Không thể đem thù hận tới nhân danh Thiên Chúa

Không thể gây chiến nhân danh Thiên Chúa

 

Không thể đem thù hận tới nhân danh Thiên Chúa! Không thể gây chiến nhân danh Thiên Chúa.

Vatican (Vat. 10-08-2014) - Không thể đem thù hận tới nhân danh Thiên Chúa! Không thể gây chiến nhân danh Thiên Chúa!

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 10 tháng 8 năm 2014. Ngài đã tái khẩn thiết kêu gọi hòa bình cho Irak và Thánh Ðịa. Ðức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, các tin tức đến từ Irak khiến cho chúng ta không thể tin được: hàng ngàn người, trong đó có các tín hữu kitô, bị đuổi khỏi nhà cửa của họ một cách tàn bạo; trẻ em chết đói chết khát trong khi chạy trốn; phụ nữ bị bắt cóc; con người bị tàn sát; đủ mọi thứ bạo lự; tàn phá các gia tài tôn giáo, lịch sử và văn hóa. Tất cả những điều này xúc phạm trầm trọng đến Thiên Chúa và nhân loại. Không thể đem thù hận tới nhân danh Thiên Chúa! Không thể gây chiến nhân danh Thiên Chúa!

Tôi xin cám ơn những người đang can đảm trợ giúp các anh chị em này, và tôi tin tưởng rằng một giải pháp chính trị hữu hiệu trên bình diện quốc tế và địa phương có thể ngăn chặn các tội phạm này và tái lập quyền lợi. Ðể bảo đảm tốt hơn cho sự gần gũi của tôi, tôi đã gửi Ðức Hồng Y Fernando Filoni, như đặc sứ của tôi tại Irak. Ngày mai Ðức Hồng Y sẽ lên đường sang Irak.

Cả tại dải Gaza sau một cuộc ngưng bắn, chiến tranh đã tái diễn, gây ra các nạn nhân vô tội, và chỉ làm cho xung khắc giữa người Israel và người Palestine trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta hãy cùng nhau xin Thiên Chúa của hòa bình qua lời bầu cử của Ðức Trinh Nữ Maria: "Lạy Chúa, xin ban hòa bình cho những ngày sống của chúng con, và biến chúng con thành những người xây dựng công lý và hòa bình."

Ðức Thánh Cha cũng mời mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân của vi khuẩn Ebola và những ai đang chiến đấu để ngăn chặn nó.

Trước đó, trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã nhắc tới bài Phúc Âm phụng vụ Chúa Nhật kể lại biến cố Chúa Giêsu đi trên mặt nước hồ Galilea (Mt 14,22-33). Sau khi làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng Chúa Giêsu bảo các môn đệ lên thuyền sang bờ hồ bên kia trước, trong khi Người giải tán dân chúng, và lên núi một mình cầu nguyện. Trong khi đó có một cơn bão nổi lên, Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với với các môn đệ. Trông thấy Người các ông tưởng là ma, nhưng Người trấn an họ: "Can đảm lên, Thầy đây , đừng sợ!" (c. 27). Tông đồ Phêrô, với kiểu hăng hái của ông, làm như thử Người liền xin: "Lậy Chúa, nếu là Chúa xin truyền cho con đi trên mặt nước đến với Chúa!", và Chúa Giêsu nói với ông: "Hãy đến" (cc.28-29). Phêrô xuống khỏi thuyền và bắt đầu đi trên nước; nhưng gió thổi mạnh, và ông bắt đầu chìm. Khi đó ông kêu lên: "Lậy Thầy, cứu con với". Chúa Giêsu giơ tay ra và nâng ông dậy.

