Ðức Phanxicô tiếp
Qũy Ánh Sáng Phương Ðông Hoa Kỳ
Chuẩn bị chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ, Ðức Phanxicô tiếp Qũy Ánh Sáng Phương Ðông Hoa Kỳ.
Roma (VietCatholic News 24-10-2014) - Trái với lối suy luận chính trị của truyền thông thế tục, trong chuyến viếng Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới, Ðức Phanxicô không quan tâm nhiều tới việc có tới biên giới của nước này với Syria hay không. Mục tiêu hàng đầu của ngài, như mọi người đều biết, là gặp Thượng Phụ Ðại Kết Bartôlômêô, dĩ nhiên, để hai Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống như một toàn thể xích lại gần nhau hơn.
Tất nhiên gần nhau hơn vì cùng nhau gần Chúa Kitô và thánh ý Người hơn. Muốn thế, phải canh tân nội tâm. Chính vì thế, nhân dịp tiếp Qũy Ánh Sáng Phương Ðông Hoa Kỳ tới viếng thăm Vatican sáng 24 tháng Mười năm 2014, Ðức Phanxicô nói rằng "mọi cuộc hành hương của Kitô hữu đều không phải chỉ là một cuộc hành hương theo nghĩa địa dư, mà còn là, và trước hết là một cơ hội để bước theo con đường canh tân nội tâm dẫn ta tới gần Chúa Kitô, Chúa chúng ta, hơn".
Qũy Ánh Sáng Phương Ðông Hoa Kỳ phục vụ các Kitô hữu Phương Ðông hiện sống xa các Giáo Hội mẹ của họ, và hoạt động cho việc hợp nhất Kitô Giáo.
Ðức Giáo Hoàng cho họ hay: "các chiều kích này là điều tuyệt đối chủ yếu để tiến bước trên con đường đưa ta tới hòa giải và hiệp thông trọn vẹn giữa mọi tín hữu của Chúa Kitô. Sẽ không có đối thoại liên tôn thực sự nếu ta không cởi mở đối với việc canh tân nội tâm và tìm cách trung thành hơn với Chúa Kitô và thánh ý Người".
Ðược biết các khách hành hương này rất tôn kính hai vị thánh vừa được tôn phong là Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ðức Phanxicô rất vui và cho rằng: "quyết định này nhấn mạnh tới sự đóng góp lớn lao của các ngài vào việc phát triển các mối liên hệ mỗi ngày một gần hơn nữa giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Giáo".
Ngài nói thêm: "gương sáng của hai vị thánh này chắc chắn làm tất cả chúng ta phong phú thêm vì các ngài luôn làm chứng cho lòng say mê nồng nàn đối với việc hợp nhất Kitô Giáo".
Như thường lệ, Ðức Phanxicô yêu cầu mọi người hiện diện cầu nguyện cho ngài; ngài cho biết lời cầu nguyện này "cùng với sự chuyển cầu của hai vị thánh tiền nhiệm của tôi" nên được hướng về việc giúp ngài "thi hành thừa tác vụ Giám Mục Rôma để phục vụ sự hiệp thông và sự hợp nhất của Giáo Hội, tuân theo thánh ý Chúa trong mọi sự".
Nhân nhắc tới cuộc gặp gỡ Thượng Phụ Ðại Kết Bartôlômêô ở Finar, Thổ NHĩ Kỳ, sắp tới của đoàn, Ðức Phanxicô cho biết ngài cũng sắp sửa gặp Thượng Phụ Ðại Kết, và yêu cầu những người có mặt "chuyển lời chào thân ái và huynh đệ của tôi tới Thượng Phụ, như chứng từ cho lòng âu yếm và qúy mến của tôi".
