Một số nhận định của
nữ ca sĩ Noa người Israel
về cuộc xung đột giữa
người Israel và người Palestine
Một số nhận định của nữ ca sĩ Noa người Israel về cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine.
Israel (Vat. 6. 25-08-2014) - Một tháng chiến tranh trong vùng Gaza giữa quân đội Israel và lực lượng Kamas đã khiến cho hơn 2,100 người thiệt mạng, đa số là thường dân Palestine, hàng chục ngàn người bị thương, 20,000 người không còn nhà cửa và hơn 200,000 người phải tản cư lánh nạn. Cảnh hoang tàn đổ nát xảy ra khắp nơi đặc biệt là tại mạn bắc dải Gaza, nơi đã bị quân đội Israel liên tục bỏ bom, oanh kích và bắn trọng pháo nhằm phá hủy các đường hầm của lực lượng Hamas. Cuộc ngưng bắn 72 giờ đồng hồ xem ra đã được hai bên tôn trọng. Nhưng các cuộc hóa đàm do Ai Cập làm trung gian vẫn bế tắc, không có tiến triển cụ thể nào, và đã thất bại, vì không bên nào tin tưởng và nhượng bộ bên nào.
Trong các ngày qua nữ ca sĩ Noa, người Israel, đang trình diễn bên Italia đã đưa ra một số nhận định liên quan tới cuộc xung đột vũ trang nói trên.
Bà Noa tên thật là Akhinoam Nini, sinh tại Tel Aviv trong một gia đình do thái Yemen, bị bó buộc phải chạy trốn vì sự thù nghịch sau biến cố thành lập nước Israel. Noa cùng gia đình sang sống bên New York, nơi thân phụ là giáo sư đại học đã tìm được việc làm. Năm 17 tuổi Noa bị khủng hoảng căn tính trầm trọng, vì nàng thấy mình "không phải là người da trắng cũng không phải là người da đen". Cô về Israel, đi quân dịch 2 năm, và sống rất cô đơn giữa các thiếu nữ khác nói tiếng Do thái mà cô không hiểu. Noa gặp bác sĩ nhi khoa Asher Barak, rồi lập gia đình với ông và có ba người con.
Năm 1991 Noa bất đầu bước vào nghề ca sĩ và mau chóng gặt hái nhiều thành công, vì giọng hát rất truyền cảm và nội dung các bài ca diễn tả các ước mơ, các khổ đau, chiến tranh, nạn khủng bố và các niềm hy vọng của các dân tộc vùng Trung Ðông. Nhiều Album nhạc của bà theo nhau chào đời. Bà được mời đi trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới, và được các cha dòng Phanxicô mời hát trong các "đại nhạc hội hòa bình" tại Assisi, cùng với nữ ca sĩ người Palestine có quốc tịch Israel là Mira Awad. Năm 2001 bà đươc giải thưởng "Nghệ sĩ của hòa bình". Năm 2006 bà được ba giải thưởng. Tiếp đến có thêm ba giải thưởng khác vào năm 2007, 2009 và 2012. Năm 2014 bà Noa vừa cho ra CD mới tựa đề "Tình yêu là thuốc chữa". Bà là ca sĩ Do thái không chỉ nổi tiếng hát hay và là nghệ sĩ dấn thân thăng tiến hòa bình xã hội, đặc biệt là sự chung sống giữa mọi dân tộc và mọi tôn giáo, nhưng bà còn nổi tiếng là một nghệ sĩ "cứng rắn", dám can đảm thẳng thắn nói lên những cảm nghĩ của mình liên quan tới các vấn đề chính trị, luân lý, xã hội, mà không xu thời và không sợ dư luận.
Theo bà Noa "cả hai dân tộc Israel và Palestine đều đã bị các người lãnh đạo phản bội. Và cả hai dân tộc đang phải trả giá mắc mỏ cho sự ngạo mạn, ngu đần và tham lam của họ. Tại khắp nơi người Israel và người Palestine đã đánh mất đi mục tiêu đích thật, sự tiếp cận với lý do bầu họ lên hàng lãnh đạo".
Hỏi: Thưa bà Noa, tựa đề CD mới "Tình yêu là thuốc chữa" có phải là một sáo ngữ hay không, hay là một sự thật?
