiện nay đã trở thành tất yếu trong nền kinh tế toàn cầu, một nền kinh tế không thể hoạt động đơn lẻ ở cấp địa phương mà cần phải liên minh vùng miền để tồn tại và phát triển. Chính bối cảnh đó đã gợi hứng cho những suy tư mục vụ mà Ðại hội đã tích cực chia sẻ và đề xuất. Làm sao để Giáo hội gốc của người di cư có thể phối hợp với Giáo hội tiếp đón người nhập cư trong việc hướng dẫn đời sống đức tin và xã hội; củng cố nền tảng luân lý và đời sống đạo đức; bảo vệ những người lao động nghèo và lên tiếng trước những bất công đe dọa phẩm giá con người? Ðại hội cũng đề cập đến phẩm giá và vị trí của người phụ nữ trong cơ chế kinh tế thị trường cần phải được quan tâm và tôn trọng; lưu ý đẩy mạnh mảng mục vụ cho ngư dân và thuyền nhân vốn rất cần Giáo hội các địa phương chú ý chăm sóc đời sống bí tích cho nghề nghiệp lưu động của họ; một vài phát biểu đã nhắc đến một biên cương mới: mục vụ cho du học sinh, đây cũng là mối quan tâm của nhiều giám mục ở các nước phát triển khi tiếp nhận rất nhiều du học sinh Công giáo; một số đề nghị lưu ý đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông để kết hợp mạng lưới mục vụ liên quốc gia trong việc chuẩn bị, tiếp nhận, chăm sóc cho người lao động nhập cư và du học sinh.

Tại Ðại hội này, đại diện Uỷ ban Mục vụ di dân (UBMVDD) của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam cũng đã gặp và gửi lời cám ơn chân thành đến Giáo hội các nước đã tiếp nhận và chăm sóc cho người Việt Nam trong suốt những năm vừa qua. Hiện nay, ở Việt Nam cũng có nhiều anh chị em Công giáo người nước ngoài đến làm việc và sinh sống tại Việt Nam, Uỷ ban Mục vụ di dân (UBMVDD) cũng sẽ cố gắng quan tâm đến những anh chị em này và hết lòng chăm sóc đời sống đức tin của họ như những Giáo hội địa phương khắp nơi đã mở lòng tiếp đón anh chị em tín hữu Việt Nam.

Nhân dịp này, đại diện Uỷ ban Mục vụ di dân (UBMVDD) của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam cũng đã tham dự hội thảo kỷ niệm 34 năm thành lập Jesuit Refugee Services (JRS). Buổi hội thảo này do cha Federico Lombardi, S.J., giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh đồng chủ trì cùng với Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, cha Adolfo Nicolás, S.J. Tổ chức Jesuit Refugee Services (JRS) được khai sinh ngày 14 tháng 11 năm 1980 bởi Bề trên Tổng quyền Dòng Tên đương nhiệm (cha Pedro Arrupe, S.J.) để huy động các nguồn trợ giúp cho người tị nạn Việt Nam. Sau này, Jesuit Refugee Services (JRS) trở thành tổ chức quốc tế hoạt động rất hiệu quả với các chương trình hợp tác hỗ trợ người tị nạn ở 51 quốc gia.

Ðại hội thế giới về mục vụ di dân lần VII đã cho thấy những nỗ lực phục vụ người di dân mà Giáo hội không ngừng thực hiện bằng nhiều phương thế và qua nhiều hoàn cảnh khác nhau. Giáo hội mang trái tim của người mẹ như hình ảnh Ðức Thánh Cha Phanxicô thể hiện trong sứ điệp nhân Ngày thế giới di dân và tị nạn lần thứ 101 (năm 2015): một trái tim mở ra với tất cả biên cương và trong trái tim từ mẫu ấy không có một ai là người vô dụng, thất thế hoặc bị loại trừ. Với tâm thế của một người mẹ luôn tranh đấu cho sự phát triển của con mình, toàn thể Ðại hội đã biểu quyết tuyên bố chung trong đó ngoài việc nhìn nhận hiện trạng di dân toàn cầu và quyết tâm liên kết để phát triển hoạt động mục vụ của mình cũng như để phát triển anh chị em di dân mình được trao phó chăm sóc, Ðại hội kiên quyết kêu gọi sự hợp tác của các thành phần trên thế giới hãy nhận lãnh trách nhiệm xây dựng một thế giới phát triển bình đẳng, nhân văn và hoà bình hơn để con người, bất kể giàu-nghèo hay chủ-thợ, được sống đúng phẩm giá của con người.

 

Minh Nguyên

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page