Bài diễn văn của Ðức Phanxicô
Sau đây là Bản dịch Việt ngữ toàn văn bài nói của Ðức Phanxicô với Qũy Ánh Sáng Phương Ðông Hoa Kỳ do Ðức Tổng Giám Mục Kallistos của Diokleia hướng dẫn:
Anh em qúy mến trong Chúa Kitô,
Tôi âu yếm đón chào mọi người tham dự cuộc hành hương đại kết do Qũy Ánh Sáng Phương Ðông cổ vũ và dưới sự lãnh đạo của Ðức Tổng Giám Mục Kallistos của Diokleia, một cuộc hành hương dừng lại ở Rôma trong mấy ngày này. Xin cám ơn sự hiện diện của qúy anh em.
Mọi cuộc hành hương của Kitô hữu đều không phải chỉ là một cuộc hành hương theo nghĩa địa dư, nhưng trên hết là dịp cho một hành trình canh tân nội tâm, mỗi ngày mỗi tiến tới gần Chúa Kitô hơn "Ðấng đi tiên phong và hoàn thiện đức tin của ta" (Thư Do Thái 12:2). Các chiều kích này là điều chủ yếu để ta tiến bước trên con đường đưa tới hòa giải và hiệp thông trọn vẹn giữa các tín hữu của Chúa Kitô.
Sẽ không có đối thoại đại kết chân thực nếu không có thiên hướng canh tân nội tâm và tìm cách trung thành hơn với Chúa Kitô và thánh ý Người.
Tôi sung sướng được biết rằng trong cuộc hành hương của qúy anh em, qúy anh em đã quyết định tưởng niệm hai Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, những vị giáo hoàng đã được tôn phong hiển thánh hồi tháng Tư vừa qua. Quyết định này nhấn mạnh tới sự đóng góp lớn lao của hai vị vào việc phát triển các mối liên hệ mỗi ngày một gần gũi hơn giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Giáo. Gương sáng của hai vị thánh này chắc chắn rọi sáng cho mọi người chúng ta, vì các vị luôn làm chứng cho lòng say mê nồng nàn đối với việc hợp nhất các Kitô hữu, phát sinh từ việc ngoan ngoãn lắng nghe thánh ý Chúa, Ðấng, trong bữa Tiệc Ly, đã cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ của Người "nên một" (Ga 17:21).
Trong số những điều đáng nhắc lại..., tôi chỉ muốn nhắc tới việc Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, vào lúc ấy, đã công bố việc triệu tập Công Ðồng Vatican II. Ngài cho rằng việc hợp nhất Kitô Giáo thực sự là một trong các mục tiêu. Còn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì đáng chú ý ở chỗ đã thúc đẩy Giáo Hội Công Giáo dấn thân vào con đường đại kết bằng Thông Ðiệp "Ut Unum Sint." Qúy anh em quí yêu, trong cuộc hành hương Rôma của qúy anh em, tôi muốn xin qúy anh em cầu nguyện cho tôi, để, với sự chuyển cầu của hai vị thánh này, vốn là những vị tiền nhiệm của tôi, tôi có khả năng thi hành thừa tác vụ Giám Mục Rôma của tôi để phục vụ sự hiệp thông và sự hợp nhất của Giáo Hội, tuân theo thánh ý Chúa trong mọi sự.
Trong mấy ngày sắp tới, cuộc hành hương của qúy anh em sẽ dừng lại ở Finar, nơi qúy anh em sẽ gặp Thượng Phụ Ðại Kết, Ðức Bartôlômêô I. Tôi xin qúy anh em chuyển lời chào thân ái và huynh đệ của tôi tới ngài, cùng với lời bảo đảm âu yếm và qúy mến của tôi. Như qúy anh em đã biết, tôi cũng đang chuẩn bị thực hiện chuyến viếng thăm Thượng Phụ Ðại Kết vào tháng Mười Một tới này, nhân dịp lễ Thánh Tông Ðồ André, để đáp lại lời mời tốt đẹp của Ðức Bartôlômêô I. Cuộc thăm viếng của Giám Mục Rôma tại Tòa Thượng Phụ Ðại Kết và cuộc gặp gỡ mới giữa Thượng Phụ Bartôlômêô và bản thân tôi sẽ là các dấu hiệu của sợi dây nối kết sâu sắc từng kết hợp hai Tòa Rôma và Constantinople và ý muốn, trong yêu thương và sự thật, nhất định vượt qua mọi trở ngại vẫn còn phân cách chúng ta.
