Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình
những nhận định sau khi kết thúc
Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình: những nhận định sau khi kết thúc.
Roma (VietCatholic news 22-10-2014) - Thượng Hội Ðồng Ðặc Biệt về Gia Ðình đã kết thúc từ ngày 19 tháng Mười năm 2014. Nay là lúc, nói như Massino Nardi của hãng tin Zenit ngày 22 tháng Mười năm 2014, Giáo Hội như một toàn thể có nghĩa vụ "phiên dịch" các vấn đề do hai tuần lễ bàn thảo nêu ra thành nếp vải sống động cho cộng đồng tín hữu.
Mùa chiết khấu
Trong chiều hướng ấy, hội nghị bàn tròn với chủ đề "Niềm Hy Vọng của Gia Ðình: Thượng Hội Ðồng và Quá Bên Kia" do "Các Câu Lạc Bộ Văn Hóa Gioan Phaolô II" tổ chức tại Ðại Học Âu Châu ở Rôma (UER) đã khai mạc ngày 21 tháng Mười năm 2014, dưới sự phối trí của các vị như Ðức Hồng Y Gerhard Ludwig Muller, Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, Ðức Cha Luigi Negri, Quĩ Quốc Tế Gioan Phaolô II về Huấn Quyền của Giáo Hội; Ðức Cha Livio Melina, Viện Giáo Goàng Gioan Phaolô II về Nghiên Cứu Hôn Nhân và Gia Ðình, và bà Costanza Miriano, nhà báo và nhà văn.
Gaspari, chủ bút hãng tin Zenit nói lời nói đầu. Ông cho rằng cái khung của hội nghị là tác phẩm của Ðức Hồng Y Muller tựa là "Niềm Hy Vọng của Gia Ðình", và là cơ hội để đánh tan các hiểu lầm và khiêu khích bao quanh việc làm của Thượng Hội Ðồng.
Ðức Hồng Y Muller thì cho rằng: "một trong các điểm chính của tác phẩm là chủ đề đức tin. Chúng ta đang sống trong một thời đại tục hóa và bất tín, vốn làm suy yếu cảm thức về bí tích". Ngài trích dẫn nhiều bản văn giáo hoàng, trong đó có "Ánh Sáng Ðức Tin" của Ðức Phanxicô, chủ yếu nói về đức tin, và hiến chế "Vui Mừng và Hy Vọng" của Công Ðồng Vatican II trong mục nói tới phẩm giá của hôn nhân và gia đình.
Ðức Hồng Y Muller trích một đoạn trong lời nói đầu cuốn sách của ngài do Ðức Hồng Y Fernando Sebastian viết, nói rằng "Trong bí tích Hôn Nhân, tín hữu Kitô Giáo nam nữ, cùng với Giáo Hội, cử hành đức tin trong tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu luôn hiện diện và hành động trong họ như là chi thể của Giáo Hội và người cộng tác của Thiên Chúa để nhân thừa nhân loại và Giáo Hội của cứu rỗi". Thành thử, mục đích cuốn sách của ngài là tái khám phá vẻ đẹp của hôn nhân Kitô Giáo.
Nữ ký giả Costanza Miriano lên tiếng trong tư cách một bà mẹ và một tín hữu Công Giáo, để nói rằng: "Lòng thương xót là điều đúng đối với người ly dị, nhưng ta cũng phải thương xót các trẻ em nữa. Người ta ít nói tới chúng, nhưng chúng chính là các nạn nhân đầu tiên khi cha mẹ chúng ai đường nấy đi".
Bà cho hay: việc làm của bà khiến bà gặp gỡ khá nhiều gia đình và việc này đã làm bà thêm xác tín rằng " không thể so sánh nền luân lý Kitô Giáo với nền luân lý tư sản". Vì nền luân lý tư sản xây dựng các "giáo lý" của nó trên các kiểu mẫu truyền hình và phim ảnh: các kiểu mẫu chỉ sản sinh ra thất vọng. "Tình yêu đích thực chỉ tìm thấy nơi Chúa Kitô và việc 'biết đọc' tình yêu ấy, vốn chỉ thuộc một mình Giáo Hội".
