Dùng vệ tinh để kiểm soát

việc tôn trọng các quyền con người

 

Dùng vệ tinh để kiểm soát việc tôn trọng các quyền con người.

Phỏng vấn ông Riccardo Noury, phát ngôn viên tổ chức Ân Xá Quốc Tế phân bộ Italia.

Roma (RG 15-09-2014; Vat. 20-10-2014) - Từ khi các "Nhà nước Hồi giáo" được thành lập tại Irak, Siria và Nigeria các lực lượng thánh chiến Hồi cuồng tín thi hành chín sách khủng bố, tàn sát người dân, thanh lọc tôn giáo giáo và chủng tộc. Tất cả những ai muốn sống phải theo loại Hồi giáo họ áp đặt, kể cả các tín hữu hồi thuộc các hệ phái khác, hay phải trả thuế tôn giáo, chết hoặc ra đi với hai bàn tay trắng, bị tước đoạt hết mọi tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc, vật dụng.

Các lực lượng hồi cuồng tín này trở thành các máy giết người. Họ xử bắn hàng ngàn tù binh và chặt đầu cả phụ nữ, trẻ em và người già một cách vô cùng tàn bạo, không còn một chút nhân tính nào.

Ðiển hình là trường hợp 100 ngàn kitô hữu tỉnh Mossul bên Irak đã bị đuổi ra khỏi nhà có khi ngay ban đêm, và phải bồng bế nhau đi bộ tới thành phố Erbil trong vùng Kurdistan cách xa đó hàng trăm cây số để lánh nạn. Trong các ngày trung tuần tháng 9 năm 2014 lại tới phiên hơn 100 ngàn người Siri phải chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ban đầu chính phủ Thỗ Nhĩ Kỳ cho mở cứa biên giới tiếp nhận họ, nhưng khi thấy số người di cư qúa đông, lại ra lệnh đóng cửa biên giới, khiến cho hàng chục ngàn người bị kẹt lại bên kia biên giới giữa các vùng đồi núi cô quạnh.

Trong lịch sử nhân loại đã chưa bao giờ có đông người di cư tỵ nạn như trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Chỉ trong vòng 6 tháng qua, hải quân Italia đã cứu vớt trong biển Ðịa Trung Hải hơn 100,000 người di cư phát xuất từ Libia trên các con tầu mong manh, dễ bị lật chìm, khi có gió to sóng lớn và vì chở qúa đông người và không tôn trọng luật lệ an ninh nào. Ðã có hàng ngàn người bị chết đuối xác trôi dạt vào bờ biển Tripoli và Italia, hay bị mất tích hoặc làm mồi cho cá mập.

Trong hơn ba năm qua cuộc nội chiến tại Siria và Irak đã khiến cho hàng triệu người phải di tản. Bên Phi châu thì có chiến tranh tai Nam Sudan, Somalia, Cộng hòa Trung Phi. Nam Phi là nơi các lực lượng hồi Boko Haram làm mưa làm gió từ nhiều năm qua và mới đây cũng bắt chước Irak và Siria tuyên bố thành lập Quốc gia hồi giáo, khiến cho hàng trăm ngàn người phải chay trốn sang các nước láng giềng.

Mới nhất là chiến tranh bên Ucraina, vì Nga xua quân xâm lăng Crimea và gửi quân đội, xe tăng và khí giới ủng hộ phong trào ly khai Ucraina. Cuộc chiến đã khiến cho hơn 200 ngàn người phải di cư lánh nạn.

Ngoài ra trong các tháng qua chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas trong dải Gaza cũng khiến cho 200.000 người Palestin phải chạy khỏi các thành phố và làng mạc mạn bắc Gaza, vì các vụ dội bom và pháo kích của không quân và bộ binh Israel. Bao nhiêu công lao hy sinh chắt bóp và mồ hôi nước mắt trong chớp nhoáng biến thành đống gạch vụn đổ nắt và nắm tro tàn. Ðó là chưa kể tới hơn 2,500 người chết và mấy chục ngàn mgười bị thương tích hay tàn phế.

