Albania là mẫu gương
của sự chung sống hòa bình và cộng tác
giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau
Albania là mẫu gương của sự chung sống hòa bình và cộng tác giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau.
Roma (Vat. 24-09-2014) - Albania, vùng đất của các vị tử đạo, là mẫu gương của sự chung sống hòa bình và cộng tác giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hằng tuần với Ðức Thánh Cha Phanxicô tại quảng trường thánh Phêrô ngày thừ Tư 24 tháng 9 năm 2014. Trong các đoàn hành hương cũng có đoàn hành hương 37 tín hữu Canada do cha Trần Trung Dung dòng Ða Minh hướng dẫn và một số tín hữu đến từ các nước Âu châu.
Như quý vị đã biết Ðức Thánh Cha Phanxicô mới công dụ mục vụ tại Albania hôm Chúa Nhật 21 tháng 9 năm 2014, vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với mọi người một số cảm tưởng của ngài. Ðức Thánh Cha cảm tạ Thiên Chúa đã cho ngài viếng thăm dân nước Albania để biểu lộ sự gần gũi của ngài và của toàn thể Giáo Hội. Ngài cám ơn Hội Ðồng Giám Mục Albania, các linh mục, tu sĩ nam nữ, các giới chức đạo đời và tất cả những ai đã cộng tác vào việc tổ chức chuyến viếng thăm để mọi sự xảy ra tốt đẹp. Ðề cập đến lý do chuyến viếng thăm Ðức Thánh Cha nói:
Chuyến viếng thăm đã nảy sinh từ ước muốn đi đến một nước đang sống một kinh nghiệm chung sống hòa bình giữa các thành phần tôn giáo khác nhau, sau khi đã bị đàn áp lâu dài bởi một chế độ vô thần và vô nhân. Ðối với tôi xem ra là điều quan trọng khích lệ dân nước Albania trên con đường này, để nó kiên trì tiếp tục con đường đó và đào sâu mọi mặt cho thiện ích chung. Vì vậy trung tâm điểm của chuyến viếng thăm đã là cuộc gặp gỡ liên tôn, nơi đó tôi đã có thể hài lòng nhận thấy rằng sự chung sống hòa bình và phong phú giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau không phải chỉ là điều đáng cầu chúc, nhưng một cách cụ thể là điều khả thể và làm được. Ðây là một cuộc đối thoại đích thật và phong phú, khước từ chủ trương tương đối và chú ý tới căn tính của từng người. Thật thế, điều chung cho các biểu lộ tôn giáo khác nhau là con đường cuộc sống, thiện chí thực thi sự thiện cho tha nhân, mà không từ chối và giảm thiểu các căn tính của mình.
Cuộc gặp gỡ với các linh mục, các người sống đời thánh hiến, các chủng sinh và các phong trào giáo dân đã là dịp đặc biệt cảm động để tưởng niệm và nhớ ơn nhiều vị tử đạo của đức tin. Nhờ sự hiện diện của vài người cao niên đã sống trên da thịt mình các bách hại kinh khủng, được vang vọng lên đức tin của biết bao chứng nhân anh dũng của quá khứ, là những người đã theo Chúa Kitô cho tới các hậu quả tột cùng. Chính từ sự kết hiệp thân tình này với Chúa Giêsu, từ tương quan tình yêu với Người đã nảy sinh ra sức mạnh đối với họ cũng như đối với mọi vị tử đạo, giúp đương đầu với các biến cố đớn đau dẫn đưa họ tới chỗ tử đạo. Cả ngày nay cũng như hôm qua, sức mạnh của Giáo Hội không đến từ các khả năng tổ chức hay từ các cơ cấu, tuy đây cũng là những điều cần thiết. Sức mạnh của chúng ta là tình yêu của Chúa Kitô! Một sức mạnh nâng đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn, và gợi hứng cho hoạt động tông đồ để cống hiến cho tất cả mọi người lòng tốt, sự tha thứ, và như thế chứng minh cho thấy lòng xót thương của Thiên Chúa.
