Giai điệu Giao Cảm
của Nhóm Thánh Ca Mới
Giai điệu Giao Cảm của Nhóm Thánh Ca Mới.
Washington D.C. (VietCatholic News 4-08-2014) - Vào ngày 25 tháng 7 năm 2014 lại một lần nữa sau 10 năm vắng bóng, Nhóm Thánh Ca Mới đã trở lại và giao cảm lòng người bằng những giai điệu của những khúc ca thánh.
Nhà thờ Thánh Linh chiều nay bỗng đỗi lạ thường, từng chiếc xe tấp nập nối đuôi nhau và vội vã để tìm cho mình chỗ đậu xe. Trước tiền sảnh nhà thờ, người người chen chúc tranh thủ chọn mua những cuốn CD và Tuyển Tập Thánh Ca của nhóm Thánh Ca Mới này vừa phát hành, để rồi kịp giờ vào thánh đường tìm ghế ngồi tham dự buổi trình diễn thánh ca mang chủ đề: "Chúa và Tôi 2".
Xem ra, người Việt Nam ở Cali đã biết tôn trọng giữ đúng giờ khai mạc của Ban Tổ Chức mà không đến trễ hay kéo giờ dây thun. Tôi ước mong những khách mời của các đám cưới khắp nơi cũng đến đúng giờ như thế thì phong cách của người Việt Nam sống tại Hoa Kỳ sẽ "đẹp" biết bao?!
Sân khấu trình diễn hôm nay cũng chính là gian cung thánh mà Mình Thánh Chúa đã được đưa đi nơi khác, trong khi cây thánh giá dọc ngang vẫn còn treo phía trước. Ngước mắt nhìn lên cây thánh giá có Chúa Giêsu chịu nạn và giang hai cánh tay bị đóng đinh gục đầu chết thầm lặng. Lòng tôi xao xuyến khi nghĩ đến tình yêu vô bờ bến của Ngài đã chết đớn đau và tủi nhục cho tội của chính tôi và của chính bạn.
Tôi mở cuốn sách mỏng của chương trình có in bìa màu vàng được Ban Tổ Chức phân phát khi mới vào cửa để theo dõi. Sự chu đáo của Ban Tổ Chức làm tôi có cảm tưởng như đang vào tham dự một chương trình hòa nhạc giao hưởng của người Mỹ mà tôi thường đi xem ở các hí viện lớn được tổ chức chu đáo hay như ở các buổi hòa nhạc tại các trường đại học.
Tưởng cũng nên tìm hiểu đôi nét vì sao có nhóm Thánh Ca Mới này:
Có lẽ đây là một sự thao thức từ lâu của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Hùng Cường mà tôi nghe được qua lời tâm sự của ngài sau đây: "Tôi quen anh Viễn Xứ cuối thập niên 90 qua người em vợ của ảnh, lúc ấy đang học y khoa tại Chicago, rồi từ đó chúng tôi thân nhau. Ngoài sự quý mến cái nết hiền lành dĩ hòa vi quý ấy, tôi còn mến mộ anh vì chúng tôi có cùng sở thích đam mê về âm nhạc, nhất là về Thánh Ca".
Rồi từ đó, cha Nguyễn Hùng Cường luôn băn khoăn và tự đặt câu hỏi cho chính mình:
"Tại sao những người yêu mến sáng tác thánh ca không hợp thành nhóm để nâng đỡ khuyến khích nhau sáng tác? Tại sao mình lại ngồi đợi chờ ai mà không tự bắt đầu?"
Hỏi là trả lời, cũng như thể một khi đã thao thức, trăn trở, cũng có nghĩa là ta đang bắt đầu bắt tay vào công việc. Thế là nhóm Thánh Ca Mới được thành hình trong giai đoạn này. Cha Cường còn cho biết sau khi đã thành hình, ngài mời thêm Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh cùng tham gia với nhóm. Ngài chia sẻ thêm: "Nhóm bắt đầu với 3 thành viên mà không nội qui, không điều lệ, không ràng buộc hay khuynh hướng sáng tác nào. Chỉ có duy nhất một điều đó là khuyến khích nhau sáng tác thánh ca để tôn vinh Thiên Chúa". Thế rồi để từ đó, nhóm này có những sáng tác thánh ca và những CD ra đời.
