Phỏng vấn Ðức Cha Nunzio Galantino

về Ngày cầu nguyện

cho các tín hữu kitô bị bách hại

 

Phỏng vấn Ðức Cha Nunzio Galantino, Tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Italia về Ngày cầu nguyện cho các tín hữu kitô bị bách hại.

Roma (RG 15-08-2014; Vat. 25-08-2014) -Ngày 15 tháng 8 năm 2014 là Ngày cầu nguyện cho mọi kitô hữu bị bách hại trên toàn thế giới, do Hội Ðồng Giám Mục Italia phát động, nhằm đáp lại lời mời gọi của Ðức Thánh Cha Phanxicô, cũng như hợp tiếng với các lời tố cáo của ngài. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần khẳng định rằng "ngày nay có nhiều kitô hữu bị bách hại hơn là trong các thế kỷ đầu" của lịch sử Giáo Hội. Hội Ðồng Giám Mục Italia viết trong thông cáo: "Vì thế mọi cộng đoàn giáo hội đều được mời gọi "hiệp lời cầu nguyện như dấu chỉ cụ thể của việc chia sẻ với những ai bị thử thách vì các cuộc bách hại ngặt nghèo... Chúng ta không thể im lặng, đặc biệt trước một Âu châu lo ra, thờ ơ, mù lòa và câm nín trước các cuộc bách hại, mà ngày nay nạn nhân là hàng ngàn kitô hữu".

Ngày cầu nguyện này đã được tổ chức Caritas Roma và cộng đồng thánh Egidio cũng như nhiều giáo xứ, phong trào và hội đoàn hưởng ứng. Trong các thánh lễ trên toàn nước đã có lời cầu đặc biệt các cho kitô hữu vùng Trung Ðông.

Như đã biết, trong thời gian qua các lực lượng hồi thánh chiến của Califat hồi giáo ISIS bên Irak đã ra lệnh cho các tín hữu kitô phải theo Hồi giáo, hay trả thuế tôn giáo, hoặc là ra đi. Các lực lượng Hồi ISIS đã không chỉ tàn sát các kitô hữu, mà còn sát hại cả tín hữu của các nhóm tôn giáo thiểu số khác nữa, trong đó có các người hồi Yizidi, cũng như Sunnít và Sciít. Sau khi thành phố Mosul bị các lực lượng hồi đánh chiếm, nhà của các kitô hữu bị họ đánh dấu bằng chữ N, ám chỉ tín hữu kitô mà họ gọi là Nazareni, những người theo Ðức Giêsu thành Nazaret.

Ðã có 100,000 kitô hữu phải bỏ nhà cửa ruông vườn, các phương tiện di chuyển, bị các lực lượng hồi thánh chiến cướp bóc tất cả tiền bạc, tài sản và ra đi với hai bàn tay trắng. Người già, trẻ em, phụ nữ, người bệnh bồng bế nhau hướng về thành phố Erbil trong vùng Kurdistan lánh nạn, không thực phẩm, không nước uống, không thuốc men.

Ngày mùng 3 tháng 8 năm 2014 các lực lượng hồi ISIS đã đánh chiếm vài địa điểm chính có mỏ dầu lửa, và kiểm soát được 7 nơi, cộng thêm 2 nhà máy lọc dầu quan trong khác nữa, và nhiều đoạn ống dẫn dầu hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ cho phép lực lượng ISIS bán mỗi ngày 10,000 thùng dầu thô để có tiền tài trợ cho cuộc chiến của họ. Từ nhiều tháng qua các nhóm thánh chiến Takfirít Sunnít ISIS đã tiến đánh Siria, rồi từ tháng 6 năm 2014 họ đã đánh chiếm nhiều vùng bên Irak, trong đó có thành phố Mosul và vùng bình nguyên Ninive, giờ đây họ muốn tiến chiếm Erbil, là thủ phủ của vùng tự trị Kurdistan.

