Ðức Thánh Cha chủ sự thánh lễ

tạ ơn phong thánh tương đương

hai thánh người Canada

 

Ðức Thánh Cha chủ sự thánh lễ tạ ơn phong thánh tương đương hai thánh người Canada.

Vatican (Vat. 12-10-2014) - Ðức Thánh Cha Phanxicô khích lệ Giáo Hội tại Canada tưởng niệm các hai vị thánh mới được tôn phong theo thể thức tương đương và cầu nguyện để Giáo Hội này được tái phong phú các thừa sai.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong thánh lễ tạ ơn ngài cử hành lúc 10 giờ sáng chúa nhật 12 tháng 10 năm 2014 tại Ðền thờ Thánh Phêrô về việc tôn phong hiển thánh theo thể thức tương đương cho hai vị người Canada, đó là Ðức Cha Francois de Laval, Giám Mục tiên khởi của giáo phận Québec, và Nữ Tu Marie Nhập Thể Guyart Martin, sáng lập dòng Ursuline Liên hiệp Canada.

Hai vị đã cùng với chân phước Linh Mục Giuse de Anchieta, dòng Tên, người Tây Ban Nha, tông đồ tại Brazil, được Ðức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hiển thánh ngày 3 tháng 4 năm 2014 theo thể thức tương đương, nghĩa là không theo thủ tục bình thường và không cần nghi lễ phong thánh.

Thông cáo của Bộ Phong thánh hôm đó nói rằng: ngày 3 tháng 4 năm 2014, Ðức Thánh Cha Phanxcô đã tiếp kiến Ðức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh. Ngài đón nhận các tường trình của Ðức Hồng Y Tổng trưởng, ghi tên vào sổ bộ các thánh và nới rộng việc tôn kính phụng vụ trong Giáo Hội hoàn vũ đối với 3 vị chân phước:

- Ðức Cha Francois de Laval, Giám Mục tiên khởi Québec, Canada, sinh tại Montigny-sur-Avre bên Pháp ngày 20 tháng 4 năm 1623 và qua đời ngày 6 tháng 5 năm 1708, thọ 85 tuổi.

- Linh Mục Giuse de Anchieta, dòng Tên, sinh tại San Cristobal de la Laguna, Tenerife, thuộc quần đảo Canarie, Tây Ban Nha, ngày 19 tháng 3 năm 1543 và qua đời tại Reritiba, Brazil ngày 9 tháng 6 năm 1597.

- Thứ ba là Nữ tu Marie de l'Incarnation, tục danh là Marie Guyart sinh ngày 28 tháng 10 năm 1599 tại thành Tours bên Pháp, sáng lập Ðan viện dòng nữ tu Urseline ở Québec, và qua đời ngày 30 tháng 4 năm 1672, thọ 73 tuổi.

Sơ lược tiểu sự hai vị thánh

1. Ðức Cha Francois de Laval đã từng được bổ nhiệm Ðại diện Tông Tòa giáo phận đàng ngoài ở Việt Nam vào năm 1653, ngài không thể sang Việt Nam nhận nhiệm sở vì những bất đồng xảy ra tại Á Ðông, từ phía các nước thuộc địa Âu Châu, vì thế Cha rút lui trong 4 năm trời (1654-1658), sống tại một am ở Caen, cũng là một trường dạy linh đạo do một nhà thần bí Pháp là Jean Bernières de Louvigni (1602-1659) điều khiển.

Trong thời gian ấy, cả các thừa sai ở Canada cũng xin Ðức Giáo Hoàng Alessandro VII bổ nhiệm một vị Ðại diện Tông Tòa, và thế là năm 1658, Ðức Giáo Hoàng bổ nhiệm Cha Francois de Laval làm Giám Mục hiệu tòa Petra và với nhiệm vụ Ðại diện Tông Tòa giáo phận Tân Pháp ở Canada. Lúc ấy Ðức cha mới được 35 tuổi và ngài lên đường ngay, xuống tàu đến Canada ngày 16 tháng 5 năm 1659, và sau đó một tháng sau thì đến Québec.