Ðáp: Vâng, xem ra nó là môt sáo ngữ, nhưng trên thực tế nó lại là sự thật. Tôi nghĩ tới tất cả những người đã sống tình yêu thương và biết tới mãnh lực lớn lao của nó. Nhưng họ cũng biết cuộc sống khó khăn chừng nào, nếu người ta đánh mất tình yêu thương. Như thế tình yêu thương đi theo cả hai chiều: nó có thể là suối nguồn của khổ đau to lớn, nhưng cũng là suối nguồn của sức mạnh, sự ủi an và chữa lành vĩ đại. Chồng tôi là một bác sĩ nhi khoa mà tôi đã lập gia đình với anh ấy từ 22 năm nay, vì thế tôi hiểu biết thế giới y khoa từ gần. Chúng tôi nói rằng chúng tôi làm việc trong cùng lãnh vực: một người chữa lành thân xác, một người chữa lành linh hồn, và tôi thực sự tin rằng âm nhạc có năng lực chữa lành tâm hồn, nếu nhà nghệ sĩ có ý đó.
Hỏi: Bà đã kể cho chúng tôi nghe dấn thân không mỏi mệt và can đảm tranh đấu cho hòa bình, đặc biệt là tại Israel, dấn thân mà trong các tuần qua cũng đã khiến cho bà gặp không ít khó khăn. Bà cảm thấy thế nào, khi kiểu diễn tả nghệ thuật cũng phải trả giá cho một cuộc chiến không kiểm soát được nữa?
Ðáp: Tôi tìm hy vọng hai điều. Trước hết tôi là một người, một công dân của thế giới. Tôi có các trách nhiệm chiến đấu cho những gì tôi tin tưởng, nói chúng lên một cách rõ ràng, bởi vì tôi có một tiếng nói và tôi sống trong một nước dân chủ. Tôi có một tiếng nói mà tôi có thể gióng lên, và tôi luôn luôn làm đối với những gì tôi tin tưởng. Thế rồi, tôi cũng cho rằng các nghệ sĩ, nói chung, phải là các người lãnh đạo xã hội. Có một sự khác biệt giữa nghệ sĩ và người giúp vui. Những người giúp vui có nhiệm vụ làm cho người ta lo ra, nghĩa là làm dịu sự việc, còn nghệ sĩ là một người khác. Nghệ sĩ phải là người đi sâu vào trong linh hồn và tâm trí con người, và phải phục vụ Thiên Chúa qua âm nhạc, chứ không phải phục vụ ông chúa tiền bạc hay danh vọng. Nghệ sĩ phải là một người lãnh đạo, nhất là khi liên quan tới các quyền con người, và phải đào tạo một dư luận rõ ràng và cởi mở. Tôi tin rằng nghệ thuật có sức mạnh nối kết con người với nhau trên một bình diện cao hơn, đôi khi tôi nghĩ tới đường bay của một con chim. Khi một con chim bay cao, thì không trông thấy các ranh giới giữa các nước và không trông thấy sự khác biệt của mầu da, hay sự khác biệt của các tôn giáo, nhưng chỉ trông thấy tấm thảm vô cùng xinh đẹp của các điều này chung với nhau, và tạo thành một sự hài hòa điều mà chúng ta gọi là trái đất của chúng ta.
Và xét rằng chúng ta tất cả đều là thành phần của trái đất này, chúng ta phải thử làm trên một bình diện cao hơn như con chim, thử tạo ra sự hài hòa ấy. Các nghệ sĩ có khả thể thực hiện viễn tượng này, và trách nhiệm của họ là kéo con người lên cao, nâng nó dậy, chứ không hạ nó xuống thấp. Ðôi khi có một giá phải trả cho điều này, và tôi không chỉ nghĩ tới các phạm trù thành công thương mại thôi. Nếu họ nói tôi phải câm miệng để được thành công, thì tôi sẽ khước từ thành công, chứ tôi sẽ không thể nào thinh lặng được.
Hỏi: Bà không sợ trở thành người không được dân chúng ưa thích ngưỡng mộ hay sao?
