Ðức Giáo Hoàng nghiêm khắc lên án

việc bách hại Kitô hữu Trung Ðông

 

Ðức Giáo Hoàng nghiêm khắc lên án việc bách hại Kitô hữu Trung Ðông.

Roma (VietCatholic News 20-10-2014) - Theo tin Ðài Vatican, sáng thứ hai 20 tháng 10 năm 2014, Ðức Phanxicô đã triệu tập một mật nghị hội Hồng Y tại Vatican. Thoạt đầu mục đích mât nghị hội này chỉ là để bàn một số án phong thánh, trong đó có án phong thánh cho vị tông đồ người bản xứ Sri Lanka, chân phúc Joseph Vaz, nhưng sau đó, Ðức Phanxicô đã nới rộng nghị trình để bàn về cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn tại Trung Ðông.

Sau cuộc họp buổi sáng, các vị tham dự, trong đó có các thượng phụ các Giáo Hội Công Giáo Trung Ðông, đã nhân dịp này nói rộng tới các thách đố của các Kitô hữu khắp vùng Trung Ðông, tỏ bày lòng biết ơn đối với sự gần gũi thiêng liêng của Giáo Hội Hoàn Vũ với các cộng đồng đang rất đau khổ của các vị, nhắc lại nhu cầu phải cổ vũ đối thoại, bảo vệ quyền của mọi người bất kể thống thuộc tôn giáo, và tìm các giải pháp biết tôn trọng và đẩy xa thiện ích chung.

Trong lời phát biểu với các vị Hồng Y hiện diện lúc khai mạc phiên họp, Ðức Phanxicô lên án tinh thần dửng dưng xem ra đang rất thịnh hành, biến việc hy sinh con người cho các quyền lợi khác thành điều dĩ nhiên. Ngài nói "tình trạng bất công này đòi cộng đồng quốc tế một đáp ứng thích đáng và lời cầu nguyện liên lỉ của chúng ta". Ngài kết luận bằng cách cho hay: "tôi chắc chắn rằng, với sự phù giúp của Chúa, nhiều suy tư và gợi ý thực đáng giá sẽ xuất hiện, nhằm giúp các anh chị em đang đau khổ của ta, và cũng nhằm đương đầu với bi kịch giảm thiểu sự hiện diện của Kitô hữu tại vùng đất nơi Người sinh hạ và từ đó Kitô hữu đã lan truyền".

Ðỉnh cao của cuộc thảo luận sau đó là bài diễn văn của Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, Pietro Parolin, trong đó, ngài trình bày một cái nhìn tóm tắt cuộc hội họp của các sứ thần Tòa Thánh trong vùng diễn ra hồi đầu tháng Mười năm 2014. Trình bày trong 6 điểm, bài diễn văn nhấn mạnh rằng nói chung và nói riêng đối với các cộng đồng Kitô hữu hiện diện trong vùng, tình hình hiện nay không thể chấp nhận được: "Các nguyên tắc căn bản, như giá trị sự sống con người, nhân phẩm, tự do tôn giáo, và sống chung hòa bình giữa các dân tộc và giữa các cá nhân đang bị đe dọa".

Bài diễn văn của Ðức Hồng Y Parolin mô tả tiếp tình hình tổng quát về chính trị tại khắp Trung Ðông như là cực kỳ phức tạp và đa diện, đặc biệt lưu ý tới nhu cầu khẩn thiết phải đạt cho được một nền hòa bình công chính và lâu dài giữa Israel và Palestine, tới các cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn tại Iraq và Syria (và vai trò của các thế lực khác trong vùng đối với các cuộc khủng hoảng này, nhất là Iran). Chính trong bối cảnh này, Ðức Hồng Y quay qua vấn đề sử dụng sức mạnh để chặn đứng gây hấn và bảo vệ Kitô hữu cũng như các nhóm khác đang là nạn nhân của bách hại. Ðức Hồng Y nói: "Về phương diện này, đã có lời nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng được phép chặn đứng kẻ gây hấn bất chính, tuy nhiên, luôn phải nhất quán với luật pháp quốc tế, như Ðức Thánh Cha đã từng quả quyết".

Ðức Hồng Y nói tiếp "Dù sao, ta cũng đã thấy rõ rằng giải quyết vấn đề không thể phó mặc duy nhất cho phương thức quân sự được". Nói chuyên biệt tới sự đe dọa do cái tự gọi là Nhà Nước Hồi Giáo Trị đặt ra, Ðức Hồng Y Parolin cho hay "Phải lưu ý tới các nguồn nâng đỡ các hoạt động khủng bố qua sự hỗ trợ ít nhiều có tính cách chính trị, cũng như qua việc mua bán dầu hỏa, cung cấp vũ khí và kỹ thuật bất hợp pháp". Sau đó, ngài nhắc lại việc Ðức Thánh Cha lên án việc buôn bán vũ khí và cho rằng "Vào một lúc đặc biệt nghiêm trọng như hiện nay, căn cứ vào con số đang gia tăng các nạn nhân do các tranh chấp đang hoành hành tại Trung Ðông gây ra, cộng đồng quốc tế không thể khép mắt trước nan đề này, một nan đề liên quan tới đạo đức học một cách sâu xa".

