Việc vi phạm quyền

của các nhóm dân bản địa

 

Việc vi phạm quyền của các nhóm dân bản địa.

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève.

New York (RG 18-09-2014; Vat. 15-10-2014) - Trong các ngày trung tuần tháng 9 năm 2014 Ðức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp quốc ở Genève Thụy Sĩ, đã phát biểu trong hội nghị lần thứ 27 của Ủy ban các quyền con người, và cầu mong các sáng kiến bảo vệ các dân tộc bản địa luôn luôn được gợi hứng và hướng dẫn bởi nguyên tắc tôn trọng căn tính và các nền văn hóa của họ, đặc biệt là đối với các truyền thống chuyên biệt và tôn giáo cũng như đối với khả thể quyết định về sự phát triển riêng trong sự cộng tác với các chính quyền quốc gia.

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi than phiền rằng các quyền con người và các quyền tự do nền tảng của các dân tộc bản địa vẫn tiếp tục bị vi phạm nặng nề. Ðức Cha Tomasi cho biết hiện nay có 370 triệu dân bản địa sống trong 90 quốc gia trên thế giới. Dựa trên các thống kê của Liên Hiệp Quốc Ðức Cha Tomasi tố cáo sự "kỳ thị có hệ thống" và việc "loại trừ các dân tộc bản địa khỏi quyền bính chính trị và kinh tế", cũng như được hưởng công lý như mọi người. Ngoài ra, các nhóm dân bản địa này phải thường xuyên sống trong cảnh nghèo túng, mù chữ và bần cùng. Vị Ðại diện Tòa Thánh cũng tố cáo cảnh di cư vì chiến tranh và các tai ương thiên nhiên, các sách nhiễu, bách hại, trả thù mà họ phải chịu, cũng như việc sát hại những người bênh vực quyền của các nhóm dân bản địa. Hậu qủa là sự phát triển toàn vẹn của các nhóm dân này bị trì trệ, hay hoàn toàn bị khước từ.

Một thí dụ điển hình là tương quan của các nhóm dân bản địa và các tổ chức kỹ nghệ liên quốc gia. Các tổ chức Liên Hiệp Quốc minh nhiên các hậu qủa tiêu cực và tàn hại đo các công ty siêu quốc này gây ra cho các nhóm dân bản địa, qua các hoạt động khai thác quặng mỏ, phá hủy rừng già, xây cất cầu đường, và dùng các chất hóa học để tẩy lọc các quặng mỏ như dùng thủy ngân để lọc vàng, khiến cho các sông ngòi lạch nguồn bị ô nhiễm nặng nề, gây bệnh tật và tử vong cho các người dân bản địa, như xảy ra cho bộ lac Yanomani trong vùng Amazzonia. Các làm ăn khai thác này đã không đem lại lợi nhuận kinh tế nào cho các người dân bản địa. Cần phải theo các mô thức phát triển đích thật, không vi phạm quyền của các nhóm dân bản địa và khuyến khích việc sử dụng môi sinh có trách nhiệm.

Ðể đạt các mục tiêu này cần phải xác định và bảo vệ cả các sản phẩm của các nhóm dân bản địa, để chúng không bị bất cứ sử dụng nào mà không chú ý tới các lợi nhuận và quyền lợi của các cộng đoàn của dân bản địa. Rất tiếc là các luật lệ liên quan tới tài sản trí thức và công ăn việc làm đã không cung cấp các bảo đảm đủ để bảo vệ các sản phẩm ấy của họ.

Những gì Ðức Tổng Giám Mục Tomasi trình bầy cũng nhằm chuẩn bị cho hội nghị quốc tế về các nhóm dân bản địa diễn ra tại New York trong hai ngày 22 đến 23 tháng 9 năm 2014. Tòa Thánh đã luôn luôn chú ý tới các vấn đề này nên khích lệ và cầu mong các vấn đề của các nhóm dân bản địa được đưa vào trong các tiến trình quyết định liên quan tới việc quản trị các tài nguyên thiên nhiên trong các vùng đất của họ. Tòa Thánh khích lệ loại trừ mọi mưu toan gạt bỏ các nhóm dân bản địa ra ngoài. Ðiều này có nghĩa là phải tôn trọng các tài sản của họ và các thỏa hiệp liên hệ để đáp ứng các đòi hỏi xã hội, y tế và văn hóa, lo lắng cho sự hòa giải giữa các dân tộc bản địa và các xã hội trong đó họ sống.