Ðức Cha Livio Melina cám ơn Ðức Hồng Y Muller về cuốn sách của ngài và về lòng can đảm của ngài trong cuốn sách này. Rồi Ðức Cha nhắc lại ý niệm của Chân Phúc Phaolô VI: Giáo Hội không sáng chế ra tín lý của mình mà chỉ là người giải thích và gìn giữ nó. Với những ai đòi duyệt lại các tảng đá góc của Ðức Tin để biến nó thành thích ứng với thời đại, Giáo Hội chỉ có thể trả lời: "Non possumus!" (Chúng tôi không thể!)
Ngài nói tiếp: "Ðức Hồng Y Muller bênh vực sợi dây nối kết bất di bất dịch giữa sự thật và thực hành. Tín lý sẽ trở thành trừu tượng và thực hành sẽ trở thành võ đoán khi Giáo Hội 'chấm dứt mùa chiết khấu (discount)'". Lòng thương xót không thể là dụng cụ để giải quyết các khó khăn tùy thuộc (contingent): cha mẹ quan tâm tới việc giáo dục, ngay cả đôi khi buộc phải nói những điều có khi xem ra không vừa lòng con cái.
Ðức Cha Melina kết luân: Thượng Hội Ðồng sẽ còn kéo dài một năm nữa, và Ðức Hồng Y Muller sẽ là "chiếc la bàn được thừa nhận không mất hướng trong một tư duy yếu đuối".
Ðức Cha Luigi Negri thì mô tả cuốn sách của Ðức Hồng Y Muller là "khuyến khích tư duy và có tầm quan trọng đối với tương lai". Ngài nói: "Cuộc khủng hoảng của thời ta trùng hợp với cuộc khủng hoảng của gia đình, một cuộc khủng hoảng nói lên cuộc khủng hoảng của con người: một cuộc phân mảnh sự sống không thương tiếc trong bối cảnh dư luận trái ngược nhau. Cam kết của con người chống lại bản năng của họ đang thất bại; thực tại bị giản lược thành một loạt những đối tượng bị thao túng tùy theo các qui luật có tính kỹ thuật, trong khi cảm thức mầu nhiệm bị biến mất".
Ngài trích dẫn triết gia Jacques Maritain. Theo triết gia này, "thời hiện đại là cuộc đấu tranh ý thức hệ, không hề được động viên, giữa lý trí và mầu nhiệm". Ngày nay, theo ngài, điều "mới lạ" dựa trên một ý niệm đã thất bại, dựa trên cuộc cách mạng nhân học, sau khi tự chứng tỏ là thiếu nhất quán, đã không thể được coi là dụng cụ của canh tân. Trong cuốn sách của Ðức Hồng Y Muller, kinh nghiệm hôn nhân dựa trên tình yêu nhân bản và trên tính "nhưng không" chứ không trên tính "tiện lợi".
Ðức Cha Negri kết luận: "Mầm sự sống mới phải được giáo dục trên căn bản Ðức Tin theo tư tưởng của Thiên Chúa, chứ không theo tư tưởng của thế gian. Tương lai là của ta bao lâu ta có khả năng đọc được ơn gọi Kitô Giáo trong sự sâu sắc của nó".
Kết thúc cuộc hội nghị bàn tròn, Viện Trưởng UER, Linh Mục Luca Gallizia, L.C., nói rằng: "[Ðây là] một suy tư sẽ còn tiếp diễn trọn một năm nữa, trong khi nhiệm vụ hàng đầu của ta là cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội.
Một cố gắng giáo dục
Nữ tu Mary Ann Walsh, cựu giám đốc thông tin liên lạc của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, thì cho rằng Thượng Hội Ðồng là một cố gắng giáo dục tương tự như cố gắng của Công Ðồng Vatican II. Nó cũng là bước tiến đáng kể trong cố gắng của Giáo Hội nhằm truyền bá xa rộng Tin Mừng.
Bà kể ra khá nhiều điểm tích cực của Thượng Hội Ðồng Ðặc Biệt lần này:
* Thượng Hội Ðồng năm 2014 nâng cao đối thoại: những lời thì thầm về người ly dị tái hôn đã trở hành tiếng nói to.
