Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam

Nhìn với đôi mắt Ðức Tin

 

Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam: Nhìn với đôi mắt Ðức Tin.

Việt Nam (VietCatholic News 19-11-2014) - "Giáo dục không bao giờ là điều dễ dàng và ngày nay dường như nó càng trở nên khó khăn hơn". (ÐGH Bênêđíctô XVI).

Tháng 1 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ đã được thành lập ở Paris, thủ đô nước Pháp lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục). Vào năm 1949, tại Hội nghị Quốc tế Warsaw, thủ đô Ba Lan, FISE đã xây dựng bản "Hiến chương các Nhà giáo" gồm 15 chương. Từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 8 năm 1957, tại Thủ đô Warsaw, Hội nghị FISE, có 57 nước tham dự, trong đó có cả Công đoàn Giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo.

Tại Việt Nam, năm 1982, ngày 20 tháng 11 được chọn làm Ngày Nhà Giáo Việt Nam, đến nay đã 32 năm. Ðây là ngày để học trò thể hiện tình cảm quý mến, kính trọng của mình đối với Thầy Cô Giáo.

1. Ba "cái nhìn" về giáo dục

Có câu chuyện kể rằng: Một hoàng tử kia có 3 người bạn rất nhiều tài năng: một anh là nhà điêu khắc, một anh là nhà khoa học, anh còn lại là hiệu trưởng một trường học. Vào một ngày kia, hoàng tử tò mò muốn biết và để so sánh cách nhìn sự việc của những người bạn của anh. Ngài thử họ như sau: lần lượt ngài dẫn từng anh một và đưa họ đến một cái hồ nằm giữa khu vườn của ngài. Ngài đặt cho từng người một câu hỏi nầy: "hãy quan sát cái hồ và nói tôi nghe, điều gì làm bạn chú ý nhất?".

Trước khi trả lời, nhà điêu khắc đi quanh hồ, ngắm thành hồ bằng cẩm thạch chạm trỗ rất tinh vi và trả lời rằng: "Tôi thích cái hồ của anh lắm, bởi vì cái thành hồ chạm trỗ rất tinh vi, quá đẹp". Nhà khoa học cũng nhìn thành hồ, nhưng rồi lại quay vào giữa hồ, ngắm nhìn rất lâu nước trong hồ, những bông hoa sen đang nở trên mặt nước, những chú cá nhỏ tung tăng giữa những cọng rêu xanh, nhiều côn trùng khác bay dật dờ trên mặt và lặn sâu dưới nước... và anh ta trả lời: "Ðiều làm tôi thích thú nhất, đó chính là sự sống lút nhút trong nước". Khi đến phiên thầy hiệu trưởng, anh ta cũng quan sát thành hồ và những sinh vật trong nước rồi nói: "Thành hồ rất đẹp, sự sống bên trong hồ càng quí hơn, nhưng điều gây ấn tượng cho tôi nhất nơi đây, chính là ánh sáng". Hoàng tử kinh ngạc hỏi: "Anh sáng à?". Anh hiệu trưởng trả lời: "Dạ phải, ngài hãy quan sát cách "chơi" sáng và tối nầy, nó làm nổi bật chiều cao, chiều sâu của thành hồ. Anh sáng làm cho hồ của ngài đổi khác từ sáng, trưa đến tối. Ngài hãy quan sát những tia nắng mặt trời kia, nó dọi tới đáy hồ: tất cả trở nên sáng sủa khi ánh sáng đó chạm đến. Và điều quan trọng nhất: cuộc sống được tăng thêm và được biến đổi ngay bên trong hồ nhờ ánh sáng đưa tới. Ngày mai sẽ khác với hôm nay. Ngày mai sẽ khác với cái mà ngài thấy hôm nay. Ðiều mà ngài tìm được trong đó mỗi ngày là vô hình, bởi vì ánh sáng thêm vào sự nhiệm mầu của cuộc sống".

Qua câu chuyện, có thể hiểu ra rằng, điều nhận thấy và điều mà chúng ta chờ đợi nơi những học sinh là cách mình xử sự với chúng đều có liên quan trực tiếp đến "cái nhìn" của chúng ta. Cần tránh vài "cái nhìn" không cần bàn tới: cái nhìn của người đi ngang qua cạnh hồ, có khi cần ngồi lại nghỉ chân hoặc lấy cọng cây khuấy động mặt nước để giải trí mà không quan tâm chút gì đến lợi ích của việc làm đó, hoặc cái nhìn của người đến đó để câu cá hoặc hái vài hoa sen... Những người đó, chúng ta có thể coi họ là những "nhà giáo dục", nhưng họ chỉ coi nghề của họ như một phương tiện tầm thường để sinh sống, những người coi những học sinh của mình như những kẻ quấy rầy khó chịu, phải ở càng xa càng tốt, hoặc là những người rất xã giao, xem học sinh của mình như những "khách hàng" mà họ thương lượng một cách lạnh lùng đối với những việc phục vụ mà chúng cần. Ðó là những cái nhìn mà chúng ta có thể nói là tiêu cực. Hy vọng rằng những cái nhìn kiểu đó không nhiều trong nhóm những nhà giáo dục trên đất nước chúng ta.

