Ngày thứ tư chuyến tông du Hàn Quốc
của Ðức Thánh Cha Phanxicô
Ngày thứ tư chuyến tông du Hàn Quốc của Ðức Thánh Cha Phanxicô: "Chỉ có thể đối thoại nếu chúng ta biết rõ mình là ai".
Hàn Quốc (WHÐ 18-08-2014) - Chúa nhật 17 tháng 08 năm 2014, ngày thứ tư trong chuyến tông du Hàn Quốc của Ðức Thánh Cha Phanxicô, có hai sự kiện chính: Ðức Thánh Cha gặp các giám mục Á châu tại Ðền Haemi lúc 11 giờ và cử hành Thánh Lễ bế mạc Ðại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, tại Lâu đài Haemi lúc 16 giờ.
Gặp các giám mục Á châu
Trước
hết, Ðức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Mumbai, Ấn Ðộ,
với tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á châu, đã
đại diện các giám mục chào mừng Ðức Thánh Cha.
Ðức Thánh Cha gặp các giám mục Á châu tại Ðền Haemi lúc 11 giờ và cử hành Thánh Lễ bế mạc Ðại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, tại Lâu đài Haemi lúc 16 giờ. |
Ngài gợi lại: "Lúc này, tâm trí chúng con trở về thời điểm lịch sử 44 năm trước, khi các giám mục Á châu gặp nhau tại Manila nhân cuộc viếng thăm lịch sử của Ðức giáo hoàng Phaolô VI đến Philippines vào năm 1970. Ðó là lần đầu tiên có đông đảo giám mục châu Á như thế - khoảng 180 vị - gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về các vấn đề mục vụ mà lục địa rộng lớn và phong phú này đang phải đối mặt. Vui mừng vì kinh nghiệm này, các giám mục đã thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) và được Ðức giáo hoàng Phaolô VI chúc lành. Ngày nay Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) có 19 Hội đồng Giám mục thành viên bao gồm 27 quốc gia, và 9 thành viên liên kết, là các Giáo hội chưa có Hội đồng Giám mục".
Ðức hồng y Gracias cũng phác hoạ hình ảnh Châu Á "là một lục địa đang trải nghiệm những hy vọng và mừng vui của một cuộc tái sinh không ngừng trong Chúa Thánh Thần. Sáu mươi phần trăm dân số thế giới sống ở châu Á. Ðây là một lục địa trẻ trung với đa số dân là người trẻ. Vì thế trong nhiều khía cạnh châu Á là chính trung tâm cho tương lai của thế giới và tương lai của Giáo hội. Toàn cầu hóa ảnh hưởng đến châu Á và mang lại những thách thức mới cho Giáo hội: người châu Á mang bản chất tôn giáo, nhưng tinh thần của chủ nghĩa thế tục và duy vật đang len lỏi vào. Mối quan hệ gia đình từng được coi trọng và ăn rễ sâu trong xã hội châu Á đang dần bị xói mòn. Và đang khi tâm hồn Á châu coi sự sống là thánh thiêng, nhưng những mối đe dọa sự sống đang gia tăng và gây xáo trộn bằng nhiều cách. Người châu Á tìm kiếm và ưa thích sống cộng đoàn; nhưng nay thì điều này cũng bị ảnh hưởng bởi một cảm thức mạnh của chủ nghĩa cá nhân".
Cuối cùng, Ðức hồng y Gracias cảm ơn Ðức Thánh Cha về chuyến viếng thăm Hàn Quốc: "Ðức Thánh Cha đã đem Chúa Giêsu đến cho chúng con qua sứ điệp của Ðức Thánh Cha". Và ngài cam kết: "Chúng con nguyện dấn thân để làm cho Chúa Giêsu và sứ điệp của Người được nhiều người biết đến, hiểu biết, yêu mến và đi theo hơn nữa".
Trong phần đáp từ, Ðức Thánh Cha khai triển đề tài về "đối thoại".
