Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình
phiên họp chung mười hai
Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình: phiên họp chung mười hai.
Roma (VietCatholic News 17-10-2014) - Trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Toàn Thánh chiều ngày 16 tháng Mười năm 2014, Cha Federico Lombardi, Cha Thomas Rosica, và Tổng Giám Mục Vienna, Ðức Hồng Y Christoph Schonborn đã nói tới công việc đang tiếp diễn của Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình.
Cuộc họp báo
Cha Lombardi nhấn mạnh rằng bất cứ bản văn nào được công bố cũng chỉ là những "bước" cho thấy "chúng đang tiến tới trên hành trình đang tiếp diễn và vẫn còn sẽ tiếp diễn". Chúng "không phải là các thành quả dứt khoát" mà đúng hơn chỉ là "các đóng góp".
Cha Rosica thì cho biết: các ngài mới trở lại từ cuộc trình bày của các các nhóm nhỏ theo ngôn ngữ. Cha cho hay: "đang khi chúng tôi nói ở đây, thì các bản văn đang được sao chép cho các bạn nên các bạn sẽ có chúng vào cuối cuộc họp báo này."
Ngài cho biết tiếp: nhóm soạn thảo sẽ tổng hợp tất cả các bản văn này, rồi các nghị phụ sẽ bỏ phiếu cho bản tổng hợp này vào sáng thứ Bẩy, sau đó, các ngài còn thảo luận thêm về nó vào chiều thứ Bẩy.
Sau khi cho biết đây là lần thứ ba tham dự một Thượng Hội Ðồng, Cha Rosica trình bày 3 nhận xét riêng. Trước nhất, Thượng Hội Ðồng lần này quả là một Thượng Hội Ðồng đúng nghĩa, nơi người ta được nói một cách thoải mái, nhờ thế diễn trình của Thượng Hội Ðồng sẽ được canh tân hẳn. Thứ hai, cha yêu cầu các nhà báo khi nhận được các bản văn nên đọc chúng một cách trọn vẹn. "Ðây là những bản văn đầy suy tư; chúng ta có được một điều gì đó để học hỏi từ chúng... Có những dòng bỗng từ các bản văn này 'nhẩy ra' với một tầm quan trọng cực kỳ lớn". Thứ ba, những bản văn này cho thấy chiều sâu sắc của công việc vẫn còn đang tiếp diễn trong các nhóm nhỏ. Những gợi ý trong các bản văn này rất hữu ích và có ý nghĩa lớn. "Nên, thay vì chơi trò điều này tốt điều kia nên bỏ v.v..., xin qúy bạn đọc chúng với nhau như một toàn bộ".
Phiên nhóm chung mười hai
"Liên quan tới các hoàn cảnh gia đình khó khăn, Các Nhóm Nhỏ làm nổi bật điều này: Giáo Hội nên là tổ ấm chào đón mọi người, ngõ hầu không ai cảm thấy bị từ khước".
Phiên họp chung thứ mười hai của Thượng Hội Ðồng đặc biệt về Gia Ðình đã nghe phần trình bày các Phúc Trình của 10 nhóm nhỏ, phân chia theo ngôn ngữ: hai nhóm tiếng Pháp, ba nhóm tiếng Anh, ba nhóm tiếng Ý và hai nhóm tiếng Tây Ban Nha. Nói chung, các nhóm nhỏ trình bày cả việc đánh giá "Bản Tường Trình Sau Thảo Luận" (RPD), tức tài liệu tạm thời công bố vào giữa khóa họp của Thượng Hội Ðồng, lẫn các đề nghị để tổng hợp vào trong "Bản Tường Trình của Thượng Hội Ðồng" (RS), tức văn kiện dứt khoát và có tính kết luận của Thượng Hội Ðồng.
Trước nhất, có việc lên tiếng tỏ ra bối rối trước việc công bố, dù hợp lệ, "Bản Tường Trình Sau Thảo Luận" (RPD), vì cho rằng đây chỉ là tài liệu để làm việc, chưa nói lên ý kiến nhất thống của mọi nghị phụ Thượng Hội Ðồng. Do đó, sau khi phát biểu sự đánh giá của mình đối với công việc soạn thảo bản văn và cấu trúc của nó, các nhóm nhỏ đã trình bày các gợi ý của họ.
Ðầu tiên có sự nhấn mạnh cho rằng trong "Bản Tường Trình Sau Thảo Luận" (RPD), có sự tập chú quan tâm tới các gia đình đang khủng hoảng, mà không nhắc một cách bao quát hơn tới sứ điệp tích cực của Tin Mừng gia đình hay tới sự kiện này: gia đình trong tư cách một bí tích, một sự kết hợp bất khả tiêu giữa người đàn ông và người đàn bà vẫn giữ được giá trị rất hợp thời trong đó nhiều cặp vợ chồng vẫn tin tưởng. Do đó, hy vọng rằng "Bản Tường Trình của Thượng Hội Ðồng" (RS) sẽ chứa đựng một sứ điệp khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Giáo Hội và cho các cặp vợ chồng tín hữu.
