Thượng Hội Ðồng về gia đình
nhìn xa hơn những cường điệu
cuả giới truyền thông
Thượng Hội Ðồng về gia đình: nhìn xa hơn những cường điệu cuả giới truyền thông.
Roma (VietCatholic News 3-10-2014) - Nhiều nhà bình luận ngày nay cho rằng Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình, sẽ diễn ra ngày 05 cho đến 19 Tháng Mười năm 2014, sẽ phản ảnh một cuộc hành trình khó khăn vì bị ngộ nhận giống như thời điểm khai mạc của Công Ðồng Vatican 2 vậy.
Có ai còn nhớ khoảng thời gian khai mạc Công Ðồng Vatican 2 không nhỉ?
Công Ðồng Vatican 2, theo nhiều sử gia, là một sự kiện cuả Giáo Hội mà lần đầu tiên được giới truyền thông theo dõi rất khít khao và tường thuật rất đầy đủ.
Nhưng cách đây đã 53 năm, cũng vào tháng 10 (ngày 11 tháng 10 năm 1962), thì lúc đó nhiều độc giả còn chưa sinh ra, những người đồng tuổi thì còn bé quá, còn những vị đến tuổi biết ưu tư, có lẽ hầu hết đã ra người thiên cổ!
Vậy trước tiên hãy duyệt lại những khó khăn cuả Công Ðồng Vatican 2.
Nhìn lại Vatican 2
Những khó khăn phát xuất ra từ nhiều ngộ nhận, cuả hai thành phần, giới báo chí, và ngay trong nội bộ những người tham gia.
"Những tranh cãi đó có thể tránh được nếu nhiều người đã đọc, hiểu tài liệu và hiểu những ý định cuả Ðức Gioan XXIII ngay từ đầu," là ý kiến cuả học giả Matthew Bunson, chuyên gia nổi tiếng về lịch sử Giáo Hội Công Giáo, là tác giả và đồng tác giả của hơn 45 cuốn sách, trong đó có cuốn Giáo Hoàng Bách khoa toàn thư (The Pope Encyclopedia.)
Mà vì không hiểu, cho nên khoá khai mạc cuả Công Ðồng Vatican 2 đã trở thành một trận chiến khốc liệt giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến.
'Khốc liệt' có lẽ không phải là câu 'nói quá' xét theo những gì đã xảy ra lúc đó, như việc Ðức Hồng Y Ottaviani, bộ trưởng viện Tông Toà của Toà Thánh (Secretary of the Holy Office,) đã bị vị chủ toạ 'cúp micro' không cho noí tiếp khi hết giờ, phải ngồi xuống thẫn thờ, trong khi toàn thể cử toạ hân hoan vỗ tay tán thưởng.
Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã buồn rầu tới mức than thở rằng Ngài chỉ còn nuôi có một hy vọng là, may ra sau khi chết, từ ở Thiên Ðàng, sẽ được thấy Công Ðồng kết thúc một cách vui vẻ hơn.
Lúc đó các giáo phụ đã bàn về việc gì mà ghê gớm đến thế?
Xin thưa lúc đó, họ bàn về vấn đề 'tự do tôn giáo'. Còn Ðức Hồng Y Ottaviani thì cổ động việc duy trì nghi thức cũ cuả các thánh lễ.
Bầu không khí cuả Công Ðồng căng thẳng là vì có nhiều người mang theo một thái độ 'tranh đấu chính trị' khi nhập cuộc.
Qua những tin tức do giới truyền thông loan truyền, nhiều người đã nghĩ sai rằng Ðức Gioan XXIII bằng cách nào đó đang cố gắng loại bỏ những gì đã có trước, theo nhận xét cuả ông Matthew Bunson.
Nhưng, "Ðức Gioan XXIII đã có một cái nhìn rất tích cực về vị trí cần có cuả Giáo Hội." Matthew Bunson cho biết. "Ngài muốn Giáo Hội cung cấp thật nhiều giải pháp mục vụ cho thế giới."