Tôi còn nhớ năm 2004, nhóm Thánh Ca Mới này đã tổ chức một đêm trình diễn nhạc thính phòng Thánh Ca tại nhà hàng Regent West, thuộc Quận Cam, California với chủ đề: "Chúa và Tôi" như là buổi ra mắt đầu tiên của nhóm. Ðêm hôm ấy, nhóm Thánh Ca Mới đã thành công mỹ mãn vì số người đến rất đông. Mọi người tham dự rất hân hoan, chan hòa trong tâm tình yêu thương và cầu nguyện mặc dù đã có nhiều người chỉ chen chân để được đứng, để xem và để nghe. Sau này tôi biết, nhóm đã có thêm môt thành viên mới đó là nhạc sĩ Ðinh Công Huỳnh từ Nauy cũng rất say mê về thánh nhạc với sức sáng tác phong phú và đã có hàng trăm tác phẩm thánh ca. Hãy nghe tiếp tâm sự của cha Nguyễn Hùng Cường:
"Bốn người, bốn phương trời, bốn mảnh đời, bốn khuynh hướng và cá tính khác nhau nhưng cùng chung một đam mê đó là thánh ca, chính những đam mê này đã nối kết chúng tôi đến với nhau".
Như người viết đã nói từ đầu: Hôm nay lại một lần nữa sau 10 năm vắng bóng, nhóm Thánh Ca Mới đã trở lại và giao cảm lòng người bằng những giai điệu của những khúc ca thánh.
Khách tham dự đã ngồi kín nhà thờ vì cũng đã đến giờ khai mạc. Hai MC một nam và một nữ rất linh hoạt, tài tình và du yên dáng mà tôi biết đó là bác sĩ Trần Việt Cường và cô Kim Thúy.
Lời mở đầu của MC Trần Việt Cường rất hậu hĩnh, bao hàm và ý nghĩa. Anh dõng dạc nói: "Thánh ca tự bản chất đã là tình ca. Hơn nữa có thể nói thánh ca là tình ca duy nhất thật sự xứng danh. Vì Thiên Chúa là tình yêu và mọi tình yêu đều nhất thiết phải hiện hữu trong Ngài. Ngoài Thiên Chúa không tình yêu nào có thể tồn tại..." Anh dẫn dắt tiếp:
"Nhìn sâu xa nhất trong cuộc hành trình đức tin của mỗi người chúng ta, đó chính là một cuộc tình, cuộc tình giữa "Chúa và Tôi ".
Có nhiều người đi lễ hôm nay, chẳng qua chỉ để duy trì cái tôn giáo của mình, hoặc chỉ để người khác cũng biết mình là có đạo. Trong khi đối với Thiên Chúa không có gì đáng kể ngoài tình yêu và sự ban phát tình yêu, mà hễ nói đến tình yêu thì cần phải có đối tượng, bởi không ai có thể yêu khi chỉ một mình.
Quả thế! Từ khi xuất hiện con người trên trái đất này, thì âm nhạc cũng đã có từ lúc đó. Nhờ âm nhạc, con người có thể nhắn gửi, chia sẻ tâm tư tình cảm từ những khúc hát, câu hò, câu vè, điệu ru của người nông dân chân lấm tay bùn, hay người mẹ ru con giữa trưa, hoặc đôi trai gái cầy cấy trên đồng ruộng, hay trong các ngày lễ hội. Từ đó họ mới có cơ duyên quen biết, để kết tình, kết bạn, để thương yêu nhau và để rồi thành vợ chồng. Như vậy, âm nhạc là một nhu cầu rất cần thiết cho đời sống con người, và một cách nào đó như một chiếc cầu hay một phương tiện để con người dễ bắt gặp nhau và dễ gần gũi nhau. Ðơn giản và dễ hiểu; vì âm nhạc chỉ có một ngôn ngữ mà không riêng cho một ai.
Âm nhạc có sức thay đổi lòng người là thế. Trong khi Thánh Ca Phụng Vụ đóng một vai trò rất quan trọng, đó là nâng tâm hồn lên với Chúa và giúp tín hữu dễ cầu nguyện.
Tiếp đến là lời chào mừng của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh.
Khách tham dự tối hôm nay, tôi thấy có sự hiện diện Ðức Ông Phạm Quốc Tuấn, Lm. Ðồng Minh Quang, Lm. Vũ Hùng Tôn, Lm. Ðỗ Thanh Hà, Lm. Nguyễn Thanh Sơn và các tu sĩ nam nữ.
Sau lời chào mừng và ngay sau đó là các tiết mục được tiếp nối với các ca sĩ đóng góp. Bài đầu tiên: "Nâng Hồn Lên Tới Chúa" của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh qua giọng hát và trình bày của nữ ca sĩ Như Mai thật trong sáng, lôi cuốn và sống động.
Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh sáng tác từ những ngày còn học tại tiểu chủng viện Têrêsa. Nhưng sau năm 1975 người ta mới biết ngài nhiều hơn qua các bài dâng lễ. Ðó là những suy tư thần học bắt nguồn từ cuộc sống thực tế. Với tác giả: đôi tay, đôi chân, bờ vai bỗng trở thành những biểu tượng của một kiếp người: "Con dâng Chúa đôi tay này từng vất vả làm cho tê tái. Con dâng Chúa đôi bờ vai gánh gồng nặng trĩu bao ngày. Con dâng Chúa đôi chân này đi tìm hạnh phúc miệt mài..." (Lễ Dâng 1). Lời ca đối với tác giả, bao giờ cũng gắn liền với cuộc sống đời thường mà không trừu tượng, viển vông hay sáo ngữ. Nói cách khác, cảm hứng sáng tác của tác giả chính là kinh nghiệm thường ngày mà ngài từng đối diện, từng va chạm hay gặp gỡ.
Khi vừa đặt chân lên trại tị nạn, nhìn thấy tấm bảng có khắc hàng chữ bằng Anh Ngữ: "Jesus was a refugee", bỗng dưng đã cho ngài cảm hứng để bài hát "Chúa Ðã Là Người Tị Nạn" ra đời từ đó. Ngài xác định thân phận người Việt Nam tị nạn như thân phận của Chúa khi xưa: "Chúa đã là một người dân viễn xứ, Chúa cũng đã là một người dân di cư, Chúa đã lang thang không một nơi trú ngụ..., Sống với phận người lầm than khốn khó. Xin đỡ nâng con nơi xứ lạ quê người, để con tin tưởng Chúa vui bước đi trong đời...".
Từ ngày sống xa quê hương, trong bài hát nào của tác giả cũng phảng phất nỗi nhớ về quê hương như dân Do Thái bị lưu đày, ngày ngày ngồi trên bờ sông Babylon day dứt, bứt tóc bứt tai buồn bã nhớ về quê cũ Sion. Bài hát "Nơi Tha Hương" của tác giả đã diễn tả đúng nghĩa nhất của kiếp người mang thân phận ly hương, ăn nhờ ở đậu đó đây khắp nơi bên ngoài quê hương Việt Nam yêu dấu.
Người mục tử theo Chúa là thế, chọn lựa của họ là thế. Chỉ một thân mình với Chúa trong đêm khuya, trên đường đời lắm khi cô quạnh, gian truân và khó nhọc... và họ luôn sẵn sàng để đáp lời trong mọi tình huống: "Lạy Chúa, con đây!"
Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh đã sáng tác hàng trăm bản thánh ca đủ loại. Từ sinh hoạt tôn giáo đến các bản thánh ca dùng trong phụng vụ đã được Imprimatur. Vì thế thánh ca của ngài khá phổ biến và vang vọng khắp các nhà thờ Công Giáo Việt Nam từ trong nước cho đến ở hải ngoại.
Ngoài bài hát Nâng Hồn Lên Với Chúa, ngài còn có thêm 3 ca khúc cũng được trình bày tối hôm nay gồm: "Lời Kinh Ðầu Ngày" thể hiện qua giọng hát của nữ ca sĩ Ngọc Huệ rất truyền cảm với chất giọng đê mê lòng người, "Một Niềm Phó Thác" với ca đoàn Thánh Linh và "Cây Viết Chì Nhỏ" được trình bày qua giọng hát của chính tác giả.
Tiếp đến là ca khúc xen kẽ của các nhạc sĩ gồm có "Thập Giá, Tiếng Nói Tình Yêu" của nhạc sĩ Ðinh Công Huỳnh do nam ca sĩ Gia Ân thể hiện rất tuyệt vời và say đắm. Giai điệu bài hát rất lắng đọng để chuyên chở lời ca dễ đánh động tâm hồn con người.
Một sáng tác mới của cha Nguyễn Hùng Cường có tựa đề như van xin: "Ở Lại Với Con". Cha Cường viết bài hát này trong tâm trạng phó thác sau khi biết mình đang mang một cơn bệnh hiểm nghèo mà sự sống như đang treo trên đọt cây hay như chiếc đèn trước gió. Ca sĩ Kim Thúy đã biết cái sâu xa thầm kín đó của tác giả, nên xử lý bài hát rất sâu lắng và chân tình, tin tưởng nhưng có phần day dứt khôn nguôi.
