Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình

phiên họp bốn và năm

 

Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình, phiên họp bốn và năm.

Roma (VIetCatholic News 8-10-2014) - Chủ đề phiên họp chung thứ bốn là "Chương Trình Mục Vụ Cho Gia Ðình: Các Ðề Xuất Hiện Nay" (Phần II, chương 1). Trước nhất, mối nối kết giữa cuộc khủng hoảng đức tin và cuộc khủng hoảng gia đình đã được nhấn mạnh: có người cho rằng cuộc khủng hoảng đầu sản sinh ra cuộc khủng hoảng sau. Lý do vì đức tin bị coi như một mớ các tập tục tín lý trong khi, thực ra, nó chủ yếu là một hành vi tự do nhờ đó ta tín thác nơi Thiên Chúa. Ðiều này nẩy sinh gợi ý muốn soạn thảo một cuốn cẩm nang dành cho việc dạy giáo lý các gia đình, nhằm củng cố sứ mệnh rao truyền Tin Mừng của nó. Hơn nữa, sự yếu kém đức tin của nhiều người đã chịu phép rửa cũng đã được nhấn mạnh; điều này thường dẫn tới cuộc hôn nhân của những cặp vợ chồng không ý thức một cách thích đáng điều họ đang làm.

Thứ hai, thách thức lớn đối với các gia đình ngày nay đã được nhắc tới; đó là thách đố của "nền độc tài tư duy đơn nguyên" (unitary thought) nhằm đưa vào xã hội những phản giá trị làm méo mó viễn kiến về hôn nhân vốn là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Cuộc khủng hoảng giá trị, chủ nghĩa duy tục vô thần, chủ nghĩa hưởng lạc, và tham vọng quyền lực đang tiêu hủy các gia đình ngày nay, làm nó ra méo mó, làm suy yếu con người và do đó biến xã hội thành mỏng dòn. Cho nên điều quan trọng là phục hồi nơi tín hữu một ý thức thuộc về Giáo Hội, vì Giáo Hội lớn mạnh nhờ lôi cuốn và các gia đình của Giáo Hội lôi cuốn các gia đình khác.

Về phần mình, Giáo Hội, vốn chuyên môn về nhân tính, phải nhấn mạnh tới vẻ đẹp của gia đình và nhu cầu cần có gia đình, vì gia đình là điều không thể thiếu được. Ta cần phải làm sao thức tỉnh nhân loại một lần nữa để họ ý thức được rằng họ thuộc về đơn vị gia đình. Ngoài ra, như một phản chiếu tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu không bao giờ biệt lập, gia đình phải mở lòng chúng ta ra chào đón các mối liên hệ và nối kết với người khác, nhờ thế trở thành nền tảng của xã hội.

Mối liên kết giữa các linh mục và các gia đình cũng đã được nhắc tới: các ngài đồng hành với các gia đình trong mọi giai đoạn quan trọng nhất của cuộc sống, chia sẻ các niềm vui và các nỗi khó khăn; ngược lại, các gia đình giúp các linh mục cảm nghiệm việc độc thân như một cuộc sống viên mãn và quân bằng về xúc cảm, hơn là như một hy sinh. Ngoài ra, gia đình còn được định nghĩa là "cái nôi của ơn gọi" vì chính trong bốn bức tường gia đình, nhờ cầu nguyện chung, ơn gọi làm linh mục luôn được nghe thấy.

Một mối nối kết nữa cũng đã được đề cập, đó là mối nối kết giữa phép rửa và hôn nhân: không có việc khai tâm Kitô Giáo một cách nghiêm túc và sâu xa, ý nghĩa của bí tích hôn nhân sẽ giảm thiểu. Cho nên, phiên họp đã nhấn mạnh rằng không thể chỉ nhìn hôn nhân Kitô Giáo như một truyền thống văn hóa hay một nhu cầu xã hội, mà đúng hơn phải hiểu nó như một quyết định có tính ơn gọi, được đảm nhiệm sau khi được chuẩn bị xứng đáng, một việc chuẩn bị không thể qua loa trong một vài buổi học, mà phải diễn tiến trong một khoảng thời gian nhất định.

Phiên họp sau đó đã lưu ý tới khía cạnh việc làm ảnh hưởng ra sao tới năng động tính của gia đình: đây là hai chiều kích cần được dung hòa, qua giờ giấc làm việc càng ngày càng phải mềm dẻo, các mô thức ký kết khế ước mới, và lưu tâm tới khoảng cách địa dư giữa nơi làm việc và gia đình. Ngoài ra, kỹ thuật có thể dẫn tới chỗ đem việc làm về nhà, khiến cho cuộc đối thoại trong gia đình trở nên khó khăn.