Sử gia Alan Schreck, giáo sư phân khoa thần học trường đại học Phan Sinh ở Steubenville (Franciscan University of Steubenville's theology department), tác giả cuốn sách nói về Vatican 2 'Khủng Hoảng và Hứa Hẹn", cũng đồng ý như vậy:
"Ðức Gioan XXIII là một người có tài quan sát sắc sảo về tình hình thế giới và về cuộc khủng hoảng văn hóa đang nổi lên ở phương Tây, Ngài nhận thấy đây là thời điểm mà Giáo Hội cần phải xác định niềm tin của mình trong một cách thức mà những người hiện đại có thể hiểu được. "
GS Schreck cho biết trong bài phát biểu lễ khai mạc Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII khẳng định rằng học thuyết và giáo lý là không thể thay đổi, thay đổi chăng chỉ là cách thể hiện chúng. Ðây là một Công Ðồng về mục vụ.
Ðức Gioan XXIII nói: "Mối quan tâm lớn nhất của Công Ðồng phải là thế này: nền giáo lý thánh thiện cuả Kitô giáo phải được bảo vệ và được dạy giỗ một cách có hiệu quả hơn" Giáo Hội nên "không bao giờ rời khỏi di sản thiêng liêng của sự thật đã nhận được từ các thánh Giáo Phụ."
Ngài muốn giáo lý Công Giáo được rao truyền một cách tích cực hơn, GS Schreck viết "Ý tưởng của Ngài là phải trình bày đức tin chân thật, nhưng bằng một cách giống như là một tia sáng trong bóng tối vậy, để thu hút người ta đến với sự thật qua việc trình bầy đẹp đẽ và rõ ràng."
Nhưng tại sao lúc đó người ta hiểu lầm Ðức Gioan XXIII đến thế?
Trong bài diễn văn chia tay với các linh mục ngày 14 tháng 2 năm 2013, Ðức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI đã làm sáng tỏ vấn đề như sau, "(lúc đó như thể có hai Công Ðồng đang song song diễn ra,) một là Công Ðồng của các giáo phụ - Công Ðồng Thật - nhưng cũng có một 'Công Ðồng thứ hai' của giới truyền thông (là những phóng sự và bình luận ở bên ngoài)...Và thế giới nhận thức Công Ðồng qua nó, thông qua các phương tiện truyền thông. Vì vậy, tin tức về Công Ðồng đến với người dân một cách lập tức và hiệu quả là tin tức cuả truyền thông, chứ không phải cuả các giáo phụ."
"Ngày nay mọi người vẫn có thể truy cập (cách sai lạc) vào những thông tin của 'Công Ðồng thứ hai', của giới truyền thông này. Việc truy cập thì hiệu quả và ào ạt hơn, nhưng cũng vì thế mà tạo ra rất nhiều tai họa, rất nhiều vấn đề, quá nhiều đau khổ thực sự - nào là những chủng viện đóng cửa, tu viện đóng cửa, việc phụng vụ bị tầm thường hoá."
. . .
Tới đây thì những ai từng theo dõi tin tức về khoá Thượng Hội Ðồng về gia đình sắp tới đều có cảm nghiệm rằng một sự lập lại cuả vết xe lịch sử cũ đang diễn ra. Nghiã là cũng vẫn những hiểu lầm, tuyên truyền, cổ động, tranh đấu.
Giới truyền thông phương Tây tập trung vào một đề nghị cuả đức Hồng Y Kasper về việc liệu một người ly dị và tái hôn, chưa được tiêu hôn (annulment), thì trong một vài trường hợp nào đó, có thể lãnh nhận các Bí Tích được không?
Trong tuần qua cuộc tranh luận trở nên sôi nổi. Nhiều Hồng Y nhập cuộc lên tiếng, thay phiên nhau phỏng vấn trên báo. Hồng Y Kasper lập lại các lý do cuả việc đề nghị còn Hồng Y Burke thì chủ trương không đưa vấn đề đó ra mổ xẻ để tránh chia rẽ:
Vào hôm khai mạc, 5 Hồng Y sẽ ra mắt một cuốn sách chống lại những luận điểm cuả HY Kasper, goị là 'Remaining in the Truth of Christ: Marriage and Communion in the Catholic Church' (Sống trung thành với sự Thật cuả Chuá Kitô: vấn đề Hôn Nhân và Hiệp Lể trong Giáo Hội Công Giáo)
Cũng như trường hợp cuả Ðức thánh giáo hoàng Gioan XXIII, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã từng xác quyết nhiều lần là Ngài là con cuả Giáo Hội, Ngài không thay đổi giáo lý, nhưng hình như trên mặt báo chí người ta vẫn chỉ say sưa với những vấn đề thần học ở trên Trời mà quên đi những việc ở dưới Ðất mà cả hai vị giaó hoàng lập đi lập lại là: Mục vụ, Mục vụ và Mục vụ.