Bài hát: "Con Vững Tin Nơi Ngài" của Nhạc sĩ Viễn Xứ được thể hiện qua giọng hát của chính tác giả. Tôi phải công nhận rằng, ngoài lối sáng tác và dệt giai điệu thanh thoát luôn mang âm hưởng và đượm màu thánh ca, Nhạc sĩ Viễn Xứ còn có giọng hát thật tuyệt vời và nếu so sánh, thì giọng ca này sẽ có một chỗ đứng trang trọng trong lòng khán thính giả nếu anh chọn làm ca sĩ.
Tiếp theo là bài: "Chúa Dẫn Tôi" cùng một tác giả. Bài này được trình bày rất sáng tạo và lắng đọng tâm hồn, có những đoạn vút cao làm người nghe đến ngây dại qua chất giọng của Ðức Ông Phạm Quốc Tuấn có thêm ca đoàn Thánh Linh hát bè phụ họa dưới sự điều khiển rất nghệ thuật của ca trưởng Nguyễn Lam Sơn. Có lẽ vì yêu mến các ca khúc và mến mộ 4 tác giả tối hôm nay, ca trưởng Nguyễn Lam Sơn đã tranh thủ thời gian dăm ba phút cầm microphone trước khi trình tấu để nói lên lời cảm nhận và tâm tình sau đây:
"Tôi có cơ duyên là cách đây khoảng 14 năm (năm 2000) khi bước vào phòng để sách vở và tôi thấy cuốn sách thánh ca "Chúa Sánh Bước Với Con" của nhóm Thánh Ca Mới. Tôi đã mang về nhà và quả thật kể từ đó, tôi đã yêu thích các bài thánh ca trong cuốn sách này".
Một vài nét về Nhạc sĩ Viễn Xứ: Từ khi còn là một ca viên sinh hoạt trong lãnh vực thánh nhạc, anh đã đam mê và coi thánh nhạc như hơi thở không thể thiếu trong cuộc đời của mình. Anh được chọn làm ca trưởng và cùng trong thời gian này, anh đã học thêm sáng tác ca khúc và luôn tìm kiếm những điều mới lạ trong nghệ thuật, nhất là những khám phá trong âm nhạc. Với tâm hồn nhạy cảm và tài năng trời phú, anh mượn âm thanh ghi lại những tâm tình của chính đời thường, những cảm nghiệm của cuộc sống, nhất là niềm tin vào Ðấng Thượng Trí để ca ngợi, tôn vinh và tán tạ.
Những bài hát của anh đã chuyên chở trọn vẹn những thao thức của chính mình, của tình người, tình đời và tình yêu Thiên Chúa. Ngoài ra, anh đã hy sinh một quãng thời gian dài để nghiền ngẫm và soạn nhạc, anh đã hoàn thành 150 thánh vịnh đáp ca cho những ngày lễ suốt 3 năm ABC của phụng vụ.
Bài hát: "Bên Chúa" của tác giả với điệu Valse chậm êm và nhẹ nhàng, diễn tả tình Chúa ngập tràn con tim và nuôi dưỡng thế nhân qua từng ngày tháng: "Gần bên Chúa sướng vui thỏa đầy, tình yêu Thiên Chúa đỡ nâng con tháng ngày. Hỡi những ai đang khốn khó đơn cùng, về bên Chúa phút giây êm đềm..."
Riêng bài "Dấu Chân" (Footprint) cũng chẳng lạ lùng gì vì đã có nhiều nhạc sĩ đã phổ nhạc. Nhưng với nhạc sĩ Viễn Xứ lại đặc biệt hơn. Anh lý luận bài thơ và tự đặt lời rồi dệt nhạc một cách tài tình và khéo léo, cũng như thể trước khi sáng tác, ta phải học biết lý luận.
Nhạc sĩ Viễn Xứ đã thấu đáo những thủ thuật của âm nhạc đó để dẫn dắt người nghe khiến cho sự tương phản giữa vui và buồn, giữa bất ổn và bình an, giữa nghi ngờ và tin tưởng để diễn tả bố cục và ý tưởng trọn vẹn của bài thơ. Chính vì thế, bài hát Dấu Chân của anh đã để lại những nét chấm phá trong lòng người nghe, như những dấu chân của người tình một khi đã in sâu vào con tim thì khó phai nhòa.
