Ðức Thánh Cha tố giác sự chia rẽ

và mời gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất

 

Ðức Thánh Cha tố giác sự chia rẽ và mời gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

Vatican (Vat. 8-10-2014) - Trong buổi tiếp kiến chung 80 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 8 tháng 10 năm 2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tố giác sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô và mời gọi mọi người cầu nguyện và dấn thân cho sự hiệp nhất.

Lúc quá 9 giờ rưỡi sáng, Ðức Thánh Cha tiến vào quảng trường thánh Phêrô trên chiếc xe díp màu trắng mui trần để chào thăm các tín hữu, ôm hôn và chúc lành cho các em bé được nhân viên an ninh bế đưa lên ngài.

Lên tới lễ đài ở thềm Ðền thờ, Ðức Thánh Cha khởi sự buổi tiếp kiến với dấu Thánh giá và lời chào phụng vụ. Và sau phần tôn vinh lời Chúa với bài đọc ngắn trích từ đoạn 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan ghi lại lời nguyện của Chúa Giêsu xin cho các môn đệ được hiệp nhất, Ðức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài huấn giáo về Giáo Hội, và ngài tiến sang bài thứ 8 nói về các tín hữu Kitô không Công Giáo.

Bài huấn giáo của Ðức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em

Trong các bài huấn giáo gần đây, chúng ta đã tìm cách làm nổi bật bản chất và vẻ đẹp của Giáo Hội, và chúng ta tự hỏi sự kiện chúng ta được thuộc về Dân của Giáo Hội bao hàm điều gì. Và chúng ta không quên rằng có bao nhiêu anh chị em cùng chia sẻ với chúng ta niềm tin nơi Chúa Kitô, nhưng họ thuộc các hệ phái khác hoặc thuộc các truyền thống khác với chúng ta. Nhiều người cam chịu sự chia rẽ này, sự chia rẽ qua dòng lịch sử thường là nguyên nhân gây ra những xung đột và đau khổ, cả chiến tranh nữa và đây thực là ô nhục. Cả ngày nay, các quan hệ cũng không luôn luôn đượm tinh thần tôn trọng và thân mật... Còn chúng ta, chúng ta có thái độ nào đứng trước tình trạng đó? Phải chăng chúng ta cũng cam chịu, và thậm chí có thái độ dửng dưng? Hoặc chúng ta mạnh mẽ xác tín rằng ta có thể và phải tiến bước theo chiều hướng hòa giải và hiệp thông trọn vẹn.

Những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô, khi làm thương tổn Giáo Hội thì cũng gây thương tổn cho Chúa Kitô: thực vậy, Giáo Hội là thân mình mà Chúa Kitô là đầu. Chúng ta biết rõ điều Chúa Kitô rất mong muốn, đó là các môn đệ của Ngài hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Ngài. Chỉ cần nghĩ đến những lời Chúa được thuật lại trong chương 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan, lời nguyện Chúa dâng lên Thiên Chúa Cha liền trước cuộc khổ nạn. "Lạy Cha thánh, xin giữ gìn họ trong danh Cha, danh mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta" (Ga 17,11). Sự hiệp nhất này đã bị đe dọa trong khi Chúa Giêsu còn ở với các môn đệ: thực vậy, trong Tin Mừng, chúng ta nhớ vụ các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất, quan trọng nhất (Xc Lc 9,46). Nhưng Chúa đã nhấn mạnh rất nhiều về sự hiệp nhất trong danh Chúa Cha, cho chúng ta hiểu rằng việc loan báo và làm chứng tá của chúng ta càng đáng tin cậy nếu trước đó chúng ta càng có khả năng sống hiệp thông và yêu thương nhau. Ðó là điều mà các tông đồ của Chúa, với ơn của Chúa Thánh Linh, đã hiểu sâu xa sau đó và quan tâm, đến độ thánh Phaolô đi tới độ tha thiết xin Cộng đoàn Corinto với những lời như sau: "Vì thế, anh chị em, tôi xin anh chị em nhân danh Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta hãy hiệp nhất trong lời nói, để đừng có chia rẽ giữa anh chị em, nhưng anh chị em hãy hiệp nhất trong tư tưởng và cảm thông" (1 Cr 1,10).

Trong hành trình lịch sử, Giáo Hội bị ma quỉ cám dỗ, hắn tìm cách chia rẽ Giáo Hội, và rất tiếc là Giáo Hội bị những phân rẽ trầm trọng và đau thương. Ðó là những chia rẽ nhiều khi kéo dài trong thời gian, cho đến ngày nay, vì thế thật khó nêu rõ tất cả những lý do và nhất là tìm ra những giải pháp có thể. Những lý do đã đưa tới những rạn nứt và phân rẽ có thể rất khác nhau: từ sự khác biệt về những nguyên tắc tín lý và luân lý, và về những quan niệm thần học và mục vụ khác nhau, tới những động lực chính trị và xu thời, cho đến những cuộc đụng độ vì sự ác cảm và tham vọng cá nhân.. Ðiều chắc chắn là, cách này hay cách khác, đàng sau những xâu xé ấy luôn có sự kiêu ngạo và ích kỷ, là nguyên nhân gây ra mọi bất thuận và làm cho chúng ta trở nên bất bao dung, không có khả năng lắng nghe và chấp nhận những người có quan điểm và lập trường khác với chúng ta.