Cũng có những cái nhìn khác tích cực hơn mà chúng ta gặp nơi nhiều nhà giáo dục. Ðối diện với học sinh, họ có một thái độ rất tích cực, có tinh thần phục vụ và từ bỏ, nhưng lại có mục đích không ít thì nhiều ý thức để được vài phần thưởng, vài cái lợi lộc, chúng ta không nói nơi đây liên quan đến tiền lương bình thường, nhưng có thể ít nhất là để được kính trọng, hay hơn nữa để được khâm phục, và nếu có thể, được thương yêu hoặc làm vừa lòng cấp trên và cũng có thể để được tăng lương. Tất cả những "cái nhìn" đó, thực thì rất là tự nhiên vì bản tính con người, nhưng chúng ta đừng quan tâm đến vấn đề đó. Hãy quan tâm đến điều gì tích cực, xây dựng cho học sinh. (Nhật Nhật Tân, fsc).

2. Nhìn với đôi mắt đức tin

Sách Xuất Hành chương 3 và 4 kể chuyện Môsê. Ông đi chăn cừu và không bao giờ quên dân tộc của mình bị ngược đãi nơi đất Aicập. Ông tới núi Horeb, núi của Thiên Chúa và nơi đó, gần "bụi cây bốc cháy", ông nghe tiếng Chúa gọi: "Ta đã thấy sự khổ cực của dân Ta. Ta đã nghe tiếng thở than của chúng... Ta biết những đau khổ của chúng. Ta đến để cứu thoát họ khỏi tay người Ai Cập... Bây giờ, ta sai ngươi đi... (Xh 3, 7-10). Môsê biết những nỗi khổ của dân Israel và khi ông "nhìn ra với con mắt đức tin", sự kiện đưa đến tiếp theo là "được sai đi" để đáp lại nhu cầu vừa được khám phá; Thiên Chúa sai Môsê đi với sứ vụ phục vụ dân Chúa. Chính hiện trạng của nhu cầu này trở thành một thừa tác vụ cho nhà giáo dục: nghĩa là chúng ta xem "ơn gọi giáo dục" của mình như lời mời gọi của Thiên Chúa. Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê... 12 vị Tông đồ đầu tiên đã thay đổi cả thế giới. Họ là những ai? Là những người đánh cá, nghèo nàn, không học thức, ai cũng "biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân" (Cv 4,13)... Nhưng Ðức Giêsu đã nhìn với một đôi mắt khác, vượt qua đằng sau những sự thiếu thốn đó và đã chọn họ, xây dựng Hội Thánh của Ngài: Con là Ðá, và trên Ðá nầy, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy.

Nhà giáo dụ Kitô giáo cần phải đi vào trong viễn cảnh này. Viễn cảnh mở ra cho chúng ta ơn Cứu Ðộ. Từ viễn cảnh đó, chúng ta có thể nhìn ra Thiên Chúa hiện diện trong mọi hành động và hiện diện trong người trẻ, nhất là những người nghèo, kém may mắn mà chính Ngài gởi đến cho chúng ta. Việc xem ra đơn giản và không gì mới lạ, nhưng thực ra, ánh sáng mà chúng ta khám phá ra, sẽ cho thấy tất cả điều khác.

"Nhìn với đôi mắt đức tin". Nhờ đức tin mà nhà giáo dục Kitô giáo sẽ có khả năng nhìn thấy nơi mỗi người trẻ, nhất là trẻ nghèo, chiều kích huyền nhiệm của con Thiên Chúa, được yêu thương, được mời gọi như là một thành phần trong Nhiệm Thể.Ðiều nầy đòi hỏi một cố gắng khổ chế, cảnh giác với chính mình, phân tích và biện phân những ý muốn của chúng ta# và vì thế "cái nhìn" của chúng ta tiếp tục biến đổi hằng ngày. Một phương cách để duy trì cái nhìn đức tin đó là nuôi dưỡng hằng ngày bằng Lời Chúa và Nguyện gẫm và luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Ðây là một sự liên lạc cá nhân, nó như là một thử thách, một sự tiếp cận từ từ, một sự cố gắng hằng ngày để làm việc "theo sự dẫn dắt của Thiên Chúa, dưới tác động của Thánh Linh và với mục đích làm vui lòng Ngài". Ðiều nầy đòi hỏi rất nhiều, nhưng vì là một dự tính hay là một lộ trình, mà các nhà giáo dục Kitô nên quan tâm. (Nhật Nhật Tân, fsc).