Trước sự đe dọa của các lực lượng ISIS muốn tiến đánh Erbil, từ hơn 10 ngày qua tổng thống Barack Obama đã ra lệnh cho không lực Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện các phi vụ bỏ bom các trại binh và nơi ẩn trú của lực lượng ISIS để ngăn chặn đà tiền của họ, bảo vệ tòa lãnh sự và hàng ngàn người Mỹ sinh sống tại đây. Thật ra, Kurdistan là vùng chứa 10% dầu lửa toàn Irak, là quốc gia đứng hàng thứ 7 trên thế giới về dầu lửa. Kurdistan sản xuất 1/4 tổng số lượng dầu thô của Irak và là nơi có các hãng khai thác dầu của nhiều nước, đứng đầu là hai hãng Exxon và Chrevron. Nói đúng ra Hoa Kỳ có 11 hãng khai thác dầu hỏa, Canada 6, Thổ Nhĩ Kỳ 2, Anh quốc 3 cộng với một hãng Anh-Pháp, các Vương quốc thống nhất A rập 2, Nga 2 trong đó có Gazprom, Pháp 1 là hãng Total. Các nước Áo, Tây Ban Nha, Hungaria, Na Uy, Trung Quốc và Ấn Ðộ, Nam Hàn và Tân Guinea mỗi nước có 1 hãng. Hãng của Trung Quốc là Sinopec, và hãng của Ấn Ðộ là Reliance.

Chính vì thế người ta có cảm tưởng là sự can thiệp này của Hoa Kỳ có mục đích bảo vệ các lợi nhuận của của Hoa Kỳ và các nước có hãng khai thác dầu lửa tại Irak, hơn là bênh vực các kitô hữu và các nhóm thiểu số. Dầu sao đi nữa trong lúc này các lực lượng ISIS cũng bị cầm chân bởi các vụ bỏ bom của Hoa Kỳ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Nunzio Galantino, Tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Italia.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, đâu là lý do đã khiến cho Hội Ðồng Giám Mục Italia đã đưa ra sáng kiến Ngày cầu nguyện cho các tín hữu kitô bị bách hại trên thế giới?

Ðáp: Sự cần thiết nảy sinh từ tình trạng thê thảm mà các tín hữu kitô đang phải sống, nhưng không phải chỉ có các tín hữu kitô, mà cả các nhóm thiểu số Yazidi nữa, nhất là bên Irak. Và không phải chỉ tại Irak mà thôi, nhưng còn tại nhiều nước khác trên thế giới như bên Siria, Nigeria và nhiều nơi khác. Như thế, rất tiếc đòi hỏi này nảy sinh từ lịch sử, và như là các Giám Mục chúng tôi đã can thiệp. Nhưng lần này thật là thích hợp thức tỉnh một chút tất cả mọi kitô hữu một cách rõ ràng hơn, cương quyết hơn liên quan tới vấn đề này. Ý thức nảy sinh từ sự cần thiết không được phép và không thể để cho các anh chi em này đau khổ một mình, và chịu đựng tất cả những gì họ đang phải gánh chịu.

Hỏi: Sự hưởng ứng của giáo dân trong các giáo phận Italia có lập tức không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Có, các giáo phận đã hưởng ứng tức khắc, nhưng không phải chỉ có các giáo phận, mà cả các phong trào hiệp hội và các nhóm nữa. Sự đáp ứng đã rất là mau lẹ, đồng thanh và hăng say nữa, trong nghĩa chúng tôi cảm thấy sư cần thiết cùng nhau hướng tới, cùng nhau trả lời, cùng nhau cầu nguyện cho các tình trạng này. Do đó tôi nghĩ rằng đây là một thời điểm quan trọng. Quan trọng bởi vì lời cầu nguyện của chúng tôi là một lời cầu nguyện lội cuốn tất cả vào trong dấn thân cụ thể.

Hỏi: Tín hữu công giáo Italia có thực sự ý thức được thảm cảnh sống của các kitô hữu Irak không? Họ có nhận thức được các thảm trạng của các kitô hữu này không, thưa Ðức Cha?