Nói chung, nhạc của anh nhẹ nhàng, trong sáng và tự nhiên như chính cuộc đời và tấm lòng của anh trải rộng cho gia đình, cho bạn bè, cho xã hội, cho nhân thế, cho quê hương và cho Giáo Hội.
Các bài hát được tiếp nối không ngừng nghỉ trong phần đầu theo thứ tự qua nhiều giọng ca của các ca sĩ: Như Mai, Ngọc Huệ, Kim Thúy, Tấn Ðạt, Ðỗ Quỳnh Hương, Gia Ân. Ðức Ông Phạm Quốc Tuấn và của chính 4 tác giả.
Lần đầu tiên đối diện và nghe chất giọng của ca sĩ Tấn Ðạt qua bài hát "Giêsu, Con Yêu Ngài" sáng tác của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Hùng Cường. Tôi phải công nhận rằng, ca sĩ Tấn Ðạt đã xuất hồn diễn đạt thành công qua lối trình tấu với chất giọng ngọt lịm, đưa người nghe đến bến bờ khát vọng của nghệ thuật ca hát và âm nhạc. Tấn Ðạt đã biết cách xử lý ca khúc, từ tiết tấu, cách nhả chữ đến các khẩu hình khép âm cho rõ lời ca và ngân nga điệu nghệ. Ðiều này thường chỉ có những người am tường hay có học qua các môn học về thanh nhạc mới thể hiện được.
Bài hát nói lên những ước ao, thiết tha và khiêm hạ của con người, tuy đầy yếu đuối và tội lỗi mà không ai khác hơn khi chính tác giả đã thao thức, đã gặp phải và sống trong dòng đời ngược xuôi, đối diện với các mảnh đời dâu bể để rồi đêm về viết nên những ca khúc từ đáy lòng của mình. Ước gì trong cuộc sống hằng ngày, cho chúng ta biết thể hiện tình yêu ấy trong từng hơi thở và nhịp đập của con tim.
Trước khi bước qua phần 2 đã có 15 phút giải lao. Linh mục Ðồng Quang Minh đã bước lên sân khấu để nói qua những tâm tình với các tác giả. Ngài cũng không quên kêu gọi lòng hảo tâm của khách tham dự bằng cách ủng hộ mua các CD và tuyên tập thánh ca của họ. Vì thật ra, nếu không có các nhà bảo trợ, các vị mạnh thường quân thì nhóm Thánh Ca Mới này khó có thể thực hiện một đêm nhạc như thế này. Biết được điều đó, nên những người phụ trách hôm nay, từ ca sĩ, nhạc công, âm thanh, ánh sáng, quay phim đều tình nguyện làm free mà không tính một thù lao nào. Ôi đẹp làm sao!
Giờ giải lao, tôi đứng dậy bước ra ngoài bất đắc dĩ trong khi lòng tôi rất muốn chương trình cứ tiếp tục cho xuyên suốt bởi các ca khúc thể hiện qua các giọng ca của các ca sĩ quá tuyệt vời và lôi cuốn. Nếu không có nhạc sĩ Huỳnh Minh Kỳ, người bạn của tôi hối thúc và kéo tôi đứng dậy, thì có lẽ tôi sẽ không di chuyển.
Sau khi trở lại hàng ghế ngồi xem tiếp phần 2. Ca khúc: "Ca Vang Lòng Thương Xót Chúa" sáng tác và trình bày của chính tác giả nhạc sĩ Ðinh Công Huỳnh. Dù giọng ca không điêu luyện như nhạc sĩ Viễn Xứ hay ca sĩ Tấn Ðạt, nhưng anh đã hát bằng tiếng hát thật chân tình xuất phát từ đáy tim. Chính vì thế, anh đã được các tràng vỗ tay như pháo tết đêm giao thừa.
Tiếp theo là bài: "Ca Vang Tình Yêu Chúa 2" cùng một tác giả, được trình bày qua giọng ca của ca sĩ Tấn Ðạt. "Cây Viết Chì Nhỏ" của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh, do chính tác giả trình bày. Ðặc biệt bài: "Chúa Và Con" của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Hùng Cường, được thể hiện cũng chính giọng ca của tác giả.
Cha Nguyễn Hùng Cường xuất thân từ Dòng Maryknoll ở bang New York. (Khoảng giữa thập niên 1950, Tổng thống Ngô Ðình Diệm đã có một thời gian ở lại trong nhà dòng này).
