Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình
có hy vọng Phúc Trình Sau Thảo Luận
sẽ được viết lại
Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình, có hy vọng Phúc Trình Sau Thảo Luận sẽ được viết lại.
Roma (VietCatholic News 16-10-2014) - Thực ra, Phúc Trình Sau Thảo Luận, công bố vào thứ Hai 13 tháng 10 năm 2014, được viết ra nhằm mục đích để các nhóm thảo luận nhỏ tiếp tục bàn luận. Từ các đóng góp của các nhóm này, ủy ban soạn thảo của Thượng Hội Ðồng, hiện gồm 8 thành viên (khởi đầu chỉ có 1, sau thêm 5, và mới đây thêm Ðức Hồng Y Napier của Nam Phi, và Ðức Tổng Giám Mục Hart của Melbourne), sẽ tổng hợp để hoàn thành Bản Tường Trình của Thượng Hội Ðồng (Relatio Synodi). Hiện có nhiều hy vọng, Bản Tường Trình của Thượng Hội Ðồng này sẽ khác với Bản Tường Trình Sau Thảo Luận hiện đang gây nhiều tranh cãi gay gắt.
Dấu hiệu thứ nhất là việc cử nhiệm Ðức Hồng Y Napier, thuộc Nam Phi, vào ban soạn thảo tường trình. Ai cũng biết các phát biểu mới đây của Ðức Hồng Y Kasper về các Giáo Hội Phi Châu cho người ta một cảm giác nặng nề hơn về việc không một đại diện nào của Giáo Hội này ở trong ban soạn thảo cả, khiến cho Bản Tường Trình Sau Thảo Luận có nhiều thiếu sót đáng tiếc, không phản ảnh được các quan điểm đã được phát biểu tại phòng Thượng Hội Ðồng, nhất là các quan điểm của Giáo Hội Phi Châu, một Giáo Hội năng động nhưng bị coi là bảo thủ về tín lý.
Theo John Allen, hai ngày trước đây, Ðức Hồng Y Napier phát biểu tại một cuộc họp báo của Vatican rằng "điều không đúng" là cho rằng toàn thể Thượng Hội Ðồng đứng sau lưng sứ điệp của tài liệu phát hành hôm thứ Hai.
Như một vị Hồng Y ẩn danh cho biết: tại Vatican II, Phi Châu ít lên tiếng. Nay đã khác rồi, họ đã ra khỏi bóng tối và cương quyết làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe, không phải chỉ tại Phi Châu, mà tại Thượng Hội Ðồng, tại bất cứ đâu!
Trước khi có cử nhiệm trên, nhiều người ghi nhận đã có một cuộc đẩy lui của nhiều nghị phụ Thượng Hội Ðồng chống lại Bản Tường Trình Sau Thảo Luận, ngay sau khi nó được công bố. Theo Jimmy Akin, buổi sáng hôm sau, Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng đã vội vã thanh minh bằng cách thừa nhận đã có một hụt hẫng (misstep) lớn và tài liệu đã bị báo chí tường trình không đúng.
Cùng ngày, Sở Thông Tin Vatican (VIS) cho công bố một tường trình về các lời chỉ trích của một số nghị phụ đối với Bản Tường Trình Sau Thảo Luận. Trong có có mấy điểm đáng chú ý sau đây:
* Phải nói nhiều hơn về các gia đình vẫn luôn trung thành với giáo huấn Tin Mừng, cám ơn họ và khuyến khích họ về các chứng tá họ đóng góp.
* Phải nhấn mạnh rằng cuộc hôn nhân bất khả tiêu, hạnh phúc và trung thành là tươi đẹp, là khả hữu và luôn hiện hữu trong xã hội, cho nên phải tránh việc chỉ tập chú gần như duy nhất vào các hoàn cảnh gia đình bất toàn.
* Phải minh giải và thăm dò sâu xa hơn nữa "luật tiệm tiến" hiện đang có nguy cơ bị hiểu lầm.
* Liên quan tới việc cho phép người ly dị và tái hôn dân sự được lãnh nhận các bí tích, có ưu tư cho rằng khó có thể đưa ra ngoại lệ mà các ngoại lệ này không trở thành qui luật thông thường trên thực tế.
* Chữ "tội" gần như vắng bóng trong Bản Tường Trình Sau Thảo Luận. Bản Tường Trình này cần phản ảnh cung giọng tiên tri trong lời lẽ của Chúa Giêsu, để tránh nguy cơ chạy theo não trạng của thế giới ngày nay.
* Chỉ nên chào đón người đồng tính và người dị tính đang sống chung với nhau một cách không khiến người ta có cảm tưởng Giáo Hội đánh giá tích cực việc họ đang làm.
Nói chung thì như thế, nói riêng, thì nhiều nghị phụ đã đích danh lên tiếng phản đối một số khía cạnh của Bản Tường Trình Sau Thảo Luận.