Tại hàng chục nước khác, trong đó có Trung quốc, Bắc Hàn, Việt Nam và Cuba nhà nước vẫn hiên ngang chà đạp nhân quyền, đàn áp các nhóm thiểu số, bỏ tù các thành phần đối lập, sách nhiễu các tôn giáo, đánh đập nhốt giam những người can đảm tranh đấu cho dân chủ và các quyền tự do căn bản của con người.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Riccardo Noury, phát ngôn viên của tổ chức Ân Xá Quốc Tế phân bộ Italia về việc sử dụng vệ tinh để thu thập bằng chứng các vụ vi phạm nhân quyền trên thế giới.

Hỏi: Thưa ông Noury, tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã bắt đầu dùng vệ tinh để theo dõi phát hiện và khám phá ra các vụ vi phạm nhân quyền khi nào?

Ðáp: Từ khoảng 10 năm nay tổ chức An Xá Quốc Tế đã dùng hệ thống kỹ thuật vệ tinh để theo dõi và khám phá ra các vụ vi phạm nhân quyền trong tất cả các trường hợp không thể vào các nước nơi xảy ra các vụ vi phạm ấy, vì chính quyền từ chối cấp chiếu khán nhập cảnh cho các nhân viên Ân Xá Quốc Tế. Thứ hai là có các tình trạng mà từ trên cao người ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng hơn, mà cả các tìm kiếm một cách kỹ lưỡng trên mặt đất cũng khó mà khám phá ra được. Mục đích của các chính quyền là ém nhẹm, không cho trông thấy các vụ vi phạm ấy. Nhưng trái lại từ trên cao chúng tôi có thể trông thấy một cách rất rõ ràng những gì họ đang tìm cách che dấu.

Hỏi: Vậy hệ thống kiểm soát bằng vệ tinh của các ông hoạt động như thế nào?

Ðáp: Ðó là một hệ thống nảy sinh bên Hoa Kỳ và hiện nay dựa trên các hiệp hội nghiên cứu và phân tích Mỹ. Nó đã nảy sinh gần 10 năm trước với một dư án gọi là "Ðể mắt trên vùng Darfur" có mục đích cho thấy từ trên cao hình ảnh của các tàn phá do quân đội Sudan gây ra, các tội phạm chiến tranh và các làng mạc trong loạt hình chụp ban đầu thì hiện hữu, nhưng trong loạt hình chụp hai tháng sau đó thì đã biến mất và chỉ thấy các dấu vết cháy.

Như thế qua việc chụp hình trong hai thời điểm khác nhau người ta có thể so sánh và qua các phân tích chuyên môn có thể biết được điều gì đã xảy ra. Người ta cũng có thể kiểm thực sự hiện diện của các đơn vị quân đội, các súng đại bác, các khí giới và các vũ khí nặng... Hiển nhiên là phải có các nhà quân sự chuyên môn, mà tổ chức Ân Xá Quốc Tế dùng cho mục đích dân sự và nhân đạo, vì họ có thể nhận diện một cách chính xác các loại khí giới, các xe quân sự và những điều khác mà nếu không phóng lớn lên, thì chúng chỉ là các chấm nhỏ xíu thôi.

Hỏi: Theo kiểu này thì qúy vi đã có thể làm gì?