Ðức Cha dấn thân hoạt động tông đồ không biết mệt mỏi trong hơn 30 năm trời cho Giáo Hội địa phương: kiến tạo các giáo xứ từ số không, lập các cứ điểm truyền giáo, nhà thương, trường học, các cộng đoàn dòng tu, bài trừ tệ nạn bóc lột thổ dân bản xứ từ phía các con buôn thực dân, chống lại chủ nghĩa Pháp giáo (Gallicanisme) của các chính quyền Pháp đòi độc lập khỏi Tòa Thánh về phương diện Giáo Hội từ thời vua Philippe le Bel.

Ðức Cha Francois de Laval sống đời cầu nguyện và hãm mình, chay tịnh, sống nghèo tự nguyện, của cải ngài tặng hết cho chủng viện, và tùy thuộc bề trên chủng viện trong mọi nhu cầu. Ngài cũng đích thân giúp đỡ các bệnh nhân tại nhà thương ở Québec cũng trong nhà bệnh của chủng viện, hoặc trong các lều của thổ dân.

Do tinh thần nhiệm nhặt, cho đến những năm cuối đời, Ðức Cha vẫn giữ thói quen ngủ trên nền nhà, và thức dậy lúc 2 giờ sáng, cử hành thánh lễ lúc 4 giờ rưỡi sáng cho các công nhân ở Québec. Bao nhiêu hy sinh từ bỏ ấy đã mang lại những thành quả: con số giáo xứ từ 5 tăng lên 35, số linh mục từ 24 tăng lên 102, và số nữ tu từ 22 lên 97 chị.

2. Nữ tu Marie Nhập Thể Guyard Martin, nguyên là một góa phụ, gia nhập dòng Ursuline thành Tours năm 1631 khi được 31 tuổi. 8 năm sau đó, đáp lại ơn gọi thừa sai, chị sang Québec, Canada, thành lập một tu viện.

Số nữ tu gia tăng, và chẳng bao lâu chị phải viết tu luật và hiến pháp mới thích ứng với những kinh nghiệm và đòi hỏi mới.

Tuy không bao giờ ra khỏi tu viện, nhưng chị Marie Nhập Thể học thổ ngữ của các bộ tộc Algonchini, Montagnesi và Uroni, và chị viết các sách giáo lý, văn phạm và tự điển, đồng thời chăm sóc các trẻ em của thổ dân, nuôi dưỡng, trợ giúp và giáo dục. Chị cũng là thiên thần bản mệnh của các thừa sai, tháp tùng họ bằng kinh nguyện, và qua thư từ, chị quan tâm tới lý tưởng và các nhu cầu của các thừa sai.

Chị sống đời chiêm niệm và hoạt động, với sự đơn sơ và quân bình cho đến năm 1669 thì được giải thoát khỏi trách nhiệm làm bề trên, vì điều kiện sức khỏe suy yếu. Tình trạng này nặng thêm và ngày 30 tháng 4 năm 1672, chị qua đời, để lại một cộng đoàn gồm 30 nữ tu, từ đó trở thành dòng các nữ tu Ursuline Québec.

Chị Maria Nhập Thể đã được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 22 tháng 6 năm 1980. Ngài nói: "Chị Maria Nhập Thể là một tâm hồn chiêm niệm, nhưng dấn thân trong hoạt động tông đồ, chị khấn hứa "tìm vinh danh cao cả nhất cho Thiên Chúa trong tất cả những gì có sức thánh hóa mạnh mẽ nhất, và tháng 5 năm 1653, chị âm thầm hiến dâng mình làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa để mưu ích cho Canada".

Thánh lễ

Ðồng tế với Ðức Thánh Cha trong thánh lễ tạ ơn có 9 vị Giám Mục người Canada Québec, đứng đầu là Ðức Hồng Y Gérard Lacroix, đương kim Tổng Giám Mục giáo phận Québec, Ðức Hồng Y Marc Ouellet, nguyên Tổng Giám Mục Québec, và hiện là Tổng trưởng Bộ Giám Mục, 7 Giám Mục khác và khoảng 100 linh mục Canada, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu, trong đó có một số phái đoàn đến từ Canada.

