Buổi nói chuyện của Ðức Thánh Cha Phanxicô

với các linh mục giáo phận Caserta nam Italia

 

Buổi nói chuyện của Ðức Thánh Cha Phanxicô với các linh mục giáo phận Caserta nam Italia.

Caserta, Italia (SD 27-07-2014) - Chiều Chúa Nhật 27 tháng 7 năm 2014 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm giáo phận Caserta nam Italia, nhân lễ thánh Anna bổn mạng giáo phận. Trước khi chủ sự thánh lễ cho 200,000 người tại quảng trường trước lâu đài hoàng gia, Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ các linh mục trong nhà nguyện Palatina của lâu đài.

Ngỏ lời chào mừng Ðức Thánh Cha Ðức Cha D'Alise Giám Mục Caserta nói: "Thưa Ðức Thánh Cha, con đã không dọn bài viết nào hết, bởi vì con hiểu ngay rằng Ðức Thánh Cha muốn có tương quan thân tình và sâu đậm với các linh mục. Vì thế con xin chào mừng Ðức Thánh Cha. Ðây là Giáo Hội của chúng con, các linh mục, rồi sau đó chúng ta sẽ thấy phần còn lại của Giáo Hội, trong khi cử hành bí tích Thánh Thể. Ðối với con giây phút này thật quan trọng, bởi vì con có mặt ở đây mới từ hai tháng nay thôi, và con bắt đầu sứ vụ giám mục với sự hiện diện và phép lành của Ðức thánh Cha, và đối với con đó là một ơn trong một ơn lớn. Giờ đây chúng con chờ đợi lời của Ðức Thánh Cha. Biết rằng Ðức Thánh Cha ước mong có một cuộc đối thoại, các linh mục cũng đã chuẩn bị các câu hỏi.

Ngỏ lời với mọi người Ðức Thánh Cha nói: "Tôi đã chuẩn bị một bài diễn văn, nhưng tôi sẽ trao cho Ðức Giám Mục. Xin cám ơn rất nhiều về sự tiếp đón này. Tôi hài lòng và tôi cảm thấy mình hơi có lỗi, vì đã tạo ra bao nhiêu vấn đề trong ngày lễ thánh bổn mạng của giáo phận. Nhưng tôi đã không biết điều này. Khi tôi điện thoại cho Ðức Giám Mục để nói với ngài là tôi muốn đến thăm với tư cách cá nhân một người bạn là mục sư Traettino, Ðức Cha đã nói với tôi: "A, chính trong ngày lễ bổn mạng". Và tôi nghĩ ngay: "Ngày hôm sau báo chí sẽ nói: "Trong ngày lễ bổn mạng giáo phận Caserta Ðức Giáo Hoàng đã đến thăm các anh em tin lành." Tựa đề hay qúa có phải không? Và như thế chúng tôi đã sắp xếp câu chuyện hơi vội vã một chút, nhưng Ðức Giám Mục đã giúp tôi và cả các nhân viên Phủ Quồc Vụ Khanh nữa. Tôi đã nói với vị phụ tá Quốc Vụ Khanh khi tôi gọi cho ngài: "Xin làm ơn lấy cái dây ra khỏi cổ cho tội". Và vị ấy đã làm tốt. Xin cám ơn các cha về những câu hỏi các cha sẽ đưa ra, chúng ta có thể bắt đầu được rồi. Các cha cứ hỏi rồi tôi sẽ xem, nếu chúng ta có thể dồn hai ba câu vào một, nếu không thì tôi sẽ trả lời từng câu hỏi một.