Ðức Thánh Cha đặt câu hỏi:

"Giờ đây, phải chăng đứng trước tất cả những điều ấy, có một cái gì đó mà mỗi người chúng ta, trong tư cách là phần tử của Giáo Hội là Mẹ Thánh, có thể và phải làm? Chắc chắn là không thể thiếu lời cầu nguyện, nối tiếp và hiệp thông với lời cầu của Chúa Giêsu. Và cùng với lời cầu nguyện, Chúa cũng yêu cầu chúng ta tái cởi mở: Chúa yêu cầu chúng ta đừng khép kín không đối thoại và gặp gỡ, trái lại đón nhận tất cả những gì có giá trị và tích cực mà những người nghĩ khác chúng ta hoặc có những lập trường khác, cống hiến. Chúa yêu cầu chúng ta đừng nhìn những gì chia rẽ chúng ta, nhưng đúng hơn, hãy ngắm nhìn những gì liên kết chúng ta, tìm cách biết và yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn và chia sẻ sự phong phú của tình yêu Chúa. Và điều này bao hàm một cách cụ thể thái độ gắn bó với chân lý, cùng với khả năng tha thứ cho nhau, cảm thấy mình là thành phần của cùng một gia đình, coi nhau như một món quà và cùng nhau làm bao nhiêu điều tốt lành, bao nhiêu công việc bác ái!

Ðức Thánh Cha cũng nói rằng: "Thật là đau lòng vì có những chia rẽ, các tín hữu Kitô chia rẽ. Nhưng tất cả chúng ta đều có một điều chung: tất cả đều tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Tất cả chúng ta đều tin nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cùng nhau tiến bước. Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau.. Trong tất cả các cộng đoàn Giáo hội đều có những nhà thần học giỏi: họ hãy thảo luận, tìm kiếm chân lý thần học, vì đó là một nghĩa vụ, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và làm việc bác ái. Và như thế chúng ta hiệp thông trong hành trình, điều này gọi là phong trào đại kết tinh thần: cùng nhau đồng hành trong đức tin, trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô".

Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến một kỷ niệm bản thân: hôm qua là kỷ niệm đúng 70 năm ngài được hiệp lễ, được rước lễ lần đầu. Hiệp lễ cũng là hiệp thông với người khác, với anh chị em chúng ta trong Giáo hội, với những người thuộc các cộng đoàn khác, nhưng tin nơi Chúa Giêsu. "Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì bí tích rửa tội, vì sự hiệp thông giữa chúng ta".

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM và giám chức của Tòa Thánh đã tóm tắt bài này bằng các sinh ngữ khác nhau cũng như dịch những lời Ðức Thánh Cha chào các tín hữu hành hương cùng với những lời nhắn nhủ của ngài.

Chẳng hạn với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài nói: "Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện cho công việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về gia đình mới khai mạc chúa nhật vừa qua. Ðây là thời điểm quan trọng trong đời sống Giáo Hội, cũng như để nâng đỡ các gia đình chúng ta thường bị tổn thương và thử thách bằng nhiều cách.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, Ðức Thánh Cha nhắc đến các phái đoàn đến từ nhiều nước như Anh, Wales, Ecosse, Ailen, Australia, và cả Ðài Loan, Philippines, Malaysia và Hoa Kỳ. Ngài đặc biệt chào thăm phái đoàn đại kết và liên tôn đến từ Ðài Loan và một nhóm thuộc Học viện Romanum ở Phần Lan.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Ðức, Ðức Thánh Cha chào thăm các tham dự viên cuộc thi đua quốc tế nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Phong trào Schoenstatt, các bạn trẻ người Thụy Sĩ đến Roma tham dự tuần lễ tìm hiểu về đoàn Vệ Binh Thụy Sĩ tại Vatican.

Trong lời chào thăm các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh Cha nhắc nhở họ rằng: "Anh chị em rất thân mến, chúng ta hãy phó thác tất cả các gia đình trên thế giới cho Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương Mân Côi, xin Mẹ hồng ân tình thương, là hồng ân lớn hơn mọi khó khăn và yếu đuối, để các gia đình luôn hiệp nhất và hạnh phúc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Thượng Hội đồng Giám Mục, để những suy tư về gia đình soi sáng và nâng đỡ hành trình của mỗi Giáo Hội tại gia!

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh Cha chào thăm các tu sĩ dòng Pallottin, các Linh Mục sinh viên Học viện Thánh Phêrô Tông Ðồ trong có đó một số linh mục Việt Nam, các bạn trẻ thuộc Phong trào Schoenstatt, đang kỷ niệm 100 năm thành lập Phong trào; những người đề xướng và cổ võ cử hành Ngày Âu Châu về việc hiến cơ phận để ghép cho bệnh nhân. Ðức Thánh Cha nói: "Tôi cầu mong rằng với hình thức chứng tá yêu thương đặc thù này đối với tha nhân, người ta duy trì được xác tín chỉ lấy cơ phận khi người hiến cơ phận qua đời thực sự và tránh mọi lạm dụng, những hình thức mua bán cơ phận".

Sau cùng, Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng tháng mười này là tháng đặc biệt cầu nguyện với Kinh Mân Côi. Ngài nói: "Hỡi các bạn trẻ thân mến, các con hãy luôn khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ Maria, để Mẹ soi sáng cho các con trong mọi hoàn cảnh cần thiết. Hỡi anh chị em bệnh nhân quí mến, nhất là anh chị em thuộc Hợp Tác Xã săn sóc và phục hồi, ước gì ơn an ủi nhờ cầu nguyện với Mẹ Maria luôn hiện diện trong cuộc sống anh chị em và hỡi các đôi tân hôn, anh chị em hãy củng cố hôn nhân của anh chị em bằng lời cầu nguyện.

Ðức Thánh Cha kết thúc buổi tiếp kiến với Kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh ban cho mọi người.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page