Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình
cặp vợ chồng đầu tiên phát biểu
Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình, cặp vợ chồng đầu tiên phát biểu.
Roma (VietCatholic News 7-10-2014) - Theo tin Ðài Phát Thanh Vatican, cuộc tranh luận đầu tiên tại Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình diễn ra vào chiều thứ Hai 6 tháng 10 năm 2014 dưới sự điều hợp của Chủ Tịch Thừa Nhiệm, Ðức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris.
Trong lời dẫn nhập ngắn của ngài, Ðức Hồng Y Chủ Tịch phác họa các đề tài được đem ra thảo luận đã trình bày trong Tài Liệu Làm Việc. Ðó là: kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình (phần I, chương 1) và hiểu biết và chấp nhận các giáo huấn về hôn nhân và gia đình trong Thánh Kinh và trong các văn kiện của Giáo Hội (Phần I, chương 2).
Ðức Hồng Y nhận định rằng "ngay khi giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình được biết đến, nhiều Kitô hữu vẫn thấy khó mà chấp nhận nó cách trọn vẹn". Thành thử, các mục tử "cần có khả năng dẫn nhập các sự thật đức tin liên quan tới gia đình, để giá trị nhân bản và hiện sinh sâu xa của nó có thể được đánh gía đúng mức". Ðức Hồng Y nói tới các khó khăn gặp phải trong hành trình này, những khó khăn thường là hậu quả của những mối liên hệ liên ngã có tính mỏng dòn và một nền văn hóa bác bỏ các chọn lựa có tính vĩnh viễn, bị điều kiện hóa bởi bất an và một viễn kiến ngắn hạn.
Sau đó, ngài giới thiệu cặp vợ chồng đầu tiên nói chuyện thẳng với các nghị phụ của Thượng Hội Ðồng về thực tại đời sống vợ chồng; đó là hai ông bà Romano và Mavis Pirola, những người đã lấy nhau được 55 năm và là cha mẹ của 4 người con và ông bà của 8 đứa cháu. Ông bà cũng là các giám đốc của Hội Ðồng Hôn Nhân Và Gia Ðình Công Giáo Úc.
Ông bà nói với các nghị phụ Thượng Hội Ðồng rằng "đời sống gia đình là một 'rối tung' (messy). Nhưng đời sống giáo xứ, 'gia đình của các gia đình' thì cũng thế". Họ trình bày hoàn cảnh của nhiều cặp vợ chồng Công Giáo từng trải nghiệm tan vỡ và căng thẳng trong cuộc sống gia đình của họ nhưng vẫn anh dũng chiến đấu trong cố gắng của họ nhằm trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, như bà mẹ ly dị cảm thấy không được hoan nghênh khi mang con tới Thánh Lễ; cha mẹ muốn chào đón con trai đồng tính và người bạn đời của anh ta về nhà nghỉ lễ Giáng Sinh; bà mẹ góa lớn tuổi một mình săn sóc đứa con trai trung niên khuyết tật.
Ông bà nhận định rằng "Giáo Hội luôn đối đầu với căng thẳng của việc vừa phải duy trì sự thật vừa phải biểu lộ cảm thương và nhân hậu... Các gia đình này luôn được hưởng lợi nhờ việc giảng dạy và các chương trình tốt hơn. Tuy nhiên, hơn bất cứ điều gì khác, họ cần được đồng hành dọc hành trình của họ, được chào đón, các câu truyện của họ được lắng nghe và trên hết được khẳng nhận".
Và có lẽ điểm đáng lưu ý hơn cả của ông bà Pirola là ngôn từ của Giáo Hội về gia đình cần được thay đổi. Chạy tới với Giáo Hội trong những lúc gặp thử thách và đôi khi tra cứu các văn kiện của Giáo Hội, ông bà cho biết những điều họ tìm gặp "xem ra xuất phát từ một hành tinh khác" và "không hề liên quan chút nào" với các trải nghiệm của họ.
