Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc

nói đáp ứng bạo lực toàn cầu

bằng đối thoại và liên đới

 

Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc nói đáp ứng bạo lực toàn cầu bằng đối thoại và liên đới.

Genève (VietCatholic News 30-08-2014) - Theo tin Zenit ngày 27 tháng Tám năm 2014, Ðức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, Ðại Diện Thường Trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève vừa tuyên bố rằng các bạo động đang diễn ra tại Iraq đã đánh thức cả thế giới. Ngài thúc giục cộng đồng quốc tế bênh vực và bảo vệ các nhân quyền căn bản của các nạn nhân.

Trong một cuộc phỏng vấn của Zenit vào hôm thứ Ba 26 tháng 8 năm 2014, Ðức Tổng Giám Mục không những phát biểu quan điểm của ngài về việc liệu các bạo động đang leo thang tại Trung Ðông có phải là một loại Thế Chiến III hay không, như có lần Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói, ngài còn cho biết điều gì đang được thực hiện và điều gì cần phải thực hiện để chấm dứt các hành động bạo tàn.

Ngài cũng đề cập tới lời suy đoán Tổng Thống Obama sẽ gặp các Thượng Phụ Ðông Phương và các Giám Mục Hoa Kỳ tại Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn, và tác dụng có thể có của chuyến viếng thăm Liên Hiệp Quốc năm 2015 của Ðức Giáo Hoàng.

* * *

ZENIT: Tại cuộc họp báo tổ chức hôm qua tại cuộc gặp gỡ Rimini hàng năm, khi được hỏi Tòa Thánh đang làm gì đếp đáp ứng cuộc khủng hoảng tại Trung Ðông, Ðức Tổng Giám Mục đã nói rằng Tòa Thánh đề nghị một cuộc gặp gỡ trong đó, các giám mục của các lãnh thổ bị ảnh hưởng tại Iraq sẽ thông báo cho Tổng Thống Mỹ Barack Obama về tình hình đang diễn ra. Ðức Tổng Giám Mục có thể giải thích thêm điều này không?

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi: Tôi không biết sẽ có cuộc gặp gỡ với Tổng Thống Obama. Nhưng tôi có nghe sẽ có cuộc gặp gỡ giữa các giám mục ở Hoa Thịnh Ðốn, trong đó có đại diện của các Giáo Hội Trung Ðông và có lẽ các ngài sẽ gặp gỡ các giám mục của Mỹ, nhưng đó là giả thuyết tôi đưa ra. Ngoài việc ấy ra, tôi không có một lịch trình chính thức. Nên chúng ta phải chờ thêm chút nữa xem sự việc sẽ diễn biến ra sao. Tôi nghĩ vào tuần lễ thứ hai của tháng Chín, cuộc gặp gỡ trên dự định sẽ diễn ra và ta cần xem sẽ diễn ra thế nào, thực ra, ai sẽ tham dự, liệu sẽ có cuộc gặp gỡ ấy hay không ngoài việc tuyên bố là có và các mục tiêu chuyên biệt của nó sẽ là gì.

ZENIT: Theo kinh nghiệm của Ðức Tổng Giám Mục, ngài có nghĩ điều quan trọng là Tổng Thống Mỹ nên tham dự, để có được một kết quả cụ thể, một đáp ứng từ phía Hoa Kỳ?

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi: Tôi nghĩ điều hữu ích là bất cứ ai cũng cần lắng nghe những người từng có mặt ngay tại chỗ, những người đem tới kinh nghiệm và nhận thức đúng về những gì đang diễn ra trong các cộng đồng của họ, nhất là các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo khác vốn hiện diện tại các khu vực Ðồng Bằng Ninivê và Mosul. Nhận thức trực tiếp luôn giúp ta đưa ra được các quyết định cụ thể và khôn ngoan.

ZENIT: Ðức Tổng Giám Mục có tin rằng phái viên của Ðức Giáo Hoàng tới Iraq, Ðức Hồng Y Filoni, hay phúc trình của ngài, đề cập tới các vi phạm của Hồi Giáo Trị ISIS mà ngài quan sát được ngay tại chỗ, sẽ được trình cho Liên Hiệp Quốc hay không?