Hỏi: Thưa Ðức Thánh Cha, con xin cám ơn. Con là linh mục Pasquariello, cha chính giáo phận Caserta. Xin hết lòng cám ơn Ðức Thánh Cha đã đến thăm Caserta. Con muốn hỏi thiện ích mà Ðức Thánh Cha đang đem lại cho Giáo Hội với các bài giảng thường ngày, các tài liệu chính thức, đặc biệt là Thông điệp "Niềm Vui Phúc Âm" đều mang dấu ấn sự hoán cải tinh thần, thân tình, cá nhân. Theo thiển ý con đó là một cuộc cải cách chỉ liên quan tới lãnh vực thần học, chú giải Thánh Kinh và triết lý. Nhưng bên cạnh đó cũng cần phải lôi cuốn dân Chúa vào cuộc nữa. Vấn đề là trong giáo phận của chúng con, là giáo phận đã có từ 900 năm nay, các ranh giới thật vô lý. Vài phần đất của tỉnh bị chia một nửa với giáo phận Capua và với giáo phận Acerra. Nhà ga xe lửa thành phố Caserta, cách tòa thị sảnh gần một cây số, lại thuộc Capua. Con xin Ðức Thánh Cha một can thiệp với giải pháp để các cộng đoàn của chúng con khỏi phải đau khổ vì các di chuyển vô ích và để cho sự hiệp nhất mục vụ của cộng đoàn khỏi phải khó khăn. Rõ ràng là trong số 10 Thông điệp "Niềm vui Phúc Âm" Ðức Thánh Cha khẳng định rằng đây là các chuyện thuộc tòa Giám Mục. Nhưng con còn nhớ cách đây 47 năm khi con còn là linh mục trẻ, chúng con đã cùng Ðức ông Roberti, xuất thân từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lên trình bầy vấn đề ở Phủ Quốc Vụ Khanh, thì được trả lời là: "Các cha sắp xếp với các Giám Mục đi, rồi chúng tôi sẽ ký". Thật là hay, nhưng mà khi nào các Giám Mục mới đồng ý với nhau, thưa Ðức Thánh Cha?

Ðáp: Có vài sử gia của Giáo Hội nói rằng trong vài Công Ðồng các Giám Mục cũng còn đánh nhau nữa, nhưng rồi lại đồng ý với nhau. Và đây là môt dấu chỉ xấu. Thật là xấu, khi các Giám Mục nói xấu nhau, hay vào hùa với nhau. Tôi không nói là phải có sự hiệp nhất tư tưởng hay tu đức, bởi vì đây là điều tốt, nhưng tôi nói "theo đuôi nhau" trong nghĩa tiêu cực của từ này. Ðiều này xấu, vì nó bẻ gẫy sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Ðiều này không phải là của Thiên Chúa. Là Giám Mục chúng tôi phải nêu gương hiệp nhất, mà Chúa Giêsu đã xin Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hôi. Không thể đi nói xấu nhau được: "Ông này làm thế này, ông kia ở đó làm thế nọ". Hãy đi nói thẳng vào mặt nhau. Các cha ông của chúng ta trong các Công Ðồng đánh nhau, và tôi thích họ la hét nhau, rồi ôm nhau làm hòa hơn là đi nói xấu, nói chùng nói lén nhau. Ðó là nguyên tắc chung.

Trong sự hiệp nhất của Giáo Hội sự hiệp nhất giữa các Giám Mục là điều quan trọng. Thế rồi, cha cũng nhấn mạnh một con đường mà Chúa đã muốn cho Giáo Hội. Sự hiệp nhất này giữa các Giám Mục là sự hiệp nhất tạo thuận tiện cho việc thỏa thuận với nhau trên các điều này điều nọ. Trong một nước kia, không phải tại Italia đâu, nhưng ở một phần khác của thế giới, có một giáo phận có ranh giới được vạch lại, nhưng vì lý do đặt kho tàng của nhà thờ chính tòa, thế là xảy ra tranh chấp kiện tụng nhau lên tới các tòa án kéo dài hơn 40 năm trời. Chỉ vì tiền thôi: thật là không hiểu nổi! Và điểm này là nơi ma qủy mừng lễ! Chính nó được lợi. Thật là đẹp, khi cha nói rằng các Giám Mục phải luôn luôn đồng ý với nhau: nhưng đồng ý trong sự hiệp nhất, không phải trong sự đồng nhất. Mỗi người có đặc sủng của mình, mỗi người có kiểu suy tư, nhìn các sự vật: sự khác biệt đó đôi khi là kết qủa của sai lầm, nhưng biết bao lần nó là hoa trái của chính Thần Khí. Chúa Thánh Thần đã muốn rằng trong Giáo Hội có các đặc sủng khác nhau. Chính Thần Khí làm ra sự khác biệt, rồi lại thành công làm ra sự hiệp nhất: một sự hiệp nhất trong sự khác biệt của từng người, mà không ai phải mất đi bản vị của mính. Tôi cầu mong rằng điều cha nói đó tiến tới. Thế rồi chúng ta tất cả đều tốt lành, bởi vì chúng ta đều có nước Thánh Tẩy, chúng ta có Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta tiến tới.