Sau đây là toàn văn lời phát của Ông Bà Pirola:
* * *
Năm mươi bẩy năm trước đây, tôi nhìn khắp căn phòng và nhận ra một người đàn bà trẻ đẹp. Với thời gian, chúng tôi tìm biết nhau và cuối cùng tiến một bước tiến vĩ đại là cam kết với nhau trong hôn nhân. Chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi khám phá ra rằng sống cuộc sống mới với nhau là một chuyện cực kỳ phức tạp. Giống mọi cuộc hôn nhân khác, chúng tôi có nhiều giây phút tuyệt diệu với nhau và cũng có những giây phút tức giận, ngã lòng và nước mắt cũng như nỗi sợ khôn nguôi về một cuộc hôn nhân thất bại. Ấy thế nhưng chúng tôi còn ở đây, 55 năm lấy nhau và vẫn còn thương yêu nhau. Chắc chắn đây là một mầu nhiệm.
Sự lôi cuốn mà lần đầu chúng tôi cảm nhận được và sức mạnh nối kết liên tục giữa chúng tôi, từ căn bản, vốn có tính tính dục. Những điều nhỏ mọn chúng tôi làm cho nhau, những cú điện thoại, những dòng tỏ tình, cung cách đặt kế hoạch cho ngày sống bên nhau và những điều vợ chồng cùng chia sẻ đều là những biểu thức bên ngoài nói lên nỗi mong chờ được thân mật với nhau.
Với mỗi một trong số 4 đứa con chào đời, là một niềm soảng khoái hân hoan mà chúng tôi cho đến nay vẫn còn cảm tạ ơn Chúa hàng ngày. Dĩ nhiên, các phức tạp của việc làm cha mẹ đem lại cả tưởng thưởng lẫn thách đố. Có những đêm thức trắng chẳng hiểu mình sai ở chỗ nào.
Ðức tin của chúng tôi vào Chúa Kitô là điều quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi đi lễ với nhau và tìm đến Giáo Hội để được hướng dẫn. Thỉnh thoảng, chúng tôi tìm đọc các văn kiện của Giáo Hội nhưng dường như các văn kiện này phát xuất từ một hành tinh khác, với một thứ ngôn ngữ khó hiểu và không hề liên hệ chút nào với các trải nghiệm của chúng tôi (1).
Trong cuộc hành trình sống đời với nhau, chúng tôi chịu ảnh hưởng trước nhất nhờ cùng can dự với nhiều cặp vợ chồng khác và một số linh mục, chủ yếu trong các phong trào linh đạo giáo dân, đặc biệt là Nhóm Ðức Bà (Équipes Notre Dame) và Gặp Gỡ Hôn Nhân Thế Giới (Worldwide Marriage Encounter).
Diễn trình tham dự là diễn trình lắng nghe bằng thái độ cầu nguyện những câu truyện của nhau và được chấp nhận và khẳng nhận trong ngữ cảnh giáo huấn Giáo Hội. Rất ít khi thảo luận về luật tự nhiên nhưng đối với chúng tôi những câu truyện này đều là những điển hình của điều Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc đến như là một trong những nguồn tài nguyên phúc âm hóa chính của Giáo Hội.
Dần dần, chúng tôi tiến tới chỗ thấy ra rằng đặc điểm duy nhất phân biệt mối liên hệ bí tích của chúng tôi với bất cứ mối liên hệ tốt nào khác lấy Chúa Kitô làm tâm điểm là sự thân mật tính dục; chúng tôi cũng thấy rằng hôn nhân là một bí tích tính dục được phát biểu trọn vẹn nhất trong giao hợp tính dục. Chúng tôi tin rằng trước khi các cặp vợ chồng tiến tới chỗ biết tôn kính việc kết hợp tính dục, coi nó như là phần chủ yếu trong nền linh đạo của họ, họ khó lòng có thể đánh giá được vẻ đẹp của các giáo huấn như các giáo huấn của Humanae Vitae. Chúng ta cần những cách thế mới và một ngôn ngữ có liên quan mới có thể đụng tới tâm hồn người ta.