Các dân tộc bản địa được biết đến nhiều nhất là các thổ dân da đỏ của Mỹ châu, là các dân tộc đã sống tại đây từ bao đời trước khi có các làn sóng di cư của các người Âu châu. Tên gọi "Indios" bắt nguồn từ nhà thám hiểm Cristoforo Colombo tìm đường sang Á châu qua ngã Ðại Tây Dương. Khi đến châu Mỹ, ông tưởng mình đã tới miền đông Ấn độ, nên gọi các thổ dân ở đây là "Indios", mà không biết là đã khám phá ra một đại lục mới. Thế là người Tây Ban Nha gọi vùng đất mới này là "Tây Ấn Ðộ", và chỉ sau đó mới gọi là America, để vinh danh ông Amerigo Vespucci. Các khám phá thêm sau đó mới cho biết đây là môt đại lục mới. Nhưng thói quen gọi các thổ dân Mỹ châu là Indios vẫn tiếp tục và không được sửa sai. Trong khi tên gọi "thổ dân da đỏ" thường ám chỉ các bộ lạc sống tại Bắc Mỹ. Lý do có lẽ vì các chiến binh của vài bộ lạc thường có thói quen bôi mầu đỏ trên mình trước khi ra trận. Ngày nay nhiều học giả thích gọi họ là các dân bản địa Mỹ châu. Có hàng trăm bộ tộc khác nhau sống rải rác từ Alaska cho tới Nam Mỹ Latinh.

Theo giả thuyết khoa học đáng tin cậy nhất thì cách đây 13,000 năm có các nhóm người Eurasia di cư sang đây qua ngã eo Bering, là vùng đất nối liền châu Mỹ với châu Âu. Rồi họ di chuyển xuống miền nam và sống trong toàn Mỹ châu, chia thành nhiều chủng tộc và bộ lạc khác nhau.

Kể từ khi người da trắng khám phá ra châu Mỹ hồi thế kỷ XV cho tới thế kỷ XIX đã có khoảng 90 tới 100 triệu dân bản địa Mỹ châu bị chết vì các người da trắng thuộc địa: vì chiến tranh chinh phục đất đai và các tài nguyên, vì mất môi trường sinh sống, vì các thay đổi lối sống và bệnh tật, và các cuộc tàn sát có tính toán. Người da trắng coi các dân tộc bản địa là những kẻ mọi rợ và khinh rẻ coi họ là những người không đáng sống, trong khi các dân tộc bản địa này sống trong hòa bình. Tuy các dân tộc Aztec và Inca có thói tục sát tế người cũng theo Kitô giáo và bỏ thòi quen này, nhưng họ vẫn bị coi như là giống người thấp kém, và thường bị biến thành nô lệ.

Ngoài các cuộc tàn sát tập thể, các dân tộc bản địa còn lây các thứ bệnh của người âu châu, chưa từng biết cho tới lúc đó như bệnh đậu mùa, cúm, thủy đậy, bệnh sởi. Hệ thống miễn nhiễm của họ không có các kháng tố chống lại các bệnh này. Người ta ước tính có tới 80%-95% dân bản địa châu Mỹ chết vì các thứ bệnh kể trên giữa các năm 1491-1550, nghĩa là khoảng một phần mười tổng số dân toàn thế giới thời đó.

Các phương pháp tàn sát và loại trừ các dân bản địa Mỹ châu sau này sẽ được áp dung cho các cuộc diệt chủng người Armeni và các cuộc diệt chủng vì lý do kỳ thị chủng tộc khác, như cuộc diệt chủng Do thái do nhà độc tài Hitler phát dộng.