Ðức Hồng Y Raymond Burke: "Có sự lẫn lộn liên quan tới vấn đề những người hiện sống trong các cuộc kết hợp trên thực tế, hay những người bị lôi cuốn đối với người cùng phái đang sống với nhau, và việc giải thích thiếu thỏa đáng của Giáo Hội về các liên hệ này cho những người liên hệ". Ngài nói thêm: "chắc một điều: tôi hy vọng rằng tài liệu này sẽ được hoàn toàn để qua một bên, và sẽ có một cố gắng để trình bày giáo huấn và thực hành mục vụ chân thực của Giáo Hội, hai điều này phải luôn đi đôi với nhau trong tài liệu mới".
Ðức Hồng Y Gerhard Muller: "Bất xứng, đáng xấu hổ" và "hoàn toàn sai lầm". Ðó là nhận định nghiêm khắc của Ðức Hồng Y Gerhard Muller, tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, về cái gọi là "bản tường trình" của Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình.
Ðức Hồng Y Wilfrid Napier: Phản ứng của truyền thông đối với tài liệu, một số gọi bản tường trình là một thay đổi tuyệt vời trong cách tiếp cận của Giáo Hội đối với những người đồng tính, đã tạo nên "một sự bối rối nơi các nghị phụ Thượng Hội Ðồng. Chúng tôi hiện phải làm việc từ một vị thế gần như không thể cứu vãn được nữa... Sứ điệp đã được truyền đi rằng đây là điều công đồng nói, đây là điều Giáo Hội Công Giáo đang nói, nhưng nó không hề là điều chúng tôi đang nói". Ngài thêm: "bất kể chúng tôi có cố gắng sửa lại điều đó ra sao, nhưng đây là kinh nghiệm của tôi với truyền thông: một khi điều đó ra tới tai công chúng, thì không còn cách nào lấy lại nó nữa. Y hệt như qúy bạn, tôi rất ngạc nhiên khi nó được công bố. Qúy bạn (báo giới) có tài liệu trước chúng tôi, nên chúng tôi khó mà đồng ý".
Ðức Hồng Y George Pell nói với tập san Công Giáo The Tablet: Tài liệu này là một "bản tóm lược không đầy đủ" những gì các nghị phụ Thượng Hội Ðồng nói là cần "được nâng cao và được sửa đúng". Ngài thêm rằng sau khi Bản Tường Trình được công bố, 3 phần 4 các tham dự viên tại phòng Thượng Hội Ðồng từng có tham luận đã nêu lên nhiều vấn nạn đối với bản văn. Ngài thêm: "khi tìm cách tỏ lòng từ bi, nhiều người muốn mở rộng giáo huấn Công Giáo về hôn nhân theo hướng hoàn toàn tự do, mà các hoa trái ai trong chúng ta cũng đã thấy nơi các truyền thống Kitô Giáo khác... Ðiều kỳ quái là trong tài liệu ít có nhắc tới giáo huấn Thánh Kinh và giáo huấn huấn quyền về hôn nhân, tính dục, gia đình... Trách nhiệm hiện nay là phải làm an lòng những người Công Giáo thực hành đạo rằng thay đổi tín lý là điều không thể có; là phải thúc giục người ta hít thật sâu, rồi nghỉ và làm việc để ngăn ngừa chia rẽ và cực đoan hóa các phe phái".
Ðức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki: "(nó được viết) như thể quan điểm của thế gian thắng thế và mọi sự bất toàn đều sẽ dẫn tới hoàn hảo", đó là nhận định của vị chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan. Ngài nói tiếp "(trong một cuộc thảo luận về bản tường trình) đã có sự chú ý tới không hẳn những điều tài liệu này nói mà là những gì nó không nói. Nói về các ngoại lệ thực tế, nhưng cũng cần phải trình bày sự thật chứ". Ngài nhấn mạnh rằng lúc nào cũng chỉ tập chú vào lòng thương xót cũng là một vấn đề. "nó tạo cho người ta có cảm tưởng giáo huấn của Giáo Hội là bất nhân xưa nay, như thể giáo huấn về xót thương chỉ mới bắt đầu có từ lúc này".
Ký giả Andrea Gagliarducci thì cho hay đang có lời kêu gọi bản tường trình của Thượng Hội Ðồng phải phản ảnh các quan tâm và đề nghị được nêu ra trong các nhóm nhỏ. Ông thuật lại lời của Ðức Tổng Giám Mục Zbignev Stankevics của Riga, Latvia rằng "Hiện nay, gia đình đang chịu sức tấn công rất mạnh của ý thức hệ. Nhiệm vụ chính của các nghị phụ Thượng Hội Ðồng không phải thực hiện những vụ cởi mở bị định nghĩa một cách nghèo nàn, mà là áp dụng giáo huấn của Giáo Hội, một lần nữa vào tình thế ngày nay". Ngài nói thêm: "chắc chắn chúng ta phải giải quyết các thách đố hiện nay bao nhiêu có thể; nhưng không được đánh mất căn tính Công Giáo của mình, và không được bác bỏ sự thật về hôn nhân".
