Hiện tình Giáo Hội tại Cap Vert
Hiện tình Giáo Hội tại Cap Vert.
Phỏng vấn Ðức Cha Arlindo Gomes Furtado, Giám Mục Santiago de Cabo Verde.
Roma (SD 6-09-2014; Vat. 14-10-2014) - Trong các ngày đầu tháng 9 năm 2014 các Giám Mục nước Cap Vert đã về Roma viếng mộ hai Thánh Tông Ðồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.
Cap Vert rộng hơn 4,000 cây số vuông là một quần đảo gồm 10 đảo chính và một số đảo nhỏ. Các đảo chính gồm: São Tiago, Santo Antão, Boa Viosta, Fogo và São Nicolau. Quần đảo này là vùng phát xuất từ núi lửa có ngọn Pico de Fogo, cao 2,829 mét nằm trên đảo Fogo.
Dân số Cap Vert được 566 ngàn người, cộng thêm 1.5 triệu sống tại các nước ngoài. Người dân Cap Vert gồm nhiều chủng tộc khác nhau gốc phi châu cũng như âu châu, nói tiếng Creol là thổ ngữ và tiếng Bồ Ðào Nha là ngôn ngữ chính thức. Trên bình diện tôn giáo 93% tổng số dân theo Công Giáo, số còn lại theo Tin Lành hay Hồi giáo. Cũng có người tự xưng là vô thần.
Cap Vert được các nhà thám hiểm Diego Gomes và Antonio da Noli khám phá ra giữa các năm 1450-1460, và từ đó trở thành thuộc địa của Bồ Ðào Nha cho tới năm 1975 mới được độc lập. Tiếp đến Cap Vert hiệp nhất với Guinea Bissau cho tới năm 1980. Ngay từ đầu chính quyền đảng Phi châu độc lập Guinea và Cap Vert đã lãnh đạo đất nước và có khuynh hướng phò Liên Xô. Chỉ sau khi tách rời khỏi Guinea Bissau năm 1990 đảng này mới khước từ địa vị độc tôn để rộng mở cho chế độ đa nguyên. Sau 10 năm do đảng Phong trào dân chủ lãnh đạo, năm 2001 đảng Phi châu độc lập lại trở lại nắm quyền.
Cap Vert là môt dân tộc trẻ có tuổi trung bình là 21, và 35% tổng số dân dưới 15 tuổi, chỉ có 6% trên 64 tuổi. Lãnh vực giáo dục, y tế tiến triển mạnh, nhưng số các nhà thương vẫn còn thiếu. Vì không có quặng mỏ và nước khan hiếm nên Cap Vert đã không thể phát triển nhiều về kinh tế. Cuộc sống khó khăn khiến cho người dân di cư ra nước ngoài để tìm công ăn việc làm tại Brasil, Hoa Kỳ, và các nước Âu châu như Bồ Ðào Nha và Italia.
Giáo Hội Cap Vert chỉ có hai giáo phận trực thuộc Tòa Thánh là Santiago de Cap Vert được thành lập năm 1553 và hiện do Ðức Cha Arlindo Gomes Furtado cai quản; và giáo phận Mindelo, được thành lập năm 2003, do Ðức Cha Dos Santos Lopes Fortes cai quản. Cho tới khi được độc lập năm 1975 hàng giáo sĩ gồm các thừa sai Bồ Ðào Nha và Italia.
Các thừa sai Italia là các cha dòng Capucino đã làm việc tại đây từ 60 năm qua. Nhóm đầu tiên đã tới Cap Vert vào năm 1940. Song song với việc truyền giáo các tu sĩ Capucino đã góp phần rất tích cực vào việc phát triển nhân bản với các trường học và vườn trẻ, các trung tâm đào tạo, bác ái xã hội, thông tin và văn hóa. Trong số hàng trăm chương trình thăng tiến an sinh có Nhà cho người nghèo, xây hồ chứa nước, các khóa đào tạo quản trị khách sạn hàng quán, nguyệt san "Ðất Mới", và đài phát thanh "Radio Nova". Ngày nay đa số các tu sĩ là người gốc Cap Vert đã tu học bên Bồ Ðào Nha và Italia. Phụ tỉnh Cap Vert hiện có tất cả 35 tu sĩ, 4 tập sinh và 5 thỉnh sinh.
Vì qúa nhỏ Cap Vert không có Hội Ðồng Giám Mục riêng, nhưng là thành phần của Hội Ðồng Giám Mục Sénégal, Mauritania, Cap Vert và Guinea Bissau, cũng như là thành viên của Hội Ðồng Giám Mục miền Tây Phi châu nói tiếng Pháp, và của Liên Hội Ðồng Giám Mục Phi châu và Madagascar.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Arlindo Gomes Furtado, Giám Mục Santiago de Cabo Verde, về hiện tình Giáo Hội tại Cap Vert. Ðức Cha Furtado năm nay 64 tuổi. Năm 2004 ngài đã được chỉ định làm Giám Mục đầu tiên của giáo phận tân lập Mindelo, và năm 2009 được thuyên chuyển về Santiago de Cabo Verde là giáo phận đã được thành lập năm 1553.