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi: Dường như Tại Genève, một cuộc họp đặc biệt của Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, sẽ được triệu tập vào ngày 1 tháng Chín. Rất có khả năng sẽ có tiếng nói trực tiếp từ Vatican, có thể là đích thân Ðức Hồng Y Filoni, người mới thăm viếng các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc ở Bắc Iraq và các trại tỵ nạn nơi các nạn nhân của cái gọi là Quốc Gia Hồi Giáo Trị buộc phải trốn chạy tới để sống sót. Cuộc họp này có thể rất hữu ích. Chắc chăn hữu ích khi Cộng Ðồng Quốc Tế mạnh mẽ bảo vệ Các Quyền Căn Bản của mọi người tại Bắc Iraq và cung cấp trợ giúp nhân đạo họ rất cần trong tình hình tuyệt vọng hiện nay vì họ trốn chạy với chỉ một mảnh vải che thân. Các Kitô hữu cũng có cùng những nhân quyền như bất cứ công dân nào khác và căn cước tôn giáo của họ không thể là cớ để họ bị kỳ thị.

ZENIT: Và Ðức Hồng Y Filoni sẽ nói chuyện với Liên Hiệp Quốc?

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi: Rất có thể. Các quyết định vẫn còn đang trong diễn trình được đưa ra.

ZENIT: Ðức Tổng Giám Mục có thể cho biết Ðức Hồng Y Filoni sẽ nói những gì trong phúc trình của ngài, và nhận xét của Ðức Tổng Giám Mục về điều này?

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi: Theo các cuộc phỏng vấn của truyền thông và nhiều bình luận công cộng khác, Ðức Hồng Y nói tới số phận của mọi người tỵ nạn do cái gọi là quốc gia Hồi Giáo trị gây ra, việc giết người vô tội, nhu cầu quốc tế cần can thiệp với những tài nguyên cần thiết như nước và thực phẩm giúp cho các cộng đồng rời cư này sống sót. Ngài cũng kêu gọi phải che chở các cộng đồng này và khả thể hồi hương an toàn cho họ. Cộng Ðồng Quốc tế không thể tự giả thuyết là người Kitô Giáo, người Yazidis và các nhóm thiểu số tôn giáo khác đơn thuần muốn di cư chỉ vì bị nhận diện là các nhóm tôn giáo.

Ðể kết luận, tôi nghĩ hai nhận xét sau đây là quan trọng hơn cả: trợ giúp nhân đạo khẩn cấp và che chở. Các thượng phụ Ðông Phương, cả Chính Thống lẫn Công Giáo, vừa nhận định rằng cần có sự hiện diện của "Mũ Xanh" Liên Hiệp Quốc tức lực lượng duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc, là lực lượng tạm thời can thiệp vào và bình định tình hình để bảo đảm việc hồi hương của người tỵ nạn.

ZENIT: Ðức Tổng Giám Mục nghĩ Tòa Thánh nên làm những gì để đáp ứng? Và hiện có chăng? Sẽ có chăng?

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi: Ðối diện với nhiều bùng nổ bạo động tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng cách riêng tại Trung Ðông, Tòa Thánh đã tích cực dấn thân qua tiếng nói của Ðức Thánh Cha, Ðức Phanxicô, người đã không tiếc bất cứ cố gắng hay lời lẽ nào nhằm nói rằng con đường hợp lý duy nhất cho tương lai là con đường đối thoại và thương thuyết, để người ta có thể sống chung với nhau, tôn trọng nhau, thậm chí nhìn nhận các dị biệt của nhau, nhưng phải thừa nhận nhân tính nền tảng mà tất cả chúng ta đều có.

Bước đầu tiên trong việc đáp ứng nền văn hóa bạo lực này là thừa nhận phẩm giá và sự bình đẳng của nhau, như là các thành viên của gia đình nhân loại. Sau đó, Ðức Thánh Cha thêm sự cấp thiết của cầu nguyện và động viên mọi tài nguyên thiêng liêng của cộng đồng thế giới để van xin Thiên Chúa ban ơn hòa bình vì hòa bình quả là một ơn phúc của Thiên Chúa.

Và điều này nữa, ta cần động viên cộng đồng quốc tế để họ nhận lãnh trách nhiệm, vì khi một quốc gia không thể bảo vệ các công dân của họ vì nhiều lý do, thì điều quan trọng là cộng đồng quốc tế phải nhận lấy nhiệm vụ che chở những người dân này.

ZENIT: Và nhiệm vụ che chở những người dân này bao gồm cả vũ khí?

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi: Việc chọn các phương thế để che chở sẽ được các quốc gia, các thành viên của cộng đồng quốc tế, quyết định. Giáo Hôi không có trách vụ ấn định các phương thế chuyên biệt nên dùng để che chở các người dân cần được che chở. Giáo Hội sẽ nhắc nhở điều này: ta có bổn phận che chở và trách nhiệm này phải được thi hành qua bộ máy mà cộng đồng quốc tế đã tạo ra cho mình để đương đầu với những tình thế khẩn trương như tình thế ta đang đương đầu hiện nay ở Bắc Iraq.

