Ðức Thánh Cha

tái lên án chiến tranh

 

 

Ðức Thánh Cha tái lên án chiến tranh.

Anvers (SD 7-09-2014) - Ðức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định rằng "chiến tranh không bao giờ là phương thế thích đáng để sửa chữa bất công và đạt tới các giải pháp quân bình cho những bất thuận về chính trị và xã hội".

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi các tham dự viên cuộc gặp gỡ quốc tế về hòa bình, do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức tại thành phố Anvers bên Bỉ từ ngày 7 đến 9 tháng 9 năm 2014 với chủ đề "Hòa bình là tương lai. Tôn giáo và văn hóa đối thoại. 100 năm sau Thế chiến thứ I". Trong số gần 350 vị lãnh đạo tôn giáo và nhân vật quốc tế đến từ 60 nước tham dự cuộc gặp gỡ, có nhiều vị Thượng Phụ, Hồng Y, Giám Mục và chức sắc của các tôn giáo khác.

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha được công bố trong buổi khai mạc cuộc gặp gỡ lúc 5 giờ chiều chúa nhật 7 tháng 9 năm 2014, trong đó Ðức Thánh Cha nhận định rằng: "Ðề tài cuộc gặp gỡ "Hòa bình là tương lai" nhắc lại sự bùng nổ thê thảm Thế chiến thứ I cách đây 100 năm, và gợi lên một tương lai trong đó sự tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và cộng tác sẽ giúp xua đuổi bóng ma độc ác của cuộc xung đột võ trang."

Ðức Thánh Cha viết tiếp: "Trong những ngày nay, nhiều dân tộc trên thế giới đang cần được giúp đỡ để tìm lại con đường hòa bình, dịp kỷ niệm 100 năm thế chiến thứ I dạy chúng ta rằng chiến tranh không bao giờ là một phương thế thỏa đãng để chữa trị những bất công và đạt tới những giải pháp quân bình cho những bất thuận về chính trị và xã hội. Xét cho cùng, như Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức 15 đã khẳng định hồi năm 1917, mỗi cuộc chiến tranh là "một cuộc tàn sát vô ích". Chiến tranh lôi kéo các dân tộc vào một cái vòng bạo lực lẩn quẩn, tỏ ra khó kiểm soát được; nó phá hủy những gì mà bao thế hệ đã làm việc để kiến tạo, và nó dọn đường cho những bất công và xung đột tệ hại hơn nữa. Nếu chúng ta nghĩ đến vô số các cuộc xung đột và chiến tranh, có tuyên bố hoặc không tuyên bố, đang làm cho gia đình nhân loại sầu khổ và hủy hoại sinh mạng của người trẻ và người gia, làm ô nhiễm quan hệ sống chung lâu dài giữa các nhóm chủng tộc, tôn giáo khác nhau, và bó buộc bao gia đình và toàn thể cộng đoàn phải lưu vong, hiển nhiên là, cùng với mọi người nam nữ thiện chí, chúng ta không thể thụ động trước bao nhiêu đau khổ và bao cuộc "tàn sát vô ích ấy".

Cũng trong sứ điệp gửi các tham dự viên cuộc gặp gỡ quốc tế về hòa bình ở Bỉ, Ðức Thánh Cha đề cao giá trị của các truyền thống tôn giáo, theo tinh thần Assisi, có thể đóng góp cho hòa bình. Ngài viết: "Chúng ta có thể đóng góp bằng sức mạnh của kinh nguyện. Tất cả chúng ta ý thức rằng kinh nguyện và đối thoại có liên hệ mật thiết với nhau và làm cho nhau thêm phong phú. Tôi hy vọng những ngày cầu nguyện và đối thoại này sẽ giúp nhắc nhớ rằng sự tìm kiếm hòa bình và cảm thông qua kinh nguyện có thể kiến tạo những quan hệ hiệp nhất lâu dài và vượt thắng những đam mê chiến tranh. Chiến tranh không bao giờ là cần thiết và không thể tránh được. Chúng ta luôn có thể tìm được một khả thể khác, đó là con đường đối thoại, gặp gỡ và chân thành tìm kiếm sự thật".

Sau cùng, Ðức Thánh Cha cổ võ các tôn giáo cộng tác hữu hiệu với nhau để chữa lành các vết thương, giải quyết các xung đột và tìm kiếm hòa bình. Ngài viết: "Hòa bình là một dấu hiệu chắc chắn về sự dấn thân cho chính nghĩa Thiên Chúa. Các vị lãnh đạo tôn giáo được kêu gọi trở thành những người hòa bình, có khả năng thăng tiến một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình, khi các giải pháp khác thất bại hoặc lung lay. Chúng ta phải là những người xây dựng hòa bình và các cộng đoàn của chúng ta phải là những trường dạy tôn trọng và đối thoại với những nhóm chủng tộc và tôn giáo, là những nơi trong đó người ta học cách khắc phục những căng thẳng, thăng tiến các quan hệ bình đẳng và hòa bình giữa các dân tộc và các nhóm xã hội, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ sẽ đến".

Hôm 8 tháng 9 năm 2014, Ðức Hồng Y John Olorunfemi Onaiyekan, Tổng Giám Mục Abuja, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nigeria, đã linh hoạt một cuộc hội thảo bàn tròn về các vị tử đạo tân thời. Hiện diện tại cuộc thảo luận này cũng có Ðức Thượng Phụ Louis Sako, Giáo chủ Công Giáo Canđê ở Irak và Ông Kamal Muslim, ngoại trưởng vùng Kurdistan, bắc Irak. (SD 7-9-2014)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page