Như đã tường trình trước đây, theo Ðức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz, một trong các tường trình viên của Thượng Hội Ðồng, từ các cuộc thảo luận nhóm này, đã có ba gợi ý đáng lưu ý: phải nhấn mạnh tới giá trị tích cực của gia đình Kitô Giáo; phải bảo đảm để lời lẽ của Giáo Hội có tính chào đón và đụng tới tâm can người ta; và phải bảo đảm sao cho việc chăm sóc mục vụ phải bắt rễ trong vẻ đẹp của giáo huấn Giáo Hội và giáo huấn Thánh Kinh.
Gagliarducci cũng cho hay: trong một cuộc đàm đạo với hãng tin CNA, một nghị phụ Thượng Hội Ðồng đã cho biết nhóm của ngài đã "căn bản viết lại phần dẫn nhập của bản tường trình, đã cắt bỏ lời trích dẫn về 'hạt giống sự thiện', vì đã trích dẫn sai ngữ cảnh và có thể gây hiểu lầm, và đã yêu cầu rằng phải nhấn mạnh nhiều hơn tới các gương mẫu tích cực của tín hữu".
Ðức Tổng Giám Mục Salvatore Fisichella, chủ tich Hội Ðồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa cho hay nhóm của ngài "cũng thảo luận các chủ đề chưa được thảo luận thích đáng tại phòng Thượng Hội Ðồng". Ngài nói thêm: "chúng tôi đề nghị rằng các diễn trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu phải được miễn phí, vì không bao giờ nên nghe nói là Giáo Hội được trả tiền mới chịu tuyên bố vô hiệu: điều này khiến tín hữu nghĩ án vô hiệu là điều có thể mua được bằng tiền".
Ðức Tổng Giám Mục cũng nhấn mạnh điều này nữa: "(tài liệu) ít chú ý tới các phương pháp kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên: gần như có cả một hình thức tẩy chay việc giáo dục về kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên".
Các vị giám mục Phi Châu cũng nêu ra "những điểm nóng không có" trong bản tường trình giữa khóa. Ðức Cha Nicolas Djomo Lola của Tshumbe, thuộc Cộng Hòa Dân Chủ Congo, liệt kê một trong các điểm nóng đó là "chú ý tới các trẻ em không có gia đình vì chiến tranh".
Khó khăn lắm mới tổng hợp được các đóng góp tại Thượng Hội Ðồng
Theo Nicole Winfield của hãng tin AP, Ðức Hồng Y Timothy Dolan của New York cho rằng quan điểm của Ðức Hồng Y Burke phản ảnh quan điểm "của một số rất đông những người cho hay, rồi, tài liệu này soạn khá dở, cần phải duyệt lại phần lớn. Theo tôi, ngài đúng, ngài đã đứng về phía mà nhiều giám mục, trong đó có tôi, cảm thấy phải viết lại phần lớn bản tường trình này".
Ðức Hồng Y Tổng Tường Trình Viên, Peter Erdo, thì bênh vực bản tường trình nhưng thừa nhận nó có nhiều vấn đề và cho biết nó cần được tu chính. Nói với Ðài Phát Thanh Vatican, ngài cho biết 16 viên chức soạn thảo bản tường trình phải chật vật lắm mới tổng hợp được quan điểm của 30-40 giám mục về bất cứ chủ đề chuyên biệt nào; họ còn phải vội vàng hoàn tất nó đúng thời hạn. Ngài thừa nhận có những trường hợp bản tường trình nói là "nhiều" giám mục đã đưa đề nghị này đề nghị nọ, nhưng thực ra chỉ có "một vài" vị.
Ngài cũng chính thức cho biết chính Ðức Cha Bruno Forte đã viết các phần về đồng tính luyến ái. Vị giáo phẩm này xưa nay có tiếng là người bênh vực người trong các hoàn cảnh bất bình thường dù vẫn trung thành với tín lý Công Giáo.
Ðã đành, Ðức Cha Forte và các thành viên khác trong ban soạn thảo sử dụng được nhiều tài liệu hơn các vị giám mục, vì họ nắm sẵn trong tay tất cả các bản tham luận viết tay được chính các vị giám mục đệ trình trước phiên họp. Tất cả các bản viết đóng góp này đều được đưa vào bản tường trình sau thảo luận, dù chưa được các vị giám mục nói ra trong 4 phút mỗi vị được phép nói. Chính Cha Lombardi cũng nhìn nhận rằng chỉ có một trong số 265 bài tham luận "nói" tại Thượng Hội Ðồng đề cập tới người đồng tính mà thôi.
Tuy nhiên, Winfield cho rằng "không có cách chi biết vị giám mục hay các vị giám mục nào đề nghị những điều này hay phải chăng chúng phản ảnh quan niệm riêng của Ðức Cha Forte".
Vũ Văn An