* Giáo Hội nhìn nhận có thể có giải pháp mục vụ cho những nan đề đã có lâu nay: không gì chữa trị tốt hơn bằng không khí tươi mát.
* Có chứng minh đầy đủ rằng tín lý không chết: nhưng chỉ có cái chết mới không thay đổi; cái sống thì có thể thay đổi. Bao lâu tín lý còn giải quyết thực tại hiện nay, nó còn chứng tỏ mình đang sống...
* Nó làm nổi bật sự kiện này: Giáo Hội đưa ra nhiều khả thể cho việc đương đầu với các hoàn cảnh có vấn đề; không thích hợp với chính dòng không có nghĩa không thích hợp chút nào.
* Tường thuật của truyền thông khiến nhiều người tham gia. Khi tờ New York Times góp phần vào các cuộc bàn luận thông minh về giáo huấn Giáo Hội thì đây là một tiến bộ.
* Cơ cấu Thượng Hội Ðồng năm 2014 cho phép các cuộc bàn luận đời thực về các vấn đề nhức óc đi vào các tầng cao của Giáo Hội trong khi các giáo dân chứng thực bằng kinh nghiệm sống của họ. Việc các thực tại hôn nhân bước vào tầng tĩnh quyển của các bàn luận ở Vatican là một đóng góp vào việc phúc âm hóa, lớn hơn bất cứ thư mục vụ nào.
Bà hy vọng Thượng Hội Ðồng năm 2014 đặt cơ sở cho các thảo luận sâu sắc hơn. Có lẽ nên vượt quá "các người Công Giáo chuyên nghiệp" để tham khảo các giáo dân bình thường nhiều hơn, "những người [vừa ngồi trong các hàng ghế nhà thờ, vừa] phấn đấu giữ cho các đồ chơi không kêu cót két trong lúc có Thánh Lễ".
Năm điều đã làm
Linh mục James Martin, Dòng Tên, mô phỏng nữ tu Walsh, cũng liệt kê năm điều Thượng Hội Ðồng năm 2014 đã làm:
- Thứ nhất: đối thoại. Thượng Hội Ðồng lần này quả là một thượng hội đồng đích thực: đối thoại thực sự, như nhận định của Ðức Hồng Y Christoph Schoenborn. Ðiều này nhờ Ðức Phanxicô, ngay từ đầu Thượng Hội Ðồng, đã khuyến khích các nghị phụ nói tự do, bộc trực (parresia).
- Thứ hai: phân rẽ rõ ràng giữa khuynh hướng tập chú vào tín lý và khuynh hướng tập chú vào lòng thương xót. Nhưng hai khuynh hướng này thực ra bổ túc cho nhau, chứ không cạnh tranh với nhau. Linh mục Martin cho biết thoạt đầu ngài rất ái ngại đối với sự phân rẽ này, nhưng nó là hậu quả tất nhiên từ lời mời cởi mở của Ðức Phanxicô.
- Thứ ba: trong sáng. Họp báo linh động hàng ngày, các giám mục đưa ra các nhận định rất bộc trực (Ðức Hồng Y Napier gọi phúc trình giữa khóa là "vô phương cứu chữa"), công bố phúc trình giữa khóa, cả phúc trình của các nhóm, nhất là phúc trình sau cùng kèm theo số phiếu.
- Thứ bốn: về đồng tính. Trước Thượng Hội Ðồng, vấn đề đề này đã được nêu ra, nhưng nhiều người cho rằng các nghị phụ sẽ không bàn tới, nhưng sau khi nghe ông bà Pirola của Sydney nói tới đứa con trai đồng tính của người bạn được chào đón về nhà cùng người bạn đời cũng con trai của anh ta, dù cha mẹ anh biết rõ và tôn trọng giáo huấn của Giáo Hội, vấn đề này trở thành đề tài nóng bỏng tại Thượng Hội Ðồng. Linh mục Martin cho rằng dù có nhiều diễn biến tại Thượng Hội Ðồng, vấn đề này cũng chính thức trở thành đề tài tranh luận trong Giáo Hội. Ðiều đáng chú ý: dù các đoạn nói về vấn đề này không được Thượng Hội Ðồng thông qua với đa số 2 phần 3 số phiếu, nhưng theo lệnh của Ðức Phanxicô, vẫn không bị gạch khỏi Relatio Synodi (Bản Tường Trình Của Thượng Hội Ðồng) và vẫn được phổ biến công khai cùng với số phiếu.