Cũng như trường hợp cuả Vatican 2, những ngộ nhận một phần rất lớn đã phát xuất ra từ sự xuyên tạc cuả giới truyền thông, khi họ đặt một câu hỏi duy nhất làm trung tâm điểm: liệu Giáo Hội có thay đổi giáo huấn Hôn Nhân để cho những người li dị tái hôn được chịu lễ không?
Tập trung vào một câu hỏi như thế tạo ra nguy cơ là nhiều câu hỏi quan trọng khác sẽ bị bỏ rơi. Mà Thượng Hội Ðồng thì có nhiều câu hỏi phải giải quyết lắm. Vậy đây là lúc chúng ta cần phải đưa một ra một cái nhìn bao quát hơn để được khách quan hơn.
Một cái nhìn vượt quá những cường điệu cuả giới truyền thông
"Những thách thức mục vụ của gia đình trong bối cảnh truyền giáo," là chủ đề của Thượng Hội Ðồng Ðặc Biệt, có mục đích tìm ra những cách thức tốt nhất để công bố Tin Mừng về gia đình trong một bối cảnh là ngày nay gia đình đang đứng trước nhiều thách thức đa dạng nhưng cũng có nhiều giải pháp từ những nơi không phải là Công Giáo.
Chương trình nghị sự cuả Thượng Hội Ðồng thì rất nhiều - nào là vấn đề làm mẹ đơn thân, việc chăm sóc mục vụ của con cái của các cặp vợ chồng đồng tính, những thách thức để thúc đẩy việc một vợ một chồng trong những nền văn hóa đa thê...
Theo nhận xét cuả Cha Thomas Rosica, là phát ngôn viên cuả những phái đoàn nói tiếng Anh trong Thượng Hội Ðồng thì "Tuy vấn đề ly dị tái hôn và lãnh nhận bí tích có thể là một vấn đề nóng bỏng ở nhiều nước phương Tây nhưng nó không có nghĩa là vấn đề duy nhất mà Giáo Hội hoàn vũ đang phải đối mặt. "
Thay vào đó, nhiều mối quan tâm đã được đưa lên Thượng Hội Ðồng, Ngài nói, tập trung vào việc chăm sóc mục vụ cho gia đình, ví dụ, trong các tình huống nghèo đói cùng cực, cha mẹ duy nhất, xung đột và chiến tranh, di cư, và vv.
Cho nên thế giới đang mong đợi từ Thượng Hội Ðồng về gia đình này, cha Rosica giải thích, là những giải đáp quan trọng về việc làm sao mà các linh mục, giáo viên, và các tín hữu bình thường "nhận biết những gì đang thực sự diễn ra," lựa chọn cách thức nào để giảng dạy về "vẻ đẹp của hôn nhân, tầm quan trọng của cuộc sống gia đình, tầm quan trọng của việc đưa trẻ em vào thế giới. "
"Chúng ta phải nhìn như thế nào về những người trên thế giới đang bị tan vỡ, tổn thương và đau khổ vì những mối quan hệ thất bại, hoặc vì thảm trạng chiến tranh?", Cha Rosica nói.