ZENIT: Theo Ðức Tổng Giám Mục, các cộng đồng Kitô Giáo trên thế giới nên làm những gì một cách chuyên biệt để giúp các người dân này?

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi: Ðức Thánh Cha đã yêu cầu chúng ta cầu nguyện và tạo một công luận có lợi cho việc che chở những người dân đang gặp nguy cơ này. Cộng đồng quốc tế được kêu gọi phải che chở các nạn nhân của áp bức không được chính phủ họ bảo vệ hay đang gặp nguy cơ diệt chủng bất luận họ là Kitô hữu, Shiite hay Sunni. Các nhân quyền căn bản của bất cứ con người nào cũng đáng được che chở, vì mỗi người chúng ta đều có phẩm giá bằng nhau và giá trị bằng nhau như là thành viên của gia đình nhân loại và là con cái Thiên Chúa.

ZENIT: Âu Châu đang làm gì để giúp các người dân này?

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi: Là thành viên của cộng đồng quốc tế, Liên Hiêp Âu Châu nên tham gia vào việc tìm ra giải pháp thích đáng cho cuộc khủng hoảng này.

ZENIT: Nếu Ðức Giáo Hoàng tới Liên Hiệp Quốc, liệu việc này có tạo ra điều gì khác biệt hay không? Nếu có, thì tại sao lại như vậy?

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi: Dạ, các kinh nghiệm quá khứ cho thấy các cuộc viếng thăm Liên Hiệp Quốc của các Ðức Giáo Hoàng luôn phát sinh ra không những chú ý trong giới truyền thông, mà cả nhạy cảm lớn lao, một ý thức trách nhiệm mới mẻ nơi cộng đồng quốc tế đúng nghĩa nữa. Hy vọng rằng, nếu Ðức Giáo Hoàng Phanxicô quyết định đi thăm Liên Hiệp Quốc, tôi dám chắc việc này không những sẽ làm người ta lưu ý tới các vấn đề liên quan tới hòa bình và công lý trên thế giới, mà có lẽ ngài còn làm sống lại một cảm thức bổn phận để cộng đồng quốc tế thấy mình có trách nhiệm phải thi hành việc che chở các nạn nhân của bất cứ hình thức bạo lực hay bất công nào.

ZENIT: Ðức Giáo Hoàng Phanxicô từng cho hay: tình hình ở Trung Ðông là "Thế Chiến III", dù chỉ xẩy ra "từng mảng". Ðức Tổng Giám Mục có đồng ý đây là Thế Chiến III không? Tại sao?

Ðức Tổng Giám Mục Tomasi: Ðức Thánh Cha bắt kịp trí tưởng tượng của thế giới khi nói rằng chúng ta đang đối diện với một Thế Chiến. Kiểu nói này buộc ta phải suy nghĩ tới rất nhiều cuộc tranh chấp trên thế giới từ Cộng Hòa Trung Phi, Libya, Congo tới Syria và Bắc Iraq, ấy là mới chỉ kể một số. Việc bùng nổ bạo lực này đang qui định tình hình thế giới. Ðúng vậy, hiện đang có nhiều trung tâm quyền lực với những quyền lợi riêng biệt hay khác biệt, và việc hoàn cầu hóa văn hóa, trong đó người ta chỉ chú trọng tới quyền lợi bản thân hay quốc gia, đang khuyến khích việc sử dụng vũ khí để giải quyết các dị biệt. Ðức GH Phanxicô kêu gọi chúng ta ủng hộ thứ văn hóa khác, thứ văn hóa liên đới và đối thoại, làm phương thế duy nhất để xây dựng môt tương lai chung cho hòa bình và tiến bộ.

Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ

Quan điểm của Ðức Tổng Giám Mục Tomasi được sự ủng hộ mạnh mẽ của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ủy Ban Ðại Kết và Liên Tôn Sụ Vụ của Hội Ðồng này, ngày 21 tháng Tám năm 2014, lên tiếng tái xác nhận sự cam kết đối thoại của mình với các tôn giáo khác, đặc biệt là Hồi Giáo.

Chủ Tịch Ủy Ban trên, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Baltimore, Denis Madden, liệt kê các căng thẳng giữa người Kitô Giáo và người Hồi Giáo tại nhiều nơi trên thế giới làm lý do chính để tái xác nhận nhu cầu đối thoại.