Việc các Kitô hữu trốn chạy khỏi vùng này là một tập chú chính nữa trong bài diễn văn của Ðức Hồng Y Parolin; ngài nhắc lại rằng vai trò nền tảng của các Kitô hữu trong vùng là vai trò của "người kiến tạo hòa bình, hoà giải, và phát triển" nhất là qua trường học, viện mồ côi, bệnh viện và nhiều công trình bác ái khác, nhằm phục vụ bất cứ ai và mọi người, bất luận sắc tộc hay tín ngưỡng.

Vai trò của Giáo Hội trong môi trường xã hội và văn hóa phức tạp của Trung Ðông, và nhất là của các quốc gia đa số theo Hồi Giáo, là một điểm tập chú khác nữa. Ðức Hồng Y Parolin tường trình rằng các tham dự viên trong cuộc hội họp của các sứ thần Toà Thánh đã lưu ý một vấn đề căn bản, đó là "có sự thiếu sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước, giữa lãnh vực tôn giáo và lãnh vực dân chính, một cột nối làm cho cuộc sống trở nên khó khăn cho các nhóm thiểu số không theo Hồi Giáo và đặc biệt cho thiểu số Kitô Giáo. Cho nên, điều quan trọng là đóng góp vào các cố gắng để nuôi dưỡng ý niệm phân biệt hai lãnh vực này trong thế giới Hồi Giáo".

Ðức Hồng Y Parolin tiếp đó kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng bất động hay dửng dưng nữa trước tình thế hiện nay. Ngài nói: "Trong trường hợp đặc biệt có những vi phạm và xâm phạm do cái gọi là Nhà Nước Hồi Giáo Trị thực hiện, cộng đồng quốc tế, qua Liên Hiệp Quốc và các cơ cấu đang hiện hữu vì những vụ khẩn trương tương tự, phải hành động để ngăn ngừa những vụ diệt chủng mới có thể có và trợ giúp rất nhiều người tị nạn". Ngài giải thích: "Việc bảo vệ các Kitô hữu và mọi nhóm thiểu số tôn giáo hay sắc tộc khác phải được đặt trong bối cảnh bảo vệ con người và tôn trọng nhân quyền, nhất là những quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm. Trong bất cứ trường hợp nào, nhu cầu phát huy và phát triển ý niệm công dân, làm điểm qui chiếu cho đời sống xã hội, nhằm bảo đảm quyền của các nhóm thiểu số bằng các phương tiện thỏa đáng về pháp chế, đã trở thành hiển nhiên".

Ðức Hồng Y Parolin kết luận bài diễn văn của ngài bằng một lời nhắn nhủ và kêu gọi: Giáo Hội khắp thế giới, và mọi Kitô hữu khắp nơi, có nghĩa vụ phải nâng đỡ anh chị em mình trong Chúa Kitô bằng lời cầu nguyện và mọi phương thế khả hữu, và khích lệ các anh chị em này tiếp tục có mặt một cách có ý nghĩa vì lợi ích của toàn bộ xã hội Trung Ðông. Ngài nói: "Ta không nên quên rằng mọi sự đều tùy thuộc Thiên Chúa và ơn thánh của Người, nhưng ta cần hành động như thể mọi sự tùy thuộc ta, tùy thuộc lời cầu nguyện và tình liên đới của ta. Do đó, tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm việc cho hòa bình trên thế giới, cho việc tiếp tục và phát triển sự hiện diện của các cộng đồng Kitô Giáo tại Trung Ðông và cho thiện ích chung của nhân loại".

Ðức Phanxicô tố cáo nạn khủng bố "trước đây, chưa ai dám nghĩ tới"

Trong mật nghị hội Hồng Y nói trên, Ðức Phanxicô rất buồn về số phận các Kitô hữu tại Trung Ðông, nhất là tại Iraq và Syria. Ngài nói: "Chúng ta không thể nào chịu đựng được khi nghĩ tới Trung Ðông không có sự hiện diện của các Kitô hữu, những người suốt 2,000 năm qua đã tuyên xưng danh Chúa Giêsu".

Ngài nói thêm: "chúng ta đang chứng kiến hiện tượng khủng bố với những chiều kích chưa ai nghĩ tới trước đây. Nhiều anh chị em chúng ta đang bị bách hại và đang bị buộc phải rời nhà cửa một cách tàn ác... Tình thế bất công này đòi cộng đồng quốc tế phải đáp ứng thoả đáng và đòi chúng ta phải cầu nguyện nữa".

Ðức Giáo Hoàng tái khẳng định ước nguyện của Giáo Hội muốn có hòa bình trong vùng và kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra giải pháp cho cuộc tranh chấp qua "đối thoại, hòa giải và cam kết chính trị". Ðồng thời, ngài cho hay: "chúng tôi muốn đem lại sự hỗ trợ lớn nhất có thể cho các cộng đồng Kitô Giáo, để duy trì việc họ ở lại trong vùng".

Trong cuộc họp báo sau đó, Cha Lombardi cho biết trong mật nghị hội, có sự hiện diện của 86 vị Hồng Y, thượng phụ và cấp lãnh đạo của Phủ Quốc Vụ Khanh. Các ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp các cộng đồng Kitô hữu Trung Ðông cơ hội trở về quê quán càng sớm càng tốt bằng cách thực hiện "các vùng an toàn" như tại Bình Nguyên Ninivê.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page