Hỏi: Thưa Ðức Thánh Cha, con là linh mục Angelo Piscopo, cha sở giáo xứ Thánh Phêrô Tông Ðồ và giáo xứ Ngai tòa thánh Phêrô. Câu hỏi của con là: trong Thông điệp "Niềm vui Phúc Âm" Ðức Thánh Cha đã mời gọi khích lệ và củng cố lòng đạo đức bình dân, là kho tàng của Giáo Hội công giáo. Ðồng thời Ðức Thánh Cha cũng cho thấy nguy cơ có thật của việc phổ biến một thứ kitô giáo cá nhân chủ nghĩa và tình cảm, chú ý nhiều hơn tới các hình thức truyền thống và mạc khải, mà lại thiếu các khía cạnh nền tảng của đức tin và thiếu ăn sâu vào cuộc sống xã hội. Ðức Thánh Cha có thể gợi lên cho chúng con một kiểu mục vụ, thế nào để đừng gây thiệt hại cho lòng đạo đức bình dân, mà lại có thể tái trao ban quyền tối thượng cho Tin Mừng hay không? Con xin cám ơn Ðức Thánh Cha.

Ðáp: Người ta nghe nói rằng đây là thời điểm, trong đó lòng đạo hạnh đã xuống dốc, nhưng tôi không tin lắm. Bởi vì có các trào lưu, các trường đạo hạnh duy tâm tình, kiểu ngộ đạo thực thi một loại mục vục giống một lời cầu nguyện tiền kitô, một lời cầu tiền kinh thánh, và thuyết ngộ đạo đã bước vào trong Giáo Hội qua các nhóm đạo đức duy tâm tình ấy: tôi gọi điều này là chủ thuyết duy tâm tình. Chủ thuyết duy tâm tình không tốt, nó là một điều cho tôi, tôi an tâm, tôi cảm thấy mình tràn đầy Thiên Chúa. Nó cũng giống phong trào Thời Mới. Có lòng đạo hạnh, đúng, nhưng là một thứ đạo hạnh ngoại giáo, hay cả lạc giáo nữa. Chúng ta không được sợ hãi nói lên từ này, bởi vì thuyết ngộ đạo là một lac giáo, nó đã là lạc giáo thứ nhất trong Giáo Hội. Khi tôi nói tới lòng đạo hạnh, tôi nói về kho tàng đạo đức, với biết bao nhiêu giá trị, mà Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã miêu tả trong Tông huấn "Loan báo Tin Mừng". Các cha hãy nghĩ tới tài liệu Aparecida của Hội nghị lần thứ V của Liên Hội Ðồng Giám Mục châu Mỹ Latinh, trong đó ở đoạn cuối cùng, phải lui lại đàng sau 40 năm để lấy lại một đoạn của Tông huấn, là tài liệu mục vụ thời hậu công đồng vẫn còn rất thời sự. Trong tài liệu này, Ðức Phaolô VI miêu tả lòng đạo đức bình dân bằng cách khẳng định rằng đôi khi cần phải phúc âm hóa nó. Vâng, bởi vì cũng như mọi lòng đạo đức, nó có nguy cơ sai lạc, và không diễn tả đức tin mạnh mẽ.

Nhưng lòng đạo đức mà người dân có, lòng đạo đức đi sâu vào trong con tim với bí tích Rửa Tội là một sức mạnh khổng lồ, tới độ dân Chúa có lòng đạo đức này, nói chung, không thể sai lầm, nó chắc chắn, như khẳng định trong số 12 của Hiến chế về Giáo Hội. Lòng đạo đức bình dân nảy sinh từ ý thức của đức tin, mà tài liệu công đồng nói tới và hướng dẫn trong việc sùng kính các Thánh, Ðức Mẹ, cả qua các kiểu diễn tả dân ca vũ, trong nghĩa tốt của từ này. Vì thế lòng đạo đức bình dân một cách nền tảng được hội nhập văn hóa, không thể là một lòng đạo đức được làm trong phòng thí nghiệm, nhưng luôn luôn nảy sinh từ cuộc sống. Người ta có thể phạm các lỗi nhỏ, vì thế cần phải tỉnh thức, nhưng lòng đạo hạnh bình dân là một dụng cụ rao truyền Tin Mừng.