Các giám mục Hoa Kỳ tuyên bố rằng mặc dù "chúng tôi muốn nói lên nỗi buồn, thực ra sự giận dữ của chúng tôi, đối với các hành vi bạo động và xách nhiễu bừa bãi và đôi khi có hệ thống, các hành vi, đối với Kitô hữu cũng như người Hồi Giáo, đang đe dọa phá vỡ sự hòa hợp từng nối kết chúng ta trong sự hỗ trợ, thừa nhận và tình bằng hữu hỗ tương", nhưng các ngài cũng buồn trước việc một số Kitô hữu, cả Công Giáo lẫn không Công Giáo, lên tiếng cố tình bác bỏ lời kêu gọi đối thoại với người Hồi Giáo.

Theo các ngài, cuộc đối thoại này đã và đang đem lại nhiều kết quả tích cực: "Qua đối thoại, chúng ta đã có thể khắc phục được phần lớn sự ngu dốt chung của chúng ta, thói quen không tin tưởng nhau, và nỗi sợ từng làm ta tê liệt".

Các ngài viết thêm: "giống Ðức Giáo Hoàng, chúng ta xác tín rằng gặp gỡ và đối thoại với những người khác với chúng ta đem lại cơ hội tốt nhất để (thực hiện) việc phát triển huynh đệ, làm giầu cho nhau, làm chứng và sau cùng phục vụ hòa bình".

Khóc cho các Kitô hữu bị thảm sát, không khóc cho cuộc đối thoại với Hồi Giáo

Nhưng nhiều người Công Giáo không đồng ý đối thoại trong hoàn cảnh này. Một trong những người này là Phil Lawler. Viết trên CatholicCulture.org ngày 29 tháng Tám, Lawler cho rằng có những Kitô hữu như Ðức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga tỏ ý lo sợ cuộc bách hại các Kitô hữu một cách tàn bạo của Hồi Giáo Trị ISIS sẽ đẩy lui "các tiến bộ trong cuộc đối thoại Kitô Giáo - Hồi Giáo".

Ðiều ấy có thực. Nhưng các lãnh tụ Hồi Giáo Trị bất cần. Các tuyên bố công khai của họ không hề nhắc tới ý muốn đối thoại. Và các chính sách tàn bạo của họ rất cân xứng với các tuyên bố hiếu chiến của chúng. Chúng không có một ý muốn chia sẻ ý tưởng nào với người Kitô hữu Iraq; chúng chỉ muốn tận diệt họ. Mục tiêu tối hậu của chúng không phải đạt tới một hiểu biết hòa bình với thế giới Tây Phương, mà là khuất phục nó.

Nhắc tới các cố gắng đối thoại trong quá khứ, Lawler tỏ ý tiếc việc người Hồi Giáo đã không tiếp nhận công thức đối thoại sự thật của Ðức Bênêđíctô XVI phát biểu tại Regensburg. Chính vì thế mà từ đó đến nay, Hồi Giáo đấu tranh, với chính sách bạo lực, càng ngày càng mạnh hơn. "Ấy thế mà thay vì đẩy mạnh luận điểm của ngài, các nhà lãnh đạo Giáo Hội nói chung đã đạp pêđan ngược để chạy xa khỏi nó. Thay vì đòi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo có trách nhiệm tham gia chiến dịch chống khủng bố, các giáo phẩm lại giả vờ cho rằng không có bất cứ nối kết nào giữa đức tin Hồi Giáo và bạo lực khủng bố".

Nhắc tới tuyên bố của Ủy Ban Ðại Kết và Liên Tôn Sự Vụ của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ trên đây, Lawler tỏ ý tiếc: các vị giám mục chỉ nói chung chung, không nhắc gì tới "hàng trăm Kitô hữu đang chết và việc chặt đầu một người Mỹ được trình chiếu trên YouTube. Ðây quả là một việc không phục vụ sự thật chút nào".

Lawler đề cập tới bài báo mấy ngày qua của Karen House, cựu chủ nhiệm tờ Wall Street Journal, tựa là "Ðã tới lúc người Saudis đứng lên", để nói rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo cũng nên có cùng một lập trường như thế trong cuộc đối thoại của mình với các đối tác Hồi Giáo. "Hãy nói với các giáo sĩ Hồi Giáo rằng đã đến lúc họ phải đứng lên. Hãy nói với họ: chúng ta rất muốn đối thoại, nhưng chỉ đối thoại khi họ hoàn toàn tách khỏi những kẻ xúi giục, vi phạm hay biện minh cho bạo lực phe phái".

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page