Hỏi: Thưa Ðức Cha Furtado, trên bình diện tôn giáo Cap Vert cò đa số dân theo Công Giáo, nhưng cũng có tín hữu các tôn giáo khác nữa chứ, có phải thế không?
Ðáp: Vâng, tại Cap Vert cũng có các giáo phái tin lành đến từ Brasil chiếm 3% dân số. Thế rồi có giáo phái Nazareen đến từ Hoa Kỳ chiếm 5%. Người ta cũng tìm thấy giáo phái "Adventist ngày thứ bẩy" và "Pentecotist các cộng đồng của Thiên Chúa". Trong khi các tín hữu Do thái thì đã hiện diện tại Cap Vert từ thế kỷ XVI. Họ thuộc những người đầu tiên đến sống trên quần đảo này. Ngoài ra còn có một ấp gọi là Hội đường, điều này có nghĩa là đã có một hội đường Do thái. Nhưng với thời gian người do thái đã bị đồng hóa và theo Kitô giáo. Tòa đại sứ Israel đã tìm thấy các mộ do thái và đã trùng tu các mộ này.
Cap Vert cũng có một số những người "không tôn giáo" và người hồi, từ Phi châu tới. Bên trong các nước thuộc Liên Hiệp Kinh Tế Phi châu có quyền tự do di chuyển, điều này cho phép người Phi châu dễ dàng tới sống trên quần đảo của chúng tôi. Chúng tôi cũng có các người di cư đến từ các nước Guinea Bissau, Sénégal, Nigeria, Ghana, Guinea Konakry và Mali. Nhưng chúng tôi cũng đã di cư và tiếp tục di cư. Cap Vert có 1,5 triệu người di cư, tức ba lần nhiều hơn con số người dân sống trên quần đảo. Rất đông người di cư sống tại Bồ Ðào Nha, nhưng cũng có người sống bên Hoa Kỳ, Pháp, Hòa Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ vv... Nhiều người thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba rồi, nhưng họ vẫn luôn luôn coi mình là công dân Cap Vert.
Hỏi: Giữa ngã tư của các đại lục Âu châu, Phi châu và Mỹ châu, người Cap Vert có phải là Phi châu không thưa Ðức Cha?
Ðáp: Cap Vert thật ra chịu các ảnh hưởng của cả ba đại lục. Chúng tôi coi mình như là những người lai giống trên bình diện văn hóa cũng như trêm bình diện sinh học. Và sự kiện chúng tôi nói tiếng Bồ Ðào Nha tạo dễ dàng cho việc hội nhập với thế giới bên ngoài. Trong khi Ðạo Công Giáo đã rất cổ truyền trên quần đảo, thì giống như Công giáo bình dân Bồ Ðào Nha, Giáo Hội Cap Vert cũng phải đương đầu với các thách đố của sự tục hóa. Hiện tượng này đã xuất hiện trên đất nước chúng tôi cũng như bên Âu châu vào cuối thập niên 1960. Cuộc cách mạng năm 1968 đã là điểm khởi đầu của việc ý thức rằng các sự vật thay đổi trong thế giới.
Hỏi: Cuộc cách mạng chống lại thực dân Bồ Ðào Nha có bị ảnh hưởng bởi chủ thuyết mác xít không thưa Ðức Cha?
Ðáp: Các người trí thức đã chiến đấu để thoát khỏi chế độ thực dân, nhưng đã không có các trận đánh du kích trên các đảo, vì đây là điều không thể làm được, bởi không có chỗ trú ẩn. Ðó đã là một cuộc chiến đấu lén lút, một việc làm ý thức hệ. Các trận đánh chống lại người Bồ Ðầo Nha đã xảy ra trên đất của nước Guinea Bissau.
Sau cuộc Cách mạng hoa Cẩm chướng tại Bồ Ðào Nha vào tháng tư năm 1974 chúng tôi đã giành được độc lập. Chế độ mới có gợi hứng xã hội chủ nghĩa do ảnh hưởng của Cuba và Liên Xô đã kéo dài cho tới năm 1990.
Giáo Hội đã rất gắn bó với hệ thống thuộc địa, nên đã phải gánh chịu các hậu qủa và vì thế đã đau khổ nhiều. Ðảng Phi châu đôc lập của Guinea và Cap Vert là đảng duy nhất, năm 1980 trở thành đảng Phi châu độc lập Cap Vert. Sau khi có cuộc đảo chánh tại Guinea Bissau hai nước tách rời nhau. Ðảng này đã coi Giáo Hội là đồng lõa với chế độ thực dân. Và cũng có một phần thật. Các người cách mạng ngờ vực Giáo Hội, và Giáo Hội đã có thể trở thành một đối kháng ít nhiều công khai.