Chúng ta hãy nghĩ tới các người trẻ ngày nay. Người trẻ, ít nhất là trong kinh nghiệm tôi đã có trong giáo phận, giới trẻ, các phong trào giới trẻ tại Buenos Aires đã không hoạt động. Tại sao vậy? Người ta đã nói với họ rằng chúng ta hãy họp nhau để nói chuyện... và sau cùng thì giới trẻ buồn chán. Nhưng khi các cha xứ tìm ra con đường lôi cuốn giới trẻ trong các cuộc truyền giáo nhỏ, đi truyền giáo trong kỳ hè, dậy giáo lý cho những người cần, trong các vùng hẻo lánh xa xôi không có linh mục, khi đó giới trẻ tham gia. Người trẻ muốn kiểu tác nhân truyền giáo này và từ đó họ học sống một hình thức đạo có thể gọi là đạo đức đức bình dân: việc tông đồ truyền giáo của người trẻ cũng có thể nói là đạo đức bình dân. Ðức Phaolô VI nói: lòng đạo đức bình dân tích cực nó là một ý thức của đức tin sâu đậm, mà chỉ những người đơn sơ và khiêm tốn mới có khả năng có. Và điều này thật là lớn lao! Chẳng hạn trong các đền thánh người ta thấy xảy ra các phép lạ.

Ngày 27 tháng 7 hằng năm tôi đều đến Ðền thánh Pantaleone ở Buenos Aires và giải tội từ sáng. Nhưng khi trở về nhà tôi được đổi mới nhờ kinh nghiệm này, tÔi trở về nhà xấu hổ vì sự thánh thiện mà tôi đã tìm thấy nơi các tín hữu sơn đơn sơ này, có tội nhưng thánh thiện, bởi vì họ nói lên các tội của họ và kể lại họ sống ra sao, con trai con gái họ có vấn đề gì, hay người này người kia có khó khăn nào, họ đi thăm các bệnh nhân làm sao. Tỏa sáng ra một ý thức tin mừng. Người ta tìm thấy các điều này trong các Ðền thánh. Các tòa giải tội tại các Ðền thánh là một nơi canh tân cho chúng ta là các linh mục giám mục: nó là một khóa học canh tân tinh thần vì tiếp xúc với lòng đạo đức bình dân. Khi họ đến xưng tội, các tín hữu kể cho bạn nghe các bần cùng của họ, nhưng bạn thấy đàng sau các bần cùng ấy ơn thánh Chúa hướng dẫn họ tới thời điểm này. Việc tiếp xúc này với dân Chúa cầu nguyện, hành hương biểu lộ đức tin của họ trong hình thức đạo đức này, giúp chúng ta biết bao nhiêu trong cuộc sống linh mục của chúng ta.

Hỏi: Thưa Ðức Thánh Cha, con đã là học sinh được các cha dòng Tên đào tạo văn hóa và linh mục. Căn tính của linh mục trong thiên niên kỷ thứ ba là quân bình nhân bản và tinh thần, ý thức truyền giáo, rộng mở đối thoại với các tôn giáo khác cũng như đối với những người không có tôn giáo. Ðức Thánh Cha đã làm một cuộc cách mạng về ngôn ngữ, kiểu sống, thái độ hành xử và chứng tá liên quan tới các đề tài quan trọng nhất trên bình diện quốc tế, cả đối với những người vô thần và những người sống xa Giáo Hội công giáo. Con xin phép hỏi Ðức Thánh Cha: trong xã hội tiến triển sinh động và xung khắc và thường xa cách các giá trị tin mừng này, làm sao Giáo Hội cầu mong lớn lên và phát triển lại thường chậm chạp như vậy? Cuộc cách mạng ngôn từ, ý nghĩa, văn hóa và chứng tá tin mừng của Ðức Thánh CHa đang khơi dậy trong các lương tâm một cuộc khủng hoảng hiện sinh đối với các linh mục chúng con. Xin Ðức Thánh Cha gợi lên cho chúng con các con đường sáng tạo giúp thắng vươt hay ít ra làm giảm thiểu cuộc khủng hoảng mà chúng con cảm thấy này.