Ðáp: Có chứ. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy đài truyền hình nhà nước Italia và các đài truyền hình khác, đã thức giấc hơi trễ đối với các vấn đề này. Cám ơn Chúa là nhật báo "Tương Lai" và các phương tiện truyền thông công giáo đã không ngừng gây ý thức đối với tình trạng này. Cách đây ít ngày tôi có nói chuyện với cha Samir, là cha sở giáo xứ đang tiếp đón hàng ngàn người kitô tỵ nạn bên Irak, cha đã nói với tôi: "Trong lúc này, hơn là cần lương thực, chăn mền, trong lúc này chúng tôi có thể đương đầu với các thực tại vật chất này. Vấn đề nghiêm trọng đó là xin hãy trợ giúp chúng tôi với các phương tiện truyền thông, xin hãy giúp chúng tôi tạo ra ý thức, xin giúp chúng tôi làm cho thế giới biết các thảm cảnh chúng tôi đang phải sống. Ðây không phải là một sự kiện rời rạc, nhưng là một sự kiện liên lụy tới rất nhiều người... Sự tàn ác này, bạo lực này được yểm trợ bởi một ý chí cương quyết từ phía các lực lượng của nhà nước Hồi, thành lập một caliphát Hồi.

Hỏi: Trong các trường hợp này sự phẫn nộ của xã hội dân sự phải tuyệt đối, có đúng thế không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Vâng, qúy vị nói đúng. Sự phẫn nộ của xã hội dân sự phải tuyệt đối.

Thật ra, tôi có cảm tưởng rằng đôi khi việc thông tin tức tới qúa trễ. Chúng ta tất cả đã để cho mình sợ hãi phải can thiệp vào các thực tại này. Tôi có cảm tưởng rằng châu Âu đã từng luôn luôn sẵn sàng đưa ra các lời khuyên, liên quan tới cả chuối cần phải đưa vào thị trường như thế nào, nhưng trước các thực tại này thì lại đưa ra các đề nghị cho thấy mình ở ngoài lề. Xem ra rất là quan trọng đề nghị của Ðức Thượng Phụ Louis Sako và các Giám Mục Irak đang bầy tỏ đối với các kitô hữu Tây Âu, đặc biệt đối với Giáo Hội công giáo Âu châu, đang chuyển động rất mạnh, cùng với phong trào do hãng thông tấn Asia News phát động: "Hãy nhận nuôi một kitô hữu Mosul để giúp các tín hữu kitô ở lại trong nước Irak".

Hỏi: Thưa Ðức Cha, nói chung người ta đang chuyển động: Giáo Hội Italia đã cho biết sẵn sàng tiếp đón các người bị bách hại đã rời bỏ Irak. Theo Ðức Cha, các gia đình và các cá nhân có thể trợ giúp các kitô hữu Irak bị bách hại như thế nào?

Ðáp: Các giải pháp cho thảm cảnh này không đồng đều cho tất cả mọi người. Nghĩa là từ vài phía người ta xin trợ giúp vật chất, từ các phía khác người ta xin cho biết các trại tỵ nạn ở đâu và can thiệp với các nhân viên hiện diện trong các trại tỵ nạn đó. Từ phía khác nữa, như cha Samir thuộc giáo xứ Thánh Giuse, thì đang nói: "hãy giúp chúng tôi khiến cho tất cả mọi người ý thức được qua việc thông tin tức cho biết những gì đang xảy ra". Như thế, "việc phải làm gì" thuộc nhiều bình diện khác nhau. Trước hết tôi xin nói rằng: chúng tôi không ngừng đưa tin tức, chúng tôi không ngừng cho biết những gì đang xảy ra bên Irak, chúng tôi không ngừng làm cho người ta hiểu rằng sự giận dữ sát nhân và bách hại này không ngưng và không có ý ngừng lại tí nào cả. Chúng tôi bắt đầu làm bằng cách lập đi lập lại các thông tin này: chúng tôi bắt đầu với ngày cầu nguyện 15 tháng 8 để gây ý thức nhiều hơn nữa. Hội Ðồng Giám Mục Italia chúng tôi đã trích ra ngân khoản trợ giúp, vì thế vấn đề tức thời, trong lúc này đây, là phải làm sao chặn đứng sự tàn sát điên loạn này, làm thế nào để toàn thế giới đều chú ý, nhất là lôi kéo sự chú ý của Tây Phương đối với thảm cảnh này của các anh chị em kitô Irak.

(RG 15-8-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page