3. Mẫu gương tuyệt hảo

Ðức Cha Giuse Ðinh Ðức Ðạo, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo, trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã gởi bức thư đến anh chị em Giáo chức Công Giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm 2013. Ngài viết: "Trong truyền thống văn hóa của đất nước ta, nghề dạy học luôn được coi trọng vì người thầy không đơn thuần là người dạy bảo một kiến thức mà hơn thế nhiều, là người truyền đạt một lý tưởng sống với cái tâm cao đẹp của mình" .

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống lâu đời của dân tộc. Nói đến nghề giáo, người Việt Nam thường xem đây là nghề cao quý, nghề của những người tâm huyết đóng góp công sức quý báu vào sự nghiệp trồng người bằng tất cả phẩm chất đạo đức của mình. Người thầy sống với nghề, được xã hội trọng vọng, có quyền hành và có tự do trong việc tổ chức giảng dạy và đánh giá học sinh của mình.

Ðức Cha Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo mời gọi quý Thầy Cô Giáo hãy nhìn lên mẫu gương Người Thầy tuyệt hảo là Chúa Giêsu, sống yêu thương trong sứ vụ 'trồng người"cao đẹp của mình: "Nơi nhiều trường học, người ta thấy dòng chữ "Tiên học lễ, hậu học văn". Ðiều tâm niệm này không chỉ là kim chỉ nam cho các học sinh, sinh viên, nhưng cũng là điều để nhắc nhớ quý Thầy Cô Giáo: bên cạnh việc giúp học sinh, sinh viên lãnh hội tri thức, quý Thầy Cô Giáo, với trách nhiệm và bằng tình yêu thương của mình, sẽ luôn ưu tiên, coi trọng việc hướng dẫn, giúp đỡ và khích lệ các em luyện tập những đức tính cần thiết, nhất là tình yêu thương. Ðây là điều mọi người ước mong và khát khao, nhưng lại là điều thiếu thốn nhất. Ðể thành công, các em cần có nhiều kiến thức và khả năng, nhưng để có một cuộc sống hạnh phúc, xứng đáng với nhân phẩm, các em phải được yêu thương để học hỏi cách sống yêu thương. Tình yêu là sức mạnh nguyên thủy, mạnh hơn mọi sức mạnh, vì phát xuất từ chính Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,16) và được thông truyền vào lòng mỗi người. Vì thế, tình thương yêu phải là nét đặc trưng và là phương pháp chính yếu của các Thầy Cô Giáo để dạy và giáo dục từng học sinh, sinh viên thân yêu của mình, theo cách của Người Thầy tuyệt hảo nhất của nhân loại là Chúa Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu" (WHÐ).

Những học sinh được trao phó cho quý Thầy Cô là những người được dựng nên "giống hình ảnh của Thiên Chúa". Hình ảnh của Thiên Chúa thì chắc chắn là không thể nào "xấu" được rồi. Tất cả đều có những khả năng tiềm ẩn mà đôi khi chính chúng không khám phá ra được. Không có một người học sinh nào ngu đần nhất thế gian đến nỗi không thuốc chữa. Chỉ có những nhà giáo dục không biết khám phá ra những tiềm năng đó và cho chúng một "phương tiện" để chúng thành công. Chính Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói: "Giáo dục không bao giờ là điều dễ dàng và ngày nay dường như nó càng trở nên khó khăn hơn". Nói thì dễ, nhưng nó đòi hỏi nơi nhà giáo dục rất nhiều nhẫn nại, hy sinh, sáng tạo và nhất là phải có "cái nhìn với đôi mắt đức tin". Hiệu quả của một nền giáo dục tốt không thể nào đi đường tắt để một sớm một chiều mà đạt đến được. Mọi người dân và chính quyền đều phải đầu tư vào trí, dũng và nhân cách để xây dựng một con người, tham gia rèn luyện một nhân cách và phảt triển tài năng cùng tri thức để đáp ứng được nhu cầu cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia. Quan trọng là sự truyền thụ tri thức và kinh nghiệm cho học sinh, điều kiện kiên quyết vẫn là một giáo dục đúng đắn, công bằng và văn minh. Và trên hết, mọi nhà giáo dục và học sinh cần hướng về mẫu gương tuyệt hảo là Chúa Giêsu với đức tin và lòng yêu mến.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page