Bài giảng của Ðức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Thánh Cha khích lệ các tín hữu hãy tưởng niệm và noi gương đức tin kiên trì của các thừa sai đã mang Lời Chúa và Tin Mừng cho đất nước Canada. Ngài nói:

"Chúng ta đã nghe lời ngôn sứ Isaia: "Chúa là Thiên Chúa sẽ lau nước mắt trên mỗi khuôn mặt.." (Is 25,8). Những lời đầy hy vọng này chỉ cho thấy mục tiêu, chứng tỏ tương lai mà chúng ta đang hành trình hướng về. Trên con đường này các thánh đã đi trước và chỉ dẫn cho chúng ta. Những lời này cũng vạch rõ ơn gọi của các thừa sai.

Các thừa sai là những người ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, đã có can đảm sống Tin Mừng. Cả bài Tin Mừng mà chúng ta đã nghe: Nhà Vua nói với các đầy tớ: "Các ngươi hãy ra các ngã tư đường" (Mt 22,9). Và các đầy tớ ra đi, tụ tập tất cả những người mà họ gặp, "xấu cũng như tốt", để dẫn họ vào tiệc cưới của nhà vua (Xc v.10)

Các thừa sai đã đón nhận lời mời gọi ấy: các vị đã ra đi kêu gọi tất cả mọi người, ở các ngã tư của thế giới, vì nếu Giáo hội dừng lại và khép kín, thì Giáo hội sẽ trở nên bệnh hoạn, có thể làm hư hỏng, hoặc bằng tội lỗi hoặc bằng khoa học giả tạo tách rời khỏi Thiên Chúa, là trào lưu tục hóa phàm trần.

Các thừa sai đã hướng nhìn Chúa Kitô chịu đóng đanh, đã đón nhận ơn phúc của Chúa và đã không giữ riêng cho mình. Như thánh Phaolô, các vị trở nên mọi sự cho mọi người; các vị đã biết sống trong thanh bần và sung túc, trong sự no đầy và đói khát; họ có thể làm mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho họ (Xc Phil 4,12-13). Với sức mạnh ấy của Thiên Chúa, các vị đã có can đảm "đi ra" trên các nẻo đường của thế giới với lòng tín thác nơi Chúa là Ðấng kêu gọi họ. Cuộc sống của một thừa sai là như thế, kết thúc cuộc sống xa nhà, xa quê hương; bao nhiêu lần các thừa sai bị sát hại, như đang xảy ra ngày nay cho bao nhiêu anh chị em chúng ta.

Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội chủ yếu là loan báo tình thương, lòng bừ bi và sự tha thứ của Thiên Chúa, được mạc khải cho loài người qua cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Các thừa sai đã phục vụ Sứ Mạng của Giáo Hội, bẻ bánh Lời Chúa cho người bé mọn và những người xa xăm nhất, và mang đến cho mọi người hồng ân tình yêu vô tận tuôn chảy từ trái tim của Chúa Cứu Thế.

Thánh Francois de Laval và thánh nữ Marie Nhập Thể là những người như thế. Anh chị em tín hữu hành hương người Canada thân mến, trong ngày này, tôi muốn để lại cho anh chị em hai lời khuyên, rút từ thư gửi tín hữu Do thái, hai lời khuyên sẽ giúp ích rất nhiều cho các cộng đoàn của anh chị em.

- Lời khuyên thứ I là: "Hãy nhớ đến các thủ lãnh của anh chị em, những người đã loan báo Lời Chúa cho anh chị em. Khi cứu xét kỹ lưỡng kết quả chung kết cuộc sống của các vị, hãy noi gương đức tin của các vị" (13,7). Ký ức về các thừa sai nâng đỡ chúng ta trong lúc chúng ta cảm thấy sự khan hiếm các thợ của Tin Mừng. Tấm gương của các vị lôi kéo, thúc đẩy chúng ta noi gương đức tin của các ngài. Ðó là những chứng tá phong phú sinh ra sự sống!