Ðáp: Làm sao Giáo Hội đang lớn lên và phát triển có thể tiến tới? Cha đã đưa ra vài điều rồi: sự quân bình, thái độ rộng mở đối thoại. Cha đã nói một điều tôi rất thích: đó là óc sáng tạo: một từ thiên linh và nếu nó là nhân bản thì đó là một ơn của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ra lệnh cho Adam "Hãy đi và làm cho trái đất lớn lên. Hãy có óc sáng tạo. Ðó cũng là giới răn mà Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ trong các tương quan với Do thái giáo: thánh Phaolô đã là một người có óc sáng tạo; thánh Phêrô đã làm một điều mới mẻ, sáng tạo. Lời nói là sự sáng tạo. Làm sao tìm được sự sáng tạo này? Ðây là điều kiện nếu chúng ta muốn sáng tạo trong Thần Khí, nghĩa là trong Thần Khí của Chúa Giêsu. Không có con đường nào khác ngoài con đường cầu nguyện.

Một Giám Mục mà không cầu nguyện, một linh mục mà không cầu nguyện thì đã đóng cửa, thì đã đóng con đường của óc sáng tạo. Chính trong lời cầu nguyện khi Chúa Thánh Thần làm cho bạn nghe được một điều, thì ma qủy tới làm cho bạn nghe thấy một điều khác. Nhưng cầu nguyện là điều kiện để tiến tới. Cả khi nhiều lúc xem ra lời cầu có buồn chán đi nữa. Lời cầu quan trọng biết bao. Không phải chỉ là lời cầu nguyện của kinh thần vụ và phụng vụ Thánh Lễ, thanh thản, sốt mến, lời cầu cá nhân với Chúa. Nếu chúng ta không cầu nguyện có lẽ chúng ta sẽ là các doanh nhân mục vụ và tinh thần, nhưng Giáo Hội mà không có lời cầu nguyện thì trở thánh một tổ chức phi chính quyền, mà không được xức dầu của Thần Khí. Lời cầu nguyện là bước đầu tiên bởi vì đó là rộng mở cho Thiên Chúa để có thể rộng mở cho tha nhân. Chính Chúa nói cho bạn phải đi đây đi kia, làm cái này cái nọ và dấy lên óc sáng tạo, khiến cho nhiều vị Thánh phải trả giá mắc mỏ. Hãy nghĩ tới chân pưhớc Antonio Rosmini, người đã viết tác phẫm "Năm vết thương của Giáo Hội". Ngài đã là một người có óc phê bình sáng tạo, bởi vì đã cầu nguyện và đã viết những gì Chúa Thánh Thần đã cho cảm thấy. Nhưng chính vì thế mà ngài đã phải vào tù tinh thần, nghĩa là nhà của ngài: không thể nói, không thể dậy dỗ, không thể viết, các sách của ngài bị xếp vào danh sách các sách cấm đọc. Nhưng ngày nay ngài là chân phước.

Biết bao nhiêu lần sự sáng tạo đem theo thập giá, nhưng khi phát xuất từ lời cầu nguyện, nó đem lại hoa trái. Ðây không phải sự sáng tạo kiểu "cách mạng" thời thượng ngày nay không phải là của Thần Khí, nhưng là óc sáng tạo đến từ Thần Khí và nảy sinh từ lời cầu nguyện. Nó có thể tạo ra các vấn đề cho bạn. Sự sáng tạo đến từ lời cầu nguyện có một chiều kích nhân chủng của sự siêu việt, bởi vì qua lời cầu nguyện bạn rộng mở cho sự siêu việt, cho Thiên Chúa. Nhưng cũng có sự siêu việt rộng mở cho tha nhân. Không cần phải là một Giáo Hội đóng kín trong chính mình, chỉ nhìn lỗ rốn của mình, một Giáo Hội tự quy chiếu về mình, nhìn chính mình và không có khả năng siêu việt. Sự siêu việt hai chiều rất quan trọng: hướng tới Thiên Chúa và hướng tới tha nhân. Ra khỏi chính mình không phải là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, nhưng là một lộ trình mà Thiên Chúa đã chỉ cho con người ngay từ đầu khi Thiên Chúa nói với tổ phụ Abraham: "Hãy rời bỏ đất của ngươi". Ra khỏi mình. Khi tôi ra khỏi mình, tôi gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng phải gặp tha nhân làm sao từ xa hay từ gần. Cần phải gặp họ từ gần. Sự sáng tạo, sự siêu việt và sự gần gũi. Sự gần gũi là một từ chìa khóa. Gần gũi không hoảng sợ. Khi thấy các ngẫu tượng tại Athènes thánh Phaolô đã không hoảng sợ, nhưng đến gần và trích cả các thi sĩ Hy lạp nữa. Mgài tới gần một nền văn hóa, gần con người gần kiểu suy tư, các khổ đau và các thù hận của họ. Biết bao lần sự gần gũi là một việc hãm mình, bởi vì chúng ta phải nghe các điều nhàm chán, các điều xúc phạm.