Như Tài Liệu Làm Việc đã gợi ý, Giáo Hội tiểu gia có nhiều điều để cung hiến Giáo Hội rộng lớn hơn trong vai trò phúc âm hóa của mình. Thí dụ, Giáo Hội không ngừng đối diện với sự căng thẳng vừa phải duy trì sự thật vừa phải bày tỏ lòng cảm thương và nhân hậu. Các gia đình thì lúc nào cũng đối diện với loại căng thẳng này. Lấy đồng tính luyến ái làm thí dụ. Bằng hữu của chúng tôi đang chuẩn bị cuộc họp mặt gia đình nhân dịp Lễ Giáng Sinh, bỗng người con trai cho biết anh ta muốn đem cả người bạn đời cũng con trai của anh ta về nhà nữa. Các bằng hữu của chúng tôi hoàn toàn tin giáo huấn của Giáo Hội và họ biết các cháu của họ sẽ chứng kiến cảnh họ đón người con trai và người bạn đời cũng con trai của anh ta vào gia đình. Giải đáp của họ có thể tóm lược trong mấy chữ: cháu là con trai chúng tôi!
Quả là một mô thức phúc âm hóa đối với các giáo xứ nếu họ muốn đáp ứng các hoàn cảnh tương tự tại khu xóm của họ! Ðây là một điển hình thực tiễn của điều Tài Liệu Làm Việc viết liên quan tới vai trò giáo huấn của Giáo Hội và sứ mệnh chính của nó là làm cho thế giới biết tình yêu của Thiên Chúa.
Trong trải nghiệm của chúng tôi, các gia đình, các Giáo Hội tiểu gia, thường là các mô thức tự nhiên của việc mở rộng cửa cho các Giáo Hội từng được Niềm Vui Tin Mừng nói tới.
Một người bạn ly dị của chúng tôi nói rằng đôi khi chị cảm thấy không được tiếp nhận trọn vẹn trong giáo xứ của chị. Tuy nhiên, chị vẫn cùng các con tham dự Thánh Lễ đều đặn và không ta thán gì cả. Chị nên được coi là mẫu mực của can đảm và dấn thân dù gặp nghịch cảnh. Từ những người như chị, chúng tôi học được cách chân nhận rằng tất cả chúng ta đều mang theo mình một yếu tố gẫy đổ nào đó trong đời mình.
Biết đánh giá sự gẫy đổ của mình sẽ giúp ta rất nhiều trong việc thu nhỏ lại khuynh hướng hay phê phán người khác, một khuynh hướng ngăn trở việc phúc âm hóa xiết bao! Chúng tôi biết một bà góa cao niên sống với đứa con trai duy nhất. Cậu đã ngoài bốn mươi và mang hội chứng Down và tâm thần phân liệt (schizophrenia). Bà chăm sóc cậu một cách đáng phục và nỗi sợ duy nhất của bà là ai sẽ chăm sóc cậu một khi bà hết khả năng.
Cuộc đời chúng tôi được rất nhiều những gia đình như thế tác động. Những gia đình này có sự hiểu biết căn bản về giáo huấn Giáo Hội. Họ luôn được lợi nhờ việc giảng dạy và các chương trình tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, hơn bất cứ điều gì khác, họ cần được đồng hành dọc hành trình của họ, được chào đó, truyện của họ được lắng nghe, và trên hết, được khẳng nhận.
Tài Liệu Làm Việc nhận định rằng vẻ đẹp tình yêu con người phản ảnh tình yêu Thiên Chúa như đã được ghi trong truyền thống Thánh Kinh, nơi các tiên tri. Nhưng cuộc sống gia đình của họ thì hỗn độn và đầy những bi hài kịch rối tung. Vâng, đời sống gia đình đang rối tung. Nhưng giáo xứ cũng thế, nó vốn là 'gia đình của các gia đình'.
