Bài giảng của
Ðức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Ðọc
trong Kinh Phụng vụ Giờ Ba
Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình: Bài giảng của Ðức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Ðọc trong Kinh Phụng vụ Giờ Ba (Phiên họp khoáng đại thứ XIV).
Roma (WHÐ 18-10-2014) - Sáng thứ Bảy 18 tháng 10 năm 2014, Phiên họp khoáng đại thứ XIV của Thượng Hội Ðồng ngoại thường về gia đình đã diễn ra tại Hội trường của Thượng Hội đồng để trình bày bản Tường trình đúc kết Thượng Hội đồng (Relatio Synodi), đồng thời đọc và phê chuẩn bản văn Sứ điệp cuối cùng.
Trong phần cử hành kinh Phụng vụ Giờ Ba, Ðức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Ðọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã có bài giảng ngắn trước Thượng Hội đồng.
Sau đây là bài giảng của Ðức Tổng giám mục Phaolô, đăng trong Công báo Toà Thánh ngày 18 tháng 10 năm 2014:
"Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng, vì Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu rỗi bất cứ ai có lòng tin" (Rm 1,16). Thánh Phaolô không hổ thẹn vì Tin Mừng, vì ngài rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh, một cớ vấp phạm cho người Do Thái và sự điên rồ cho dân ngoại. Chính cớ vấp phạm và sự điên rồ của tình yêu vô biên của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh, Ðấng đã không không bảo vệ lấy mình, nhưng lại để cho người ta giết đi. "Nhưng đối với những người được kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Ðức Kitô là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa" (1 Cr 1,24). Bởi vì sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người (c. 25).
Vấn đề ở đây là đức tin. Chúng ta có tin hay không? Nếu chúng ta tin, thì Tin Mừng là sự cứu rỗi của chúng ta. Chúa Kitô là Hy vọng của chúng ta, và Hy vọng cho tất cả mọi người. Người là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của chúng ta, chịu đóng đinh, bị giết chết, nhưng đã sống lại để chúng ta được nên công chính; Người đang hiện diện giữa chúng ta, đồng hành với chúng ta đi về tận cùng lịch sử. Chúa Kitô là Hy vọng duy nhất cho cuộc sống gia đình của con người hôm nay và ngày mai.
Tin Mừng là sự cứu rỗi cho mọi người tin tưởng. Vì sự Công chính của Thiên Chúa được biểu nộ nơi đó, nhất là Tình yêu, lòng Thương xót, sự Tha thứ. Người tín hữu tham dự vào sự Công chính của Thiên Chúa, Tình yêu của Người, lòng Thương xót của Người; họ sống bằng sự sống của Thiên Chúa, nhờ đức tin. Ðời sống đức tin là một hành trình từ đức tin đến đức tin, từ ân sủng đến ân sủng dồi dào hơn của Thiên Chúa, nhờ Ðức Kitô.
Ân sủng này là Thần Linh của Thiên Chúa, là Gió thổi, là Hơi thở sự sống. Tin là "lắng nghe", lắng nghe Tin Mừng, tin vui về Tình yêu Cứu rỗi của Thiên Chúa. Tin Mừng là một câu chuyện, là lời kể về lịch sử Tình yêu Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu Kitô kể cho chúng ta; Chúa Giêsu Kitô là tác giả Sách Tin Mừng cho chúng ta là những người nghèo. Vấn đề là chúng ta có thành tâm tin tưởng vào Chúa Kitô hay không.
Nếu chúng ta tin, chúng ta đón nhận những gì được kể về Tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa hay thương xót vì Người toàn năng. Quyền năng của Thiên Chúa không phải là quyền năng tiêu diệt, nhưng làm cho sống. Thiên Chúa đã dùng quyền năng ấy mà làm cho Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết. Và sự Sống lại của Chúa Kitô là Hy vọng của chúng ta, vì đó là tình yêu chiến thắng cái chết, tha thứ mọi tội lỗi cho những ai đang cần đến. Chúng ta tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, hay tin vào sức mạnh của thế gian? Sức mạnh của thế gian đang phá hủy mọi sự: sự sống, tình yêu, gia đình nhân loại. Trái lại, đời sống đức tin thể hiện nơi một cuộc sống yêu thương, là nguồn mạch niềm vui và hạnh phúc.
Huy Hoàng chuyển ngữ