Cách đây hai năm có một linh mục thuộc tổng giáo phận Buenos Aires đi truyền giáo tại một giáo phận miền nam trong vùng từ nhiều năm nay không có linh mục công giáo, nhưng có các người tin lành. Cha ấy kể cho tôi nghe rằng cha đến thăm một phụ nữ, hiệu trưởng trường học vùng đó. Bà mời cha ngồi rồi bắt đầu chửi cha rất dữ: "Các cha đã bỏ rơi chúng tôi một mình, tôi cần Lời Chúa nên tôi đã phải tham dự phụng tự tin lành và tôi đã theo tin lành". Vị linh mục này trẻ tuổi, cầu nguyện nhiều và rất hiền dịu. Khi bà nọ đã ngưng chửi bới cha liến nói: "Thưa bà tôi chỉ xin nói một lời thôi: "Xin lỗi. Xin bà tha lỗi cho chúng tôi. Chúng tôi đã bỏ đàn chiên". Và bà nọ đổi giọng ngay. Bà mời cha uống cà phê. Vị linh mục cũng không đề cập tởi vấn đề tôn giáo thật. Và khi ngài chuẩn bị ra về bà ta nói: "Xin cha dừng lại và đến đây". Bà đưa cha vào phòng ngủ và kéo hộc tủ ra, bên trong có hình Ðức Mẹ và nói: "Tôi đã không bao giớ bỏ Mẹ. Tôi đã dấu vào đây vì ông mục sư, nhưng trong nhà có Ðức Mẹ". Câu chuyện dậy cho chúng ta biết rằng sự gần gũi sự dịu hiền đã khiến cho phụ nữ đó giao hòa với Giáo Hội. Nhưng tôi đã hỏi cha ấy câu chuyện kết thúc ra sao, mà đáng lý ra không bao giờ được hỏi. Cha cho biết ngài đã không hỏi gì cả cũng không mời bà trở lại vớ Giáo Hội công giáo. Bà ta tiếp tục tham dự các buổi phụng tự tin lành. Nhưng cha nói: "Bà là một người cầu nguyện, xin Chúa Giêsu làm".

Gần gũi cũng có nghĩa là đối thoại. Cần đọc Thông điệp "Giáo Hội Người" của Ðức Phaolô VI nói về đối thoại. Ðối thoại thật là quan trọng. Nhưng để đối thoại cần phải có hai điều: khởi hành từ căn tính của mình và hiểu người khác, không lên án tiên thiên. Nếu tôi không chắc chắn về căn tính của mình mà đi đối thoại, tôi sẽ lẫn lộn niềm tin của tôi. Mỗi một người đều có cái gì đó để cho chúng ta, lich sử, hoàn cảnh sống của họ, chúng ta phải lắng nghe nó. Rồi sự thận trọng cảu Chúa Thánh Thần sẽ cho chúng ta biết phải trả lời thế nào. Ðối thoại không phải là hộ giáo. Ðối thoại là nhân bản, các con tim và các linh hồn nói chuyện với nhau. Ðừng sợ hãi đối thoại với bất cứ ai. Có người nói chơi rằng thánh Philippo Neri, tôi không nhó rõ vị thánh nào, có khả năng đối thoại với cả ma qủy. Tại sao vậy? Bởi vì người có sự tự do lắng nghe tất cả mọi người, nhưng khởi hành từ căn tính riêng. Ngài rất chắc chắn. Nhưng chăc chắn về căn tính của mình không có nghĩa là chiêu dụ tín đồ. Chiêu dụ tín đồ là một cái bẫy mà Chúa Giêsu cũng lên án. Giáo Hôi không lớn lên vì chiêu dụ tín đồ, nhưng vì lôi kéo. Lôi cuốn là sự thấu hiểu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Như thế gương mặt của linh mục trong thế kỷ tục hóa này là một người có óc sáng tạo thực thi lệnh truyền của Thiên Chúa là "tạo dựng các sự vật" một người của sự siêu việt với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện và với tha nhân, một con người của sự gần gũi dân chúng. Một linh mục không làm cho người ta xa lánh.