Ðáp: Tôi đã nhận được rất nhiều câu trả lời tiêu cực từ một vài người, bên Israel và ngoài nước Israel, nhưng tôi cũng đã nhận được rất nhiều tình yêu thương và nâng đỡ đến độ không tin nổi. Và tôi biết rằng đối với vài người thì tôi là ma qủy, và đối với những người khác thì tôi là một nữ anh hùng. Tôi nghĩ rằng thật là quan trọng điều những người khác nghĩ về tôi và về công danh của tôi, nhưng điều thật sự quan trọng là tính nhân bản của chúng ta. Tôi cho rằng mọi người phải góp phần vào một loại làn sóng đẩy đưa xã hội của chúng ta tới một bến bờ tốt đẹp hơn. Tôi tin rằng một trong những điều nguy hiểm nhất có thể xảy ra cho con người đó là trở thành vô cảm, như bị đánh thuốc mê... khi họ nói: "có qúa nhiều quyền lực lớn hơn tôi, không thể làm gì được..." Tôi không nhớ triết gia nào đó đã nói rằng: "... để xảy ra một tai ương lớn, không cần các người gian ác làm một cái gì đó, mà chỉ cần các người tốt không làm gì cả".
Hỏi: Xin bà minh xác thêm vai trò của nhà nghệ sĩ.
Ðáp: Ðó là tạo dựng một tác phẩm nghệ thuật rất đẹp, và lôi kéo con người tới nghệ thuật. Ngoài ra, tôi còn luôn nói rằng có vài người trong số các nghệ sĩ lớn nhất trong lịch sử chết nghèo, trong các điều kiện đáng thương. Ðã không có ai nhận ra họ, nếu không phải là nhiều năm sau khi họ qua đời. Tôi không tin rằng nhà nghệ sĩ phải thức dậy ban sáng với các lời nịnh hót và các thừa nhận. Ðiều duy nhất mà họ phải làm, trái lại, là đòi hỏi nơi chính mình một mức độ diễn tả cao hơn.
Hỏi: Bà nghĩ sao về cuộc xung đột gia tăng giữa người Israel và người Palestine?
Ðáp: Chúng tôi đang phải trả giá cho sự ngạo mạn, ngu đần và sự tham lam của các người lãnh đạo chúng tôi, ở khắp mọi nơi. Tôi nghĩ rằng ở khắp mọi nơi người Israel cũng như người Palestin và các người khác đã đánh mất đi mục tiêu đích thật, hay sự tiếp cận với lý do của việc lựa chọn họ. Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, và có lẽ của các vị lãnh đạo tôn giáo nhiều hơn, đó là tạo ra các hoàn cảnh, trong đó sự sống, chứ không phải cái chết, được coi là thánh thiêng, bất khả xâm phạm. Và đây không phải là sự thành công. Như vậy riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy bị phản bội bởi các người lãnh đạo của tôi, và tôi hoàn toàn xác tín rắng các người Palestine cũng cảm thấy bị phản bội như vậy. Tôi tin rằng trong giai đoạn lịch sử này phải có một loại nổi loạn của xã hội dân sự. Thật thế, nếu nó tùy thuộc nơi tôi, thì sẽ có hàng triệu người xuống đường biểu tình, như đã xảy ra với ông Gandhi, và nói rằng: "Ðủ rồi. Chúng tôi đã qúa chán ngấy với cảnh cãi lộn giữa các đảng phái, với các lời cáo buộc nhau liên tục. Ðủ rồi với thái độ tự phụ". Một trong những vấn đề chính trong vùng của chúng tôi là người ta nói tới sự thật tuyệt đối, công lý tuyệt đối... Tôi thì tôi không tin vào các sự thật tuyệt đối... Chúng ta phải ngặn chặn loại hùng biện này lại.
Hỏi: Trên liên mạng người ta có thể tìm thấy đầy các bài viết, các video chứng minh tất cả và chống lại tất cả. Bà có thể chọn một quan điểm và minh chứng cho nó. Và như thế thì đâu là ý nghĩa của sự thật?
