Lễ tưởng niệm Ðức Gioan Phaolô II

tại trung tâm cải huấn

trẻ vị thành niên Nisida ở Napoli

 

Lễ tưởng niệm Ðức Gioan Phaolô II tại trung tâm cải huấn trẻ vị thành niên Nisida ở Napoli.

Phỏng vấn ông Gianluca Guida, giám đốc và Linh Mục Fabio De Luca tuyên úy trung tâm.

Roma (RG 4-11-2014; Vat. 18-11-2014) - Ngày mùng 4 tháng 11 năm 2014 lễ tưởng niệm Ðức Gioan Phaolô II đã được tổ chức tại trung tâm cải huấn trẻ vị thành niên Nisida ở Napoli, nam Italia.

Buổi lễ đã do Hội Ðồng Giám Mục Italia bảo trợ cùng với tổ chức Thông truyền sự sống Life Communication, và phân bộ Công lý vị thành niên của Bộ Tư pháp Italia. Mục đích buổi lễ là tưởng niệm gương mặt của một trong các vị Giáo Hoàng được yêu mến nhất là Ðức Gioan Phaolô II, và để phổ biến các sứ điệp của người cho các thế hệ mới.

Thật thế, người ta còn nhớ lời Ðức Gioan Phaolô II nói với giới trẻ trong chuyến viếng thăm mục vụ vùng Campania Nam Italia hồi năm 1990: "Các bạn trẻ nam nữ rất thân mến của thành phố Napoli, đừng sợ hãi! Các bạn là những người trẻ có con tim tốt lành". Các lời này lại vang vọng trong hành lang trung tâm cải huấn người trẻ vị thành niên Nisida, là nơi được chọn để tổ chức ngày tưởng niệm thứ X gương mặt của Ðức Gioan Phaolô II với tựa đề "Tưởng niệm Ðức Gioan Phaolô II".

Tham dự ngày tưởng niệm có nhiều nhân vật của thế giới văn hóa và nghệ sĩ. Mọi người thảo luận về đề tài rất được Ðức Gioan Phaolô II ưa thích đó là "lao động". Ðây là một dịp tốt giúp gây ý thức không phải chỉ nơi các bạn trẻ của trung tâm cải huấn, nhưng cả nơi mọi người trẻ đối với các vấn đề của thành phố Napoli nữa.

Hỏi: Thưa ông Gianluca Guida, ngày tưởng niệm gương mặt của Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lần thứ X này tại Napoli nhắm các mục đích nào?

Ðáp: Chúng tôi đã dùng dịp này để tái gióng lên sứ điệp của Ðức Gioan Phaolô II, khi ngài đến thăm Napoli cách đây đã nhiều năm. Ðó đã là những ngày hy vọng lớn lao đối với thành phố. Mục đích lần này là để huy động thành phố hăng say trở lại. Chính trong tinh thần đó chúng tôi đã đề nghị với các bạn trẻ sống kinh nghiệm này, sống kỷ niệm này về Ðức Gioan Phaolô II hầu có một lý do mới để bắt đầu yêu thương thành phố trở lại và tạo ra các điều kiện mới. Ðối với chúng tôi đây đã là dip để giúp người trẻ tiếp cận với các vấn đề của thành phố chúng tôi một cách khác, và đọc hiểu sự dấn thân và gần gũi của họ đối với trung tâm như một dấn thân xã hội, chứ không chỉ như là một dịp nâng đỡ tinh thần và gần gũi thiêng liêng: như là một cơ may để xắn tay áo lên, và người trẻ phải là những người đầu tiên làm việc đó.

Hỏi: Thực tại trung tâm cải huấn Nisida như thế nào thưa ông?

Ðáp: Trung tâm của chúng tôi có khoảng 45 em trai và 5 em gái, đa số gốc Napoli. Như thế các em là những thanh thiếu niên của vùng này. Và đa số đã phạm các tội bạo lực chống lại gia tài hay người ta. Rất tiếc các em là những người trẻ đã lớn lên trong các vùng ngoại ô thành phố, các vùng có nhiều khó khăn địa lý và cuộc sống. Thật ra cũng có các thiếu niên xuất thân từ các khu phố trung tâm lịch sử, nhưng cũng phải sống trong các điều kiện khó khăn và tồi tệ. Như vậy, các em là những người trẻ bị lún sâu trong nền văn hóa sai lạc, và trong vài trường hợp cũng có em thuộc thực tại của nạn tội phạm có tổ chức nữa.

Hỏi: Theo ông, một trung tâm cải huấn như trung tâm ông đang làm giám đốc có thành công trong việc phục hồi con người hay không?

Ðáp: Ðĩ nhiên đây là một thách đố, một dấn thân. Tôi luôn cho rằng trung tâm cải huấn không phải là một nhà máy chế hộp, vì thế khó mà có thể nói được rằng vào cuối đường dây chế tạo sản phẩm có đạt hay không đạt. Việc ra khỏi sự sai lầm đối với một người, và còn hơn thế nữa đối với một thiếu niên, là một cái gì có thể kiểm thực được trong thời gian liên quan tới các lựa chọn về lâu về dài. Chắc chắn là điều mà trong các năm qua chúng tôi đã thành công kiểm thực được là chương trình giáo dục tại Nisida tiếp cận được các người trẻ, cho họ một thời gian và không gian, trong đó họ có thể nắm bắt trở lại tuổi trẻ của mình, vì các em tuổi từ 17 đến 19, và phục hồi được các khả năng của các em. Chúng tôi chỉ là một dụng cụ hành động là hoạt động săn sóc các em. Chúng tôi muốn rằng các em là khách trong trung tâm cảm thấy được Nhà nước chăm sóc qua các người đại diện là chúng tôi trong trường hợp của trung tâm cải huấn Nisida.