Nhiều phát biểu, nhất là liên quan tới Phi Châu, đã khiến các nghị phụ lưu ý tới các thách đố đối với các gia đình trên lục địa này: đa hôn, hôn nhân theo chế độ lêvi (em trai người quá cố phải lấy vợ người quá cố để đẻ con cho anh ta), các giáo phái, chiến tranh, nghèo đói, cuộc khủng hoảng di dân, áp lực quốc tế phải hạn chế sinh đẻ, v.v# Ðó là các vấn đề đang phá hoại sự ổn định của gia đình, khiến nó bị khủng hoảng. Ðứng trước các thách đố này, điều cần là phải đáp ứng bằng một cuộc phúc âm hóa sâu sắc, có khả năng phát huy các giá trị hòa bình, công lý và tình thương, phát huy thoả đáng vai trò phụ nữ trong xã hội, giáo dục trẻ em cách thấu đáo và bảo vệ quyền lợi của mọi nạn nhân của bạo lực.

Trong giờ dành cho thảo luận công khai, từ 6 tới 7 giờ tối, phiên họp đã chú ý một lần nữa tới nhu cầu phải có một ngôn ngữ mới trong việc công bố Tin Mừng, đặc biệt nhắc tới các kỹ thuật truyền thông mới. Về tính bất khả tiêu của hôn nhân, đã có nhấn mạnh cho rằng hiện nay, xem ra luật lệ đang chống lại thiện ích của con người. Thực vậy, sự thật về dây hôn phối và tính ổn định của nó đã được khắc ghi trong con người, và do đó, không có vấn đề đặt luật lệ và con người vào thế chống chọi nhau, mà đúng hơn vào thế hiểu cách giúp con người không phản bội sự thật của họ.

Phiên họp đề nghị phải suy tư thêm về các gia đình không nhận được hồng ơn con cái bất kể rất muốn có chúng, và các gia đình tại các vùng bị ảnh hưởng vi khuẩn Ebola.

Sau cùng, hình ảnh Giáo Hội như ánh sáng đã được nhắc nhớ, với hy vọng rằng đây không phải chỉ là ánh sáng hải đăng, vốn sáng hoài và chiếu sáng từ xa, mà còn là ngọn đuốc hay đúng hơn "ánh sáng diụ dàng" đồng hành cùng nhân loại dọc hành trình của họ, từng bước một.

Hội Ðồng Giáo Hoàng về Gia Ðình tặng các thành viên của Thượng Hội Ðồng mỗi người một cuốn Tuyển Tập (enchiridion) dầy về gia đình.

Phiên họp thứ năm

Trong phiên họp chung lần thứ năm vào sáng 8 tháng Mười năm 2014, một phiên họp Ðức Thánh Cha không tham dự vì bận triều kiến chung, cuộc tranh luận chung tiếp diễn về các chủ đề trong Tài Liệu Làm Việc: Các Thách Ðố của Gia Ðình" (Phần II, chương 2). Cuộc Khủng Hoảng Ðức Tin và Cuộc Sống Gia Ðình / Các Hoàn Cảnh Cấp Thiết bên trong Gia Ðình / Các Áp Lực Bên Ngoài đối với Gia Ðình / Các Hoàn Cảnh Ðặc Biệt.

Trước nhất và trên hết, cuộc tranh luận tập chú vào Giáo Hội tại Trung Ðông và tại Bắc Phi. Cả hai đều đang hiện hữu trong các hoàn cảnh khó khăn về chính trị, kinh tế và tôn giáo, với nhiều vang dội nghiêm trọng đối với các gia đình. Nơi nào luật lệ ngăn cản việc đoàn tụ của các gia đình, thì nghèo đói thường khiến người ta phải di cư, nơi nào có chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và các Kitô hữu không được hưởng ngang quyền với các đồng công dân Hồi Giáo, thì nơi đó thường có nhiều vấn đề khó khăn cho các gia đình do hậu quả của hôn nhân hỗn hợp.

