Dân biểu Hoa Kỳ lên tiếng

về số phận Kitô Giáo tại Iraq

 

Dân biểu Hoa Kỳ lên tiếng về số phận Kitô Giáo tại Iraq.

Hoa Kỳ (VietCatholic News 29-07-2014) - Theo tin Zenit ngày 29 tháng 7 năm 2014, Dân Biểu Cộng Hòa Mỹ, Frank Wolf, một lần nữa lên tiếng tại Hạ Viện về các Kitô hữu và nhiều nhóm thiểu số tôn giáo khác đang bị đe dọa diệt chủng tại Iraq. Ông nói:

Tôi muốn đọc mẩu tin sau đây đăng trên NBCNews.com vào ngày hôm qua. Tựa đề là "Phải chăng người Kitô hữu cuối cùng đã rời thành phố Mosul của Iraq sau 2,000 năm?".

Việc trên đã bắt đầu như thế này: Samer Kamil Yacub chỉ có một mình khi bốn chiến binh duy Hồi Giáo mang súng AK-47 tới trước cửa nhà cụ và ra lệnh cho cụ phải rời bỏ thành phố. Người Kitô hữu 70 tuổi này đã không tuân theo sắc lệnh do Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Syria (ISIS) ban hành. Thành phố Mosul quê hương của cụ Yacub từng tự hào có một cộng đồng Kitô Giáo đã gần 2,000 năm nay. Nhưng rồi các chiến binh, theo khuynh hướng al-Quaeda xúi giục, tràn ngập thành phố vào tháng trước, đã đưa cho các Kitô hữu một tối hậu thư.

Họ có thể ở lại bằng cách trả một khoản thuế hay phải trở lại Hồi Giáo hoặc bi giết. Cụ Yacub, 70 tuổi, là một trong số ít Kitô hữu còn ở lại sau hạn chót vào trưa Thứ Bẩy tuần qua. Có lẽ cụ là người sống sót duy nhất còn lại, nay ra đi. Một chiến binh bảo cụ: "tôi có lệnh giết ông ngay bây giờ". Cụ Yacub kể lại chỉ ít giờ sau khi những người cực đoan Sunni xông vào nhà cụ lúc 11 giờ sáng Thứ Hai. "Mọi người thuộc khu tôi ở đều theo Hồi Giáo. Họ tới giúp tôi, khoảng 20 người tất cả, ngay ở cửa trước nhà tôi. Họ cố gắng thuyết phục ISIS đừng giết tôi".

Các phiến loạn tha cho cụ Yacub nhưng liệng cụ ra ngoài thành phố nơi cụ từng sống suốt đời. Chúng cũng tước thẻ căn cước Iraq của cụ trước khi cho cụ hay chúng sẽ trao nhà cụ cho mấy phụ nữ có tuổi.

Kính thưa ông chủ tịch, đây chỉ là một điển hình của những gì đang diễn ra tại Iraq ngay trước mắt chúng ta. Tận cùng của Kitô Giáo như chúng ta vốn biết đang diễn ra tại Iraq.

Ðây là lần thứ năm trong tuần vừa qua tôi phải đứng giữa phòng (Hạ Viện) để cố gắng lưu ý mọi người tới những gì đang diễn ra. Ðể nói về nạn diệt chủng. Ðây là một cuộc diệt chủng. Vâng, diệt chủng: tận diệt có hệ thống một dân tộc có đức tin bởi những tên cực đoan đầy bạo lực đang tiếm quyền trong vùng.

Các nhà thờ và đan viện đang bị chiếm giữ. Nhiều tòa nhà trong số này bị cướp bóc rồi thiêu rụi. Tuần trước, có nhiều phúc trình cho rằng ISIS đã cho nổ tung ngôi mộ của Tiên Tri Giôna. Các Kitô hữu, bị đe dọa mạng sống nếu không chịu rời bỏ vùng này, đang bị cướp bóc ngay trên đường rời bỏ mảnh đất họ từng sống đã hơn 2,000 năm qua.

Ngoại trừ Isarel, Thánh Kinh nhắc tới các thành phố, các vùng và các dân tộc của Iraq cổ xưa hơn bất cứ quốc gia nào khác. Tổ phụ Ápraham xuất thân từ một thành phố của Iraq gọi là Ur. Nàng dâu của Ixaác, là Rêbécca, xuất thân từ tây bắc Iraq. Giacóp sống 20 năm ại Iraq, và các on trai của ngài, tức 12 chi tộc Israel, sinh tại tây bắc Iraq. Các biến cố trong Sách Étte diễn ra tại Iraq, cũng như trình thuật Ðanien trong hang sư tử. Nhiều Kitô hữu Iraq vẫn còn nói tiếng Aramaic, tiếng của chính Chúa Giêsu.

Ðức Giáo Hoàng đã lên tiếng. Thượng Phụ Ignatius Ephrem Joseph III Younan, giám sát các người Công Giáo Syriac khắp thế giới đã lên tiếng. Ðức Cha Angaelos, Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Coptic tại Vương Quốc Thống Nhất, đã lên tiếng. Ðức Cha Justin Welby, Tổng Giám Mục Canturbury và là nhà lãnh đạo của 80 triệu người Anh Giáo, đã lên tiếng. Russell Moore, nhà lãnh đạo chính của Công Ước Baptist Miền Nam, đã lên tiếng.

Bất kể những nhà lãnh đạo Kitô Giáo nói trên đang lớn tiếng nói về cuộc tận diệt có hệ thống người Kitô hữu tại Iraq, sự im lặng tại thành phố này quả là chói tai. Ðến cả quan tâm, liệu Washington còn có hay không?

Chính Phủ Obama ở đâu cả rồi? Tổng thống đã thất bại.

Quốc Hội ở cả đâu rồi? Quốc Hội đã thất bại.

Thời gian không còn nữa. Các Kitô hữu và các nhóm thiểu số tôn giáo khác tại Iraq đang bị nhắm để tận diệt. Họ cần chúng ta giúp đỡ.

Quả thực, trong thời đại của mình, chúng ta đang chứng kiến ngày tận cùng của Kitô Giáo ở ngay nơi nó đã bắt đầu.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page