Vũ khí nguyên tử
bệnh ghẻ ngứa khó chữa
Vũ khí nguyên tử, bệnh ghẻ ngứa khó chữa.
Japan (Vat. 8-08-2014) - Cách đây 69 năm, ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945 chính quyền Hoa Kỳ đã ra lệnh ném trái bom nguyên tử đầu tiên trên thành phố Hiroshima. Và ngày mùng 9 tháng 8 năm 1945 quả bom nguyên tử thứ hai rơi trên thành phố Nagasaki. Hai trái bom nguyên tử đầu tiên ấy đã khiến cho 400,000 người chết ngay lập tức, hàng trăm ngàn người khác chết vì bị nhiễm phóng xạ và bị bệnh ung thư trong các tháng năm sau đó, kéo dài cho tới ngày nay. Hai thành phố lớn của Nhật Bản bị tàn phá bình địa.
Thế là kỷ nguyên vũ khí hạt nhân bắt đầu, khiến cho các cường quốc bị cuốn hút vào vòng xoáy thi đua nhau chế tạo và tàng trữ vũ khí nguyên tử như Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc, tức 5 nước thành viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra còn có bốn nước khác không gia nhập Thỏa Hiệp cấm vũ khí hạt nhân lan tràn là Ấn Ðộ, Pakistan. Bắc Hàn và Israel. Cảnh thi đua vũ trang đã kéo dài từ 70 năm qua và vẫn còn tiếp tục, khi mạnh khi yếu. Không ai biết được mỗi cường quốc có bao nhiệu bom, hỏa tiễn và đầu đạn nguyên tử, vì đây là bí mật quốc phòng.
Tuy nhiện, theo các phân tích và ước đoán của các chuyên viên nguyên tử, dựa trên các lời tuyên bố và các thông tin rỏ rỉ ra ngoài người ta được biết vào năm 1949 Liên xô có 8,500 đầu đạn nguyên tử; Hoa Kỳ có 7,700 vào năm 1945; Anh quốc có 225 vào năm 1952; Pháp có khoảng 300 vào năm 1960; Trung Quốc có 240 vào năm 1964. Trong khi Ấn Ðộ có từ 80-100 đầu đạn hạt nhân trong năm 1974. Pakistan có từ 90-110 văo năm 1998; Bắc Hàn khoảng 10 trong năm 2006. Israel có khoảng 80 và đã không thực hiện cuộc thử nghiệm chính thức nào như các nước khác.
Các cuộc thương thuyết nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân đã khiến cho số 65,000 đầu đạn nguyên tử hoạt động giảm xuống còn 17,300 trong năm 2012, trong đó có 4,300 vũ khí "hoạt động", số còn lại là vũ khí "dự trữ". Nhưng thật khó mà xác định sự khác biệt giữa vũ khí hoạt động và vũ khí dự trữ. Vì số đầu đạn nguyên tử dự trữ đó có thể được khởi động trong vòng vài ngày hay vài tuần. Trong suốt thời gian chiến tranh lạnh giữa khai khối Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương hay NATO và khối Varsava tức Liên Xô và các nước Ðông Âu, đã có hàng ngàn hỏa tiễn có đầu đạn hạt nhân được Liên Xô đặt bên Ucraina hướng về mọi thủ đô và thành phố lớn của các nước Tây Âu. Sau khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, Ucraina đã trả các vũ khí này lại cho Nga.
Dầu sao đi nữa nguy cơ của một cuộc chiến nguyên tử vẫn luôn đe dọa nhân loại. Xem ra tình hình cũng không tiến triển nhiều lắm, mặc dù trong các thập niên qua Tòa Thánh, các Hội Ðồng Giám Mục và nhiều tổ chức kitô trên toàn thế giới đã không ngừng yêu cầu các cường quốc nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân, đặc biệt là trong các lễ nghi tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử vào đầu tháng 8 hằng năm.
Ðiển hình như thông cáo của tổ chức Pax Christi Hòa Bình Chúa Kitô Bỉ phổ biến ngày mùng 6 tháng 8 năm 2014 tại Bruxelles, nhân tưởng niệm biến cố bom nguyên tử nổ tại Hiroshima ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945. Qua đó tổ chức Pax Christi kêu gọi bài trừ vũ khí hạt nhân và khẳng định rằng "việc sử dụng và sở hữu vũ khí nguyên tử là vô luân và không thể biện minh được." Tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô kêu gọi "các giới chức chính trị, ngoại giao và thành viên các xã hội dân sự hoạt động làm sao để mọi quốc gia tôn trọng thỏa hiệp không để vũ khí nguyên tử lan tràn, và dấn thân giải trừ vũ khí hạt nhân. Thông cáo viết: "Các vũ khí hóa học và sinh học đã bị lên án và bài trừ. Cả các vũ khí nguyên tử cũng phải được loại bỏ như vậy. Chúng tôi kêu gọi tạo dựng một thế giới không có tai nạn nguyên tử, không phải do sợ hãi, mặc dù các hậu qủa kinh khủng của của các vũ khí này, nhưng dựa trên niềm hy vọng được linh hoạt bởi sự thật ghi sâu trong trái tim con người: đó là chúng ta tất cả là một gia đình nhân loai duy nhất, một dân tộc được mời gọi là một cộng đoàn. Ðồng ý với các giáo huấn của Ðức Thánh Cha Phanxicô tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô minh nhiên rằng "việc giải trừ vũ khí nguyên tử là bước đầu tiên để loại trừ các chướng ngại ngăn cản nhân loại tiến tới công bằng và tình liên đới toàn cầu.
Tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô cũng tố cáo vài cường quốc tiếp tục duy trì và liên tục canh tân kho vũ khí hạt nhân của mình, theo đuổi một đường lối chính trị lỗi thời, khiến cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân bị trì trệ, và không có đủ can đảm thực thi Thỏa hiệp không để cho vũ khí hạt nhân lan tràn.
Thật ra, cám dỗ chế tạo, thử nghiệm và sử dụng vũ khí hạt nhân giống như bệnh ghẻ ngứa khó chữa, càng gãi càng thích cho tới khi bật máu mới thôi. Nhưng với "bệnh ghẻ nguyên tử", khi hàng ngàn vũ khí nguyên tử nổ trên thế giới này, thì nhân loại cũng sẽ không kịp có giờ để mà "thưởng thức cái khoái tàn hại của chúng".
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)