Ðức Thánh Cha Phanxicô

khánh thành tượng Ðức Bênêđictô XVI

tại trụ sở Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô khánh thành tượng Ðức Bênêđictô XVI tại trụ sở Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học.

Roma (WHÐ 28-10-2014) - Sáng 27 tháng 10 năm 2014, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khánh thành bức tượng bán thân Ðức Bênêđictô XVI đặt tại trụ sở Casina Pio IV, đồng thời tham dự cuộc họp khoáng đại của Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học, diễn ra tại trụ sở của Viện hàn lâm này.

Phát biểu khánh thành bức tượng, Ðức Thánh Cha Phanxicô mô tả Ðức Bênêđictô XVI là "Một vị giáo hoàng vĩ đại. Vĩ đại về tầm vóc trí tuệ, về sự đóng góp quan trọng cho nền thần học, về tình yêu dành cho Hội Thánh và con người, về nhân đức và lòng sùng mộ". Ðức Thánh Cha nhắc lại chính Ðức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng đầu tiên mời vị chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học tham dự Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc âm hóa, vì "ngài thấy rõ tầm quan trọng của khoa học trong nền văn hóa hiện đại".

Tham dự cuộc họp khoáng đại của Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học, Ðức Thánh Cha không đi vào vấn đề phức tạp của sự tiến hóa tự nhiên, chủ đề của cuộc họp, nhưng nhấn mạnh: "Thiên Chúa và Ðức Kitô đồng hành với chúng ta và hiện diện trong tự nhiên".

Ðức Thánh Cha quảng diễn: "Ðọc sách Sáng thế về việc Chúa tạo dựng, chúng ta có nguy cơ hình dung Thiên Chúa như một người có phép thần thông, với chiếc đũa thần có thể làm ra mọi sự. Không phải vậy. Chúa dựng nên các sinh linh và cho phép chúng phát triển theo những định luật nội tại được Ngài phú bẩm, để chúng phát triển và đạt đến mức viên mãn của sự sống. Chúa ban cho các sinh linh trong Vũ trụ được tự trị, đồng thời bảo đảm sự hiện diện không ngừng của Ngài nơi sự tự trị này, và ban sự hiện hữu cho từng thực tại. Vì thế, việc tạo dựng được tiếp tục qua các thế kỷ, thiên niên kỷ, cho đến những gì chúng ta ngày nay biết đến, chính vì Thiên Chúa không phài là một vị thần chế tác hoặc có phép thần thông, mà là Ðấng Tạo hóa ban cho mọi sự được hiện hữu. Sự khởi đầu của thế giới không phải là công việc của sự hỗn mang có nguồn gốc từ nơi khác, nhưng phát xuất trực tiếp từ Nguyên ủy Tối cao tạo dựng từ tình yêu. Vụ nổ Big Bang, hiện được coi là phát sinh thế giới, không mâu thuẫn với hành động tạo dựng của Thiên Chúa, nhưng đúng hơn, gồm trong hành động tạo dựng đó. Sự tiến hóa trong tự nhiên không tương phản với ý niệm về Sáng thế, vì sự tiến hóa đã giả định có sự tạo dựng chính các sinh thể đang tiến hóa".

Ðức Thánh Cha nói tiếp: "Trái lại, đối với con người, lại có sự thay đổi và một cái gì đó mới mẻ. Theo trần thuật trong sách Sáng thế, vào ngày thứ sáu, con người được dựng nên, Chúa ban cho con người một sự tự trị khác, sự tự trị khác với sự tự trị của tự nhiên, đó là tự do. Chúa bảo con người đặt tên cho mọi loài và tiến bước suốt dòng lịch sử. Ðiều này khiến con người có trách nhiệm đối với việc tạo dựng, do đó con người phải cai quản mọi tạo vật nhằm phát triển tạo vật đến tận thế. Vì vậy, nhà khoa học, trước hết là các nhà khoa học Kitô giáo, phải tiếp nhận cách tiếp cận đặt vấn đề liên quan đến tương lai nhân loại và trái đất...".

Kết thúc bài phát biểu, Ðức Thánh Cha lưu ý các nhà khoa học: "Khi tự do trở thành tự trị, nghĩa là không phải tự do mà chỉ là tự trị, sẽ hủy diệt việc tạo dựng và con người chiếm vị trí của Thiên Chúa. Ðiều đó chinh là một tội trọng, chống lại Thiên Chúa, Ðấng dựng nên muôn loài".

 

Thành Thi

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page