Tài Liệu Làm Việc hỏi làm cách nào 'hàng giáo sĩ được chuẩn bị tốt hơn trong việc trình bày các văn kiện của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình'.
Một lần nữa, cách có thể có là học từ Giáo Hội tiểu gia. Như Ðức Bênêđíctô XVI từng nói "việc này đòi một thay đổi trong tâm thức, nhất là liên quan tới giáo dân. Không nên coi họ như 'những cộng tác viên' của giáo sĩ nữa mà phải nhìn nhận họ là 'những người đồng trách nhiệm' đối với hữu thể và hành động của Giáo Hội".
Ðiều ấy cũng đòi hỏi một thay đổi lớn về thái độ đối với giáo dân. Chúng tôi có tám đứa cháu hết sức tuyệt vời và độc đáo. Chúng tôi hàng ngày cầu nguyện cho chúng đích danh vì ngày nào chúng cũng bị đặt trước những sứ điệp méo mó của xã hội hiện đại, ngay khi chúng bước dọc hè phố để tới trường; những sứ điệp ấy nhan nhản trên những bảng quảng cáo hay xuất hiện trên điện thoại thông minh của chúng. Lòng tôn trọng thẩm quyền, bất luận của cha mẹ hay của tôn giáo, đã cao chạy xa bay từ lâu. Nên cha mẹ các cháu phải học đi vào cuộc sống con cái mình, chia sẻ các giá trị của chúng và các niềm hy vọng đối với chúng và nhờ thế, đổi lại, cũng học hỏi được từ chúng. Diễn trình đi vào đời sống của người khác và học hỏi ở họ cũng như chia sẻ với họ chính là trái tim của phúc âm hóa.
Như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI từng viết trong Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), "Cha mẹ không những thông truyền Tin Mừng cho con cái, nhưng nhờ con cái họ cũng tiếp nhận được cùng một Tin Mừng ấy nhưng đã được chúng sống một cách thâm hậu".
Chắc chắn đó chính là trải nghiệm của chúng tôi. Thực vậy, chúng tôi đồng thuận với gợi ý của một trong số các con gái của chúng tôi liên quan tới việc khai triển điều cháu gọi là mô thức phu thê cho nền linh đạo Kitô Giáo, một nền linh đạo áp dụng cho mọi người, bất luận là đơn lẻ, độc thân hay có gia đình, nhưng là một mô thức biến hôn nhân thành khởi điểm để hiểu sứ vụ. Mô thức này có nền tảng Thánh Kinh và nhân học, mục đích làm nổi bật bản năng ơn gọi bước vào tính sinh sản và tình thân mật mà ai cũng trải nghiệm. Mô thức này nhắc ta nhớ rằng mỗi người chúng ta đều được dựng nên cho một liên hệ và phép rửa trong Chúa Kitô có nghĩa là thuộc về Nhiệm Thể Người, dẫn ta tới cõi vĩnh hằng với Thiên Chúa, Ðấng vốn là hiệp thông tình yêu Ba Ngôi.
(1) Trong phần ghi chú, Ông Bà Pirola có nhắc tới Hiến Chương Quyền Gia Ðình của của Hội Ðồng Giáo Hoàng Về Gia Ðình. Ðây là một văn kiện tuyệt vời của Giáo Hội, nhưng ít được các giới thế tục trích dẫn. Chính vì thế, tại Ðại Hội Toàn Thể lần thứ XXI của Hội Ðồng này năm 2013, Giáo Sư Jane Adolphe đã viết lại văn kiện này bằng từ ngữ hoàn toàn thế tục, rất dễ hiểu, chắc chắn sẽ được các cơ quan thế tục như Liên Hiệp Quốc trích dẫn, hay ít nhất cũng được công chúng đọc.
Vũ Văn An