Ngài bày tỏ hy vọng rằng "các quốc gia mà Toà Thánh chưa có quan hệ đầy đủ sẽ không ngần ngại thúc đẩy một cuộc đối thoại vì lợi ích của tất cả". Ðức Thánh Cha giải thích: "Ở đây tôi không chỉ nói đến đối thoại chính trị, nhưng cả đối thoại huynh đệ nữa", và ngài nói thêm: "Các Kitô hữu này không đến đây như những kẻ chinh phục, họ không đến để tước mất căn tính của chúng ta, nhưng họ mang đến cho chúng ta căn tính của họ và họ muốn đi với chúng ta".
Ðức Thánh Cha nói rằng "Giáo hội được kêu gọi linh động và sáng tạo trong việc làm chứng cho Tin Mừng, nhờ đối thoại và mở ra với mọi người". Nhưng ngài cũng khẳng định: "Chỉ có thể đối thoại nếu chúng ta biết rõ mình là ai. Chúng ta phải ý thức được căn tính của mình, căn tính của chúng ta là Kitô hữu. Phải mở lòng trí trong niềm cảm thông và đón nhận chân thành với những người mà chúng ta đối thoại".
Ðức
Thánh Cha giải thích thêm: "Căn tính này chính là đức
tin sống động trong Chúa Kitô", và ngài đặt câu hỏi
với các giám mục: "Liệu căn tính ấy có được thể
hiện rõ ràng trong các chương trình giáo lý và mục vụ
giới trẻ, trong việc phục vụ người nghèo và những
người sống vất vưởng bên lề xã hội giàu có của chúng
ta và trong những nỗ lực thúc đẩy ơn gọi linh mục và
đời sống tu trì hay không?"
Ðức Thánh Cha gặp các giám mục Á châu tại Ðền Haemi lúc 11 giờ và cử hành Thánh Lễ bế mạc Ðại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, tại Lâu đài Haemi lúc 16 giờ. |
Nhưng để xác định căn tính ấy không phải là điều dễ dàng. Có nhiều trở ngại cản đường, bởi vì "chúng ta sẽ luôn bị cám dỗ bởi tinh thần thế tục". Trong những trở ngại ấy, có "sự sai lầm của thuyết tương đối, làm lu mờ ánh quang chân lý". Và Ðức Thánh Cha xác định rằng ngài đang nói về "chủ nghĩa tương đối thực dụng, diễn ra hằng ngày, làm suy yếu căn tính của chúng ta mà rất khó nhận ra".
Một nguy cơ khác là "tính hời hợt", nói cách khác, đó là "xu hướng chạy theo thời trang, những tiện nghi và thú tiêu khiển, hơn là chú tâm vào những điều thực sự quan trọng". Tính hời hợt này cũng có thể thấy trong việc "bị cuốn hút vào những chương trình mục vụ và lý thuyết, làm phương hại đến việc gặp gỡ trực tiếp và hiệu quả với các tín hữu, nhất là những người trẻ, những người cần có nền tảng giáo lý vững chắc và được hướng dẫn về mặt thiêng liêng"
Và cám dỗ cuối cùng rình chực mỗi Kitô hữu là "sự an toàn giả tạo ẩn dưới những câu trả lời dễ dàng, những công thức có sẵn, những lề luật và quy định". Tuy nhiên, "đức tin, tự bản chất, không quy về mình nhưng có khuynh hướng "đi ra ngoài". Ðức tin tìm cách cho người ta hiểu mình; đức tin sinh ra chứng từ; tạo nên sứ vụ. Theo nghĩa này, "đức tin làm cho chúng ta vừa can đảm lại vừa khiêm tốn làm chứng cho niềm hy vọng và tình yêu của mình".
Thánh Lễ bế mạc Ðại hội Giới trẻ châu Á
Ðức Thánh Cha mở đầu bài giảng bằng cách lặp lại chủ đề của Ðại hội Giới trẻ châu Á tại Hàn Quốc: "Vinh quang của các thánh tử đạo tỏa sáng trên bạn! Ðây là một đoạn chủ đề của Ðại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, điều này an ủi và củng cố tất cả chúng ta. Hỡi những người trẻ Á châu: các con là những người thừa kế của một chứng từ cao cả, của chứng nhân cao quý về Chúa Kitô. Ngài là ánh sáng thế gian; Ngài là ánh sáng của cuộc sống chúng ta!... Nhờ Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và chúng ta tham dự vào chiến thắng ấy mà ngày nay chúng ta có thể đối mặt với những thách đố của người môn đệ Chúa Kitô, trong những hoàn cảnh và thời đại của chúng ta".