Hỏi: Thưa Ðức Cha, Giáo Hội có bị bách hại bởi chế độ xã hội chủ nghĩa không?
Ðáp: Ðã không có bách hại thực sự, nhưng đã có một việc gạt bỏ Giáo Hội ra ngoài lề nào đó, một sự khinh bỉ tinh tế... Phải nói rằng hầu hết các nhân viện mục vụ, các thừa sai, đã thuộc thời của người ngoại quốc, chính yếu là người Bồ Ðào Nha và vài tu sĩ Capucino người Ý. Ðã có rất ít người gốc Cap Vert trong hàng giáo sĩ, và đó là điểm yều của Giáo Hội Cap Vert. Ban đầu sau thời gian độc lập người ta đã cảm thấy sự hăng say của cách mạng, vài người ngoại quốc đã ra đi, trong đó có ba thừa sai bị coi như những người không được chấp nhận. Nhưng sau đó các sự việc đã lắng dịu. Trong khi đó thì các chủng sinh người Cap Vert đã được thụ phong linh mục, và các linh mục này được chấp nhận tốt. Họ là những người Cap Vert trong thân xác cũng như trong tâm hồn, họ là "người nhà". Liên quan tới Giáo Hội vấn đề đích thật của các nhà chính trị thời đó là hình ảnh thực dân dính trên da. Ðược người Bồ Ðào Nha thành lập năm 1553, Giáo Hội của chúng tôi đã chỉ có Giám Mục bản địa đầu tiên khi được độc lập, đó là Ðức Cha Paulino Livramento Evora, dòng Chúa Thánh Thần.
Nói chung, Giáo Hội được trân trọng, nhất là kể từ sau khi thiết lập chế độ chính trị đa dảng và các cuộc bầu cử đa nguyên năm 1991. Từ đó đến nay không còn có các xung đột ý thức hệ giữa các đảng phái nữa, và nền dân chủ hoạt động tốt. Nếu không có thỏa hiệp nữa, thì đã có một sự đồng ý pháp lý được ký kết với Tòa Thánh; và chính quyền thừa nhận Giáo Hội và các cơ cấu của Giáo Hội, như tổ chức Caritas và các chi nhánh địa phương của nó.
Hỏi: Như thế Giáo Hội có dân thân cho việc phát triển đất nước không thưa Ðức Cha?
Ðáp: Nhờ tình liên đới của các tổ chức trợ giúp quốc tế như Caritas quốc tế chúng tôi có thể hoạt động cho việc phát triển. Ðất nước chúng tôi nằm trong vùng sa mạc Sahel, nên thường có các vấn đề hạn hán. Trong qúa khứ, Cap Vert đã có nhiều thời gian bị đói kém, trận đói cuối cùng xảy ra vào năm 1947. Ðã có nhiều người chết đói năm đó. Hồi đó không có các tổ chức nhân đạo quốc tế như ngày nay. Chính quyền thuộc địa Bồ Ðào Nha đã muốn dấu nhẹm các nạn đói khủng khiếp này trước mắt thế giới và che dấu chúng. Nhưng các thời điểm đó đã trở thành ký ức rồi...
Việc thiếu nước vẫn còn đó. Ðây là một vấn đề thường xuyên. Nhưng ngày nay chúng tôi có được việc đào tạo kỹ thuật dẫn nước, mặc dù là dẫn nước nhỏ giọt. Có các chương trình tài trợ nhỏ giúp mua rơm cỏ. Có các đập và các đê giữ nước được xây cất. Ðây là sáng kiến tốt đẹp của chính quyền. Hiện nay lo lắng đầu tiên của chúng tôi là nạn người trẻ thất nghiệp, nhất là giới trẻ đã tốt nghiệp đại học. Tuy có bằng chuyên môn, nhưng họ không tìm ra việc làm tại chỗ. Vì thế họ di cư sang các nước khác như Angola, Guinea Equatorial, nơi có nhiều khả thể hơn. Cả khi số sinh giảm mỗi gia đình có 3-4 người con, so với 6 người con cách đây 25 năm, đất nước Cap Vert không thể thu nhận tất cả số công nhân này. Trái lại, ngành du lich phát triển tốt, nhất là từ khi có cuộc khủng hoảng do "mùa xuân A Rập" tạo ra, vì du khách bỏ vùng Bắc Phi để hướng tới Cap Vert. Có hy vọng, vì người ta thấy tình hình Cap Vert từ từ cải tiến và trở nên tốt hơn.
(SD 6-9-2014)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)