- Thứ năm: bước đầu. Dù gì, Thượng Hội Ðồng này cũng chỉ là giai đoạn khởi đầu. Sau đó, Giáo Hội hoàn vũ sẽ tiếp tục suy tư về các vấn đề đã được nêu ra cho tới Thượng Hội Ðồng thường lệ vào tháng Mười năm 2015. Từ nay tới đó, còn có "Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Ðình Thế Giới" tại Philadelphia, chắc chắn có sự hiện diện của Ðức Phanxicô... Và điều quan trọng hơn cả là tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng của Ðức Phanxicô. Linh mục Martin nhận định như sau: "khi đọc lại các văn kiện của Công Ðồng Vatican II, tôi không quan tâm tới việc Ðức Hồng Y Ottaviani hay Ðức Hồng Y Bea nói gì vào lúc ấy, mà chỉ quan tâm tới sản phẩm cuối cùng".
Một diễn trình thệ phản?
Ðức Cha Thomas Tobin của giáo phận Providence, Rhode Island, dường như không nghĩ như thế. Ngài tỏ ra lo ngại đối với diễn trình thảo luận tại Thượng Hội Ðồng.
Trước nhất, ngài cho rằng "không phải là một ý niệm tốt khi cho công bố bản tường trình 'mới nướng nửa vời' về các cuộc thảo luận bộc trực đối với các chủ đề nhậy cảm, nhất là vì ta biết rằng truyền thông thế tục sẽ đánh cướp các cuộc thảo luận sơ khởi để phục vụ các nghị trình riêng của họ".
Ngài nói rằng rất khó có thể duy trì tính tinh ròng về tín lý mà vẫn đáp ứng được các nhu cầu có tính cảm nghiệm, bản thân và khó khăn của các cặp vợ chồng và gia đình".
Ngài không đồng ý với quan điểm cho rằng Giáo Hội phải "phù hợp" (accommodate) với các nhu cầu thời đại. Vì làm như thế, "Giáo Hội liều mình đánh mất tiếng nói can đảm, phản văn hoá [đương đại], có tính tiên tri của mình, một tiếng nói thế giới đang cần được nghe".
Ngài ủng hộ quan điểm của Ðức Hồng Y Raymond Burke, gọi Ðức Hồng Y là "phát ngôn viên có nguyên tắc, ăn nói rành mạch và không hề sợ hãi của giáo huấn Giáo Hội".
Ngài cũng cho rằng ý niệm để bộ phận đại diện Giáo Hội bỏ phiếu về các áp dụng tín lý và các giải pháp mục vụ làm tôi ngỡ ngàng, vì nó giống như phương thức Thệ Phản".
Tưởng cũng nên biết: trước đó, Ðức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia, nơi sẽ diễn ra Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Ðình Thế Giới vào năm 2015, 1 tháng trước Thượng Hội Ðồng thường lệ về gia đình, cũng cho rằng ngài "hết sức bối rối" vì cuộc tranh luận tại Thượng Hội Ðồng về giáo huấn của Giáo Hội liên quan người đồng tính, bởi nó gửi đi một sứ điệp hỗn độn, mà "hỗn độn vốn là của ma quỉ".
Khác với các Thượng Hội Ðồng trước đây
Theo đài phát thanh Vatican, trong một cuộc phỏng vấn dài với Ðài, Cha Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh cho hay: "tôi nghĩ đây là một trải nghiệm thực sự đặc biệt, và rất khác với trải nghiệm của các Thượng Hội Ðồng trước"; không tự đóng mình vào chính mình mà là một hành trình biện phân lâu dài và sâu sắc của cả Giáo Hội như một cộng đồng đang tiến bước; bàn tới không những các vấn đề tín lý mà cả mối tương quan giữa tín lý và thực hành mục vụ.