Hỏi: Có nhiều hàng rào và thành kiến của xã hội đối với các người trẻ này. Trong cương vị là giám đốc trung tâm cải huấn ông có thể góp phần đánh đổ các hàng rào và các thành kiến đó như thế nào?

Ðáp: Có nhiều thành kiến lắm, và nhiều khi chúng cũng có thể biện minh được, bởi vì không thể tránh được là một người trẻ sống sai lạc khiến cho người ta sợ hãi. Tuy nhiên, điều quan trọng đó là biết rằng, ngoài thời gian sống trên con đường lầm lạc, các bạn trẻ này cũng là những con người cò một hành trang kinh nghiệm phong phú và có các tiềm năng. Mỗi người đều có một sự phong phú vô cùng to lớn. Chìa khóa thay đổi được diễn tả bởi sự kiện có thể cùng với họ tạo ra các điều kiện để họ sử dụng các tiềm năng ấy và từ bỏ các lựa chọn sai lạc của họ. Rất tiếc sự sai lạc cũng là một điều kiện của việc lựa chọn cá nhân.

*** Sau đây là một số nhận xét của cha Fabio De Luca, tuyên úy trung tâm cải huấn Nisida.

Hỏi: Thưa cha, các tổ chức như cuộc tưởng niệm gương mặt của Ðức Gioan Phaolô II khơi lại các giáo huấn của một vị Giáo Hoàng rất được giới trẻ yêu mến có giá trị tái giáo dục không?

Ðáp: Chắc chắn là nó có một giá trị tái giáo dục rồi. Tất cả chương trình giáo dục của trung tâm cải huấn Nisida của chúng tôi dựa trên đề nghị các giá trị làm nền để xây dựng và tái xây dựng, sau khi đã phá đổ điều đã không được xây dựng một cách tốt đẹp liên quan tới nhân cách của người trẻ. Vì thế chúng tôi đề nghị với giới trẻ giá trị của sự hợp pháp, của lòng tôn trọng, tình liên đới, và cả hy sinh, sẵn sàng là tất cả các giá trị có thể tìm thấy trong Tin Mừng. Khi đó trong lãnh vực này lộ trình đức tin được đề nghị với các người trẻ tại trung tâm cải huấn Nisida có thể trợ giúp họ rất nhiều, và trợ giúp cả các đại chủng sinh đến từ dại chủng viện liên miền Posillipo, đến sinh hoạt và trợ giúp người trẻ. Khởi hành từ điều mà người trẻ sống trong lúc đó, họ tìm tới với Tin Mừng, với Chúa Giêsu. Tôi xác tín rằng điều Chúa Giêsu đã sống, điều Người đã nói, điều Người đã đề nghị, có thể trợ giúp biết bao nhiêu thanh thiếu niên trong việc tái xây dựng cuộc sống.

Hỏi: Bối cảnh mà các người trẻ này xuất thân có thể ảnh hưởng trên các lựa chọn này như thế nào thưa cha?

Ðáp: Nó có tính cách định đoạt. Ða số các người trẻ sống trong trung tâm Nisida xuất thân từ các khu phố có tình trạng sống rất khó khăn trong thành phố và vùng Napoli. Thường khi kiểu sống thường ngày trong gia đình tại các khu phố này là kiểu sống bất hợp pháp. Và nhiều gia đình ở trong tình trạng này. Một trẻ em sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng trong bầu khí bất hợp pháp đó thì đương nhiên là nó nghĩ rằng cuộc sống của nó là như thế và phải như thế. Ðiều này giúp chúng ta hiểu sự khó khăn trong việc tìm trợ giúp một người trẻ phá hủy những gì không ổn trong cuộc sống của nó, để có thể tái xây dựng một cái gì mới mẻ.

Hỏi: Làm tuyên úy trong trung tâm cải huấn Nisida có nghĩa là gì thưa cha?

Ðáp: Nó có nghĩa là ở với người trẻ, sống các hoàn cảnh của họ, hiểu biết gia đình họ, và tìm trợ giúp họ hiểu rằng cuộc sống mà họ sống cho tới lúc này chắc chắn không phải là một cuộc sống tươi đẹp, tốt lành cần hưởng nếm. Với họ tôi luôn luôn phân biệt sự khác nhau giữa "cuộc sống dễ dãi" và "cuộc sống đẹp". Có lẽ họ đã học biết rằng cả khi có phải bị tù hay bị giết chết đi nữa cũng đáng để sống dễ dãi, cả trong một ngày, một tháng, một năm cho tới khi nào không bị bắt giữ. Nhưng điều mà tôi tìm cách làm cho họ hiểu đó là cuộc sống đẹp trong nền tảng của nó, và vì thế đáng sống mỗi ngày để đi tới cuộc sống đẹp, là cuộc sống hạnh phúc, là cuộc sống trong niềm vui.

(RG 4-11-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page