Ðáp: Ðiều mà chúng tôi đã thành công đó là làm cho thế giới biết điều gì đang xảy ra trong một thế giới khách quan: không có chứng tá kể lại hay viết ra, nhưng có một hình ảnh - mà một cách không thể chối cãi được - nó miêu tả điều đang xảy ra. Trong trường hợp của Sudan chúng tôi đã xác nhận cho thế giới biết rằng trong nửa thập niên vừa qua đã có các tội phạm xảy ra và đây là các hình ảnh cho thấy trong toàn vùng này của Darfur không còn sự hiện diên của con người nữa: không còn làng mạc, không có các cơ cấu dân sự, giếng nước, chuồng cho súc vật.... Thế rồi chúng tôi cũng đã thực hiện một cuộc nghiên cứu, dọc dài các năm qua, trong hai dịp liên quan tới Bắc Hàn. Tại Bắc Hàn tỗ chức Ân Xá Quốc Tế đã không thể vào thăm, nhưng các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho biết trong các năm qua trong hai đợt, các trại tù tập trung dành cho những người chống chế độ, cho các tù nhân chính trị, ngày càng gia tăng và được nới rộng và có các chiều kích tương đương với một quốc gia nhỏ, bao gồm các thung lũng, các làmg nạc và có diện tích gia tăng nhiều cây số vuông mỗi năm. Và sau cùng trong tuần đầu tháng 9 năm 2014 chúng tôi đã có sự xác nhận điều đã được kể lại bởi các chứng nhân trong vùng Ðông Ucraina, nghĩa là sự hiện diện của các súng cối và các súng cà nông cũng như xe của quân đội Nga trong vài vùng ở mạn Ðông Ucraina, nhưng nằm sâu trong biên giới Ucraina.

Hỏi: Việc dùng các vệ tinh để thu thập tin tức và bằng chứng, trong qúa khứ đã được nhiều nước sử dụng, trong khuôn khổ các chương trình phòng vệ. Ðiều gì đã thay đổi trong thời gian qua thưa ông?

Ðáp: Ðiều đã thay đổi đó là kỹ thuật này có càc chi phí ít tốn kém hơn; đã thay đổi sự kiện các hãng xưởng bên cạnh nhiệm vụ và cơ cấu loại quân sự, cũng đã mở rộng một phần ống kính và lợi nhuận cho các mục tiêu dân sự. Nghĩa là họ đã cho phép cả các tổ chức phi chính quyền có thể sử dụng kỹ thuật của họ. Do đó tôi cho rằng đây là một tiến bộ quan trọng.

Hỏi: Theo ông thì đâu là xu hướng phát triển của sinh hoạt này. Người ta có thể phổ biến sinh hoạt này trong các hoạt động nhân đạo không?

Ðáp: Nó sẽ không bao giờ thay thế được sự hiện diện tại chỗ, nhất là đối với các tổ chức có một sứ mệnh một cách nền tảng và tuyệt đối nhân đạo. Chắc chắn là người ta không thể tưởng tượng rằng các dân tộc mà người ta phải đạt tới để cung cấp các trợ giúp, có thể được tiếp cận một cách khác. Không thể không hiện diện tại chỗ được! Ðiều mà sự phát triển của các kỹ thuật này có thể cống hiến đó là có thể làm một cuộc tìm kiếm bên cạnh các cuộc điều tra tại chỗ, và có thể làm một cách khác, nhất là trong các quốc gia không cho phép các tổ chức bảo vệ các quyền con người, các tổ chức cứu trợ nhận đạo, các nhà báo, các phóng viên và các nhà nghiên cứu vào để điều tra sự thật và trợ giúp các nạn nhân. Ðây đã là trường hợp của Bắc Hàn. Cho tới khi chúng tôi không dùng kỹ thuật này, thì đã không thể nghiên cứu tình trạng vi phạm nhân quyền tại Bắc Hàn. Ngày nay chúng tôi thành công trong việc thông tin tức cho thế giới biết điều gì đang xảy ra tại Bắc Hàn. Và tôi tin rằng điều này có thể là một đóng góp hiểu biết cho cộng đồng quốc tế, cho Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, giúp đưa ra các quyết định liên quan tới các đòi hỏi cần đề ra đối với chính quyền Bình Nhưỡng.

(RG 15-9-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page