Câu chuyện này là một hình ảnh đẹp trong đức tin của tông đồ Phêrô. Trong tiếng Chúa Giêsu nói với ông "Hãy đến", ông nhận ra tiếng vọng của cuộc gặp gỡ đầu tiên trên cùng bờ hồ này và ngay lập tức một lần nữa ông bỏ thuyền và đi tới với Thầy. Và ông bước đi trên mặt nước! Câu trả lời tin tưởng và sẵn sàng với tiếng gọi của Chúa luôn luôn khiến hoàn thành được các điều kỳ diệu. Mà chính Chúa Giêsu đã nói rằng chúng ta có khả năng làm các phép lạ với niềm tin của chúng ta, tin nơi Người, tin vào lời Người, tin nơi tiếng nói của Người. Trái lại Phêrô bắt đầu chìm trong lúc ông rời cái nhìn khỏi Chúa Giêsu, và để cho mình bị cuốn hút bởi các nghịch cảnh bao quanh. Nhưng Chúa luôn ở đó, và khi Phêrô khẩn cầu Người Chúa Giêsu cứu ông khỏi hiểm nguy. Ðức Thánh Cha quảng diễn sư kiện này như sau:

Trong nhân vật Phêrô, với các hăng hái và các yếu đuối của ông, đức tin của chúng ta được miêu tả: luôn luôn giòn mỏng và nghèo nàn, bất an nhưng chiến thắng, đức tin của kitô hữu bước đi gặp Chúa phục sinh, giữa các bão táp và nguy hiểm của thế giới.

Ðức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Cảnh sau cùng cũng rất quan trọng: "Họ vừa lên thuyền, thì gió ngừng thổi. Những người ở trên thuyền qùy phục xuống trước mặt Người và nói: "Thầy thật là Con Thiên Chúa" (cc.32-33). Trên thuyền có tất cả các môn đệ, cùng chung kinh nghiệm sự yếu đuối, nghi ngờ, sơ hãi, "ít đức tin". Nhưng khi Chúa Giêsu lên con thuyền đó, thì bầu khí lập tức thay đổi: mọi người cảm thấy hiệp nhất trong niềm tin nơi Người. Tất cả mọi người, bé nhỏ, sợ hãi trở thành lớn lao trong lúc họ qùy gối xuống và nhận ra Thầy mình là Con Thiên Chúa.

Biết bao lần cũng xảy ra cho chúng ta như thế# Không có Chúa Giêsu, xa Chuá Giêsu, chúng ta cảm thấy sợ hãi và không đủ sức đến độ nghĩ rằng chúng ta không làm được: thiếu niềm tin! Nhưng Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta, có lẽ dấu ẩn, nhưng hiện diện và sẵn sàng nâng đỡ chúng ta.

Ðây là một hình ảnh hữu hiệu về Giáo Hội: một con thuyền phải đương đầu với bão táp và đôi khi xem ra sắp chìm. Ðiều cứu Giáo Hội không phải là các đức tính và sự can đảm của các con người của Giáo Hội, nhưng là đức tin, cho phép bước đi cả trong tối tăm, giữa các khó khăn. Ðức tin ban cho chúng ta cái chắc chắn về sự hiện diện của Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh, của bàn tay Người năm lấy chúng ta để kéo chúng ta ra khỏi các hiểm nguy. Chúng ta tất cả đều ở trên con thuyền này, và ở đây chúng ta cảm thấy an toàn, mặc cho các hạn hẹp và yếu đuối của chúng ta. Chúng ta an toàn, nhất là khi chúng ta biết qùy gối xuống và thờ lậy Chúa Giêsu, là Chúa duy nhất của cuộc sống chúng ta. Ðức Mẹ là Mẹ chúng ta luôn nhắc nhớ cho chúng ta điều đó. Chúng ta hãy tin cậy hướng lên Mẹ.

Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Ðức Thánh Cha báo cho mọi người biết từ thứ tư 13 tháng 8 tới thứ hai 18 tháng 8 năm 2014 ngài sẽ đi công du bên Ðại Hàn. Ðức Thánh Cha xin mọi người đồng hành với ngài trong lời cầu nguyện.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page