Thực thế, trong các bối cảnh trên, các cuộc hôn nhân liên tôn hay còn gọi là "hỗn hợp" đang diễn ra và gia tăng. Phiên họp cho rằng, vì thế, thách đố của Giáo Hội là hiểu được hình thức dạy giáo lý nào cần đưa ra cho các trẻ em sinh ra từ những cuộc kết hợp này và làm thế nào có thể tôn trọng hoàn cảnh chưa ai biết của những người Công Giáo này, những người, vì kết hợp trong các cuộc hôn nhân hỗn hợp, nên muốn tiếp tục được thực thi tôn giáo của mình. Có người cho rằng không được lãng quên những cặp vợ chồng như thế và Giáo Hội phải liên tiếp chăm sóc họ. Một thách đố khác nữa đã được nêu lên liên quan tới các Kitô hữu trở lại Hồi Giáo để kết hôn: phiên họp cho rằng những trường hợp như thế này cần được suy nghĩ thêm.

Vấn đề không chỉ có tính liên tôn, mà đôi khi còn có tính đại kết nữa: có những trường hợp một người Công Giáo kết hôn hợp giáo luật nhưng rồi vì không thể nhận được án tuyên bố vô hiệu nên đã chuyển qua một hệ phái Kitô Giáo khác, và tái hôn hợp pháp trong giáo phái này. Về khía cạnh này, phiên họp nhấn mạnh rằng: dù thế nào, vì không muốn hại tới gia tài đức tin chung, ta cần phải theo con đường thương xót trong các hoàn cảnh khó khăn.

Liên quan tới những người ly dị và tái hôn, phiên họp nhấn mạnh rằng chắc chắn Thượng Hội Ðồng phải xem sét vấn đề này với sự khôn ngoan cần thiết đối với các vấn đề quan trọng, nhưng cũng phải phối hơp tính khách quan của sự thật với lòng xót thương đối với con người và các đau khổ của họ. Ðiều cần nhớ là nhiều tín hữu rơi vào hoàn cảnh này không do lỗi của họ.

Phiên họp cũng nhắc tới cam kết của Tòa Thánh, mà tiếng nói luôn được người ta lắng nghe trong việc bảo vệ các gia đình ở mọi bình diện: quốc tế, quốc gia và vùng miền, nhằm mục đích nhấn mạnh phẩm giá của chúng, các quyền lợi và nghĩa vụ của chúng, và được ghi nhận, như lời Ðức Bênêđíctô XVI rằng, tiếng "không" của Tòa Thánh thực sự là tiếng "có" đối với sự sống. Cho nên, phiên họp nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải tranh đấu chống lại sự im lặng về giáo dục và tôn giáo trong các gia đình, vì không hề có chỗ cho do dự mà cần phải dấn thân hơn nữa vào việc làm chứng cho Tin Mừng. Tính sáng tạo trong thừa tác mục vụ luôn luôn là điều cần thiết.

Phiên họp sau đó suy nghĩ về sự đóng góp thiết yếu của tín hữu giáo dân vào việc công bố Tin Mừng trong các gia đình: đặc biệt, các giới trẻ, các phong trào trong Giáo Hội và các cộng đồng mới đang cung hiến một việc phục vụ hết sức quan trọng, thi hành sứ mệnh tiên tri đi ngược lại trào lưu của thời đại. Do đó, lắng nghe và tin tưởng giáo dân được chứng tỏ là việc chủ yếu, vì nơi họ và với họ, Giáo Hội có thể tìm thấy các giải đáp cho các vấn nạn của gia đình.

Một đề tài khác cũng đã được xem xét là đề tài nói về tính tạm bợ của việc làm và nạn thất nghiệp. Sự buồn rầu lo lắng do thiếu việc làm chắc chắn gây ra đã tạo nên nhiều khó khăn trong các gia đình, cùng với cảnh nghèo là cảnh thường ngăn cản họ không có được một mái nhà. Hơn nữa, thiếu tiền bạc thường dẫn tới chỗ "thần thánh hóa" tiền bạc và các gia đình bị hy sinh trên bàn thờ lợi nhuận. Ðiều cần thiết là tái nhấn mạnh rằng tiền bạc phải phục vụ chứ không được cai trị.

Phiên họp cũng suy nghĩ thêm về nhu cầu cần chuẩn bị hôn nhân tốt hơn, nhất là đặc biệt lưu ý tới việc giáo dục về xúc cảm và tính dục, khuyến khích một phương thức thực sự huyền nhiệm và quen thuộc với tính dục. Sau đó, phiên họp nhắc tới sự đóng góp to lớn của ông bà trong việc chuyển giao đức tin trong gia đình. Phiên họp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia đình chào đón người cao niên bằng tình liên đới, quan tâm và âu yếm. Cũng một quan tâm như thế phải được dành cho người bịnh, phải khắc phục "nền văn hóa vứt bỏ" mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô thường cảnh giác.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page