Có thể so sánh nó với Công Ðồng Vatican II. Tại Công Ðồng này, Ðức Gioan XXIII mời gọi Giáo Hội hoàn vũ nhập cuộc hành trình sự sống trong mọi chiều kích của nó. Tại Thượng Hội Ðồng Ðặc Biệt, Ðức Phanxicô mời gọi Giáo Hội nhập cuộc hành trình đặc thù hơn tức cuộc hành trình gia đình. Ðây là một cuộc hành trình không đơn giản, có liên hệ tới mọi người và đòi một suy nghĩ sâu sắc, có hệ thống về các vấn đề tín lý và thực tiễn.
Cha nhận định rất hay về tác phong của Ðức Phanxicô tại Thượng Hội Ðồng: Lên tiếng lúc khai mạc, sau đó, im lặng ngồi nghe, để các nghị phụ được tự do phát biểu. Tác phong này "được đánh giá cao và được hữu hiệu phản ảnh trong tính năng động tại Thượng Hội Ðồng". Chỉ tới lúc kết thúc, ngài mới tái can thiệp, để "kéo lại với nhau các sợi chỉ của trải nghiệm thiêng liêng tại Thượng Hội Ðồng [biến chúng] thành một biến cố Giáo Hội và thiêng liêng". Không có bài diễn văn sau cùng của ngài và cả bài giảng Thánh Lễ bế mạc, "Thượng Hội Ðồng vẫn chưa hoàn tất, và không được hiểu bằng chìa khóa đức tin từng thực sự linh hứng và động lực hóa nó".
Cha bênh vực việc cho công bố bản tường trình giữa khóa, cho rằng đây là thủ tục thông thường của Thượng Hội Ðồng. Việc công bố này góp phần vào "năng động tính rất thâm hậu trong suy nghĩ và truyền đạt". Việc cho công bố phúc trình của các nhóm nhỏ cũng là "điều cần thiết và tự nhiên xét về luận lý", phản ảnh tính trong sáng của việc truyền thông tại Thượng Hội Ðồng. Cha nhìn nhận có sự tường trình không quân bình của báo giới, vì quá chú trọng tới việc rước lễ của các người ly dị tái hôn hay tới các người đồng tính, nhưng nhờ các cố gắng của Giáo Hội, những người thiện chí đã thực sự hiểu được diễn tiến của Thượng Hội Ðồng và tham dự tích cực hơn.
Quan điểm của đại diện anh em
Cũng theo Ðài Phát Thanh Vatican, Valérie Duval Poujol, đại diện Liên Minh Baptist Thế Giới tham dự Thượng Hội Ðồng, người xuất thân từ một gia đình hỗn hợp gồm cả Công Giáo lẫn Baptist, hiện là giáo sư tại Học Viện Công Giáo Paris, thì cho rằng: "Tôi có ấn tượng mạnh bởi phẩm chất tốt trong các trao đổi giữa các nghị phụ Thượng Hội Ðồng: đôi khi người ta có viễn kiến xa vời và lạnh lùng về Giáo Hội, nhưng ở đây tôi thực sự cảm thấy tình thương cảm tận trái tim các mục tử...
"Thượng Hội Ðồng là về việc [biết] rằng ta có một số khó khăn và ta cố cùng nhau suy nghĩ về cách hay nhất để nói về Tin Mừng cho người thuộc thế hệ của ta...
"Ðiều ta chia sẻ chung với nhau giữa người Baptist và người Công Giáo là quan tâm chung đối với việc truyền giáo, người Baptist chúng tôi thực sự là một Giáo Hội truyền giáo và chúng tôi mạnh mẽ cảm thấy rằng đây cũng là ước mong của các nghị phụ Thượng Hội Ðồng, nên ta phải khuyến khích nhau trong sứ mệnh chung...
"Căn bản chung của ta là Thánh Kinh và tôi rất được các nghị phụ Công Ðồng gây xúc động vì các ngài trích dẫn Thánh Kinh trong các bài nói và đó là gia tài chung của ta. Càng đào sâu Thánh Kinh với nhau và càng nối kết với Chúa Giêsu Kitô, ta càng nên giống Người hơn và càng xích lại gần nhau hơn và trở thành các nhà truyền giáo hay chứng nhân cho thế giới..."
Vũ Văn An