Sự tăng trưởng của Giáo Hội Camerun

 

Sự tăng trưởng của Giáo Hội Camerun.

Phỏng vấn Ðức Cha Samuel Kleda, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Camerun.

Roma (RG 2-09-2014; Vat. 23-09-2014) - Trong các ngày từ mùng 1 tháng 9 năm 2014 các Giám Mục Camerun đang viếng mộ hai thánh Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh theo Giáo Luật năm năm một lần.

Camerun rộng hơn 475 ngàn cây số vuông, có gần 20 triệu dân, 53% theo Kitô giáo, đa số sống tại miền trung và miền nam, trong đó Công Giáo chiếm 38%, Tin Lành chiếm 15%. Ngoài ra còn có 22% theo Hồi giáo và 15% theo đạo thờ vật linh, đa số sống tại miền Trung bắc.

Tên goi Camerun bắt nguồn từ sự kiện năm 1472 các nhà thám hiểm người Bồ Ðào Nha đặt chân lên vùng đất này và thấy sông Wouri có nhiều tôm, nên gọi là Rio dos Camarões có nghĩa là "Sông tôm". Các chủng tộc bản địa gồm hai nhóm lớn là Douala sống dọc bờ biển và Fulani sống sâu trong đất liền.

Thật ra vào thời Tân Thạch đã có người sống tại đây. Trong số các chủng tộc sống trong vùng này có nền văn minh của chủng tộc Sao phát triển chung quanh hồ Ciad vào năm 500 sau công nguyên; và các người Pigmei và Baka sống về nghề săn bắn và hái trái trong các vùng rừng có sông ngòi ở miền đông nam. Sau đó chung quanh hồ Ciad phát triển thêm đế quốc Kanem và đế quốc Bornu. Trong các thế kỷ tiếp theo khám phá của người Bồ Ðào Nha các nước Tây Âu bắt đầu chú ý tới vùng đất này, và các thương gia lui tới buôn bán với người dân sống dọc vùng duyên hải. Các thừa sai Kitô cũng đi theo các thương thuyền tới truyền đạo và tiến sâu vào đất liền. Vào thế kỷ XIX các thương gia Anh, Pháp và Ðức đến Camerun buôn bán và thám hiểm sâu hơn trong vùng đất liền.

Năm 1884 Ðức tuyên bố Camerun là thuộc địa của mình. Sau khi Ðức thua trong Ðệ Nhất Thế Chiến, năm 1919 Camerun bị chia thành hai vùng thuộc địa của Pháp và của Anh. Năm 1960 Camerun Pháp được độc lập. Năm sau đó Camerun Anh hiệp nhất với vùng Pháp làm thành Cộng hòa liên bang Camerun. Năm 1971 hệ thống liên bang bị hủy bỏ để chỉ còn Cộng hòa Camerun thống nhất.

Tuy 78% người Camerun nói tiếng Pháp và 22% nói tiếng Anh, nhưng tại Camerun có tới 200 nhóm tiếng nói khác nhau trong đó có các thứ tiếng như: Ewondo, Douala, Fufulde, Ghomala, Baham, Medùmba, Kom vv.... Trong số các chủng tộc sống tại miền trung Camerun có các chủng tộc Ewondo, Bassa'a và Eton. Bamiléké là chủng tộc duy trì được truyền thống nguyên thủy của mình tinh tuyền nhất. Ngoài ra còn có các chủng tộc nổi tiếng khác như: Duala, Bamoum, Fulani, Fang và Nso. Trong một quốc gia đa chủng tộc, tiếng nói và nền văn hóa như thế, công việc rao giảng Tin Mừng và các công tác tông đồ mục vụ của Giáo Hội thật không phải là điều dễ dàng và đơn sơ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Samuel Kleda, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Camerun, dành cho linh mục Jean-Pierre Bodjoko của chương trình tiếng Pháp cho Phi châu đài Vaticăng.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Kleda, đâu là các thách đố mục vụ thời sự nhất mà Giáo Hội đang phải đương đầu tại Camerun ngày nay?

Ðáp: Các thách đố mục vụ mà chúng tôi phải đương đầu nằm trong bối cảnh của việc tái truyền giảng Tin Mùng, hay loan báo Tin Mừng thế nào để đánh động con tim của mọi tín hữu và để mỗi tín hữu để cho mình được biến đổi. Ðể thực hiện mục đích này chúng tôi phải nhấn mạnh nhiều trên giáo lý và mục vụ nói chung, để tất cả mọi người dấn thân là các chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu, nhất là trong xã hội. Các thách đố, hay tôi thích nói tới các lo lắng mục vụ hơn, các lo lắng ấy thì đương nhiên nhiều lắm: từ công bằng xã hội cho tới các quyền con người, rồi tới tình hình của gia đình. Ðể giải quyết tất cả các vấn đề này trước hết cần phải khởi đầu từ việc loan báo Chúa Giêsu Kitô tại Camerun để nó đánh động con tim của từng tín hữu.