Hỏi: Thưa Ðức Thánh Cha, câu hỏi của con liên quan tới nơi sống là giáo phận, với các Giám Mục và trong tương quan với các anh em linh mục. Ngày nay dân chúng chờ đợi nơi các linh mục một chứng tá rõ ràng, cởi mở và tươi vui. Như vậy theo Ðức Thánh Cha đâu là nét chuyên biệt và nền tảng của một nền tu đức của linh mục giáo phận? Xem ra con nhớ đã đọc ở đâu lời Ðức Thánh Cha nói rằng: "linh mục không phải là người chiêm niệm". Ðức Thánh Cha đã mời gọi cho "các sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần". Con không biết Ðức Thánh Cha có thể cho chúng con một hình ảnh cần chú ý cho sự tái sinh và sự gia tăng hiệp thông của giáo phận chúng con không. Ðiều con chú ý là làm sao các linh mục chúng con có thể trung thành với con người ngày nay, chứ không cho lắm với Thiên Chúa?

Ðáp: Cha đã nói "các sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần". Ðúng thế. Nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa của các ngạc nhiên, Ngài luôn luôn khiến cho chúng ta ngạc nhiên. Khi đọc Phúc Âm chúng ta đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Chúa Giêsu luôn đi trước, tìm kiếm và chờ đợi chúng ta. Tôi không nhớ tiên tri Isaia hay tiên tri Giêrêmia nói Thiên Chúa giống như hoa hạnh nhân, là cây đầu tiên nở hoa vào mùa xuân. Thiên Chúa luôn luôn là Ðấng đầu tiên.

Liên quan tới tu đức của linh mục giáo phận, Linh mục chiêm niệm, nhưng không phải như một đan sĩ chiêm niệm tại đan viện Certosa. Vị linh mục phải có một sự chiêm niệm, một khả năng chiêm niệm đối với Thiên Chúa cũng như đối với con người. Linh mục là một người nhìn, làm đầy đôi mắt và con tim của mình với sự chiêm niệm này: với Tin Mừng trước mặt Thiên Chúa, và với các vấn đề của con người trước con người. Linh mục chiêm niệm trong nghĩa đó. Nhưng không nên lẫn lộn với đan sĩ chiê mniệm.

Thế thì trung tâm nền tu đức của linh mục giáo phận ở đâu? Theo tôi đó là nơi tính cách giáo phận. Nghĩa là có khả năng rộng mở cho tính cách giáo phận. Tu đức của một tu sĩ là rộng mở cho Thiên Cháu và cho tha nhân trong cộng đoàn cho dù có nhỏ mấy đi nữa. Trái lại tu đức của linh mục giáo phận là rộng mở cho giáo phận tính. Còn các tu sĩ làm việc trong các giáo xứ thì phải có cả hai sự tùy thuộc, vì thế Bộ các dòng tu đang duyệt xét lại tài liệu "Mutuae relationes".

Giáo phận tính có nghĩa là có một tương quan với Giám Mục bản quyền và các anh em linh mục khác trong giáo phận. Linh mục giáo phận không thể tách rời khỏi Giám Mục. Vị Giám Mục dù có tính xấu đi nữa cũng là Giám Mục, và bạn phải tìm cách duy trì tương quan với ngài, cả trong thái độ không tích cực. Nhưng đây là luật trừ. Là linh mục giáo phận tôi có tương quan với Giám Mục, một tương quan cần thiết. Thật là rất ý nghĩa trong lễ truyền chức vị linh mục hứa vâng lời Ðức Giám Mục và các người kế vị. Giáo phận tính có nghĩa là có một tương quan với Giám Mục cần phải thực thi và làm cho nó lớn lên. Trong đa số các trường hợp, nó không phải là một vấn đề tai họa mà là chuyện bình thường.