Ước mong qúy anh em tiếp tục cuộc hành hương tốt đẹp với thật nhiều ơn phúc thiêng liêng, tôi xin qúy anh em cầu nguyện cho tôi và từ đáy lòng, tôi xin chúc lành cho qúy anh em.
Kitô hữu được kêu gọi xây dựng sự hợp nhất của Giáo Hội
Trong thánh lễ buổi sáng cùng ngày tại Nhà Thánh Mácta, Ðức Phanxicô cũng đã đề cập tới ơn gọi xây dựng sự hợp nhất của Giáo Hội.
Ðức Thánh Cha suy niệm về bài đọc thứ nhất, trong đó, Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu Êphêsô "gìn giữ sự hợp nhất tinh thần nhờ sợi dây hòa bình".
Nhắc lại hình ảnh Thánh Phaolô ví Giáo Hội như những viên đá sống động, Ðức Phanxicô nhấn mạnh rằng là Kitô hữu, chúng ta cũng có nhiệm vụ "xây dựng sự hợp nhất của Giáo Hội". Ngài giải thích: "khi xây dựng một đền thờ hay một toà nhà, điều đầu tiên người ta làm là tìm miếng đất thích hợp. Rồi họ đặt viên đá góc, Thánh Kinh bảo thế. Và viên Ðá góc của sự hợp nhất Giáo Hội, hay đúng hơn, viên đá góc của Giáo Hội, chính là Chúa Giêsu và viên đá góc của sự hợp nhất Giáo Hội chính là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở Bữa Tiệc Ly: 'Lạy Cha, xin cho chúng nên một'. Và đó chính là sức mạnh của viên đá ấy!
Ngài tiếp tục nói rằng chỉ nhờ ơn thánh của Chúa Thánh Thần, ta mới có thể xây dựng được sự hợp nhất trên. Chúa Thánh Thần làm điều này "trong tính đa dạng của các quốc gia, văn hóa và dân tộc".
Khi suy niệm về lời khuyên của Thánh Phaolô muốn ta trở nên các viên gạch yếu ớt, Ðức Phanxicô nhận định rằng dưới con mắt thế gian, đây là lời khuyên của kẻ yếu đuối. Nhưng ngài bảo: "khiêm nhường, nhã nhặn, quảng đại: tất cả đều là những điều yếu ớt, vì người khiêm nhường dường như chẳng tốt cho ai cả; nhã nhặn, nhu mì dường như vô dụng; quảng đại, cởi mở với mọi người, có tấm lòng vĩ đại. Càng yếu ớt với những nhân đức khiêm nhường, quảng đại, nhã nhặn, nhu mì, ta càng trở nên mạnh mẽ hơn như những tảng đá trong Ðền Thờ này".
Ðức Thánh Cha kêu gọi tín hữu theo con đường của Chúa Giêsu, Ðấng chỉ "trở nên mạnh mẽ" sau khi trở thành yếu ớt và chết trên Thập Giá.
Ðể kết luận bài giảng của ngài, Ðức Phanxicô khuyến khích mọi người hiện diện giữ vững "niềm hy vọng của cuộc hành trình hướng về Chúa" và "niềm hy vọng của việc sống trong một Giáo Hội sống động được xây bằng những viên đá sống động".
Ngài nói: "Ta vốn được kêu gọi tiến tới một niềm hy vọng lớn lao. Ta hãy tiến tới đó! Nhưng với sức mạnh mà lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho hợp nhất đem lại cho ta; với sự vâng lời Chúa Thánh Thần, Ðấng có khả năng biến các viên gạch thành những viên đá sống động; và với niềm hy vọng sẽ tìm thấy Chúa, Ðấng đã kêu gọi ta, để gặp Người ở thời viên mãn".
Vũ Văn An