Ðáp: Trái lại, chúng tôi phải nghĩ một cách đơn sơ rằng chúng tôi liên lụy tới các người khác. Chúng tôi phải thôi nhìn về đàng sau, nó không giúp gì cả. Trong lúc này đây phải hiểu rằng chỉ có đối thoại với các người chúng tôi không ưa sẽ giúp chúng tôi giải quyết các vấn đề của chúng tôi, người Isrel cũng như người Palestine phải ý thức được điều này. Chúng tôi phải làm điều này bắng cách mỗi bên thừa nhận các quyền lợi của người khác. Còn hơn thế nữa chúng tôi phải nghĩ tới các bổn phận của chúng tôi. Người ta cứ luôn kêu lên: quyền của chúng tôi, quyền của chúng tôi! Chúng quan trọng, chắc chắn rồi. Nhưng đâu là các bổn phận của bạn? Như là người các bổn phận của bạn là phải lo lắng cho tha nhân, không chỉ luôn luôn nghĩ tới chính mình. Bạn hãy lo lắng cho người khác, và người khác sẽ lo lắng cho bạn. Cả hai dân tộc Israel và Palestine đều ước muốn vun trồng sự lớn lên về trí thức. Tôi tin rằng yếu tố này là một trong các điều đẹp nhất, mà chúng tôi chia sẻ với nhau, và tôi tuyệt đối xác tín rằng chúng tôi có thể chung sống bên cạnh nhau.
Cách đây 20 năm kinh nghiệm trình diễn trước Ðức Gioan Phaolô II đã thay đổi đời tôi, và nó đã gợi hứng cho tôi mờ lăng kính ra cho thế giới, như xảy ra với một bức hình. Nó đã cho phép tôi đi từ chiều kích chiếc vi âm bé nhỏ các bài ca của tôi tới chiều kích to lớn cho phép vòng tay của bạn ôm được nhiều người hơn, nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa hơn trong một thế giới sâu thẳm. Tôi đầy tràn lòng biết ơn đối với Ðức Gioan Phaolô II vì đã mời tôi. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên một phụ nữ do thái hát trước mặt ngài. Gương mặt của ngài vẫn in sâu trong tôi. Tôi đã rất hài lòng và nghĩ ngay rằng ngài là típ người lãnh đạo mà chúng ta cầu mong có được trên thế giới này. Chính vì vậy mà trong cuốn "Album Tình yêu là thuốc chữa" có bốn bài ca dành cho cuộc đời của Ðức Karol Wojitila, là người đã cứu sống vài người do thái trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến, trong đó có bài "Ngội sao nhỏ", là cố gắng đầu tiên của tôi viết về cuộc diệt chủng Do thái.
Hỏi: Thế bà coi Ðức Thánh Cha Phanxicô như thế nào?
Ðáp: Tôi trân qúy nhất là sự khiêm tốn và đơn sơ của ngài. Các con người của Thiên Chúa có thể tìm ra một thứ ngôn ngữ chung, nếu họ muốn. Ðây là một thách đố lớn và tôi hy vọng là Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ hướng dẫn Giáo Hội công giáo trong chiều hướng này. Thiên Chúa phải là dụng cụ của tình yêu thương, tình bạn, tình liên đới và sự ủi an, chứ không phải của thù hận và chiến tranh. Các giới lãnh đạo tôn giáo càng tin vào điều này bao nhiêu, thì họ càng nói lên điều đó một cách công khai bấy nhiêu, và chúng ta lại càng có nhiều hy vọng hơn cho hòa bình bấy nhiêu. Ðây là một trách nhiệm rất lớn lao!
Thế rồi còn có việc hòa giải gia đình với công ăn việc làm, các giá trị gia đình rất mạnh mẽ giúp cộng đoàn nhỏ này hiệp nhất và tình yêu luôn luôn trợ giúp. Tuy nhiên, tôi cũng có vài khuyết điểm là không kiên nhẫn và bốc đồng.
Hỏi: Thưa bà Noa, có điều gì làm bà tức giận không?
Ðáp: Ðó là khi người ta đánh gía các sự vật hoặc là đen hoặc là trắng. Nó không chỉ khiến tôi tức giận, mà còn làm cho tôi buồn nữa. Khi tôi coi các sự vật một cách mù quáng, một cách triệt để như vây, thì tôi trở thành hoàn toàn mù trước tha nhân. Và như thế là tôi bắt đầu vô nhân hóa người khác. Từ đó bước đi dẫn tới bạo lực kinh hoàng sẽ rất là ngắn. Cần phải coi chừng, hết sức coi chừng!
(6-8-2014)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)