Ngoài ra, cũng có nhận định cho rằng điều chủ yếu là phải làm nổi bật một cách rõ ràng hơn nữa tín lý về hôn nhân, nhấn mạnh rằng đây là hồng ơn của Thiên Chúa. Cũng có đề nghị thêm cho rằng các yếu tố không có trong "Bản Tường Trình Sau Thảo Luận" (RPD) phải được lồng vào "Bản Tường Trình của Thượng Hội Ðồng" (RS), như vấn đề nhận con nuôi, hy vọng rằng các thủ tục giấy tờ được đơn giản hóa, cả trên bình diện quốc gia lẫn trên bình diện quốc tế, cả vấn đề kỹ thuật sinh học nữa và việc truyền bá văn hóa qua ngả liên mạng (internet), một việc có thể có tác động qui định cuộc sống gia đình, đồng thời các nhóm cũng nhận định về tầm quan trọng của các chính sách phò gia đình.
Thêm vào đó, các nhóm cho rằng phải chú ý nhiều hơn tới sự hiện diện của người cao niên trong gia đình, và các gia đình đang sống trong cảnh nghèo cùng cực. Các vấn đề nghiêm trọng về đĩ điếm, cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ và việc khai thác các vị thành niên cho các mục tiêu tính dục và lao động đã được kịch liệt lên án. Ðiều quan trọng là phải làm nổi bật vai trò chủ yếu của các gia đình trong việc phúc âm hóa và lưu truyền đức tin, bằng cách nhấn mạnh tới ơn gọi truyền giáo của họ. Tóm lại, mục đích là đưa ra một ý niệm cân bằng và có tính hoàn cầu về gia đình theo chiều hướng Kitô Giáo.
Liên quan tới các hoàn cảnh gia đình khó khăn, các nhóm nhỏ nhấn mạnh rằng Giáo Hội nên là một mái ấm chào đón mọi người, để không ai cảm thấy bị từ khước. Tuy nhiên, cần có sự rõ ràng hơn để tránh mơ hồ, do dự và các uyển ngữ (euphemisms), thí dụ như liên quan tới luật tiệm tiến, sao cho nó đừng trở thành tính tiệm tiến của luật (gradualness of the law). Ngoài ra, nhiều nhóm còn cho biết rất bối rối trước việc so sánh với đoạn 8 của Lumen Gentium, vì việc so sánh này có thể khiến người ta có cảm tưởng Giáo Hội sẵn sàng hợp pháp hóa các hoàn cảnh gia đình bất bình thường, cho dù các gia đình này có thể tượng trưng cho một giai đoạn của cuộc hành trình tiến tới bí tích hôn nhân. Các nhóm khác bày tỏ hy vọng có được sự tập chú sâu sắc hơn đối với ý niệm "rước lễ thiêng liêng", để ý niệm này được đánh giá và cuối cùng được cổ vũ và phổ biến.
Liên quan tới khả thể cho phép người ly dị và tái hôn được tham dự bí tích Thánh Thể, hai viễn tượng đã được nêu lên: một đàng, có đề nghị cho rằng không được thay đổi tín lý, phải duy trì nó như hiện nay; đàng khác, nên mở ra khả thể truyền đạt (communication) với một phương thức đặt căn bản trên cảm thông và xót thương, nhưng chỉ trong một số điều kiện nhất định. Ngoài ra, trong các trường hợp khác, có gợi ý cho rằng nên để vấn đề này cho một Ủy Ban đặc nhiệm liên khoa (intredisciplinary) nghiên cứu thêm. Một nền chăm sóc mục vụ lớn hơn đã được gợi ý liên quan tới những người ly dị nhưng không tái hôn và là các chứng tá anh hùng của lòng thủy chung phu phụ. Ðồng thời, việc làm nhanh chóng hơn các thủ tục để tuyên bố hôn nhân vô hiệu và xác nhận tính thành hiệu của hôn nhân đã được cổ vũ; ngoài ra, có nhấn mạnh cho rằng con cái không phải là gánh nặng mà là ơn phúc của Thiên Chúa, hoa trái của tình yêu vợ chồng.
Một xu hướng qui Kitô hơn đã được đề nghị, cũng như phải nhấn mạnh rõ ràng hơn tới mối liên hệ giữa các bí tích hôn phối và rửa tội. Viễn kiến về thế giới phải là viễn kiến băng qua lăng kính của Tin Mừng, để khuyến khích mọi người nam nữ hồi tâm.
Ngoài ra, các nhóm nhấn mạnh rằng bất chấp việc không thể coi các cuộc kết hợp đồng tính ngang hàng với cuộc hôn nhân giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà, nhưng những người có xu hướng này phải nhận được sự đồng hành mục vụ và phẩm giá của họ phải được che chở, tuy nhiên không nên ngụ ý rằng điều này là một hình thức Giáo Hội chấp thuận xu hướng và lối sống của họ. Liên quan tới vấn đề đa thê, nhất là những người đa thê trở lại đạo Công Giáo và muốn tham dự các bí tích, một nghiên cứu thấu đáo đã được đề nghị.
Các nhóm nhỏ yêu cầu phải suy tư nhiều hơn về khuôn mạo Ðức Maria và Thánh Gia, khuôn mạo này cần được cổ vũ nhiều hơn như là kiểu mẫu noi theo của mọi đơn vị gia đình. Cuối cùng, có yêu cầu phải nhấn mạnh rằng bản RS dù sao cũng chỉ là tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng bình thường dự tính cho tháng Mười năm 2015.
Vũ Văn An