Sau khi thụ phong linh mục, ngài tình nguyện qua Ðài Loan để làm việc mục vụ cho đồng bào tỵ nạn người Việt Nam. Qua bao năm tháng, ngài đã cùng sống và chia sẻ, chăm sóc và phục vụ không mệt mỏi với những người mang cùng dòng máu, cùng một màu da.
Sau khi người tỵ nạn được đi định cư ở các quốc gia khác thì lại có nạn cô dâu cũng người Việt Nam đến xứ sở này. Có thể nói 9 trong 10 cô dâu lấy chồng Ðài Loan qua đây thì đã bị ngược đãi, đối xử rất tồi tệ và tàn nhẫn. Chạnh lòng thương, ngài lại một lần nữa giang cánh tay để cứu vớt những mảnh đời bất hạnh đó. Sau bao năm tháng, lòng ngài trải dài để an ủi, nâng đỡ và bênh vực cho các cô dâu bị ngược đãi và bỏ rơi. Oái ăm thay, giờ đây ngài lại mắc phải một cơn bệnh thật là nặng và nghiêm trọng. 2 lá thận của ngài không còn chức năng hoạt động như trước và cứ yếu dần. Ngài phải trở lại Hoa Kỳ để chữa bệnh và phải thay máu.
Nếu ai đã từng gặp cha Nguyễn Hùng Cường trước đây, thì hôm nay sẽ khó nhận diện ra, bởi cơn bệnh đã rút dần đi sự sống của ngài từng giây phút. Với làn da xanh xao vì phải ăn kiêng qua bao năm tháng, thêm giọng nói đứt quãng từng khúc và thân hình ốm yếu, gầy gò.
Là một linh mục còn trẻ, khỏe mạnh và rất linh hoạt trước đây, giờ đây ngài bị đốn ngã vì cơn bệnh oan nghiệt để rồi phải chịu nhịn đói và phải ăn kiêng. Ngài nói: "Có lẽ không ai ăn kiêng bằng mình trong thời gian qua". Chính vì thế tôi biết ngài rất thèm ăn vì trưa hôm đó tôi thấy ngài lặng lẽ xuống bếp để kiếm gì ăn. Cầm khúc bánh mì khô còn lại của ngày hôm trước, ngài mang lên lầu và nằm dài trên giường để nhai cho qua cơn thèm. Thấy ngài nhai bánh mì mà lòng tôi quặn thắt, xót xa và nao lòng. Tôi phải vào phòng restroom để giấu đi niềm xúc động và lau những giọt nước mắt, vì dịp này tôi ở chung cùng phòng với ngài.
Tôi bị đánh động và nhìn lại hồn mình quá trống rỗng và thê lương. Tôi đã đền đáp tình Chúa được những gì, có bao nhiêu ? Hay chỉ toàn là những thờ ơ và nguội lạnh, mê lạc và tội lỗi, mãi đắm chìm và sa ngã. Thế nhưng Chúa vẫn yêu thương tôi, vẫn giang cánh tay ôm tôi như thỏi nam châm cực mạnh hút tôi về như hút những mảnh sắt vụn rỉ sét lâu ngày và xấu xí.
Cha Cường kính mến!
Rồi đến một ngày cha sẽ không còn thèm ăn mà thể xác đòi hỏi, cha sẽ không còn những cơn đau như xé thịt của cơn bệnh, cha không còn giọng nói đứt quãng vì bị thiếu hơi, thân xác cha không còn gầy yếu, xanh xao, vàng vọt vì phải ăn kiêng. Nhưng con tin tưởng Chúa sẽ làm cho cha đẹp ra, Ngài mặc áo mới trên mình cha, xức dầu thơm trên đầu và đặt cha trên bàn tiệc ân tình. Bàn tiệc tràn trề rượu ngon với của ăn dư đầy. Sẽ như thế đấy, cha nhé!
Cả nhà thờ thinh lặng như nín thở để nghe cha Cường hát. Ngài ráng sức tưởng như cùng kiệt để cất lên lời ca qua bài hát "Chúa Và Con", sáng tác mới của ngài. Tim tôi như nghẹt thở và đầu tôi như căng ra để lòng tôi chùng xuống ôm lấy từng hơi thở mệt nhoài của ngài, nuốt từng ca khúc mà ngài vừa cất lên. Sau khi dứt bài, cả nhà thờ đứng dậy và vang lên với tiếng vỗ tay không ngừng nghỉ, vì ai cũng nghĩ rằng, đây có thể là bài hát mà ngài hát cho chúng ta nghe lần cuối.
Washington D.C. Ngày 29 tháng 07, năm 2014
Văn Duy Tùng