Ðức Thánh Cha cũng khai triển một đoạn khác trong chủ đề của Ðại hội: "Hỡi bạn trẻ châu Á, hãy thức tỉnh!"
Về từ "Châu Á", Ðức Thánh Cha ghi nhận rằng "Lục địa châu Á, vốn được thấm nhuần những truyền thống triết học và tôn giáo rất phong phú, là một môi trường tuyệt vời để các con làm chứng cho Chúa Kitô 'là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống' (Ga 14, 6)". Vì thế, ngài khích lệ các bạn trẻ châu Á: "Ðừng sợ đem sự khôn ngoan của đức tin vào mọi hoàn cảnh của đời sống xã hội!"
Ðức Thánh Cha phân tích: "Là người châu Á, các con nhìn ngắm và yêu thương, từ bên trong, tất cả những gì là chân thiện mỹ trong nền văn hóa và truyền thống của các con. Nhưng là Kitô hữu, các con cũng biết rằng Phúc Âm có sức mạnh thanh tẩy, thăng hoa và hoàn thiện di sản này". Và Ðức Thánh Cha cho biết, nhờ Chúa Thánh Thần đồng thời hiệp nhất với các chủ chăn, các bạn trẻ sẽ phân định được những giá trị tích cực trong các nền văn hóa đa dạng ở Á Châu.
Về từ "Giới trẻ", Ðức Thánh Cha nêu lên những đặc tính của người trẻ: lạc quan, đầy sức sống và thiện chí. Và ngài khuyến khích các bạn trẻ: "Hãy để Ðức Kitô biến những lạc quan vốn có nơi các con thành niềm hy vọng Kitô giáo, biến sức sống của các con thành các nhân đức, và thiện chí của các con thành tình yêu tự hiến đích thực!... Như thế, tuổi trẻ của các con sẽ trở nên quà tặng cho Chúa Giêsu và cho thế giới".
Ðức Thánh Cha cũng nói đến một cám dỗ của người trẻ là "xua đuổi những người xa lạ, những người nghèo và người đau khổ". Họ đang kêu cứu, đang van xin. Ðức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ: "Chúng ta hãy đáp lời, không phải theo cách của những người xua đuổi những ai đến xin chúng ta giúp đỡ, như thể phục vụ người túng thiếu là cản đường chúng ta đến gần Chúa# Không! Chúng ta phải nên giống Chúa Kitô, Người đã đáp lại mọi kẻ kêu xin Người giúp đỡ bằng tình yêu và lòng thương xót".
Cuối cùng, với từ "Thức tỉnh!", Ðức Thánh Cha nói rằng Chúa đã trao trách nhiệm cho người trẻ: "Ðây là bổn phận phải tỉnh thức, không để cho các áp lực, cám dỗ và tội lỗi làm chúng ta không còn nhạy cảm với vẻ đẹp của sự thánh thiện và niềm vui của Tin Mừng. Thánh vịnh đáp ca hôm nay mời gọi chúng ta không ngừng 'vui mừng hát ca'. Chẳng có ai ngủ mà múa hát mừng vui được".
Kết thúc bài giảng, Ðức Thánh Cha hy vọng các bạn trẻ hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo hội và bước đi trên con đường ấy, con đường chắc chắn sẽ mang lại nhiều niềm vui.
Sau Thánh lễ bế mạc Ðại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, Ðức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Mumbai, Ấn Ðộ kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á châu, đã ngỏ lời cám ơn Ðức Thánh Cha và loan báo Ðại hội Giới trẻ châu Á lần thứ bảy sẽ được tổ chức tại Indonesia vào năm 2017.
Vũ Bình