Những hội nghị thượng đỉnh môi sinh

tốn tiền vô ích

 

Những hội nghị thượng đỉnh môi sinh tốn tiền vô ích.

Copenhagen, Ðan Mạch (Vat. 7-11-2014) - Ngày mùng 2 tháng 11 năm 2014, ông Ban Ki Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã mạnh mẽ báo động về tình trạng hâm nóng trái đất chưa từng thấy kể từ 800,000 năm nay. Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã gióng lên lời cảnh báo trên đây, khi bình luận về phần cuối cùng bản tường trình do Ủy ban Liên Hiệp Quốc về các thay đổi khí hậu công bố tại Copenhagen. Theo đó 95% các thay đổi khí hậu hiện nay là do chính con người gây ra, qua việc tàn phá rừng già và sử dụng các nguyên liệu như dầu hỏa, than đá và thải thán khí vào không trung quá nhiều, khiến cho trái đất bị hâm nóng trầm trọng kể từ hậu bán thế kỷ XX vừa qua. Ông Ban Ki Moon nói: "Chúng ta phải hành động ngay lập tức để hạn chế các thiệt hại do các thay đổi khí hậu gây ra. Nếu chúng ta cương quyết hành động bây giờ, chúng ta sẽ có các phương tiện để xây dựng một thế giới tốt đẹp và có thể chịu đựng được. Thế giới luôn luôn ít được chuẩn bị đối phó với nguy cơ thay đổi khí hậu, nhất là các nước nghèo ít gây ra ô nhiễm, nhưng lại đễ bị thương tổn nhất". Theo các chuyên viên khí hậu quốc tế, chỉ còn ít thời gian nữa thôi để thành công trong việc duy trì nhiệt độ gia tăng dưới 2 độ C. Cần phải giảm từ 40 tới 70% số thán khí thải vào khí quyển giữa năm 2010-2020 để đến số không vào năm 2100. Nếu không, các thay đổi khí hậu sẽ đi đến chỗ không thể quay lại đàng sau được nữa và sẽ gây ra các tai ương khôn lường đối với tương lai của nhân loại.

Cũng chính để chuẩn bị hội nghị tại Copenhagen, trong các ngày hạ tuần tháng 9 năm 2014 Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đã diễn ra tại New York, trong khuôn khổ đại hội khoáng đại lần thứ 69 của Liên Hiệp Quốc. Mục đích của hội nghị là cố gắng đạt được một thỏa hiệp về các thay đổi khí hậu nội trong năm 2015. Ngày 22 tháng 9 năm 2014 đã có khoảng 3,000 người biều tỉnh tại Wall Street để phản đối thế giới tài chánh, bị tố cáo là nằm trong số các cơ cấu có trách nhiệm đối với các thay đổi khí hậu.

Từ hai năm qua càng ngày người dân thế giới càng phải đối đầu với nhiều tai ương thiên nhiên, trong đó có nạn lũ lụt xảy ra bên Hoa Kỳ, cũng như tại Úc châu và các nước miền bắc Âu châu. Ðiển hình như tại miền bắc Italia trong tháng 7 năm 2014. Chưa bao giờ trời lại mưa nhiều như thế, khiến cho đất lở, đường sá lụt lội, lại thêm mưa đá tàn phá vườn cây ăn trái, các cánh đồng trồng rau và mùa màng. Suốt tháng 7 năm 2014 kỹ nghệ du lịch Italia bị thiệt hại nặng vì vắng khách.

Trước đó, sau các ngày hội họp bàn về các thay đổi khí hậu, ngày 23 tháng 9 năm 2014 giới lãnh đạo các tôn giáo đã gửi tới ông Ban Ki Moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, một tuyên ngôn nêu bật nhiệm vụ của mọi quốc gia trong việc bảo vệ môi sinh. Tuyên ngôn mang chữ ký của 30 vị lãnh đạo tôn giáo, trong đó có Ðức Hồng Y John Olorunfemi Onaiyekan, Tổng Giám Mục Abuja bên Nigeria, Ðức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, Chủ tịch Caritas Quốc Tế, và linh mục Michael Czerny, đại diện Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình.