Số phận của các dân tộc bản địa tại Úc châu, Á châu và Phi châu cũng không kém thê thảm, và các tình trạng đàn áp, tiêu diệt, loại trừ gạt bỏ ngoài lề xã hội vẫn tiếp diễn ngày nay, tuy dưới nhiều hình thức tinh vi hơn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một vài nhận định của Ðức Tổng Giám Mục Silvno Tomasi về vấn đề này.

Hỏi: Thưa Ðức Tổng Giám Mục Tomasi, hiện nay trên thế giới có bao nhiêu triệu nhóm dân bản địa tất cả?

Ðáp: Người ta nói tới 370 triệu người sống trong 90 quốc gia trên thế giới được coi như hay được xếp loại trong danh sách là các dân tộc bản địa. Từ viễn tượng của giáo huấn xã hội của Hội Thánh, cần phải thừa nhận căn cước của họ như là cộng đoàn nhân loại, tôn trọng các truyền thống và các lựa chọn của họ, và như thế cũng thừa nhận rằng họ có quyền sống trong vùng đất, trong đó họ đã luôn luôn hiện diện. Có ý chí từ cộng đoàn quốc tế trong việc đương đầu với tình trạng này một cách hiệu qủa hơn, nhưng đôi khi cũng có sự kỳ thị các cộng đoàn dân bản địa. Chẳng hạn, trong các ngày 22-23 tháng 9 có hội nghị quốc tế các dân tộc nhằm mục đích hợp thức hóa các thực hành hữu hiệu hơn và tôn trọng hơn đối với căn tính của các dân tộc này, hầu có thể cải tiến hạnh phúc, sự lớn mạnh nhân bản và tinh thần của các anh chị em này.

Hỏi: Theo Liên Hiệp Quốc, như Ðức Cha đã nói, các quyền con người và các quyền tự do căn bản của các dân tộc bản địa tiếp tục bị vi phạm, có đúng thế không, thưa Ðức Cha?

Ðáp: Trong các vùng đất nơi các dân tộc bản địa này sinh sống, thí dụ có các tổ chức đa quốc tới khai thác các quặng mỏ hay nhiên liệu ích lợi và qúy giá, cũng như để khai thác vài đặc thù địa phương, các thào mộc hay tài nguyện, rồi sau đó bán trên thị trường, mà không tôn trọng các đòi buộc môi sinh của các vùng đất đó, hay không tôn trọng các quyền của các cộng đoàn này, từ bao lâu nay vẫn có vài truyền thống bình dân nào đó hay và kiểu sử dụng các tài nguyên thiên nhiên nào đó. Giờ đây phải thừa nhận cả các lợi nhuận tiền bạc nữa, bởi vì chúng là các sản phẫm và các sáng kiến văn hóa kiểu mẫu của các dân tộc này.

Hỏi: Như vậy, có thể khẳng định rằng sự phát triển toàn vẹn của các dân tộc bản địa này đã bị chậm trễ, nếu không nói là bị khước từ, có phải vậy không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Vâng. Các dân tộc bản địa này phải được nâng đỡ trên lộ trình phát triển nhân bản và kinh tế, bởi vì rất thường khi họ hơi bị gạt bỏ bên lề xã hội, và bị các quốc gia và các chính quyền lãng quên. Việc khích lệ mà người ta đang làm qua các sáng kiến như Bản tuyện ngôn nhân quyền của các dân tộc bản địa, hay Hội nghị quốc tế trong tháng 9 này có mục đích cho thấy các đòi buộc của các dân tộc này. Ðó không chỉ là tạo thuận tiện cho cho sự phát triển của họ, mà cũng còn là mở đường cho một sự hòa giải giữa đa số dân chúng, các chính quyền của quốc gia và các nhóm, làm sao để có thể đạt được các mục tiêu chung sống thanh bình và xây dựng. Tòa Thánh đã lên tiếng trong hướng này để có một lộ trình tiến bộ và phát triển đồng quy với nhau, chứ không trong thế xung khắc giữa các dân tộc bản địa và phần đân còn lại của quốc gia.

(RG 18-9-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page