Tuy chỉ là một trong những vấn đề cần được giải quyết trong Thượng Hội Ðồng, việc chăm sóc mục vụ cho người ly dị và tái hôn thực sự là một vấn đề nghiêm trọng, xứng đáng được chú ý đến một cách cẩn thận với lòng từ bi. Tuy nhiên, theo cha José Granados, phó chủ tịch và là giáo sư thần học về các bí tích hôn nhân và gia đình tại Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô II tại Roma, thì "vấn đề còn lớn hơn thế nữa... đó là việc đổi mới quan niệm về mục vụ gia đình của Giáo Hội, phải coi gia đình là một tài nguyên rất lớn cho việc truyền giáo và hoạt động xã hội của Giáo Hội. "
Cha Granados nói rằng trong tông huấn Evangelii Gaudium, "Ðức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi một sự 'chuyển đổi mục vụ' của Giáo Hội." Ngài cho biết trọng tâm của Thượng Hội Ðồng không phải là hoàn toàn để giải quyết các khó khăn, hoặc "cố gắng để sửa chữa gia đình ". Bởi vì trên hết " gia đình không phải là một vấn đề, nhưng là một nguồn lực lớn và là một Tin Mừng: là tài nguyên cho nhân loại, thực hiện lợi ích chung, chăm sóc cho tương lai, cho đức tin. "
"Thượng Hội Ðồng được kêu gọi để tìm hiểu được món quà tuyệt vời cuả Thiên Chúa đã ban cho chúng ta từ trong gia đình và để thúc đẩy món quà này cho nó trở nên hiệu quả, qua khả năng sinh sản mà Thiên Chúa đã ban cho," ÐTC nói.
Ðầu năm nay, Toà Thánh Vatican đã phát hành tông thư "Instrumentum Laboris", một tài liệu mô tả những mối quan tâm mục vụ cho các tín hữu của ngày hôm nay. Là một phản ánh dựa trên một loạt các câu hỏi đã được đặt ra hồi cuối năm 2013 cho các giáo phận trên thế giới.
Bản mục lục liệt kê ra nhiều vấn đề mà các gia đình phải đương đầu. Nhiều vấn đề đã là những gì đã được kinh nghiệm qua nhiều thế hệ, nhưng cũng có những vấn đề thuộc phạm vi địa phương và văn hóa. Rồi cũng có những vấn đề hoàn toàn chưa từng thấy như những việc liên quan đến các cặp đồng tính, ảnh hưởng của truyền thông trên nhận thức xã hội của gia đình vv.
Tuy nhiên, mục đích chính của Thượng Hội Ðồng, như đã nêu trong Instrumentum Laboris, là để "phản ánh về một con đường để noi theo mà loan truyền cho tất cả mọi người về sự thật cuả tình yêu vợ chồng và cuả gia đình và cách đối phó với nhiều thách thức".
Việc đổi mới "mục vụ gia đình," cha Granados nói, đòi hỏi các gia đình càng ngày phải trở nên "không chỉ là đối tượng, mà còn là chủ chốt của việc truyền giáo mới."
Từ một góc độ mục vụ, Ðức Cha Mark O'Toole, tân giám mục của địa phận Plymouth, Anh Quốc, nói rằng Ngài hy vọng sẽ cung cấp cho những người đã có gia đình "sự hiểu biết rằng gia đình thực sự là một con đường nên thánh và là một ơn gọi, và rằng họ có thể sống một mối quan hệ yêu thương vĩnh cửu trong cuộc hôn nhân suốt đời. "
"Ðây là một cái gì đó đang thiếu rất nhiều trong thế giới đương đại của chúng tôi," Ngài nói.
Mới vừa trải qua cuộc họp về "Dự án Mục vụ Gaudium Evangelii", Ðức Cha O'Toole nói rằng cần thiết phải có những hỗ trợ thiết thực cho các gia đình: ví dụ, làm sao để có chỗ các gia đình mang theo con cái của họ, tạo cho họ một không gian nuôi con bé, v.v. Cần thiết là phải đảm bảo "rằng mọi điều phải được xem xét thật cụ thể, thật thiết thực để cho các gia đình có dịp xum vầyvới nhau, và phát triển sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, cũng như sự hiểu biết về tình yêu giữa những tha nhân. "
"Sáng kiến mục vụ tích cực," Ngài tiếp tục, "là cố gắng giúp cho các cặp trẻ chuẩn bị cho hôn nhân, giúp cho chúng có một cảm giác là việc lâu bền là việc có thể trong tình yêu,.. ., có một cảm giác rằng sống một cuộc đời như thế là một niềm hạnh phúc lớn lao. "
Trần Mạnh Trác