Thứ hai là tương quan với các linh mục khác với toàn linh mục đoàn. Không có tu đức linh mục giáo phân nào mà không có hai tương quan này. Chúng cần thiết. Có cha nói: "với Giám Mục thì tôi không có vấn đề, nhưng tôi không đi họp với các linh mục vì họ nói các chuyện tầm phào". Nhưng với thái độ này là bạn thiếu tinh thần tu đức thực sự của linh mục giáo phận. Tất cả là ở đó: đơn sơ nhưng không dễ dàng. Bởi vi mỗi người có một kiểu suy nghĩ riêng nhưng có thể thảo luận với nhau. Nếu cần to tiếng thì cứ to tiếng. Nhưng khi ngoại giao bước vào trong hai tương quan này thì không có Thần Khí Chúa, bởi vì thiếu tinh thần tự do. Cần phải có can đảm nói: "Tôi không nghĩ như thế, tôi nghĩ khác" và cũng cần phải có sự khiêm tốn nhận một sửa lỗi. Ðây là điều rất quan trọng. Và Ai là kẻ thù lớn nhất của hai tương quan này? Các bép xép. Biết bao nhiêu lần chúng ta có cám dỗ này trong mình, và ma qủy biết là hạt giống đó đem lại bộng hạt và nó gieo tốt. Và tôi nghĩ không biết nó có phải là một hậu qủa của một cuộc sống độc thân cằn cỗi, không phong phú không. Một người cay đắng không phong phú và bép xép, nói xấu nói hành người khác. Ðó là một không khí không tốt. Chính nó ngăn cản tương quan với Giám Mục và với linh mục đoàn. Các bép xép là kẻ thủ mạnh nhất của giáo phận tính, nghĩa là nền tu đức linh mục giáo phận. Nếu bạn là người trưởng thành và thấy nơi người anh em linh mục điều bạn không thích hay tin rằng sai, hãy đi nói với anh ấy, hay nều thấy anh ấy không chịu được sự sửa lỗi thì trình với Giám Mục hay một người bạn thân ơn của linh mục đó để họ có thể giúp cha ấy sửa mình. Nhưng đừng nói với các người khác: bởi vì điều đó làm hại nhau. Ma qủy hạnh phúc với "bữa tiệc đó", vì chính như thế mà nó tấn công trung tâm tu đức của hàng giáo sĩ giáo phận. Ðối với tôi các bép đép gây ra biết bao nhiệu là thiệt hai. Chúng đã là một thực tại hiện diện trong thời Giáo Hội khai sinh, chứ không phải là điều mới lạ sau Công Ðồng, bởi vì ma qủy không muốn rằng Giáo Hội là một người mẹ phong phú, hiệp nhất và tươi vui. Khi các tương quan giữa linh mục và Giám Mục, giữa linh mục và linh mục đoàn tốt đẹp, thì hoa trái là niềm vui, là dấu chỉ mọi sự hoạt động tốt đẹp. Trong khi sự cay đắng là đấu chỉ không có tinh thần tu đức giáo phận đích thực. Có một lần nọ một linh mục nói với tôi: "Con thấy biết bao lần chúng ta là một Giáo Hội của những người giận dữ, luôn luôn giận dữ người này chống lại người kia. Chúng ta luôn có chuyện để giận dữ".

Ðiều này đem lại buồn sầu và cay đắng: không có niềm vui. Khi trong giáo phận chúng ta thấy một linh mục sống giận dữ căng thẳng như thế chúng ta nghĩ: vị này ăn sáng với giấm chua, buổi trưa ăn rau với giấm chua và ban chiều uống chanh chua". Linh mục đó là hình ảnh Giáo Hội của những người giận dữ. Người ta có thể giận dữ và cũng cần giận dữ một lần. Nhưng tình trạng giận dữ không phải là của Chúa và nó đem lại sự buốn sầu và không hiệp nhất.

Sau cùng là trung thành với Thiên Chúa và với con người đó là hai chiều kích cửa sự siêu việt mà chúng ta đã đề cập tới trên kia. Trung thành với Thiên Chúa, tìm kiếm Người, rộng mở cho Người trong lời cầu nguyện, để rồi rộng mở cho con người với sự tôn trọng, phục vụ con người và kiên nhẫn có lời nói đúng đắn với con người.

(SD 27-7-2014)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page