Tuyên ngôn khẳng định rằng sự kiện khí hậu thay đổi là một đe dọa đối với sự sống, là một ơn qúy báu, mà chúng ta đã nhận lãnh và phải bảo vệ. Thay đổi khí hậu là một trong các chướng ngại chính của việc diệt trừ nạn nghèo đói. Các tai ương thiên nhiên trầm trọng gia tăng nạn đói kém, tạo ra sự bất ổn kinh tế, bắt buộc dân chúng phải di cư tìm kế sinh nhai, và ngăn cản sự phát triển có thể chiu đựng được. Chính vì thế cuộc khủng hoảng khí hậu liên quan tới sự sống còn của toàn nhân loại trên trái đất, do đó phải hành động tức thì. Các vị lãnh đạo tôn giáo yêu cầu mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tích cực dấn thân với các hành động cụ thể để bảo vệ môi sinh, trong đó có nỗ lực duy trì sự hâm nóng trái đất dười 2 độ C, và chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh tại Paris vào năm 2015.

Cho tới nay đã có một loạt các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu: lần đầu tiên tại Copenhagen bên Ðan Mạch năm 2009, sau đó đến Cancun bên Mehicô năm 2010, rồi tới Durban bên Nam Phi năm 2011. Các hội nghị thượng đỉnh này đã không đem lại kết qủa vĩnh viễn nào. Vì thế giờ đây có sự hiệp nhất của các tôn giáo trên thế giới nhận ra sự cấp bách phải đương đầu với các thách đố của vấn đề. Ðó đã là lý do của tuyên ngôn gửi tới hàng lãnh đạo chính trị thế giới, để thỉnh cầu họ mau chóng đưa ra các quyết định giúp cải tiến tình hình môi sinh trên thế giới đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Trong bài tham luận hôm 23 tháng 9 năm 2014 tại Hội nghị thương định về khí hậu do Liên hiệp Quốc triệu tập, Ðức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã mạnh mẽ kêu gọi các các nước cùng quyết tâm đối phó với hiện tượng hâm nóng trái đất. Ðức Hồng Y nhắc đến nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy thái độ không làm gì của nhiều quốc gia và cá nhân trước hiện tượng hâm nóng khí hậu gây ra những nguy cơ nghiêm trong và những thiệt hại lớn lao về kinh tế và xã hội. Trước những nguy cơ ấy cần có sự quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về mặt chính trị và kinh tế, và Tòa Thánh cũng muốn đóng góp vào chính nghĩa này.

Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhắc đến nguyên tắc, theo đó những quyết định và lối cư xử của một thành phần gia đình nhân loại có những hậu qủa sâu rộng đối với những người khác. Không có những biên cương chính trị, những hàng rào hoặc các bức tường chúng ta có thể ẩn nấp đàng sau để bảo vệ nhau chống lại những hậu qủa của hiện tượng hâm nóng trái đất. Không thể có chỗ đứng cho sự hoàn cầu hóa thái độ dửng dưng, nền kinh tế loại trừ hoặc nền văn hóa vứt bỏ, như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần tố giác.

Ðức Hồng Y Parolin cũng nói rằng: nếu chúng ta thực sự muốn hữu hiệu trong việc đối phó với sự thay đổi khí hậu, chúng ta phải thi hành câu trả lời tập thể dựa trên một nền văn hóa liên đới, gặp gỡ và đối thoại, làm căn bản và đòi phải có sự cộng tác hoàn toàn trong tinh thần trách nhiệm và tận tụy của mọi người, theo khả năng và hoàn cảnh của họ.

Nhưng cho đến nay các cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ và các nước có nền kinh tế đang lên như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Brasil đã luôn luôn từ chối giảm số thán khí thải vào trong không trung vì cho rằng làm như thế là thiệt hại cho nền kinh tế của họ. Chỉ có vài nước Âu châu trong đó có Italia là đã cố gắng giảm số lượng thán khí thải vào trong không trung. Ðể đánh trống lãng các nước gây ô nhiễm môi sinh nhiều nhất giả đò trợ giúp các nước nghèo chống lại cảnh ô nhiễm môi sinh, còn họ thì cứ tiếp tục gây ô nhiễm môi sinh vô tội vạ. Chính vì vậy có triệu tập bao nhiêu hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đi nữa, thì cũng chỉ tốn tiền vô ích mà thôi.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page