Hỏi: Ðức Cha thích nói tới các lo lắng mục vụ hơn là các thách đố: thế trong các lo lắng mục vụ đó có vấn đề các giáo phái không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Vâng, đúng thật là có vấn đề này. Có các tín hữu công giáo bỏ Giáo Hội để gia nhập các giáo phái. Theo thiển ý tôi, tự chúng các giáo phái này không là một đe dọa. Tuy nhiên, có vài giáo phải như giáo phái "Thập tự hồng" và hội Tam Ðiểm tuyển mộ các thành viên giữa các cán bộ kitô, có thể trở thành một vấn đề trong nghĩa chúng dẫn đưa vài tín hữu kitô tới chỗ có cuộc sống hai mặt. Vì thế công việc của chúng tôi là giúp tín hữu đâm rễ sâu trong niềm tin nơi Chúa Kitô để họ tránh cuộc sống hai mặt này.

Hỏi: Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt kỳ hai của các Giám Muc Phi châu đã có đề tài "Giáo Hội tại Phi châu phục vụ hòa giải, công lý và hòa bình". Ðâu là dấn thân của Giáo Hội tại Camerun giúp thực hành các giá trị này thưa Ðức Cha?

Ðáp: Chúng tôi cũng làm việc nhiều trong lãnh vực công lý và hòa giải. Liên quan tới việc hòa giải, trước hết chúng tôi tìm bước vào trong cuộc đối thoại với xã hội. Chẳng hạn, trong các cuộc bầu cử chính trị Giáo Hội nắm một vai trò tích cực qua việc đào tạo các quan sát viên kitô làm việc trong nghĩa này. Ngoài ra, Hội Ðồng Giám Mục cũng thường xuyên công bố các thư mục vụ, và các Giám Mục tìm đối thoại với hàng lãnh đạo chính trị để thăng tiến sự hòa giải, và khi xảy ra các xung khắc các Giám Mục can thiệp để giúp tìm ra một giải pháp hòa bình.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, Giáo hội tại Camerun đã dấn thân cho gia đình như thế nào, và đang chuẩn bị cho Thương Hồi Ðồng Giám Mục sắp tới về gia đình ra sao?

Ðáp: Liên quan tới Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã được chuẩn bị rất tốt, chúng tôi đã trả lới cho bản câu hỏi, nhưng Chúa Quan Phòng đã muốn rằng các Giám Mục Trung Phi châu quy tụ thành Hiệp hội miền các Hội Ðồng Giám Mục Camerun, Congo, Gabon, Guinea Equatoriale, Cộng hòa Trung Phi và Ciad. Chúng tôi đã dành ra hai khóa họp tại Libreville hồi năm 2013 và tại Brazzaville trong các ngày từ mùng 3 tới 13 tháng 7 năm 2014 để thảo luận về các thách đố đối với gia đình tại Phi châu ngày nay. Chúng tôi đang dấn thân nghiêm chỉnh để cho gia đình phi châu thực sự trở thành "Giáo Hội tại gia", như đã được đề ra cho Thượng Hồi Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ một.

Hỏi: Tình hình xã hỘi chính trị trong vùng của Ðức Cha bị ghi dấu bởi sự tiến quân của các lực lượng thánh chiến Boko Haram bên Nigeria, là nước giáp giới với Camerun. Sự kiện một vài nhân viên mục vụ của Giáo Hội bị bắt cóc đã gây ra âm hưởng nào trên cuộc sống Giáo Hội Camerun, thưa Ðức Cha?

Ðáp: Thật ra tình hình tại Nigeria gây lo âu, bởi vì có các vụ tấn công bên Camerun, đặc biệt là tại miền bắc. Từ ít lâu nay hầu hết các thừa sai có quốc tịch nước ngoài đã rời khỏi vùng này. Vì thế cuộc xung đột đã gây ra các hậu qủa nghiêm trọng đối với các sinh hoạt truyền giáo, và sự kiện này khiến cho tất cả mọi Giám Mục Camerun âu lo, vì tại Camerun cũng có các người tỵ nạn của Cộng hòa Trung Phi láng giềng nữa. Mới đây ngày 19 tháng 7 tại Douala chúng tôi đã tổ chức một ngày cầu nguyện cho hòa bình tại Camerun, bởi vì tình hình không được tốt.

Hỏi: Có thể nói rằng Giáo Hội tại Camerun hiện nay tự lập hay không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Thật ra Giáo Hội tại Camerun đã làm việc rất nhiều để trở thành tự lập và đã có rất nhiều tiến bộ được thực hiện, liên quan tới việc loan báo Tin Mừng, vì số kitô hữu và số ơn gọi linh mục địa phương gia tăng, cũng như liên quan tới sự tự túc về tài chánh, cả khi đó là một mục đích mà chúng tôi không thể đạt tới trong một ngày. Nhưng chúng tôi lạc quan, chúng tôi đang tìm thăng tiến một nền mục vụ giúp tín hữu trở thành các chứng nhân đích thực của Chúa. Niềm vui của chúng tôi là có thể đạt tới mục đích loan báo Chúa Giêsu Kitô ở khắp mọi nơi.

(RG 2-9-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page