Khi đi dọc con đường chính từ phi trường dẫn đến quảng trường trung ương thành phố Tirana, tôi đã có thể nhận ra chân dung của 40 linh mục đã bị sát hại trong thời độc tài cộng sản và hiện đang có án phong chân phước cho các vị. Ðức Thánh Cha nói về các linh mục ấy như sau:
Các vị thêm vào con số hàng trăm tu sĩ, tín hữu kitô và hồi giáo đã bị ám sát, tra tấn, bỏ tù và đầy ải chỉ vì đã tin nơi Thiên Chúa. Ðó là các năm đen tối, trong đó tự do tôn giáo đã bị san bằng, và việc tin nơi Thiên Chúa bị cấm ngặt; hàng ngàn nhà thờ Kitô và đền thờ hồi giáo đã bị phá hủy, biến thành các nhà kho và phòng chiếu bóng quảng bá ý thức hệ mác xít; các sách tôn giáo bị đốt, và người ta cấm các cha mẹ đặt các tên tôn giáo của cha ông cho con cái. Kỷ niệm các biến cố thê thảm này là điều nòng cốt đối với tương lai của một dân tộc. Ký ức về các vị tử đạo đã kháng cự trong niềm tin bảo đảm cho số phận của dân nước Albania; bởi vì máu đã không đổ ra vô ích, nhưng là một hạt giống sẽ đem lại hoa trái hòa bình và cộng tác huynh đệ.
Thật thế, ngày nay Albania không chỉ là một thí dụ sự tái sinh của Giáo Hội, nhưng cũng là gương mẫu của sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo nữa. Vì thế các vị tử đạo đã không phải là những kẻ bại trận, nhưng là những người chiến thắng: trong chứng tá anh hùng của họ rạng ngời lên quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa, là Ðấng luôn luôn an ủi dân Người, bằng cách mở ra các con đường mới và các chân trời của niềm hy vọng.
Sứ điệp hy vọng này, dựa trên niềm tin nơi Chúa Kitô và trên ký ức của quá khứ, tôi đã tín thác cho toàn dân Albania, mà tôi thấy hứng khởi và tươi vui trong các nơi gặp gỡ và các buổi cử hành, cũng như trên đường phố thủ đô Tirana. Tôi đã khích lệ mọi người kín múc các năng lực luôn mới mẻ từ Chúa Phục Sinh, để có thể là men Tin Mừng trong xã hội và dấn thân như đã xảy ra, trong các sinh hoạt bác ái và giáo dục.
Một lần nữa tôi xin cảm ơn Chúa vì với chuyến viếng thăm này Người đã cho tôi gặp một dân tộc can đảm và mạnh mẽ, đã không để cho mình bị khổ đau bẻ gẫy. Tôi tái mời gọi các anh chị em Albani can đảm làm việc thiện để xây dựng hiện tại và tương lai cho đất nước và cho Âu châu. Tôi tín thác các hoa trái chuyến viếng thăm của tôi cho Ðức Bà Chỉ Bảo Ðàng Lành được tôn kính tại Ðền thánh Scutari, để Mẹ tiếp tục hướng dẫn con đường của dân tộc tử đạo này. Ước chi kinh nghiệm khó khăn của qúa khứ luôn đâm rễ sâu trong việc rộng mở cho tha nhân, đặc biệt cho các người yếu đuối nhất, và khiến cho nó trở thành tác nhân của năng động bác ái cần thiết trong bối cảnh xã hội văn hóa hiện nay.
Ðức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ cũng như các nhóm tín hữu đến từ Á châu như Trung quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, hay từ Phi châu như Kenya, hoặc từ châu Mỹ Latinh như Porto Ricco, Mêhicô, Ecuador, El Salvador, Costa Rica, Uruguay, Argentina, Brasil.
Chào các tín hữu đến từ vùng Trung Ðông ngài khích lệ họ luôn là các chứng nhân đích thực của Chúa Kitô và của sự thật, của hòa giải và sự hiệp nhất, chứng nhân của công lý, hòa bình và tình bác ái.
Nhắc tới các nạn nhân bệnh dịch Ebola tại nhiều nước Phi châu ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho họ. Ngài cũng cầu mong cộng đồng quốc tế trợ giúp người dân các nước này để làm vơi dịu các nỗi khổ đau của họ. Ngài đã cùng mọi người đọc một Kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các anh chị em này.
Trong các nhóm nói tiếng Ý ngài chào các Tiểu Ðệ Chúa Giêsu và các Thừa sai Ðức Tin đang họp tổng tu nghị tai Roma, cũng như các tham dự viên Khóa đào tạo do Trung tâm linh hoạt truyền giáo tổ chức và các thành viên của Phong trào Cho một thế giới mới.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Ðức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết thứ ba vừa qua Giáo Hội kính nhớ thánh Giáo Hoàng Lino. Ngài đã sống trong thời có các cuộc bách hại gắt gao các kitô hữu. Ngài cầu chúc gương yêu thương Giáo Hội của thánh nhân linh hứng cho cuộc sống tinh thần của từng người, giúp tập can đảm đương đầu với các lúc khó khăn thử thách, xác tín rằng Chúa không bao giờ để cho con cái Người thiếu sự đỡ nâng và ơn thánh.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)