- Lời khuyên thứ hai là: "Anh chị em hãy nhớ lại những ngày đầu tiên: sau khi lãnh nhận ánh sáng của Chúa Kitô, anh chị em đã phải chịu đựng một cuộc chiến đấu lớn và cơ cực... Ðừng từ bỏ sự ngay thẳng của anh chị em, có một phần thưởng lớn dành cho cho sự ngay thẳng này. Anh chị em chỉ cần kiên trì bền đỗ..." (10,32.35-36). Tôn kính những người đã chịu đau khổ để mang Tin Mừng cho chúng ta, có nghĩa là cả chúng ta cũng tham gia cuộc chiến tốt lành cho đức tin, trong sự khiêm tốn, hiền từ, từ bi, trong cuộc sống hằng ngày. Và điều này mang lại thành quả.

Tưởng niệm những vị đã đi trước chúng ta, những vị đã thành lập Giáo hội chúng ta, Giáo Hội phong phú tại Québec, phong phú với bao nhiêu thừa sai, các vị ra đi khắp nơi. Thế giới đã đầy các thừa sai Canada như hai vị thánh này. Giờ đây tôi có lời khuyên này: việc tưởng niệm các vị không làm cho chúng ta từ bỏ sự thẳng thắn, không từ bỏ can đảm. Ma quỷ ghen tương, và không chấp nhận một phần đất phong phú các thừa sai. Xin Chúa "ban cho miền Québec trở lại trên con đường phong phú, cung cấp cho thế giới bao nhiêu thừa sai, và xin hai vị thánh đã thành lập Giáo Hội tại Québec, giúp chúng ta như những người chuyển cầu: ước gì hạt giống mà các vị đã gieo vãi, tăng trưởng và mang lại hoa trái là những người nam nữ can đảm, sáng suốt, có tâm hồn mở rộng đối với tiếng gọi của Chúa. Hôm nay anh chị em phải cầu xin điều ấy cho quê hương của anh chị em, và các thánh trên trời sẽ là những vị chuyển cầu cho chúng ta, để Québec tái trở thành nguồn các vị thánh thừa sai can đảm".

Niềm vui và thách đố trong cuộc hành hương này của anh chị em là: tưởng niệm các chứng nhân, các thừa sai đức tin của đất nước anh chị em. Ký ức này luôn nâng đỡ anh chị em trong hành trình tiến về tương lai, hướng về mục tiêu, khi "Chúa là Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi gương mặt.."

"Chúng ta hãy vui mừng, hân hoan vì ơn cứu độ của Người" (Is 25,9).

Cuối thánh lễ, Ðức Hồng Y Gérard Cyprien Lacroix, Tổng Giám Mục giáo phận Québec và là giáo chủ Canada, đã đại diện các tín hữu Québec và Canada cám ơn Ðức Thánh Cha vì hồng ân lớn lao là phong hai vị thánh Francois de Laval và Marie Nhập Thể.

Ðức Hồng Y Lacroix cho biết ngài đã hướng dẫn một nhóm các tín hữu hành hương sang Pháp, theo vết của hai vị thánh và cuộc lữ hành của phái đoàn đến Roma này để cùng với Ðấng Kế Vị Thánh Phêrô một lần nữa nói lên sự hiệp thông sâu xa và ước muốn đáp lại tiếng gọi thừa sai để loan báo Tin Mừng cho thế giới ngày nay.

Ðức Hồng Y cho biết cuộc lữ hàng của các tín hữu Canada không kết thúc ở Roma này, nhưng "với ơn Chúa, chúng con sẽ tiếp tục tại đất nước chúng con, tại Québec và bất kỳ nơi nào Chúa cần chúng con. Chúng con mong ước ngày càng trở thành những môn đệ - thừa sai giữa lòng thế giới".

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 15 và sau đó, lúc đúng 12 giờ, Ðức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ ở phòng làm việc của các vị Giáo Hoàng ở dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin chung với các tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô Ngài quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng về nhà vua mời gọi mọi người tham dự tiệc cưới. Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân bị lụt ở Genova, bắc Italia, cũng như chào thăm nhiều nhóm các tín hữu hành hương, đặc biệt là các nữ tu dòng Con Ðức Mẹ Phù Hộ (dòng Salésiennes) đang nhóm tổng tu nghị ở Roma.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page